Trương Đại Thiên (1899- 1983) sinh ra và lớn lên tại Tứ Xuyên, Trung Quốc. So với những tên tuổi đại thụ, cùng thời với ông như Pablo Picasso, Andy Warhol, Roy Lichtenstein, Salvador Dali,… thì Trương Đại Thiên hoàn toàn xứng đáng được xếp trong hàng ngũ ấy. Ông đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm ở các nước châu Âu và Mỹ và có được danh tiếng đáng kể ở nước ngoài, nên nhớ vào thời điểm ấy để được nổi tiếng mà cả thế giới biết đến với một họa sĩ tới từ châu Á là không hề đơn giản.
Đối với các nghệ sĩ Trung Quốc cả vào thời điểm ấy lẫn bây giờ, các bức tranh của ông được coi là tiêu chuẩn vàng, luôn luôn được định một mức giá cao và ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng tài chính – kinh tế. Có thời điểm, tổng số tiền mà người ta mua tranh của ông lên đến gần nửa tỷ USD. Điều ấy trực tiếp đẩy giá của các tác phẩm của huyền thoại Picasso, Warhol xuống dưới.
Tranh của ông có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tư tưởng phương Đông và phương Tây, nổi tiếng về cả hội họa, thư pháp, khắc triện lẫn thi từ. Ông là họa sỹ thuộc dòng tranh Quốc họa, đồng thời là người đã sáng tạo nên dòng tranh “Đại phong đường”, hay “Đại Thiên họa phái”. Người ta gọi ông là huyền thoại âu cũng đúng, cả cuộc đời, sự nghiệp của ông có lẽ nên được dựng thành một tác phẩm điện ảnh mới có thể phác họa chân thực và tỉ mỉ nhất. Đến tận thời điểm hiện tại và sau này Trương Đại Thiên vẫn là cây đại thụ, là họa sĩ có ảnh hưởng lớn nhất đến giới họa sỹ Trung Hoa thế kỷ 20.
Dưới đây là 10 sự thật về cuộc sống, cách làm việc của huyền thoại nghệ thuật Trung Quốc- Trương Đại Thiên.
Cuộc đời của Trương Đại Thiên là là những chuỗi ngày gắn với biến động của lịch sử Trung Quốc
Sinh ra và lớn lên trong những năm suy tàn của triều đại cuối cùng của Trung Quốc (nhà Thanh), giai đoạn đầy biến động tiếp theo đã khiến cho một họa sĩ trẻ như Trương Đại Thiên gặp phải nhiều chông gai nhưng đồng thời cũng đem đến cho ông những cơ hội mới, ông đi khắp nơi trên thế giới, trải nghiệm những vùng đất mới, khơi gợi nguồn sáng tạo, cũng không sai khi gọi ông là “người họa sĩ lang thang” vì thực sự nửa đời sau của ông dành để làm những việc ông muốn và không một lần quay lại quê hương.
Trương Đại Thiên- bậc thầy của hội họa truyền thống Trung Hoa
Từ nhỏ ông được dạy vẽ bởi mẹ và các anh chị trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, ông sao chép tất cả những tác phẩm mà ông đã nhìn thấy và đặc biệt bị ảnh hưởng bởi bậc thầy hội họa Shitao- Thẩm Đào (1642- 1707) và họa gia thời Thanh ngang tàng, cổ quái Bada Shanren – Bát Đại Sơn Nhân (1626- 1705). Năm 1940, Trương Đại Thiên dẫn đầu một nhóm các nghệ sĩ đến các hang động ở Mạc Cao và Ngọc Lâm với mục đích sao chép bức tranh tường Phật giáo. Nhóm hoàn thành hơn 200 bức tranh và kinh nghiệm sau đợt đi ấy đã để lại cho ông kho lưu trữ hình ảnh tôn giáo phong phú. Tình yêu nước đối với Trương Đại Thiên thể hiện qua những bức tranh chép mà ông cùng các học trò vẽ lại từ các phiên bản cũ hơn nhằm lưu giữ những vốn văn hóa, tư liệu quý giá cho sau này đúng như cái cách khi ông bắt đầu khởi nghiệp cầm cọ vẽ. Lúc cao điểm, bộ sưu tập của ông có hàng trăm tác phẩm từ thời nhà Đường đến nhà Thanh.
Trương Đại Thiên là một nhà sưu tầm hội họa
Sự say mê nghiên cứu các tác phẩm của quá khứ đến mức coi đó là nguồn sống của ông đã khiến ông trở thành một người sành sỏi, có tầm am hiểu sâu sắc và là nhà một nhà sưu tầm hội họa có vai tro cực kỳ quan trọng. Có thể thấy lời đề tựa cũng như con dấu của ông xuất hiện ở hầu hết các bức họa chủ chốt trong nhiều bộ sưu tập ở các bảo tàng khắp nơi trên thế giới.
