Khi nhắc đến trà Shan tuyết, mỗi vùng trà là một vùng văn hóa gắn với dân tộc bản địa, phong vị núi rừng, tín ngưỡng, cả những cách thức thu hái, sao sấy trà được truyền qua nhiều thế hệ. Bên cạnh đó, giá trị của cây chè Shan tuyết còn nằm ở chất dinh dưỡng, quy trình chế biến và độ hiếm (đặc biệt với cây chè Shan tuyết cổ thụ). Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, cây chè Shan tuyết lại có một giá trị khác nhau.
Chè Shan Tuyết là loại cây mọc tự nhiên trên vùng núi cao, được nuôi dưỡng bằng sinh khí của đất, trời nên búp và lá chè rất to, có màu xanh đậm, trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng trắng như tuyết. Vì vậy mà chè có tên Shan tuyết (chè được ngậm tuyết trên núi cao).
Trên tấm bản đồ Tây Bắc, nơi những dãy đại ngàn trùng trùng điệp điệp không thể thiếu đó là cây chè Shan Tuyết hoang dã cổ thụ, mọc từ ngàn năm trước. Tinh hoa trà Việt mang dấu ấn riêng mà nơi Shan Tuyết sinh trưởng trải dài từ Hà Giang, Yên Bái, Lào Cai, tới Lai Châu, Điện Biên, Sơn La… Dấu ấn đó thi vị vì phải tuỳ thuộc vào điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, tập quán thu hái và chế biến thủ công sai khác của từng vùng đã tạo nên những hương vị trà Shan Tuyết hoàn toàn khác biệt.
Sản phẩm trà được chế biến từ cây chè Shan tuyết phổ biến nhất là: Trà xanh, Hồng trà, Bạch trà và đặc biệt đã có nhiều cơ sở sản xuất ra loại trà bánh, hay lên men theo cách làm trà phổ nhĩ. Do đó, hiện nay nhiều nước trên thế giới rất coi trọng và luôn muốn nhập nguyên liệu từ cây chè Shan tuyết ở Việt Nam về để chế biến ra các dòng sản phẩm chè cao cấp của họ.
Không phải ngẫu nhiên mà trà Shan tuyết được mệnh danh là “đệ nhất danh trà Việt”. Mang hương vị độc đáo cùng quá trình sinh trưởng có “một không hai”, trà Shan mang trong mình sức hút quyến rũ không ai nỡ chối từ.
Phát triển ở vùng núi cao quanh năm với khí hậu mát mẻ, nhiều ngày có mây mù nên chè ở đây búp to, phủ 1 lớp lông tơ mịn như nhung, trắng như tuyết. Các gốc trà có thân to, có cây đường kính lên đến hàng mét, lá và búp trà to khác hẳn với các loại trà khác. Búp trà có màu trắng xám, nhìn giống như có một lớp phấn hoặc lông như bông tuyết nên người dân gọi là trà tuyết - giống trà Shan lưu niên hội tụ cả ba yếu tố hương thơm, vị đậm, nước xanh. Cái tên trà Shan tuyết cũng được bắt nguồn từ lớp lông mao trắng tinh khôi trên búp trà. Cánh trà Shan thường lớn hơn trà búp Thái Nguyên và nhỏ hơn trà Bảo Lộc.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn: Sản xuất chè Shan tuyết tuy đạt nhiều thành tựu quan trọng, song thực tiễn sản xuất cũng bộc lộ không ít hạn chế như: Việc thả rông gia súc, chăn thả tại vườn chè và thu hái không tuân thủ quy trình kỹ thuật đã ảnh hưởng đến sự phát triển, năng suất, sản lượng và tuổi thọ của cây chè Shan. Việc liên kết sản xuất, ký kết hợp đồng đầu tư, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, cơ sở chế biến với các hộ sản xuất còn rất hạn chế; thậm chí thiếu sự liên kết chặt chẽ trong quy trình sản xuất, thu hái, bảo quản, vận chuyển. Trong khi đó, một số hộ trồng chè chưa chú trọng đầu tư thâm canh dẫn đến chất lượng chè búp tươi không đồng đều, năng suất, sản lượng thấp. Ngoài ra, đường đi đến các khu trồng chè gặp nhiều khó khăn làm gia tăng chi phí vận chuyển. Chè Shan chủ yếu mới qua sơ chế nên giá trị sản phẩm không cao…
Để khắc phục những hạn chế trên, hiện nay, UBND huyện Bắc Quang - một trong 5 huyện, thành phố sở hữu “vàng xanh” của đất trời cực Bắc với bạt ngàn những nương chè Shan tuyết cổ thụ đang xây dựng dự án phát triển bền vững chuỗi giá trị chè Shan tuyết tại 3 xã: Tân Thành, Tân Lập, Đức Xuân. Khi dự án đi vào cuộc sống với nhiều giải pháp đồng bộ, được kỳ vọng tạo bước ngoặt trong sản xuất, chế biến chè Shan tuyết trên địa bàn huyện. Qua đó, tiếp tục phát triển bền vững và nâng cao chuỗi giá trị chè Shan tuyết theo hướng hiện đại, đồng bộ, sản xuất hàng hóa với các sản phẩm đa dạng có chất lượng, mang lại giá trị gia tăng cao góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Uống Trà Thôi
Theo tạp chí kinh tế