/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Bí quyết làm giàu
Bí quyết làm giàu
1. Người ảnh hưởng mình nhiều nhất, không phải ba má, không phải thầy cô trên con đường học hành trong và ngoài nước, không phải 1 nhân vật trong cuốn sách nào, cũng không từ bất cứ người nào gặp ở trường đời. Mà đó là một người phụ nữ không biết chữ. Mình gọi là Dì Ba.
Dì Ba là chị họ của má. Dì không chồng, lớn hơn má tới 15 tuổi, ở chung nhà và gắn bó với mình trong cả thời ấu thơ. Hồi lớp 1 lớp 2, dì hay đưa mình đi học khi trời mưa. Lũ lụt thì dì cõng. Dì thấp người nên 2 chân mình luôn thòng thẽo đụng nước. Cũng vào một mùa lụt, dì đi xúc cá ngoài mương, bắt được mấy con cá đồng. Ngày biển động nên cá đồng rất quý (dù người dân vùng mình, người ta không thích ăn cá đồng, chỉ thích ăn cá biển). Bữa đó ngồi làm cá với dì, thấy con cá to nhất, mình đoán là tí nữa mình sẽ ăn con này vì dì thương mình nhất nhà. Thấy dì chà chà dưới sàn gạch rồi móc ruột, rửa rất sạch, xong dì nói "cu, mày mang con cá này qua cho cậu năm, tao thấy ông bịnh mà nằm rên hừ hừ". Thấy cái ngon nhất lại đi cho người khác, mình chẳng thấy vui nhưng cũng vâng lời xách con cá đi. Xong tối đến, nằm ngủ, dì nói "cu à, có cho người ta thì phải lựa cái ngon nhất mình có mà cho. Sáng nay cho cậu năm con cá ngon, rồi nhà mình ăn mấy con xấu xấu còn lại, có sao. Có cho thì phải mang tới tận nơi, vòng tay thưa lễ phép, học trò học dè phải vậy. Xưa ông bà ngoại mày nói, phải nghĩ tới người ta trước rồi mới tới mình, nên ngoại mày giàu lắm, trong huyện này không ai giàu hơn. Mày sau này có muốn giàu không, tao kể cho nghe. Tao theo bà buôn bán và theo ông làm ruộng, đất đai từ đây xuống tới đường cái dầu (đường quốc lộ 1A) là của nhà ngoại mày hết. Má mày học tiểu học ở trường Pháp Việt, mới hơn mười tuổi đã vô Nha Trang học trường Võ Tánh, ngoại mày mua cho 1 căn nhà to lắm ở gần chợ Đầm chỉ để trọ học. Rồi ông mất, xong thì tới bà mất, lúc đó má mày mới có 18 tuổi à, tiểu thư đài các, không biết gọt trái xoài ra sao. Tao có hứa với bà ngoại mày là tao ở vậy nuôi em, rồi bà yên tâm nhắm mắt. Vì đã hứa nên tao không lấy chồng, chứ không phải tao ế đâu nghen!"
Cứ mỗi tối, mình ngồi học bài, dì vặn cây đèn dầu thật sáng, mượn cây bút mà viết nguệch ngoạc mấy chữ tên họ, con số, rồi bảo mình đọc thơ trong sách giáo khoa cho dì nghe. Dì phe phẩy quạt, một lúc thì ngủ gục trên bàn. Mình học bài xong thì lay dì dậy, nói con học xong rồi. Dì vừa xuống mắc mùng (màn), ngáp lên ngáp xuống, rồi hai dì cháu ngủ. Cứ 2h-3h sáng, khi gà vừa gáy lần 1, thì dì đã dậy. Dì xuống bếp nấu cơm, không quên để 4 chén cơm vô cái gạc măng rê (tủ bếp), còn dì mang cơm trong cái mo cau theo mấy ông đàn ông trong làng lên núi đốn củi. Có bữa không có gạo nhiều thì dì nấu 4 chén cháo, có bữa thì mấy củ khoai lang, có bữa thì mình chỉ thấy có 1 cái bình nhựa ấm ấm để trên tủ, tức là mình sẽ đi học với cái bình nước đó, uống nước thay ăn sáng vì nhà hết gạo. Dì chặt củi xong gánh xuống chợ bán, và khoảng 10 h sáng là dì về, trong túi áo lúc nào cũng có túi kẹo phấn trắng cho mấy chị em.
