Khái niệm "thạch hoàng" hiện tại chúng ta hay gọi không phải là để chỉ "thạch hoàng nê" được gọi trong thời nhà Minh và nhà Thanh. Như trong các bài viết trước về hồng nê đã được giải thích, "thạch hoàng nê" trong thời nhà Minh và nhà Thanh là để chỉ "tiểu hồng nê" hiện tại. Ghi chép trong "Dương Tiện minh hồ hệ" của Chu Cao Khởi vào thời nhà Minh và "Dương Tiện danh đào lục, về nguyên liệu chế tác" của Ngô Kiển vào thời nhà nhà Thanh cho biết: "Thạch hoàng nê, khai thác từ núi Triệu Trang, là phần thạch cốt, chưa tiếp xúc nắng gió. Đồ gốm sau khi nung có màu chu sa".
Khái niệm "Thạch hoàng"ngày nay để chỉ một loại khoáng chất hoặc thành phần đất sét có màu tự nhiên. Quặng thô thạch hoàng nằm rải rác trong khoáng tầng nộn nê (đất sét non), là một loại vật chất khoáng tự nhiên được hình thành do quá trình phong hóa lâu dài của nộn nê, cấu tạo bao gồm đất sét, đá phiến sét và các loại đá argillaceous giàu pyrit khác (Chú thích của người dịch: Pyrit hay pyrit sắt, là khoáng vật disulfide sắt với công thức hóa học FeS2. Pyrit có ánh kim và sắc vàng đồng từ nhạt tới thông thường). Tên khoa học của nó là nốt pyrit, thường được tìm thấy trong lớp đá bùn và đá phiến sét (Hình 5-72). Theo đặc điểm thực tế của trữ lượng và phân bố, nhận định này hoàn toàn có tính khoa học.
"Thạch hoàng" có cấu trúc đá quặng, thường được hình thành dưới dạng các nốt sần hình trứng, tròn hoặc hình trụ, hình quả nho. Hình dạng và kích thước của các khoáng chất khác nhau khi chúng được tạo ra, và hình dạng quả trứng là đại diện nhất. "Thạch hoàng" hình trứng thông thường của nó có vỏ, lớp áo và lõi. Vỏ cứng như sắt, phần lớn có màu nâu đỏ, nhân có hình dạng giống như lòng đỏ trứng nên được gọi là thạch hoàng (Hình 5-74).
Nếu vỏ bên ngoài và lõi bên trong có màu đỏ tím thì được gọi được gọi là "Thạch hồng" (Hình 5-76). Hình dạng và kích thước của "thạch hồng" rất đa dạng, từ hình quả trứng màu nâu đỏ đến hình khối mạt chược. Phần lớn lõi vẫn được bao phủ bởi màu vàng của đá.
"Thạch hoàng" và "thạch hồng" có trữ lượng ít, hàm lượng cát nhiều và độ dẻo thấp, các vật liệu khoáng đơn không thích hợp để chế tác đồ gốm, chúng thường được nghiền thành bột và phối chung với các vật liệu khoáng khác để cải thiện màu sắc của chúng. Một số loại khoáng tử sa nguyên bản nếu mang chế tác ấm tử sa, sau khi nung sẽ cho bề mặt rất thô ráp không trơn nhẵn, thường được gọi là không có “thuỷ sắc”, sẽ phải sử dụng thạch hoàng để "điểm" (đẩy) màu, do đó với phương pháp chế tác ấm tử sa truyền thống, thạch hoàng được coi là báu vật. Tử sa nê được phối thêm thạch hoàng có tác dụng giảm nhiệt độ nung, tăng màu sắc và tăng cảm giác ẩm của bề mặt da ấm.
Ông Phan Trì Bình gọi "Thiên thanh, thạch hoàng - là loại khoáng tốt nhất", còn đại sư Cố Cảnh Chu thì gọi "thạch hoàng" là "yên biệt chỉ" (kết tinh của khí trời). Thạch hoàng và thạch hồng có hàm lượng ion sắt rất cao, sau khi nung có màu đỏ của ion sắt, nên thường được dùng để làm chất tạo màu. Ngày xưa do việc kiểm soát nhiệt độ lò nung rất khó nên thạch hoàng sau khi nung ở nhiệt độ cao phần lớn có màu đen, cho nên khi khai thác, nó bị coi là phế liệu, đồ vứt đi. Vì vậy, theo những lời những người cao niên kể lại, đại sư Cố Cảnh Chu và đại sư Vương Dần Xuân có quan điểm phân loại khác nhau về "thạch hoàng". Đại sư Vương Dần Xuân cho rằng "yên biệt chỉ" là hồng nê còn đại sư Cố Cảnh Chu lại phản bác rằng "Yên biệt chỉ" không phải là hồng nê, bởi vì khi nung cho màu tím và đen. Khoáng tử sa kì ảo như bầu trời đêm, cả hai đại sư đều không sai, chỉ là cách nhìn của họ khác nhau.
SG, 06/09/2021
Lão Tà - An Nhiên Tịnh Quán
(dịch từ "Dương Tiện minh sa thổ" - Lưu Ngọc Lâm)
----------------------------------------------
Quý trà hữu có thể tải ứng dụng cho thiết bị di động của mình để được update thêm nhiều bài viết hơn từ trang web theo đường link sau:
- iOS: https://apps.apple.com/app/id1577084612
- Android: https://play.google.com/store/apps/details?id=com.uongtrathoi.androi