Mới đây, họa sĩ trẻ Trần Nguyên (sinh năm 1990) đã khiến cộng đồng mạng trầm trồ trước vẻ đẹp không lời từ những bức tranh tái hiện chân thực khung cảnh làng quê Bắc Bộ mộc mạc, thanh bình. Tác phẩm đặc biệt gây xúc động mạnh với những người con xa xứ.
Sinh ra và lớn lên tại huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, chàng trai sinh năm 1990 đã ấp ủ niềm đam mê mãnh liệt với cọ vẽ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường những năm Tiểu học. Hoài bão lớn dần theo thời gian, Nguyên quyết định theo học chuyên ngành Thiết kế Mỹ thuật Điện ảnh, trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Về sau, năm 2014, Nguyên thử sức với công việc sản xuất 3D Animation cho một công ty game trong vòng một năm rưỡi. Cảm thấy gò bó, Nguyên quay trở lại làm họa sĩ tự do để có thể tung tẩy trong nguồn cảm hứng sáng tạo bất tận.
Họa sĩ trẻ cho biết, để đi dài lâu trên con đường nghệ thuật này, anh đã không ngừng học hỏi nhằm khơi tìm cho mình một đề tài phù hợp nhất. Quyết định chọn đề tài làng quê Việt Nam là “chất bột để gột nên hồ”. Nguyên chia sẻ: “Xuất thân là con nhà nông, được sống và làm việc trên mảnh đất quê hương nên hình ảnh về cuộc sống thôn dã rất gần gũi và đã in sâu vào ký ức của mình. Chọn đề tài này cũng là vì mình muốn các bạn trẻ thấy được nét đẹp văn hóa xưa ở nông thôn, còn những người xa xứ qua đó có thể trở về với những kỉ niệm thiêng liêng ngày thơ bé”.
Nguyên cho biết, anh gặp khó khăn trong việc sáng tác vì bối cảnh làng quê hiện nay đã bị bê tông hóa theo thời đại. Kiến trúc nhà ở ngày xưa không còn nguyên trạng, hầu hết đều được sửa sang. Vì vậy, Nguyên đã tái hiện khung cảnh làng quê bằng hồi ức tuổi thơ, song song là đi vẽ trực họa tại các khu làng cổ ở Hà Nội như làng cổ Đường Lâm, làng Cự Đà, làng Đông Ngạc và các tỉnh, thành ở miền Bắc. Anh mong muốn có thể sáng tạo ra một tác phẩm đạt giá trị thẩm mỹ cao độ nhưng trên hết vẫn không xa rời bối cảnh lịch sử.
Từ tình yêu nồng đượm với làng quê, hơn 50 tác phẩm với chủ đề về quê hương và gia đình đã ra đời. Nguyên sử dụng chất liệu sơn dầu, Acrylic để vẽ theo lối tả thực, song song là phủ lên tranh gam màu trầm để tạo nên khung cảnh làng quê đầy hoài niệm. Các tác phẩm của Nguyên được điểm xuyết bởi màu nắng vì theo anh, hình ảnh này sẽ làm cho tranh thêm phần sinh động và giàu sức gợi. Những chi tiết khác như triền đê, đường làng, ngõ nhỏ được Nguyên khắc họa tỉ mỉ đến từng đường nét.
Ngoài ra, con người chính là hình tượng xuyên suốt trong các tác phẩm của Nguyên, đặc biệt là người phụ nữ. Anh chia sẻ: “Bà, mẹ và chị đã trở thành hình ảnh rất thân thuộc trong ký ức của mình. Họ là những người phụ nữ chân chất, mộc mạc và rất chịu thương chịu khó khiến cho mình cả đời này không bao giờ quên. Đem hình ảnh họ vào tranh cũng chính là cách để mình tôn lên vẻ đẹp bình dị của người phụ nữ Việt từ bao đời nay”.
Nguyên "bật mí", sau mỗi tác phẩm, bố sẽ là người sáng tác thơ để đem vào làm lời bình tranh của anh. Từ đó, anh quan niệm, trong họa có thơ, trong thơ có họa, cả thi ca và hội họa luôn song hành cùng nhau để làm tròn đầy ý nghĩa của tác phẩm. Vì vậy, khi Nguyên đăng tải bộ tranh, người xem còn rung động trước những tứ thơ dạt dào cảm xúc. Là một người trẻ, khi thưởng thức tranh của Nguyên, bạn Đào Minh Tú cho biết: “Tranh của anh gợi lên một vẻ đẹp trầm mặc, buồn man mác nhưng cũng rất đỗi mơ mộng và thi vị. Những hình ảnh đó giờ đây cũng ít đi hẳn nên xem tranh của anh, mình như được quay về với tuổi thơ”.
Nói về dự định sắp tới, chàng họa sĩ trẻ cho biết bản thân sẽ cố gắng tổ chức được một triển lãm cá nhân trưng bày những bức tranh về làng quê. “Mình muốn người xem không những được kết nối bền chặt với những giá trị xưa cũ mà trên hết, mình còn mong những tác phẩm của mình sẽ là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa của dân tộc”, Nguyên thổ lộ.
Uống Trà Thôi
Theo tienphong.vn