/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Lịch Sử Của Trà: Dấu Ấn Trà Việt Nam Trong Lịch Sử Cổ
Lịch Sử Của Trà: Dấu Ấn Trà Việt Nam Trong Lịch Sử Cổ
08:37, 17/08/2022 Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
- Truyền thuyết về cây trà cổ

Nói về nguồn gốc và lịch sử của trà, người Trung Quốc vẫn lưu giữ một truyền thuyết về Thần Nông: “Thần Nông nếm thử trăm loại cỏ, ngày trúng phải 72 thứ độc, nhờ trà mà giải được độc”. Tương truyền tổ tiên Thần Nông của người Hoa Hạ có một cái bụng trong suốt như thủy tinh. Bất kể là ăn thứ gì, Thần Nông đều có thể qua cái bụng trong suốt của mình mà nhìn thấy được rõ ràng.

Truyền thuyết kể rằng, Thần Nông vì để giúp đỡ loài người, bèn lợi dụng cái bụng thủy tinh của mình để nếm thử trăm thứ cỏ, nhìn xem những thứ đó sau khi ăn vào sẽ xảy ra biến hóa gì.

Có một ngày, khi Thần Nông gặp một loài cây có lá xanh hoa trắng và ăn thử lá của loài cây ấy. Thật kỳ lạ, sau khi ăn xong, ông phát hiện loài cây này có thể giúp ngài thanh lọc những chất độc vì thử trăm loại cỏ trước đó, hơn nữa sau khi ăn còn có mùi hương thơm mát, cảm giác vừa ngon vừa ngọt.

Về sau, mỗi lần nếm phải cỏ độc, ông lại dùng loại lá này để giải độc. Vì mục đích ban đầu của Thần Nông là kiểm tra trăm loại cỏ, nên sau khi phát hiện loại cây này ông bèn gọi nó là “Tra” (nghĩa là kiểm tra). Sau này, người ta đem chữ “Tra” viết thành chữ “Trà”. Đây chính là nguồn gốc của Trà.

- Lịch sử của Trà Việt Nam

Từ góc độ cổ tích và truyền thuyết làm bằng chứng cho nguồn gốc lịch sử của trà Việt Nam, hẳn nhiều người ngỡ ngàng khi biết rằng trà đã xuất hiện từ thời Hùng Vương cùng với bánh chưng - bánh dày.

Dấu vết trà Việt Nam từng xuất hiện trong truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương, một mối tình lãng mạn từ thời cổ sử Việt. Diễn ra trong bối cảnh thời đại các vua Hùng (2879-257 TCN). Và bằng chứng đáng tin cậy nhất là các địa danh từng xuất hiện trong câu chuyện kể vào đời Hùng Duệ Vương, một vị quý phi của vua Hùng đã về làng Văn Luông (nay là Văn Phú), Phú Thọ dạy dân trồng chè, trồng bông sinh sống. Để ghi nhớ công nghiệp khai sáng ấy của bà, vùng đất trồng chè, trồng bông năm xưa, dân cư tụ về sinh sống và đã tạo dựng nên những xóm làng mang tên: xóm Bãi Chè, xóm Bông vẫn tồn tại mãi tới ngày nay.

Đồn điền cây trà thì mãi đến năm 1924 thời Pháp thuộc mới bắt đầu hoạt động ở vùng Cao nguyên Trung Kỳ gồm các tỉnh Kontum, Pleiku, Đắk Lăk và Đồng Nai Thượng. Sang thập niên 1930, trà được đem trồng một cách quy mô trên cao nguyên vùng B'lao và vùng này sau chiếm địa vị là vựa trà.

Tính đến năm 1960, Việt Nam xuất cảng 2.000 tấn trà mỗi năm. Đến năm 2007 thì sản lượng trà của Việt Nam đã vượt một triệu tấn, canh tác trên 125.000 hecta.

Cây trà tại Việt Nam đến giữa thế kỷ 20 được trồng khắp miền quê ngoài Bắc và Trung, diện tích lớn nhất ở hai tỉnh Phú Thọ và Quảng Nam.

Vào đầu năm 2016, thị trường lớn nhất mua trà Việt Nam là Pakistan chiếm khoảng 1/3 thị phần. Việt Nam cũng là nước xuất cảng chè đứng thứ năm trên thế giới. Tuy nhiên giá bán thấp hơn so với các nước khác vì phẩm trà chưa ổn định, chỉ đạt 60-70% giá thị trường quốc tế.

- Điều kiện thiên nhiên giúp cho cây Trà Việt Nam phát triển

Trà thường được trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, nơi có lượng mưa cao mỗi năm. Khí hậu ẩm ướt và nhiều nắng ấm là hai yếu tố chính.

Trà ngon Việt Nam thường mọc ở độ cao trên 1.000m để cây trà phát triển chậm, tích tụ nhiều hương vị đậm đà, như đất Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu

- Các loại trà Việt Nam thượng hạng, nhất định phải thử

Loại thân mọc cao, lá lớn và dày, có thể hái về vò nát để nấu uống tươi và loại thứ hai là trà đồn điền du nhập từ phương Tây, cây thấp, lá nhỏ, thường phải ủ rồi mới nấu nước.