2. Mình hào hứng nhất là câu chuyện về ông bà ngoại, vì chỉ thấy di ảnh ông bà trên bàn thờ. Trong hình, bà ngoại tóc búi cao, ăn mặc sang trọng, đeo dây chuyền còn ông ngoại thì cười hóm hỉnh, để râu trên miệng như hề Sạc Lô. Mình ngồi ở nhà, không có chuyện gì làm thì đọc hết mấy cuốn sách có được trong tủ, đọc xong thì cũng hết biết làm gì, bèn nhìn lên bàn thờ, ngẫm nghĩ mãi, nói ủa sao hai người này từng giàu nhất huyện? Rồi sao giờ nhà mình lại nghèo vầy, chưa bữa cơm nào no căng bụng cho đã 1 lần. Nồi cơm nhỏ xíu, độn đủ thứ khoai, người 1 chén thì nồi đã hết, rồi ai cũng nói no rồi, xong còn chút xíu cuối cùng, nhường nhau. Nhà lúc đó có nuôi 1 con chó tên là Ki vàng, có đôi mắt rất buồn. Thường nó được ăn trước. Dì nói, lúc mình ngồi ăn, nó ngồi nhìn thèm thuồng cả buổi tội nó, mày cho nó ăn trước rồi đuổi nó ra ngoài, cả nhà ngồi ăn dưới đất, lông chó bay vô mâm. Một kiếp người bằng mười kiếp chó, nó sống ngắn ngủi đâu có mấy năm, nên mình ăn gì nó ăn nấy, cho nó sung sướng chút đi. Rồi nó cũng chết, hưởng dương được gì thì hưởng, khắt khe chi miếng thịt miếng cá. Chó mèo hay cây cỏ thì cũng là mạng sống. Mày ngủ dậy, việc đầu tiên là mày phải cho nó ăn, nó uống, tưới cây, quét nhà quét sân rồi mới đi học, nghe chưa cu. Mày đói mày khát mày thèm thì nó cũng biết đói, biết khát, biết thèm. Nếu chỉ biết bản thân mà không lo cho ai, thì ông trời trừng phạt, thi rớt nè, sau này nhà nghèo nè, không ai thương mày nè..... Nghe Dì nói mà sợ quá trời, ban đầu thì sợ bị trừng phạt, nhưng sau đó thì dần thấy thương yêu. Cây cam trồng cũng đặt tên, con gà nuôi cũng đặt tên. Và mỗi lần cho ăn hay tưới nước, mình đều trò chuyện hỏi han như người. Có 1 bầy 4 con, toàn gà mái, mình đặt tên là Hồng Hoa Cúc Nở, cứ thấy mình đi học về là 4 con ra tận ngõ đón. Ngày con gà Hồng bị bán, mình ngồi ăn cơm mà nước mắt chảy dài. Con gà Cúc thì làm thịt đám giỗ, mình ra gốc cau ngồi buồn, nhìn ngó mây trời, nói sao người vật không sống chung được, phải cứ giết để ăn. Tới giờ vẫn không biết sao mình không thích ăn động vật trên cạn như thịt gà thịt heo thịt bò, dù biết là vật nuôi làm thực phẩm thôi, nhưng chẳng thấy ngon miệng.
