/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Người thầy trong rừng cọp Finnom
Người thầy trong rừng cọp Finnom
10:18, 25/03/2022 Như Nguyện TRUYỆN NGẮN
Một hôm, anh Hai Trung đi qua rừng cọp Finnom Đà Lạt, bỗng thấy một đám trai trẻ gần chục đứa đang vây đánh một ông lão say rượu để cướp bộ da cọp của ông mang bên mình. Ông lão trạc tuổi 66, người quắc thước, râu tóc bạc phơ, tay chân múa may quờ quạng. Có điều lạ, cả đám trai trẻ hung hãn đã không hạ được, trái lại còn bị té ngã khi đụng vào tay chân của ông. Dưới con mắt nhà võ, anh Hai Trung chợt nhận ra ông lão là một bậc cao thủ võ lâm. Mỗi bước chân quờ quạng, mỗi đường tay múa may đều là những chiêu thức kỳ ảo tạo thành một màn thép vừa che kín thân ông vừa làm đối thủ bị quật té khi chạm vào.

Anh biết, ông lão đang đùa giỡn, chưa ra “độc chiêu”để hạ đám trai trẻ, anh nhủ thầm: “Thật là dịp may cho mình được diện kiến một bậc cao minh”. Anh liền nhảy vào đánh giạt cả đám trai trẻ làm chúng hoảng sợ bỏ chạy. Ông lão vắt bộ da cọp trên vai, khập khễnh đi sâu vào rừng Finnom không nhìn, cũng không một lời với anh.

Anh Hai Trung đứng ngẩn ngơ một hồi lâu rồi vụt chạy theo ông lão. Hơn 10 km đường rừng quanh co, heo hút, khó đi. Bóng tối đang đổ dần xuống, khu rừng càng trở nên hoang vu, rợn người. Cơ ngơi của ông lão là một căn chòi trống trơ, hiu quạnh nằm cạnh một cái rẫy bắp còm cõi gần như phó thác cho trời đất trông coi. Anh Hai Trung nhặt lấy chiếc đèn dầu nằm chỏng chơ trên nền đất. Đèn đã cạn sạch dầu tự bao giờ. Anh chạy ra ngoài nhặt một mớ củi khô nhúm lửa. Ánh sáng lập lòe, xua tan phần nào nỗi âm u đang đè nặng cảnh đời ông lão lẫn tâm hồn anh. Anh ngồi xuống “chiếc giường” gồm mấy khúc cây rừng sù sì ghép lại. Ông lão lấy chai rượu trắng ở góc chòi ngửa cổ uống một hơi rồi trao cho anh:

- Uống đi!

Anh Hai Trung vòng tay nhìn ông lão, lòng chạnh đau:

- Thưa bác, cháu không biết uống ạ.

Ông lão gật gù, một lát lại hỏi:

- Có hạ được cọp không?

- Dạ không ạ.

- Nếu không thì về ngay đi. Cọp sắp đến rồi đấy.

Anh Hai Trung nhìn ra khu rừng. Ngoài chút ánh sáng nhòe nhoẹt nhờ mấy cành củi khô cháy dở, đang biến mọi vật quanh anh kể cả ông lão chập chờn như những bóng ma, còn lại chỉ là một bóng đen dày đặc cùng với những âm thanh ghê rợn của những khu rừng nổi tiếng nhiều thú dữ. Bất chợt anh lạnh người khi nghĩ mình phải trở ra khu rừng giờ này mà trái tim bỗng thắt lại, Anh khóc lúc nào không hay khi nghĩ đến ông lão phải chống chọi ngày ngày với thú dữ trong cảnh cô đơn tuyệt cùng của trời đất và con người.

Anh Hai Trung đang suy nghĩ miên man thì đột nhiên những tiếng gầm gừ đâu đây mỗi lúc một rõ. Và bất chợt một con cọp từ bên ngoài nhảy chồm vào căn chòi. Anh Hai Trung đang bối rối thì nhanh như chớp ông lão ngồi sụp xuống thủ thế. Con cọp vừa từ trên cao hạ mình, ông lẹ làng tung một đấm tay mặt, bồi tiếp một cú đấm tay trái vào mình cọp và quất liền một đòn chân vào ngay hạ bộ của cọp. Con vật chỉ còn là một đống thịt mềm nhũn trước mắt anh. Ông lão rút cặp song phủ nơi liếp chòi, lấp loáng qua ánh lửa, đập lên mình cọp cho tỉnh dậy và nói như người cha dạy con:

- Tại sao con không thương già. Đây là lần thứ ba, già tha mạng. Một lần nữa, con chỉ còn là bộ da kia kìa.

Ông lão vừa nói vừa chỉ bộ da cọp đang năm chơ vơ dưới đất mà sáng nay ông đã mang theo bên mình. Con cop nằm rạp đầu như lạy tạ rồi nặng nề vươn mình kéo lê 4 chân rời khỏi căn chòi và mất hút trong đêm. Đêm đó, anh Hai Trung ngủ cùng ông lão. Ông không hề nhắc lại chuyện hạ cọp.

