/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Những bức vẽ đầu người giá hàng trăm triệu USD
Những bức vẽ đầu người giá hàng trăm triệu USD
08:47, 03/06/2022 Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
Những bức vẽ đầu người khổ lớn của Jean-Michel Basquiat bán giá từ 35 đến 110 triệu USD.

Jean-Michel Basquiat tiếp tục có thêm tác phẩm trị giá hàng chục triệu USD khi bức "Untitled" (1982) được bán ở mức 85 triệu USD trong phiên "20th Century & Contemporary Art Evening Sale" của Phillips ở New York hôm 18/5.

Họa sĩ sử dụng chất liệu acrylic trên vải để vẽ đầu người - gợi liên tưởng những chiếc mặt nạ phong cách châu Phi - trên nền màu trừu tượng, nhỏ giọt. Tác phẩm được thực hiện trong thời gian Basquiat ở Modena, Italy, với kích thước khổ lớn 238x500 cm, giống tranh tường đường phố. Theo New York Times, đây là một trong những tác phẩm hoành tráng nhất của họa sĩ. Tranh được nhà sưu tập Adam Lindemann mua với giá 4,5 triệu USD năm 2004. Trong cuộc đấu giá năm 2016, bức vẽ thuộc về tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa với mức 57,3 triệu USD. Artnet nhận định tranh tựa bức chân dung tự họa, gợi nhớ về xuất phát điểm của Basquiat là một nghệ sĩ đường phố. Ảnh: Phillips

Họa sĩ sinh năm 1960 ở Brooklyn, là người Mỹ, gốc Phi. Basquiat bắt đầu sự nghiệp là nghệ sĩ graffiti, được họa sĩ Andy Warhol và phòng trưng bày ở New York ca ngợi là thần đồng. Vào giữa những năm 1980, họa sĩ đã kiếm được 1,4 triệu USD mỗi năm. Basquiat qua đời năm 1988, khi mới 27 tuổi vì sử dụng ma túy quá liều. Theo New York Times, cái chết của họa sĩ là bi kịch cá nhân và mất mát lớn đối với thế giới nghệ thuật.

Kỷ lục đấu giá tranh của Jean-Michel Basquiat thuộc về bức "Untitled", được bán ở mức 110,5 triệu USD trong phiên "Contemporary Art Evening Auction" của Sotheby's hồi tháng 5/2017. Tranh sử dụng chất liệu acrylic, sơn phun và sơn dầu trên canvas, ký tên và ghi "NYC 82" ở mặt sau. Chiếc đầu trông giống hộp sọ của nghệ sĩ được giải phẫu học, hình thành bằng các lớp sơn dầu, acrylic và sơn phun phức tạp. Theo nhà đấu giá, "Untitled" là kiệt tác gần như không thể so sánh được trong loạt tranh mang tính cách mạng của Basquiat.

Người mua là tỷ phú Nhật Bản Yusaku Maezawa. Trên New York Times, tỷ phú cho biết lần đầu tiên nhìn thấy bức tranh, ông đã thấy phấn khích và biết ơn. Yusaku Maezawa cho mượn tác phẩm để triển lãm tại nhiều nơi trên thế giới, sau đó, đưa về trưng bày tại bảo tàng của ông ở Chiba, Nhật Bản. "Tôi hy vọng mang tới niềm vui cho mọi người và bức tranh được Basquiat vẽ năm 21 tuổi này sẽ truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai của chúng ta", ông nói. Ảnh: Sotheby's

Bức "In this case" được đấu giá 93,1 triệu USD trong phiên của Christie's ở New York hồi tháng 5/2021. Theo Artnet, trong gần 20 năm, giá trị tranh tăng hơn 90 lần và trở thành tác phẩm đắt thứ hai của họa sĩ. Tranh được đấu giá ở Sotheby's năm 2002 với giá một triệu USD. Năm 2007, doanh nhân Italy Giancarlo Giammetti - đồng sáng lập thương hiệu Valentino - mua lại từ nhà kinh doanh nghệ thuật Larry Gagosian, không tiết lộ giá.

