/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Thành Chương – Sức mạnh tiềm ẩn
Thành Chương – Sức mạnh tiềm ẩn
08:49, 05/03/2022 Team Uống Trà Thôi HOẠ SĨ
Thành Chương, với một số lượng tác phẩm đồ sộ gần đây, đã chứng tỏ sức làm việc của ông chưa bao giờ giảm. Đều đặn mỗi năm, ông vẫn sáng tác hàng trăm tranh, theo nhiều xê-ri, hầu hết là tranh khổ lớn. Chỉ trong vòng một đêm, theo đề nghị của một nhà xuất bản Nhật Bản, ông đã có thể hoàn thành toàn bộ phần minh họa cho cuốn “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài.

Điều đáng nói ở đây, là hệ thống thẩm mỹ của Thành Chương (đúng là ông có một hệ thống thẩm mỹ như vậy) thường hết sức chặt chẽ, nó đòi hỏi nhiều kinh nghiệm, kỹ năng và công phu trong sáng tác. Bởi vậy số lượng đối với Thành Chương không bao giờ chỉ là vấn đề số lượng, mà là một số lượng được đảm bảo bằng lao động và trách nhiệm đối với nghệ thuật.

Rất nhiều người thích tranh của Thành Chương, thậm chí có người chỉ biết và thích cái tên của ông. Ồ, Thành Chương quả là một họa sĩ nổi tiếng, và ông cũng luôn luôn muốn ứng đáp sự ngưỡng mộ mà người ta đã dành cho ông.

Năm 2017, Đinh Dậu, Thành Chương quay về vẽ một xê-ri tranh “Gà”, để kỷ niệm đúng 60 năm ra đời bức tranh “Con gà tồ” của ông (và sự kiện này làm gợi nhớ tới chủ đề “Chim câu” trong hội họa Picasso, một chủ đề mà trong sự nghiệp của Picasso, chính Picasso cũng đã quay trở lại sau khoảng chừng ấy năm). Cho dù không thể tách rời các hình thức thể hiện với tâm thế “tức thời” của người nghệ sĩ trong từng thời kỳ vẽ- mà thường là rất khác nhau, nhưng cũng không thể nói những đột hứng cách xa nhau đến như vậy về mặt thời gian trên cùng một chủ đề không có mối liên hệ nào với nhau. Một mối liên hệ như vậy, hẳn là có, nhưng rất hiếm, và chỉ được sinh ra từ những sức mạnh bí ẩn.

Người ta thường nhắc và luôn luôn nhắc, Thành Chương là con trai của nhà văn Kim Lân (tác giả của “Làng”). Nhưng hình như ít có ai nhắc đến cái “lề” văn hóa chung của hai cha con ông. Hay nói khác đi, ảnh hưởng văn hóa của nhà văn Kim Lân đến Thành Chương là vô cùng lớn, chỉ có phương tiện nghệ thuật của họ là khác nhau. Trong hội họa Thành Chương, nếu nói về một Tinh thần của Nơi chốn, thì đó chính là tinh thần của những ngôi làng cổ Kinh Bắc, quê hương ông. Và mọi ảnh hưởng khác, đặc biệt ảnh hưởng của nghệ thuật hiện đại mà Thành Chương tiếp nhận, đều bị “thao túng” bởi cái tinh thần ấy.

Có người nói: Thành Chương là một nghệ sĩ, thay vì biến giấc mơ thành hiện thực (theo lẽ thường), ông lại biến hiện thực thành giấc mơ.

“Hiện thực” của Thành Chương, phải chăng, là hiện thực “làng”, với tất cả tinh túy, tinh hoa văn minh, văn hóa vốn có của nó.

Sự thật, thì Thành Chương đã quay về vốn cổ tạo hình dân tộc, đặc biệt là nghệ thuật điêu khắc đình chùa thế kỷ 17 và tranh dân gian Đông Hồ, và bằng tư duy và kỹ năng từng trải “hiện đại”, ông đã lập nên một hệ thống những mẫu biểu tượng gốc: “chân dung tự họa” và “mục đồng”, trong điều kiện có thể diễn đạt chúng, đơn giản và mạnh mẽ- thuần túy với ngôn ngữ triệt để của đồ họa.

Tranh của Thành Chương hầu như không có bối cảnh, chỉ có nền và hình tượng, và giữa nền và hình tượng cũng không phân định rõ rệt, một phong cách pha trộn lập thể – siêu thực, giữa hình sinh học và hình hình học, mang tính chủ quan, áp đặt, nhưng rất vào mắt. Chất thơ, ở đây, dường như được tạo ra từ ánh sáng, một thứ ánh sáng tự thân, hơi huyền bí, vừa do màu, vừa do sức rung của đậm nhạt, nó làm cho người xem không biết người họa sĩ vẽ ngày hay vẽ đêm, ánh mặt trời hay ánh mặt trăng, mọi cái đều mang tính biểu kiến, không phải như đặt ra một câu nghi vấn, cũng không phải câu trả lời, mà là câu ở giữa hai loại câu đó.

Thành Chương cũng là một nghệ sĩ của nghệ thuật vẽ minh họa. Ông đã từng làm “công tác” vẽ minh họa trong suốt 50 năm. Theo Thành Chương, nghệ thuật minh họa có một ảnh hưởng rất quan trọng đến hội họa của ông. Và chính qua minh họa, nghệ thuật của ông đã có điều kiện để tiếp xúc với muôn mặt diệu kỳ hôm nay của cuộc sống. Tính thời đại, cảm xúc thời đại trong tranh Thành Chương, có và có một cách phù hợp với tính nhạy cảm của con người cuối thế kỷ 20 đầu 21- có lẽ cũng là vì lẽ đó.

… “Cái khó không phải là thiên tài ở tuổi 20, mà là tài năng ở tuổi 40” (Degas). Thành Chương nay đã tròn 70. Và ông cũng đã có tới 30 năm vượt qua ngưỡng tài năng ở tuổi 40 – để đến bây giờ người ta vẫn coi ông đang là một trong những họa sĩ tài năng.

Uống Trà Thôi
Theo Tạp Chí Mỹ Thuật
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!