3. Dì Ba kể rất nhiều về mọi thứ mà dì biết, nhưng hấp dẫn nhất vẫn là đề tài "ông bà ngoại mày rất giàu, bà là nhà buôn lớn, còn ông là địa chủ, căn nhà này là nhà ngói cột gỗ mun đầu tiên trong làng". Nhưng bao giờ dì cũng kể nửa chừng thì bỏ đi, lúc làm cái này lúc làm cái khác, nên câu chuyện cứ gián đoạn, chắp vá. Mình chỉ có thể nhớ được là bà ngoại là em của mẹ Dì. Nhà Dì lúc đó nghèo, mẹ dì mới gửi cho bà ngoại nuôi lúc nhỏ, Dì gọi ông bà ngoại là Chủ. Dì luôn nói là "tao may mắn lắm, trong một bầy cháu không rõ sao mà bà ngoại mày chọn tao, cho cơ hội được đi theo buôn bán khắp nơi, dạy tao cách làm và cách sống. Không có bả thì tao vẫn là con nhỏ nhà quê không biết chữ, ở mãi trong cái huyện nhỏ xíu, sống già cái lên lỗ bèo (nghĩa trang). Với tao, ơn đó là lớn nhất cuộc đời". Dì làm luôn tay luôn chân, ai kêu thôi vô nghỉ thì nói "uý, ăn cơm chúa phải múa tối ngày", mình thì chả hiểu cơm chúa là cơm gì, và có khi nghĩ, cái nồi cơm độn đầy khoai kia có khi là "cơm chúa".
Bà ngoại mình buôn trầm hương kỳ nam và yến sào từ Nha Trang đem vô Sài Gòn và ra Đà Nẵng bán cho nước ngoài. Còn ông ngoại thì lo việc đồng áng, nhưng thường ông sẽ cho dân nghèo trong làng hết một nửa, sợ bà về la, năm nào cũng báo cáo với bà là mất mùa. Bà biết nhưng bỏ qua. Bà ngoại có 1 tàu buôn riêng để chở hàng, hàng vận chuyển trước, rồi mấy ngày sau, bà ngoại và Dì mới bay đến vào Sài Gòn hay bay ra Đà Nẵng để thu tiền. Đi nhiều nên bà ngoại là thành viên VIP của hãng hàng không miền Nam lúc đó là Air Vietnam. Bà ngoại buôn bán với thương nhân Hongkong và Chà Và (cách gọi người Ấn Độ, Ả Rập nói chung). Dì nói tụi Hong Kong ăn yến sào và bong bóng cá ghê lắm, còn tụi Chà Và thì mua trầm của nước mình về bán cho mấy ông vua Ả Rập để họ xông trong cung điện cho thơm. Cơ duyên là bà ngoại mày hồi trẻ, có 1 lần chở gạo vô chợ Đầm bán, gặp được một bà người Tàu có nhà trước cửa chợ hướng dẫn ra đảo thu mua yến sào, sau đó bà người Tàu theo chồng về Hongkong, lâu lâu mới qua Việt Nam, nhưng vẫn là mối hàng lớn. Bà ngoại mày biết buôn yến từ đó, rồi nghề dạy nghề, biết buôn thêm trầm hương, lá buông, ớt khô, cau...cứ đầy tàu hàng thì chở đi. Mà có mấy cái tao nói, mày lớn lên làm được y chang thì mới giàu như bà ngoại mày được. Cái mình nói dạ, nhất định con sẽ làm được. Tối nào cũng thêm cái đoạn kể về bà ngoại đi buôn với người nước ngoài rồi mình mới chịu ngủ. Bà nói, mày không được nói với ai nghe không, khi tao chết mới được kể. Mày lẻo mép, má mày chửi tao.
Mình lấy danh dự học sinh ra thề. Xong dì mới nói, bữa tao kêu mày đem con cá tràu to nhất qua cậu năm nhớ không. Tao giấu má mày, vì má mày thấy vậy sẽ tiếc, sẽ lấy con ngon nhất mà ăn, hoặc giành cái ngon nhất cho con cái mình ăn. Người ta nói "thương người như thể thương thân", tức thương người dưng cũng như thân mình, nhưng hiếm ai làm được. Có cho bố thí thì cũng cho quần áo cũ, hoặc đồ không xài nữa mới cho. Chụp hình tập thể, ai cũng sẽ tìm và nhìn mặt mình trước. Má mày con ruột bà ngoại mày chứ không giống một chút nào hết, ích kỷ lắm. Con một nhà giàu mà. Má mày đi học xa nhà từ nhỏ, cũng không hiểu bà ngoại mày như tao vì tao theo bà trên từng cây số. Bà ngoại mày sang trọng quý phái, trong sổ tính tiền, việc từ thiện giúp người luôn ưu tiên như việc buôn bán.
