"Đây là một “ốc đảo” cho những tâm hồn cần một chốn lặng yên như mình tự vun đắp, thật nhỏ mà cũng thật mong manh."
Lần này mình chia sẻ với Mê Tranh tác phẩm Quây Lại Lặng Yên mà mình mới hoàn thành gần đây.
Có người bảo, tranh của mình thấm đẫm nỗi cô đơn, một nỗi cô đơn xanh rờn hơn cả cỏ cây, đỏ tươi hơn cả màu ngói và tím ngát màu thời gian. Nỗi cô đơn ấy như một vệt màu vô tình dây ra giữa một khối màu rực rỡ mà kéo dài bất tận, mà ám ảnh khôn nguôi.
Ý tưởng cho bức tranh này đến từ những lần mình đi vòng quanh Hồ Tây, ngửi mùi sen thoang thoảng cuối hè. Nhìn ra thật xa bên kia bờ là hàng cần cẩu nối dài với những công trình đang được quây rào xây. Mình nhận thấy càng ở trong sự phát triển, thay đổi không ngừng và nhanh chóng mình càng hoài niệm những hình ảnh xưa. Những ký ức cũ lưu lại trở nên yên bình, hiếm hoi và là một nơi chốn bình an để ẩn náu khỏi những gấp gáp của cuộc sống hằng ngày. Mình vốn thích sưu tầm, nhặt nhạnh nên đôi khi ra công viên thấy bụi cây hay lạ mình lại về cho thêm vào, điều chỉnh trên phác thảo. Cả quá trình có lẽ giống như việc trồng một khoảnh vườn từ khâu làm đất, chọn cây đến khi cây cối sinh sôi nở hoa và hình thành một hệ sinh thái nhỏ. Mỗi chi tiết trong Quây Lại Lặng Yên đều là một cái hồn riêng. Mọi thứ trong tranh, từ cây hoa ngọn cỏ, con cò đều được mình thêm dần theo thời gian. Đây là một “ốc đảo” cho những tâm hồn cần một chốn lặng yên như mình tự vun đắp, thật nhỏ mà cũng thật mong manh.
Mình xin chia sẻ một chút về chất liệu và kỹ thuật. Không giống như bề mặt chất liệu kín như giấy và canvas, lụa được dệt từ tơ tằm. Chất liệu lụa tơ sống mỏng, nhìn xuyên thấu do luôn có độ thưa giữa các sợi lụa. Với tác phẩm này mình đã đặt loại lụa dệt riêng, được chập sợi tơ nhiều hơn, nên bề mặt lụa mau và mịn hơn. Trên cùng một kích cỡ, tranh lụa khó thể hiện được chi tiết, vì đặc đính thuyên xấu, và độ thưa giữa các sợi, nên giai đoạn sau này mình chuyển sang vẽ khổ to để có thể thể hiện được nhiều nội dung, ý tưởng đầy đủ.
Các tác phẩm lụa của mình đều qua khâu “cầu kỳ” là rửa lụa. Đây là kỹ thuật mình được biết đến từ các anh chị cùng trường và tìm hiểu, thực hành theo cách riêng của mình. Nói là cầu kì vì mình không nhớ được rằng trong bức tranh này đã rửa qua bao nhiêu lớp màu, rồi lại tô lại bao nhiêu lần nữa từng cành cây chiếc lá để cuối cùng thể hiện lên một lớp màu nhẹ mỏng thấm vào từng sợi tơ mảnh.
Để dễ hình dung, bạn có thể tưởng tượng bề mặt tranh được dệt từ nhiều sợi tơ. Những sợi tơ lụa, khi được ngấm màu sẽ hiện sắc cả trước và sau mặt tranh giống như vải nhuộm màu. Đây cũng là công đoạn tạo nên hiệu ứng sống động cho người xem tranh ở nhiều góc độ. Hiệu ứng loang màu sau khi được rửa và tô lại nhiều lần cũng sẽ chuyển sợi tơ từ màu tơ ngà nguyên bản chuyển sang màu mới, nhìn sâu và đằm nhưng đường ranh giới của màu thì rất êm. Mình vẫn nhớ cái lúc mình ngẩn ra ngắm một vệt “sương” màu lam nhẹ nhàng loang trên mặt lụa được hình thành sau nhiều lần tô lại và rửa để làm nó mềm đi được như vậy.
- - -
Tác phẩm: Quây lại lặng yên / 90 × 65 cm
Họa sĩ: Quỳnh Chu