Ở Việt Nam, trà là thứ không thể thiếu từ xưa trong mỗi nếp nhà. Cây trà gắn bó mật thiết với cuộc sống giản dị chân chất của người Việt Nam, là thức uống thường nhật xuất hiện trong hầu hết gia đình người Việt từ những dịp quan trọng đến ngày thường.
Trà mọc từ đất, được hưởng trọn vẹn sự giao hòa của thiên nhiên vào thân hình mỏng manh của mình. Như một định mệnh, văn hóa uống trà cũng là sự kết tinh giữa con người và đạo lý ngàn đời của người Việt. Tách trà nối kết người với người, giúp người trở về cái thiện và sự thanh tao, giúp gia đình và đất nước hòa vào làm một, giúp truyền thống của người Việt cứ nhẹ nhàng chảy mãi trong đời sống bộn bề này
Văn hóa uống trà đã xuất hiện từ rất lâu trong đời sống của người Việt. Trà có mặt trong các dịp đặc biệt như lễ cúng đình linh thiêng, ma chay, cưới hỏi cho đến sự bình dị ở hàng quán ven đường. Tách trà không phân biệt sang hèn: xuất hiện trong cả ngôi nhà giàu sang và mái nhà tranh, vách lá.
Trong gia đình mỗi người Việt bất kể tầng lớp nào, cũng đều có một bộ ấm trà được pha sẵn đặt ngay ngắn trên bàn khách. Người giàu có thì đặt trà trong ấm vàng, ấm bạc. Nhà khó khăn thì giữ trà trong chiếc bình đơn sơ với vài ba cái cốc thủy tinh đâu đó đã sờn. Nhưng cái quan trọng hơn chuyện cái bình, cái ấm, là cách mà người Việt chăm chút từng lá trà, nấu từng ngụm nước pha trà và kỳ công giữ nóng ấm trà. Tốn nhiều công sức với trà, nhưng họ không giữ cho riêng mình. Người Việt lấy trà để mời nhau, để mở đầu những câu chuyện thân tình bên ly trà thơm lừng bốc khói, để câu từ được thấm vào với vị thanh của trà, làm lời lẽ thốt ra cũng đẹp đẽ và nhẹ nhàng. Nhờ vậy, người với người gần gũi nhau hơn.
Chén trà đã đưa nhà thơ Tùy Anh trong những ngày xa xứ, trở về với nếp sống thân thương nơi Cố đô Huế với hình bóng người mẹ hiền, bát nước chè xanh mang đầy hương vị quê hương!
"Bát nước chè xanh
Mẹ dành cho mỗi sáng
Con thường uống cạn trước khi đến trường...
Con đã xa khung trời kỷ niệm
mỗi lần nhớ bát nước chè xanh
Nhớ về mẹ có đôi mắt trìu mến
Vẫn còn in trong bát nước long lanh..."
Nghệ thuật uống trà của người Việt phản ánh rõ nét tính cách và đạo lý của con người Việt Nam. Trong gia đình, người trẻ pha trà cho người già, thể hiện truyền thống kính trọng người lớn. Vợ chuẩn bị sẵn ấm trà nóng cho chồng, nói lên bài học về tình yêu thủy chung và sự chu đáo của người phụ nữ nước Nam. Những năm tháng bể dâu của đất nước, người Việt vẫn mời nhau chén trà, miếng bánh dẫu ai cũng đang trong những bộn bề khó khăn. Chén trà lúc này đã thoát khỏi phạm vi gia đình, lan rộng hơn vào tình làng, nghĩa xóm. Những chén trà xua tan cái khát, cái nóng được trao nhau bằng cả sự chân thành giữa đồng bào máu mủ. Chén trà mang dư âm của tình yêu quê hương, đất nước, được chắt chiu từ những thứ giản dị như sương mai và đọng lại mãi trong dòng chảy thời gian của cuộc đời.
Ngày nay, với sự phát triển nhanh của đất nước, người ta cứ ngỡ trà đã bị lãng quên. Nhưng mỗi khi gia đình sum họp, nhìn ấm trà vẫn nằm chỉn chu trong bàn khách, ta mới chợt nhận ra những giá trị nguyên thủy từ xưa của trà vẫn còn đó. Người Việt vẫn dâng trà cúng gia tiên, tách trà vẫn trao nhau cùng miếng bánh, miếng gừng. Người ta vẫn dùng trà làm đầu câu chuyện, vị trà vẫn duy trì những mối quan hệ đã có và gắn kết những mối quan hệ mới với nhau.
Trà của người Việt vừa mang tính thanh cao, thư nhàn, vừa có sự dân dã, mộc mạc, không muốn gò bó trong một khuôn mẫu cứng nhắc nào, phản ánh một tư duy tổng hợp, một sự hỗn dung hài hòa và khôn khéo trong văn hóa người Việt.
Uống Trà Thôi
Theo đời sống tiêu dùng