***

Từ đấy, anh Hai Trung xin phép thân phụ được thường xuyên vào rừng Finnom sống, lao động và học tập bên ông. Ông tên Sáng, quê Lái Thiêu, lên rừng Finnom cất chòi, làm rẫy ẩn cư. Ông thường ít nói, nhất là tâm sự về đời riêng. Ông chỉ truyền dạy cho anh Hai Trung khi đã mềm người vì rượu. Những lúc đó, dưới mắt thường, ông là người “nát rượu” nhưng với anh mỗi lời nói, mỗi hành động của Thầy đều mang đặc tính ẩn dụ, hàm chứa niêm bày tỏ của một con người tự do, khinh thường số phận và không khiếp sợ cuộc đời. Sống mỗi mình giữa khu rừng Finnom như ông, phải chăng là cách sống của một nhà hành đạo đã chứng ngộ về cuộc đời?

Sau gần 4 năm bên ông, anh Hai Trung đã học được biết bao điều vô giá, từ những nguyên lý đạo đức phù hợp với cuộc sống chân như của võ đạo, cho chí những công phu đặc dị của võ học mà anh đã được ông truyền dạy như Liên hoàn tam cước pháp, Nhất bộ tam mã phi tiễn cước, Liên hoàn nhất thủ giải pháp công, Liên hoàn thối thủ giải pháp mã công, Di ảnh kì hình liên bộ pháp thân… Đặc biệt, anh Hai Trung còn học được phần nào cách khuất phục cọp bằng tay không, và biết chút ít khôi hài hóa võ công bằng những chiêu thức trông như hoạt kê, ngay ở những tình huống chết người, vừa để đùa giỡn cuộc đời vừa để thể hiện cái phong thái ung dung, điểm thị của bậc võ công thượng thừa, không hề chấp chi đến trạng tướng bên ngoài.

Một hôm, anh Hai Trung từ nhà vào lại rừng Finnom, đem thật nhiều rượu cho Thầy. Căn nhà và cái rẫy còm cõi vẫn nằm đó trơ trọi cùng những chú cọp đêm đêm vẫn rạp mình khi qua lại nơi đây, nhưng Thầy thì không thấy đâu. Rừng Finnom lạnh lẽo và hoang vu, nhưng chắc chắn không lạnh lẽo và hoang vu bằng tâm hồn anh. Anh đã nằm một mình trên “chiếc giường” ghép bằng những khúc cây rừng sù sì của Thầy, suốt nhiều đêm dõi mắt vào bóng tối cầu mong Thầy trở về. Anh khao khát được nhìn đôi mắt rực sáng, được nghe tiếng cười đôn hậu, giọng nói trầm tĩnh cho đến tiếng cười chảy buồn buồn, anh thấu được mỗi lần Thầy nâng chai mà uống. Tất cả đã cho anh niềm tin vào sự sống, hình như cũng làm cho cây rừng Finnom xanh hơn, suối rừng trong hơn và thú rừng hiền hơn…

***

Mãi 14 năm sau, anh Hai Trung mới có dịp về Lái Thiêu dò tìm tông tích người Thầy năm xưa. Mừng thay, Thầy còn sống, nhưng đau lòng thay, Thầy không còn nhận ra người học trò cũ, vì nay Thầy đã là một người… điên. Thầy không còn thích uống rượu, Thầy chỉ thích nhịn đói và chạy bằng chân không suốt ngày đêm ngoài đường như cố đuổi theo một hình bóng thân yêu. Nhiều ngày anh Hai Trung phải chạy theo “dỗ dành” để đút được miếng cơm cho Thầy.

Và một ngày kia Thầy cũng chạy nhưng mãi mãi không còn ai được nhìn thấy Thầy trở về. Nghe đâu, Thầy điên đến chết vì quá nhớ thương người con gái duy nhất của Thầy đã bị bắn chết vì chiến tranh:
“Vỗ gươm mà hát, nghiêng đầu mà hỏi.
Trời đất mang mang ai người tri kỷ.
Lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường, hồ trường ta biết rót về đâu.
Rót về Đông Phương nước bể Đông chảy xiết sinh cuồng loạn.
Rót về Tây Phương, mưa Tây Sơn từng trận chứa chan.
Rót về Bắc Phương, ngọn Bắc Phong vi vút cát chảy đá dương.
Rót vê Nam Phương, trời Phương Nam mù mịt có người quá chén say như điên như cuồng.
Nào ai tỉnh, nào ai say.
Chí ta ta biết, lòng ta ta hay.
Nam nhi sự nghiệp ư hồ thủy.
Hà tất cùng sầu với cỏ cây…”.
Anh Hai Trung chợt nhớ vào một đêm trăng xa xưa, Thầy đã đọc sang sảng bài thơ Hồ Trường của Nguyễn Bá Trác cho anh nghe giữa rừng cọp Finnom khi Thầy đã thấm đậm những giọt rượu và trăng. Bài thơ hay một dòng đời điên đảo của một chí lớn ngàn năm chưa trọn, và anh đã khóc hồn nhiên như trẻ nít trong đêm ấy…
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!