Ông là một họa sĩ đa phong cách
Những tác phẩm đáng chú ý nhất của ông đều là những phong cách mà ông thành thạo, được coi là “người khai sáng”, từ những bức chân dung quá tỉ mỉ và chi tiết đến những bức tranh thủy mặc đỉnh cao. Ông đi du lịch châu Âu và Mỹ rất nhiều, được tiếp xúc với các trường phái nghệ thuật đương đại ở những nơi ấy. Điều này đưa đến cả một biển những thay đổi trong phương pháp vẽ của mình, ông đã tạo ra những lối phẩy mực, quét bút độc nhất vô nhị, mở rộng tiềm năng của tạo màu, của những mặt phẳng.
Những năm về sau, ông lại còn kết hợp giữa những nhát đi màu, phết mực với những đường đi bút tạo chất phải gọi là bậc thầy, kết hợp với sự bay bổng mà thành một khối hài hòa mới. Trương Đại Thiên liệng giữa cụ thể và trừu tượng, nhiệt thành giữa bất định và tự do, ông đã tạo nên một loại mới của tranh Trung Quốc hiện đại.”Trong khi tự sáng tạo nên dòng tranh “Đại phong đường” thì ông vẫn một mực nhấn mạnh rằng nghệ thuật của ông luôn luôn bắt nguồn từ nghệ thuật Trung Hoa cổ. Giống như nhiều nghệ sĩ vẽ mực khác, những bức tranh thủy mặc gây ấn tượng mạnh của Trương Đại Thiên luôn là những tác phẩm được tìm kiếm nhiều nhất.
500 bức tranh là con số mà ông vẽ trong một năm
May mắn là ông sống khá thọ vì thế cả đời người ông dành hết cho hội họa, ông say mê, điên đảo với hội họa, vi thế mà tính trung bình một năm số tác phẩm của ông lên đến nửa triệu.
Nếu gọi theo cách gọi hiện đại ngày nay thì Trương Đại Thiên chính là một tín đồ của chủ nghĩa xê dịch
Sau chuyến đi Nhật Bản lần đầu tiên khi còn là một thanh niên học thiết kế dệt may, ông cũng đi du lịch khắp Trung Quốc, và trong những năm sau đó là nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là sau khi ông rời Trung Quốc vĩnh viễn năm 1949. Ông vi vu khắp nơi nhưng chỉ thực sự dừng chân và sinh sống ở Argentina, Brazil, California và cuối cùng là ở Đài Loan.
Trương Đại Thiên đích thị là một thiên tài giao tiếp
Ông là một người thích giao du, vì thế xung quanh ông lúc nào cũng có người trong gia đình, bạn bè, sinh viên và người hâm mộ. Một trong những sự kiện hay ho nhất của ông là cuộc gặp gỡ nổi tiếng với Pablo Picasso vào năm 1956, sự kiện này còn được quảng cáo rầm rộ như như một cuộc họp quan trọng giữa phương Đông và phương Tây. Với bộ áo dài học giả và bộ râu chảy đặc trưng ông luôn giới thiệu mình là một nghệ sĩ truyền thống Trung Quốc. Ở bất cứ đâu mà ông muốn định cư, ông đều xây dựng cho mình những ngôi nhà ấn tượng với những khu vườn cổ điển Trung Quốc, dù không trở về quê, nhưng quê hương mãi mãi là quê hương, đi đến đâu ông cũng luôn nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn ấy.
Những tác phẩm mà ông đem tặng đều cực kỳ giá trị
Lại một khía cạnh đối nhân xử thế nữa mà Trương Đại Thiên cho chúng ta thấy, với ông, tồn tại trong xã hội, là có đi có lại, ông tặng những bức tranh của mình cho những người có ảnh hưởng đến mình, với các giáo viên, bác sĩ và đầu bếp đã giúp đỡ và phục vụ cho ông. Ngày nay những bức tranh này không chỉ đơn giản mang ý nghĩa rằng đó là món quà của một bậc thầy hội họa mà còn bởi vì nguồn gốc chân thực làm tăng giá trị của chúng.
Trương Đại Thiên là “nghệ sĩ giả mạo đại tài bị giả mạo”
Trương Đại Thiên vốn đã rất nổi tiếng từ những năm mà ông còn sao chép những bức tranh cũ, sau này khi đã có một phong cách cho riêng mình, ông tiết lộ rằng thực ra có một tác phẩm trong một bộ sưu tập cực kỳ nổi tiếng thực chất chỉ là một bản sao ông đã làm. Và trớ trêu thay, sau đó những bức tranh của ông cũng nổi tiếng đến mức bị giả mạo tràn lan. Tuy nhiên, nếu xem xét một cách cẩn thận và kĩ càng thì sẽ thấy được tính cách mạnh mẽ và phong cách đặc biệt được ông thể hiện qua tranh.
Và như đã nói ở trên, những tác phẩm của Trương Đại Thiên được xếp vào top những bức họa bán chạy nhất thế giới
Năm 2011, dù đã mất khá lâu trước đó nhưng ông không chỉ trở thành nghệ sĩ Trung Quốc nổi tiếng nhất trong cuộc đấu giá mà còn là nghệ sĩ có tranh bán chạy nhất trên thế giới, soán ngôi cả người quen cũ Picasso sau 13 năm liên tiếp dẫn đầu. Kể từ đó đến giờ nhu cầu cho các tác phẩm của Trương Đại Thiên vẫn rất được quan tâm.
Uống Trà Thôi
Theo designs.vn