Người thường thì sẽ nghĩ đến tiền bạc lợi lộc của mình trước, còn việc bố thí, cứ nói từ từ làm, rồi quên. Vì họ nghĩ là cho thì tốt, không cho cũng được. Bà ngoại mày thì khác, tiền cúng làng hay gửi mấy trại mồ côi là số tiền đều đặn bắt buộc phải gửi, cứ thu tiền hàng xong thì đi xích lô tới trại tế bần gửi trước rồi mới đi ăn uống, mới đi mua vàng. Bà gặp ăn xin, thật giả gì không biết, cứ cho đã. Có lần tao thấy ông kia xin xong, chạy đi mạnh khù, còn vô ngồi ăn phở nữa. Tao tức quá mà bà ngoại mày nói thôi để ý làm gì, người ta đã hạ mình xuống đi làm ăn xin rồi, có lừa mình mà kiếm được chút niềm vui thì cũng được, thương người ta với. Ông ngoại cũng vậy á, thường giấu cho lúa mấy người trong xóm nè, cũng có người chửi ổng ngu, tao tức chửi lại đồ vong ơn bội nghĩa. Nhưng ông ngoại mày nói, người ta nói vậy là đúng. Ai ngu mới đem tiền của cho người dưng chứ người khôn người ta không làm vậy. Ai chửi, cứ bữa sau thấy mặt, ông ngoại mày ngoắc lại, cho lúa, không bao giờ đáp trả vì "mình ở thế cao hơn". Rồi có mấy lần ổng thấy người ta trộm lúa, ổng kêu vô rầy la, rồi đong lúa cho thêm. Tao thắc mắc thì ổng nói, cũng có khi đói quá, con cái nó đói mới sanh ra ăn cắp, chứ no đủ rồi thì ai còn lén lút chi. Tao nói, "nhưng chủ à, cũng có mấy người giàu lắm mà vẫn ăn cắp đó", cái mày biết ông ngoại mày nói sao không? "chắc vẫn chưa đủ với họ, thấy đủ mới thôi ăn cắp, kệ họ, ai làm người đó mang tội. Thế gian không thấy thì trời thấy. Mày nghe tao đi, tiền bạc của người ta thì chỉ lấy con mắt mà ngó".
Rồi ông mất trước vì lớn tuổi hơn bà nhiều. Bà ngoại mày bị ung thư, trị hết tiền mới sống thêm được 5 năm. Lúc bệnh nặng thì ngưng buôn bán, tao chỉ lo ruộng lúa. Má mày học xong sư phạm thì đi lấy chồng ở Cần Thơ, tao cứ gặt lúa xong là giấu tiền vô cái quần trong, nhảy xe đò đem vô cho má mày. Công tao coi ngó ruộng, xưa bà ngoại mày nói cứ làm xong mùa lúa thì con được bao nhiêu phần trăm, còn lại đưa cho em. Tao không gian dối 1 xu, chứ tham thì má mày trong kia biết gì, mấy năm chẳng về quê. Vụ tao có chút vàng dưỡng già, mày tuyệt đối không được hé răng với ai. Tao tin mày nhất, mày nói ra thì má mày sẽ mượn để ăn. Tụi mày lớn lên lấy vợ lấy chồng đi hết, tao không con cái thì ít ra cũng phải đủ tiền mua cái hòm chôn.
Có một mùa Tết nọ, má bị cắt thi đua, không có tiền thưởng, mấy chị em không có đồ mới. Chiều đó thấy dì đi quanh vườn chặt hết mấy tàu lá chuối rồi ban đêm chong đèn, ngồi rọc lá chuối tới khuya. Mình học bài xong, ngồi vọc lá chơi rồi ngủ thiếp trên cái nia đầy lá. Trời khuya, dì ẵm mình vào giường, mình thức giấc mà vẫn nằm im, dì nhìn quanh, thấy ai cũng ngủ hết, mới rón rén mở cái tủ đen, lôi ra cái giỏ rất to. Rồi dì lấy sợi dây chuyền vàng ra, tháo 1 nấc nhỏ rồi cất lại, nhẹ lắm, rồi dì phủi chân, lên giường ngủ. Mình nằm yên vội vàng nhắm, biết bí mật nằm trên cái tủ mà dì bảo là đồ thờ cúng trong đó, tụi mày đừng đụng vào, không nên (tức phạm thánh thần). Rồi sớm hôm sau dì dậy đi chợ sớm, mua 1 cái mũ màu nâu, đôi dép nhựa nâu, rồi về, nói là tiền bán lá chuối nè, nếu mấy chị mày có cành nanh (ganh tị) thì mày nói là công mày rọc lá chuối với tao tối qua nha cu. Mùng một tết, mình mặc lại bộ đồ đi học đã được dì giặt sạch, đội mũ và mang dép mới, ra đứng trước cổng nhà cắn hột dưa, nhìn ruộng lúa xanh um, thấy đời sướng như tiên.