Hạng nhất là trà búp, có khi gọi văn vẻ là "Bạch trà" hay "trà bạch tuyết" nếu búp có lông tơ trắng ở đầu ngọn. Hạng nhì là hai lá trà kế. Lá thứ tư, thứ năm là trà hạng ba. Những lá dưới nữa thì dùng làm trà mạn, rẻ hơn cả.

Văn hóa trà Việt Nam với những nét đặc trưng và tinh túy riêng, đã đóng góp vào nền văn hóa trà thế giới. Người Việt Nam luôn tự hào với công phu tẩm ướp, pha trà và thưởng thức trà. Trà Việt Nam có thể được chia làm ba loại: trà hương, trà mạn và trà tươi.

- Trà Việt Nam: Trà hương

Đây là loại trà Việt Nam đặc trưng, bởi người Việt Nam rất thích uống trà ướp hương của các loài hoa như hoa lài, hoa sói, hoa sen, hoa ngâu, hoa cúc..., thường trà được ướp hoa trước và đóng gói sẵn để dễ dùng. Nói đến trà hương là phải nói đến ba loại trà hương rất đặc sắc: trà sen, trà ngũ hương và trà hoa sứ.

- Trà Sen Việt Nam

Trà sen được sử dụng phổ biến từ lâu tại Việt Nam. Đặc biệt người dân Hà Nội luôn tự hào với cách tẩm ướp, pha trà và thưởng trà của họ. Trà sen trở thành một tinh thần đặc trưng của văn hóa trà Việt Nam, mang trong đó nhiều triết lý, lịch sự và lòng kính trọng.

- Trà ngũ hương Việt Nam

Là trà uống trong các dịp lễ tết, nhất là Tết Nguyên Đán. Một khay trà đặc biệt có 5 chỗ trũng, đặt vào 5 loài hoa bắt hương nhất là lài, sói, sen, ngâu và cúc. Tráng ly cho nóng và đặt úp lên các bông hoa, đợi một chút rồi lấy ly đó để thưởng thức trà.

- Trà hoa sứ Việt Nam

Hoa sứ không thể ướp trực tiếp vào trà như các loài hoa trong ngũ hương, chỉ có thể thưởng hương bằng một ly nhỏ nóng úp lên hoa rồi dùng lý đó uống trà.

- Trà mạn Việt Nam

Trà mạn là trà không ướp hương, chú trọng đến sự tinh tế trong cách thưởng thức trà. Trà mạn Việt Nam có những tiêu chuẩn phức tạp về trà, nước pha trà, ấm uống trà, cách pha trà và bạn thưởng trà. Trà mạn có hai loại chính là trà Tàu và trà Thiền.

Trà mạn Tàu: Ảnh hưởng nhiều từ tinh thần và phong cách của trà Trung Hoa, thường dùng trà Trung Quốc, chuộng ấm đất Nghi Hưng và rất tỉ mỉ về cách để có chén trà ngon.
Trà mạn Thiền: Là cách uống trà mang nặng tính Thiền, lấy trà làm duyên để hướng vào nội tâm. Trà Thiền nhằm giáo dục con người.

- Chè tươi Việt Nam

Nhắc đến Trà Việt Nam không thể không nhắc trà tươi hay chè tươi. Đây là cách uống trà cổ xưa nhất của người Việt. Trà tươi được chế biến từ lá chè tươi chưa được chế biến, sau đó mang đi rửa và vò nhẹ lá trà và cho vào nồi nấu. Sau khi nước sôi, đổ trà vào bát sành lớn và thưởng thức cả ngày dài. Tại những làng cổ, các gia đình trong làng thường luôn phiên nấu trà mỗi tối để thiết đãi cả làng. Trà tươi Việt Nam được bình chọn cách thưởng trà hun đúc tình xóm, làm con người thân thiện và gần gũi nhau.

Dùng lá chè tươi rửa sạch, cũng giống như cách pha trà khô khác bằng cách hãm trà, tức là nước đun sôi rồi chế nước vào ấm. Sau 3-5 phút là có thể có chén trà ngon. Nếu pha bằng cách cho lá trà vào nồi đun lên thì nước trà có màu không đẹp và rất đắng.

Có thể thấy rằng, trà Việt Nam đã phát triển cùng văn hóa của người Việt trong dòng chảy của lịch sử của trà. Trân trọng những nét tinh túy của trời đất, trà Việt Nam trở thành một đồ uống thiêng liêng, không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên trong những dịp quan trọng. Điều đó khẳng định quan niệm xa xưa của người Việt ta: Trà là thủy tổ của vạn vật trong suốt 4000 năm phát triển cùng lịch sử dân tộc.

Uống Trà Thôi
Theo plantrip-cha
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!