Tranh được vẽ năm 1983, khi Basquiat 23 tuổi, đang ở đỉnh cao sự nghiệp. Họa sĩ sử dụng chất liệu acrylic và dầu bóng trên canvas, mô tả một đầu lâu lớn đặt trên nền màu đỏ ruby, con mắt vàng rực, hàm răng màu xanh lá cây chìa ra và phần xương bị gãy. Ana Maria Celis - chuyên gia cao cấp và Trưởng phòng Nghệ thuật Thế kỷ 21 tại Christie's - nhận xét trong ba bức vẽ đầu lâu khổ lớn của Basquiat từ năm 1981-1983, đây là tác phẩm thô mộc, mang nội hàm và cảm xúc nhất. Ảnh: Christie's

"Versus Medici" cán mốc 50,8 triệu USD trong phiên "Contemporary Art Evening Auction" của Sotheby's ở New York hồi tháng 5/2021. Tranh ra đời năm 1982, khi Basquiat tròn 22 tuổi, là một trong những tác phẩm thách thức thị giác mạnh mẽ nhất của họa sĩ. Lấy ý tưởng từ tượng Pharaon, ông vẽ nhân vật màu đen đang đứng trong tư thế của một chiến binh, nhà vô địch hoặc vị vua, bên cạnh là vương miện ba cánh nổi tiếng. Họa sĩ sử dụng ba tấm vải bạt với tổng kích thước 214x137,8 cm và các chất liệu acrylic, oilstick, cắt dán giấy để thể hiện.

Theo nhà đấu giá, tranh là sự khẳng định sức mạnh nền văn hóa và bản sắc người Mỹ gốc Phi của họa sĩ. Tác phẩm được nhà sưu tập người Bỉ Stéphane Janssen mua trong chuyến thăm xưởng vẽ của Basquiat, ngay sau khi nó hoàn thành và lưu giữ cho đến khi đưa ra đấu giá. Ảnh: Sotheby's

Mức giá 48,8 triệu USD cho bức "Dustheads" được ấn định trong phiên "Nghệ thuật hậu chiến và đương đại" của Christie's vào tháng 5/2013. Trên nền vải được phủ màu đen, hai nhân vật hiện lên đầy màu sắc với mắt to, miệng rộng. Họa sĩ quệt những vệt màu lớn bằng acrylic, sau đó đan xen những nét vẽ nguệch ngoạc bằng oilstick và lớp nhỏ giọt từ sơn kim loại. Basquiat còn nhúng ngón tay vào bột màu và cào lên bề mặt tranh, tạo những vết xước dài nhằm tăng tính biểu cảm và nguyên thủy.

Theo Artnet, kiệt tác ra đời năm 1982, thể hiện khả năng của họa sĩ trong việc kết hợp cảm xúc thô mộc và kỹ năng hội họa độc đáo. Ảnh: Christie's

"Flexible" được ấn định mức 45,3 triệu USD - cao nhất trong phiên ngày 17/5/2018 của Phillips. Họa sĩ sử dụng những thanh gỗ làm nền, chất liệu acrylic, oilstick khắc họa hình ảnh người đàn ông da đen hai tay đan vào nhau, đặt trên đỉnh đầu, thể hiện sự tự tin, uy quyền. Cấu trúc xương được mô tả rõ ràng qua những nét màu trắng hay sọc ngang của gỗ. Theo sử gia nghệ thuật Fred Hoffman, tác phẩm lột tả rõ quan niệm nghệ thuật của Basquiat là "chủ nghĩa anh hùng và đường phố". Ảnh: Phillips

"Warrior" bán giá 41,2 triệu USD trong phiên "We Are All Warriors: The Basquiat Auction" của Sotheby's Hong Kong hồi tháng 3/2021. Họa sĩ sử dụng chất liệu acrylic, oilstick và sơn phun trên tấm gỗ có kích thước 183x122 cm. Hình ảnh Basquiat đứng vững chắc ở trung tâm bố cục, tay cầm thanh kiếm và đôi mắt rực lửa, được khắc họa qua loạt nét vẽ nhanh bằng acrylic và sơn phun.