4. Mình cứ thế mà lớn lên, chứng kiến rất nhiều trận cãi vã giữa má và dì. Nhưng lần nào dì cũng chỉ mặt má và nói "cái đồ nhứt xứ" rồi bỏ đi, vừa làm việc vừa khóc. Mình thì hay chạy theo dì nói, sao má con sai tè le vậy, mà dì không cãi lại, hay nói lại chứ, cái gì hợp lý, cái gì đúng phải nói lại. Cái dì nói "thôi mầy, má mày học thức cao, cả huyện này không có ai có tú tài toàn như má mày đâu, ba mày giỏi lắm chỉ đậu tú tài bán thôi. Tao thì không đi học, nên có khi cái má mày nói đúng mà tao hiểu sai, có khi tao không hiểu ý má mày nói". Nhưng có nhiều lần, thấy sai rành rành vậy mà dì vẫn nhún nhường, cái mình hỏi thì dì nói "cái này mày lớn lên sẽ hiểu, có những tình cảm không đúng hay sai mà nói được. Tao thương má mày đến độ, nếu có cãi lộn, nếu có bất hoà, tao sẽ nhận hết phần sai. Nếu mà tao chết để má mày sống, thì tao cũng làm. Tao cả đời nuôi má mày từ lúc mới đẻ, rồi giờ tới chị em mày. Má mày sinh ra trong bọc nhung, thời thế khổ cực đâm ra tính nết trái ngang, thôi cũng bình thường. Tao thông cảm cho má mày, mỗi lần má mày chửi, tao càng thương hơn. Lấy chồng sĩ quan tưởng nuôi vợ con sung sướng, ai dè làm thương binh nằm 1 đống đó. Tâm lý đàn bà mà mầy, tao không giận. Thôi bỏ qua đi. Đời tao vui nhất là thấy mày học giỏi, hồi học trường chuyên, tao đi lấy 13 ký gạo trên đình mỗi tháng, trong xóm ai cũng hỏi sao đi học mà còn được gạo".
Năm 18 tuổi, khi nhận được báo giấy nhập học ĐH thì cả nhà ngồi cân nhắc nên đi học hay không, học thì sao đủ tiền nuôi. Mình khăng khăng đòi đi học cho được, và cam kết là sẽ tự làm thêm. Má nói đâu có dễ, phải tính kỹ tiền nong chứ lên thành phố, không có chuyện cơm cháo như dưới quê mà qua ngày. Thấy tình hình căng quá, dì ngồi dưới bếp nghe ngóng, thấy mình khóc quá trời thì lao ra chửi má, tay vẫn cầm đôi đũa bếp. Đó là lần đầu tiên mình thấy dì phản kháng lại. Dì nói người ta học dở, thi không đậu mới không học, đằng này nó học giỏi vậy, thì vay mượn cho nó đi học. Má nói lại, giờ vay ai, ai cho vay, chị giỏi thì đi vay mượn nuôi nó đi, nói miệng thì dễ lắm. Rồi dì ngồi khóc tồ tồ, quăng đôi đũa bếp ra sân, đập 2 tay xuống ghế. Tối đó ăn cơm xong, dì kêu mình ra ngoài sân, nói nhỏ là đời tao cực khổ dành dụm được mấy chỉ vàng phòng thân dưỡng già, tao quyết rồi, cho mày hết. Nếu sau này không ai nuôi thì tao lên chùa làm công quả rồi chết trển luôn. Mày cứ lấy mà đi học, không bàn nữa. Hôm sau, dì kêu chở ra tiệm vàng, bán đôi bông tai, giữ lại 2 cái mặt. Rồi số vàng còn lại, cứ mỗi tháng, dì lại bán, gửi kèm vô tiền lương của má, 2 chị vừa ra trường đi làm cũng góp thêm, cứ được 400 ngàn thì ra gửi bưu điện. Mình biết tiền ăn học là tiền mồ hôi nước mắt nhịn ăn nhịn mặc của người khác, mấy tháng đầu tiên, khi chưa đi làm thêm được, tiện tặn kinh khủng. Ăn trưa hay ăn tối, đều là 1 quả trứng hấp trên nồi cơm, rồi xịt nước tương vào ăn, có bữa thì hấp thêm miếng bầu, miếng bí, mấy cọng rau muống. Ăn no là được rồi, để sống và học tập, nuôi chí lớn, khi nào mình làm ra tiền, thì tha hồ ăn.
