Chè xanh chuẩn xứ Nghệ là đồ uống nấu trực tiếp từ lá trà tươi, nên tinh chất trong lá trà vẫn còn nguyên vẹn, khi uống sẽ có vị chát, nếu không quen thì rất khó uống. Đây là loại nước gắn liền với đời sống, càng về sau nước chè xanh vùng đất này càng trở nên đậm đà. Tuy nhiên, để om được cốc chè xanh đậm đà hương vị xứ Nghệ thì không phải ai cũng biết.
Không chỉ ở quê hương, những gia đình người Nghệ sống xa quê hầu như vẫn giữ thói quen uống nước chè xanh, dù đó là một thường dân hay một vị tổng giám đốc, tất thảy đều không để thiếu trong gia đình của họ “đọi chè xanh ăm ắp vị tình quê”.
Nhiều khi người quê trồng chè làm bờ rào, một công đôi lợi, vừa có bờ rào bảo vệ vườn tược, vừa có chè xanh để uống. Đi làm đồng về, vác dao chạy ra vườn chặt một nắm chè vào rửa sạch rồi khoanh tròn vào trong nồi đất, đặt lên bếp đun sôi, tắt lửa để chừng năm mười phút là gọi nhau sang uống.
Ở xứ Nghệ, tập tục uống chè xanh trong gia đình đã tồn tại từ bao đời, tuy nhiên, không giống các vùng miền khác, tại đây, mỗi khi nấu nồi chè tươi, gia chủ thường không uống giải khát một mình mà rủ hàng xóm sang uống cùng.
Cách om chè xanh đúng “chuẩn” Nghệ
Với người Nghệ Tĩnh xưa, họ không om chè bằng ấm tích, ấm nhôm hay bình thủy tinh như hiện nay. Thay vào đó, họ nấu chè trực tiếp trên bếp. Với cách làm này chè sẽ có vị đậm đà hơn. Dưới đây là cách om chè xanh của người Nghệ xưa:
Dụng cụ om chè xanh: Ấm tích, ấm thủy tinh là ngon nhất. Hạn chế sử dụng bình nhựa...
Chọn chè để om: Chè trên đồi ngon hơn vì nhiều nắng hơn chè vườn. Chọn chè đã già nhưng không vàng, loại lá chè to, xanh mướt. Cách nhận biết lá chè già là dùng tay bẻ lá chè nếu gãy đôi thì chè già. Với chè non cũng om được nhưng nước không ngon bằng. Hơn nữa người Nghệ om chè xanh gồm cả phần gốc (chỉ bỏ phần gốc sần sùi dưới cùng).
Nước để om chè: Nước giếng, nước mưa.
Sơ chế: Chè cắt nguyên cành, chỉ bỏ gần gốc già nhất và lá vàng, lá bị dập. Rửa sạch, bẻ ngắn khoảng nửa gang tay.
Nấu nước chè xanh: Dùng nồi đất (loại nồi chỉ dùng nấu nước chè, không nấu món khác), đổ khoảng 2/3 nồi nước giếng. Đun sôi nước thì vò lá chè hơi dập. Lưu ý chờ khi nước sôi mới vò chè để có màu xanh nhất. Ngoài ra, chỉ vò hơi nát, nếu vò mạnh tay quá sẽ khiến nước chè đục, không đẹp và ngon.
Giảm nhỏ lửa, thả chè xanh vào. Lấy thêm một miếng lá chuối tươi đậy trước khi đậy vung.
Tăng lửa lớn, khi thấy nước sôi lại thì cho vào một bát nước nguội. Đây chính là bí quyết trong cách om nước chè xanh của người Nghệ Tĩnh xưa. Cách làm này giúp chè không bị tanh như om trong ấm tích.
Giảm lửa để màu chè xanh và hương thơm nguyên chất nhất.
Cuối cùng, cất vung, để lại miếng lá chuối, dùng đũa làm thủng vài lỗ nhỏ để chè thoát hơi, nước xanh đẹp mắt hơn.
Cách thưởng thức
Vì đây là đồ uống nấu trực tiếp từ lá trà tươi, nên tinh chất trong lá trà vẫn còn nguyên vẹn, khi uống sẽ có vị chát, nếu không quen thì rất khó uống. Chè uống ngon nhất là sau khi nấu 10 phút, có vị thơm, chát và hậu ngọt. Còn đối với chè xanh được om trong ấm tích, nên uống liền sau khi pha vì nếu để lâu sẽ có vị tanh do lá chưa chín.
Người ta thường uống chè xanh ăn kèm với kẹo cu đơ, mục đích làm giảm vị chát của chè xuống hoặc hòa chung với đường và chanh để tăng độ ngon của chè xanh.
Ngoài việc trở thành nước giải khát hàng ngày, chè xanh còn là thức uống chủ yếu trong những ngày đám tiệc, lễ giỗ. Thay vì mua những chai nước lọc đóng chai, người ta nấu từng nồi chè xanh (40-50 lít) để phục vụ tất cả mọi người và sẽ có một người được cắt cử đảm nhiệm công việc này riêng.
Chè xanh đã trở thành một thức uống quen thuộc của tất cả mọi người từ người già cho đến trẻ nhỏ. Người dân Nghệ An đi đâu cũng mang thức uống này theo mình như một nét văn hóa không bao giờ bị mai một.
Uống Trà Thôi
Theo Tạp Chí Kinh Tế