Theo Artnews, bức chân dung đầy uy quyền, chứng minh Basquiat là một trong những họa sĩ quan trọng nhất của nửa cuối thế kỷ 20. Tranh lần đầu giới thiệu tại Phòng trưng bày Ikeda Akira ở Tokyo năm 1983, rồi góp mặt tại nhiều triển lãm trên thế giới, được giới phê bình đánh giá cao. Ảnh: Sotheby's

Với giá 37,2 triệu USD (hơn 289 triệu HKD), "Untitled" (1985) là tác phẩm đạt giá cao nhất trong phiên "Contemporary Curated: Asia" do Châu Kiệt Luân và Sotheby's hợp tác, hồi tháng 6/2021. Tranh vẽ tranh năm 1985, gồm ba phần, sử dụng chất liệu acrylic và oilstick trên gỗ. Bên phải là hình ảnh cậu bé da đen - tượng trưng họa sĩ hồi nhỏ, chính giữa lấy cảm hứng từ bức ảnh Basquiat trên trang bìa tạp chí New York Times tháng 2/1985, mô tả họa sĩ mặc vest, tay cầm cọ ngồi trước tác phẩm.

Nhà đấu giá nhận định: "Untitled khắc họa hành trình Basquiat từ một đứa trẻ, thần đồng nghệ thuật đường phố đến nghệ sĩ được vinh danh trên tạp chí danh tiếng. Tác phẩm gói gọn những gì Basquiat thể hiện về mặt nghệ thuật và văn hóa ở thời kỳ đỉnh cao trong nghề". Ảnh: Sotheby's

"The Field Next to the Other Road" đạt giá 37,1 triệu USD trong phiên "Post-War and Contemporary Art Evening Sale" của nhà Christie's vào tháng 5/2015. Tranh có kích thước 220,9x401,3 cm, sử dụng các chất liệu acrylic, sơn phun men sứ, sơn dầu, sơn kim loại và mực in trên vải. Tác phẩm đính kèm giấy chứng nhận do Ủy ban Chứng thực Di sản của Basquiat cấp.

Họa sĩ vẽ tranh năm 1981, trong chuyến đi đến Modena, Italy để chuẩn bị cho triển lãm cá nhân đầu tiên ở châu Âu. Basquiat dùng mực in để vẽ khung xương của người, con bò rồi tô điểm bằng những nhát màu nguệch ngoạc. Nhà đấu giá viết: "So với những bức tranh màu sắc sặc sỡ, thể hiện con người, cuộc sống của họa sĩ tại New York, The Field Next to the Other Road khắc họa sự yên bình, không gian dành cho ông ấy tại Italy qua những nét vẽ uyển chuyển trên tấm canvas rộng lớn". Ảnh: Christie's

Bức "La Hara" chất liệu acrylic và sơn dầu trên tấm gỗ, kích thước 183x121 cm, được bán ở mức gần 35 triệu USD trong phiên của Christie's hồi tháng 5/2017. Tranh ra đời năm 1981, mô tả hình ảnh một cảnh sát da trắng với đôi mắt đỏ ngầu, đang đội mũ và đeo huy hiệu trên vai. Theo nhà đấu giá, tranh đề cập tới chính sách "cửa sổ vỡ" (cảnh sát tập trung xử lý các đối tượng say xỉn nơi công cộng, tiểu bậy, vẽ bậy, hút cần sa... nhằm tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng cuộc sống trong thành phố) ở New York những năm 1980. Họa sĩ sử dụng gam màu đỏ, đen làm chủ đạo, đường nét nguệch ngoạc lột tả những khó khăn ông gặp phải trong giai đoạn này. Sinh thời, họa sĩ nghiện ngập, nhiều lần xuất hiện trên đường phố trong bộ dạng nhếch nhác, trông như bị hoang tưởng. Ảnh: Christie's

Uống Trà Thôi
Theo vnexpress
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!