Mất hết 1 học kỳ, mình mới làm quen được cách sống ở thành phố, mới có thể làm thêm được ra tiền. Học kỳ 1 của năm 3 là bắt đầu dư, việc đầu tiên của Tết năm đó khi về quê là chở dì ra ngoài chợ, ghé tiệm vàng mà làm lại đôi bông tai, rồi hè là sợi dây chuyền. Mình trả nợ dì xong, trả nợ cho bạn bè xong thì đưa má đi du lịch Hà Nội cho biết (mơ ước lớn nhất của má) vì đất nước mình thống nhất rồi, có rủ Dì mà Dì kiên quyết không đi, nói "tao lạ gì máy bay". Còn lại thì gửi chị Hai chút tiền mừng lấy chồng, hùn ít cho chị Ba mua miếng đất nhỏ xây nhà, rồi mới tới phần mình đi chơi xuyên Việt vào năm cuối. Nợ nần, cho đến bây giờ, mình luôn ưu tiên trả trước, có khi nửa đêm có tiền là xách chạy qua nhà bạn trả. Đi ăn hay làm gì, mình đều nhường cho người ta phần ngon hơn, rồi mình hưởng sau, còn nhiều cơ hội khác. Giữa tin nhắn việc thiện nguyện và tin nhắn việc mua hàng, mình sẽ trả lời tin nhắn thiện nguyện trước. Mình vẫn theo lời Dì dạy, để cho giống ông bà ngoại mà giàu sụ, phải trở thành một địa chủ lớn và nhà buôn sang trọng và ai cũng thương mến. Nhất định phải làm được, vì đã có bí kíp trong đầu.
Dì kể, hồi xưa khi ra ngoài cảng giao hàng, dì thấy tụi Chà Và đeo vàng đầy tay, vàng nó sáng hơn vàng mình, khi nào mày được ơn trên cho đi nước ngoài, qua đó tìm mua nhẫn mà đeo. Dì nói đi nước ngoài khó lắm, phải có số mới đi được. ĐH năm thứ 5, khi chuẩn bị tốt nghiệp, mình được đi Ấn Độ, chuyến xuất ngoại đầu tiên. Ở bên Ấn, mình tranh thủ 1 buổi đi tìm mua 1 chiếc nhẫn vàng nhỏ xíu xiu làm quà cho Dì. Ở Việt Nam, cha mẹ hy sinh chăm lo cho con cái thì là chuyện bình thường, nhưng một người dì họ xa mà thương em thương cháu đến vậy thì đời mình may mắn, có khi thượng đế phái Dì xuống làm thiên sứ chăm lo dạy dỗ mình cũng có.
Tết năm đó, sau rất nhiều năm, dì mới đeo lại bông tai (và chiếc nhẫn vàng Ấn) để ăn Tết. Chiều cuối năm, nắng hanh hao góc sân nhà, dì ngồi rọc lá chuối gói bánh tét, mình ngồi bên cạnh tước mấy cọng lạt, hỏi thăm chuyện xóm làng. Dì nói, mày hơn ông bà ngoại mày rồi, mới 22-23 tuổi mà đã đi nước ngoài. Mày giỏi quá cu, tao nể.

Tony buổi sáng.
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!