Trà là thức uống quen thuộc của người dân Việt Nam. Sau cây lúa, trà là loại cây gắn bó đặc biệt với người Việt. Tách trà nghi ngút khói có mặt trong mỗi gia đình, mọi nghi lễ từ cưới hỏi, thượng thọ đến ma chay, giỗ chạp… Có thể nói trà là bạn của người Việt, không phân biệt giàu sang, nghèo hèn.
Nguồn gốc là trà
Trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử loài người, trà hiện hữu từ rất sớm và đã trở thành loại thức uống có tầm ảnh hưởng. Thậm chí, có thời kỳ từng được ví von "trà là thức uống khiến cả thế giới phát cuồng".
Xét về khía cạnh lịch sử trà có nguồn gốc từ khu vực châu Á, chủ yếu là ở Tây Nam Trung Quốc và Bắc. Thời gian con người sử dụng trà chính xác từ bao giờ thì không ai biết, tuy nhiên được ước chừng là dưới triều nhà Thương (1600 TCN - 1046 TCN).
Theo truyền thuyết cổ của Trung Quốc, trà là do Thần Nông - một trong Tam Hoàng của văn hóa Trung Hoa tìm ra. Một huyền thoại khác của người Hoa Nam lại kể rằng Đức Đạt Ma Sư Tổ của Thiền phái Thiếu Lâm Tự Trung Hoa. Ông đã ngủ quên trong lúc tọa thiền nên tức giận tự cắt mí mắt của mình quăng xuống đất và nơi ấy mọc lên một thứ cây kỳ lạ. Hái lá nấu nước uống khiến cho tâm hồn tỉnh táo, được gọi là Trà. Từ đó trà trở thành thức uống thông dụng của thiền môn.
Khác với truyền thuyết, các nhà khoa học nghiên cứu về lịch sử và sinh học xác định được vùng đất nguyên sản của trà ở một nơi hiện nay là tại vùng Vân Nam (Trung Quốc - sát biên giới Việt Nam), Thượng lào, Bắc Thái Lan và vùng Tây Bắc Việt Nam, đây là là nơi khởi nguồn của cây trà cổ.
Ở thượng nguồn sông Mekong, dòng sông Lan Cang (tên gọi ở Trung Quốc) có một khu vực đặc biệt có đến 7 loại khí hậu trong ngày. Quanh năm nhiều mưa, nhiều nắng, nhiệt độ chênh lệch lớn, thích hợp rất thích hợp cho việc phát triển của cây trà. Trong một khu vực, gần Phổ Nhĩ (cách Việt Nam 50km) có đến 20 núi trà cổ tập trung. Đây chính là khu vực hình thành những lá trà đầu tiên trên thế giới.
Thú vui thưởng trà của người Việt
Nghệ thuật uống trà của người Việt xưa được gói lại trong hai câu thành ngữ: "Nhất thủy, nhì trà, tam bôi, tứ bình, ngũ quần anh" và "rượu ngâm nga, trà liền tay". Có nghĩa là chén trà rót ra phải uống ngay cho nóng, mới thơm, mới cảm nhận đủ dư vi. Tay nâng ly trà, nhấp từng ngụm thưởng thức trà bằng tất cả tâm hồn. Những cảm xúc giác quan, mắt nhìn, mũi ngửi, tai nghe, lưỡi nếm, tay cầm đều tạo nên nét độc đáo trong thú thưởng trà. Một chén trà ngon cũng làm lay động những sâu kín trong tâm hồn con người, nhưng cái lay động của hương vị trà đem lại sự dịu dàng, hòa cùng thiên địa.
Uống trà đúng cách phải trải qua các giai đoạn sau: Đầu tiên phải tráng trà cùng ấm bằng nước sôi vì trong quá trình làm trà đôi khi có bụi, tráng để tẩy chất bẩn. Tùy theo từng loại trà mà dùng nước sôi 100 độ hay 80 độ. Trước khi rót trà cho từng người thì phải đổ ra chén tống để tránh trường hợp người uống đậm người uống nhạt. Khi đổ trà ra tống phải rót qua đồ lược trà để loại bỏ bã trà.
Người Việt thưởng trà đã đưa những điều cầu kỳ, những lễ nghi phức tạp cô đọng lại trong sự giản dị, gần gũi nhưng cũng không mất đi nét tinh tế.
Một tách trà cũng đủ gói trọn tinh hoa văn hóa. Thưởng trà là một nghệ thuật, tổng hòa được sự tinh tế, tao nhã trong từng thao tác. Chính vì vậy, người Việt thường quan niệm rằng thưởng trà chính là ta đang đào sâu văn hóa để tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn.
Uống Trà Thôi
Theo tạp chí kinh tế