Tại phiên đấu giá Southeast Asian Modern & Contemporary Art của nhà Bonhams (Hong Kong, Trung Quốc) vừa diễn ra, 2 tác phẩm của các danh hoạ Việt Nam đã cán mốc 1 triệu USD. Điều này đã khiến Hội hoạ Việt nâng cao thêm uy tín giá trị trên thị trường một cách công khai.
Trong đó, tại lô đấu giá thứ 17, bức tranh lụa Nguyệt Cầm của danh hoạ Mai Trung Thứ (Khổ 73cm x 61cm được vẽ năm 1943) đã được bán với giá 7.812.500 HKD (hơn 1 triệu USD). Đáng nói, Nguyệt Cầm ban đầu chỉ được ước định giá vào khoảng từ 1.200.000 HKD đến 2.200.000 HKD. Với việc được bán hơn 1 triệu USD, bức tranh đã tăng giá lên tới trên 650%.
Một chi tiết khá thú vị trong Nguyệt Cầm là danh hoạ đã thể hiện trong bức tranh một cuốn sách nhỏ màu đỏ có tên là Ngọc Hoa. Đây là nhân vật chính trong truyện thơ Nôm mang tên Phạm Tải - Ngọc Hoa, một tác phẩm khuyết danh nổi tiếng vào thế kỷ 18 với nội dung kể về mối tình tuyệt đẹp, đậm tính sử thi của Ngọc Hoa và Phạm Tải.
Tác phẩm thứ 2 là bộ sơn mài mang tên Hoàng hôn trên vịnh Hạ Long (Vẽ khoảng năm 1938 - 1945) của danh hoạ Phạm Hậu đã được bán với giá bán 9.732.500 HKD (hơn 1.247.937 USD). Giá ước định ban đầu của tác phẩm này từ 2.800.000 HKD đến 3.800.000 HKD và việc được bán với giá trên đã khiến tác phẩm tăng giá khoảng 340%. Theo lai lịch của tác phẩm, bộ sơn mài Hoàng hôn trên vịnh Hạ Long đã từng thuộc về vua Bảo Đại - Vị vua cuối cùng của triều đình phong kiến tại Việt Nam.
Năm 1951, Hoàng hôn trên vịnh Hạ Long đã được Bảo Đại tặng cho nhà báo Mỹ có tên Edgar Ansel Mowrer (Người từng đoạt giải báo chí mang tên Pulitzer) khi nhà báo trên đến thăm Bảo Đại tại Đà Lạt. Cùng với tác phẩm còn có tấm bưu thiếp có nét bút của Bảo Đại ghi tặng.
Đặc biệt hơn, danh hoạ Phạm Hậu có rất ít tác phẩm về vịnh Hạ Long, và Hoàng hôn trên vịnh Hạ Long là tác phẩm thứ 2 được nhiều người biết đến. Chính vì thế bộ sơn mài trên càng thêm giá trị bởi sự quý hiếm.
Được biết danh hoạ Phạm Hậu (1903 - 1994) thuộc thế hệ các hoạ sỹ theo học tại trường Mỹ thuật Đông Dương cùng với các danh hoạ như Trần Bình Lộc, Nguyễn Đỗ Cung, Trần Quyền, Nguyễn Văn Thuần, Trần Văn Cẩn... Năm 1932, Phạm Hậu chuyển hướng phát triển kỹ thuật vẽ tranh sơn mài và ông là người lập xưởng tranh chuyên sơn mài đầu tiên tại Việt Nam. Ông đã soạn thảo văn bản giáo khoa đặt nền móng lý thuyết cho việc dạy học về nghệ thuật sơn mài đồng thời trực tiếp giảng dạy tại trường Quốc gia Mỹ nghệ.
Phạm Hậu cũng nổi tiếng với nhiều tác phẩm sơn mài được bán giá triệu USD, trong đó 2 bức Phong cảnh thuyền buồm và Chùa Thầy đều được bán với giá một triệu USD/bức. Còn bức sơn mài Chín con cá chép trong hồ nước đã được bán với giá 1,168 triệu USD.
Uống Trà Thôi
Theo tienphong.vn