Gỗ Giáng Hương là một trong những loại gỗ thuộc loại quý Việt Nam. Chính vì quý nên giá thành của gỗ Giáng Hương không hề rẻ, hãy cùng tìm hiểu xem gỗ Giáng Hương là gỗ gì, có tốt không, ứng dụng của gỗ Giáng Hương nhé.
Tên gọi: Giáng Hương còn có những tên gọi khác như Dáng Hương, Căm Pốt,...
Tên khoa học: Cây Giáng Hương có tên khoa học là Pterocarpus macrocarpus.
Thuộc họ: Cây gỗ thuộc loài thực vật họ Đậu ( Fabaceae ).
Thuộc nhóm: Nhóm I trong bảng xếp hạng nhóm gỗ Việt Nam
Đặc điểm nhận dạng:
Giáng Hương là loài cây gỗ lớn, có thể cao từ 20 đến 30 m, đường kính có thể đạt 90cm hoặc hơn nữa. Tán cây hình ô, cành non có lông mịn, cành già nhẵn. Vỏ màu nâu xám, dày khoảng 1,5 - 2cm, nứt dọc, bong vảy lớn, thịt vỏ màu hơi vàng, khi khoét vỏ chúng ta có thể thấy nhựa màu đỏ tươi chảy ra.
Lá cây Giáng Hương là loại lá kép, mọc cách, xếp so le với nhau, hình lông chim. Hoa màu vàng mọc thành chùm ở nách lá. Mỗi chùm hoa dài từ 7 đến 10cm và thường có khoảng 20 – 25 bông. Quả của loài cây này có hình tròn. Hạt hình lưỡi liềm và khi chín có màu vàng nâu.
Đặc điểm sinh học, hình thái:
Giáng Hương thường sinh trưởng trong 2 kiểu rừng chính là rừng bán thường xanh và rừng khộp. Cây Giáng Hương có thể phát triển trên nhiều loại đất khác nhau nhưng tốt nhất là trên đất có thành phần cơ giới nhẹ và thường sống ven sông nơi gần nguồn nước. Thường mọc ở độ cao từ 100-800m so với mực nước biển, chịu được điều kiện mưa nhiều và biên độ nhiệt lớn, nhiêt độ tương đối cao.
Phân bố:
Ở Việt Nam, Giáng Hương cũng có mặt trong hai kiểu rừng là rừng khộp và rừng bán thường xanh tập trung ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Bộ như Phú Yên, Đắk Lắk, Kon Tum, Đồng Nai, Tây Ninh, Gia Lai. Thường thấy ở những nơi có độ cao so với mực nước biển từ 20 m đến 680 m, tập trung ở những nơi có địa hình tương đối bằng phẳng, Mọc trên nhiều loại đất như đất xám, đất đỏ bazan, chịu được điều kiện đất khô xấu thích hợp với những vùng có khí hậu chia thành 2 mùa mưa và khô rõ rệt.
Xuất xứ :
Cây Giáng Hương khởi nguồn là một loài cây bản địa ở các nước Đông Nam Á mà chủ yếu là ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, Malaysia và một số quốc gia ngoài Đông Nam Á như Nam Phi, Ấn Độ, Argentina.
Đặc điểm, màu sắc và vân gỗ :
Gỗ có lõi và giác phân biệt, giác màu vàng nhạt, lõi màu nâu vàng, gỗ chắc, không mối mọt, ít bị nứt nẻ, thớ gỗ và vân rất đẹp, bền và có mùi thơm dễ chịu, khả năng hấp sấy khô chậm nhưng dễ khô kiệt, lõi cứng hơi khó gia công.
Ứng dụng của gỗ Giáng Hương :
Gỗ Giáng Hương có độ bền cao, màu sắc đẹp và được thị trường vô cùng ưa chuộng. Gỗ Giáng Hương nặng trung bình, thuộc loại gỗ quý, dùng được trong xây dựng, đóng đồ dùng cao cấp, bàn ghế, đồ mỹ nghệ đều có giá trị cao hơn so với những loại gỗ thông thường khác.
Ngoài ra, gỗ Giáng Hương còn dùng để đóng đồ nội thất như giường, tủ, bàn ghế và sàn gỗ tự nhiên.
Tuy nhiên không chỉ như vậy, vỏ của Cây Giáng Hương có chứa tanin và nhựa của loài cây này có màu đỏ còn có thể dùng để nhuộm quần áo.
Tình trạng nguồn tài nguyên:
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là tại Việt Nam, loài cây Giáng Hương đang bị khai thác một cách quá mức và bừa bãi tại các rừng tự nhiên, kết quả là chúng phải được liệt vào sách đỏ các loài thực vật quý hiếm cần bảo tồn.
Giá thành :
Gỗ Giáng Hương là một trong những lựa chọn đầu tiên của những người đam mê đồ gỗ. Với mức giá cao ngất ngưởng lên đến vài chục triệu hoặc có thể là vài trăm triệu đồng cho 1 mét khối gỗ hương, và do số lượng ngày càng khan khiếm cho nên khả năng tiêu thụ loại gỗ này khó hơn nhiều so với những năm trước đây.
Giá trị của gỗ Giáng Hương rất khó ước lượng. vì nó phụ thuộc vào tuổi của cây gỗ, bởi màu sắc gỗ có sự chuyển biến thông qua độ tuổi. Cây càng trưởng thành thì màu sắc gỗ càng thắm và sắc nét, hương thơm càng ngây ngất và giữ được lâu. Giá trị kinh tế của cây gỗ Giáng Hương lâu năm có thể lên đến gấp đôi, thậm chí gấp ba so với những cây gỗ non.
Dù gỗ Giáng Hương chỉ có duy nhất một loại, không hề có dòng nào khác (đôi khi là gần giống), nhưng vì tâm lý sính ngoại, chuộng đồ ngoại của người Việt mà các loại gỗ Hương nhập khẩu từ nước ngoài như Nam Phi, Ấn Độ lại có giá cao hơn so với gỗ hương trong nước, đó là chưa kể đến các loại chi phí vận chuyển.
Do tình trạng khác thác quá nhiều cũng như bị phá hoại do quá trình mở rộng đất nông nghiệp nên Giáng Hương ngày càng trở nên khan hiếm. Để duy trì nòi giống cây Giáng Hương cũng được trồng rộng rãi khắp các vùng nhiệt đới. Những năm gần đây cây giáng hương được trồng ở các khu đô thị, khu dân cư, đường xá ở Việt Nam. Tuy nhiên, để có thể gìn giữ được nòi giống quý hiếm này mỗi một người trong chúng ta cần có ý thức bảo vệ rừng hơn.
Uống Trà Thôi
(Sưu tầm internet)