Lịch sử hình thành ấm trà tử sa Nghi Hưng
Lịch sử làm tử sa thì dài đến cả vài ngàn năm, kĩ thuật làm tử sa được kế thừa và phát triển từ kĩ thuật làm đồ gốm. Từ xa xưa người Trung Quốc đã lấy đất tử sa làm đồ dùng, nhưng làm thành ấm sử tử sa trung quốc được mọi người công nhận phải đến đời nhà Minh (1368-1644)
Lúc đó có một thư đồng tên là Cung Xuân, dựa theo hình dạng của bướu cây, làm một chiếc ấm, được văn nhân mặc khách khen ngợi. Từ lúc đó, ấm tử sa bắt đầu hưng thịnh.
Mặc dù trông giống làm từ đất nhưng nguyên liệu của nó là Quặng – Sau khi được chọn, nghiền, luyện thì trở thành đất tử sa để làm ấm. Có câu, quặng tử sa trong thiên hạ đều bắt nguồn từ Nghi Hưng. Vì chỉ có quặng tử sa ở Nghi Hưng mới làm được ấm tử sa đặc biệt.
Đất tử sa có 4 loại chính lớn là: Tử Nê, Lục Nê, Hồng Nê, Đoạn Nê. Trong mỗi loại còn phân chia ra rất nhiều các loại tên gọi khác.
Ấm trà tử sa được làm như thế nào?
Chọn quặng tử sa và nghiền quặng
Quặng tử sa được lấy từ đỉnh núi Hoàng Long Sơn của thị trấn Đinh Thục, Nghi Hưng. Tên khoa học của quặng tử sa là đất sét khoáng Aluminosilicat. Quặng khai thác về được phơi lộ thiên để dùng mưa gió sương tuyết của thiên nhiên làm quặng phong hoá.
Khi tơi hẳn ra thì được chọn lọc để loại bỏ tạp chất và phân loại quặng. Công việc tỉ mỉ và đặc biệt tốn thời gian này bắt buộc phải dùng sức người vì máy móc không phân biệt được quặng tốt xấu. Quặng tử sa chọn lọc xong sẽ được đem đi nghiền.
Trước đây quặng được nghiền bằng cối đá xay nhưng ngày nay thì việc nghiền quặng đã có máy móc hỗ trợ nên công tác nghiền quặng đã được đẩy nhanh lên rất nhiều. Quặng nghiền xong sẽ được dùng sàng để lọc. Tuỳ vào mong muốn và mức độ mịn màng của ấm mà nghệ nhân sẽ chọn loại sàng phù hợp.
Đơn vị đo lường đường kính mắt sàng là MESH – Đơn vị đo lường quốc tế: 80 MESH là 0.2mm, 100 MESH là 0.15 mm. Nếu chọn nguyên liệu được lọc qua sàng 100 MESH trở lên, ấm tử sa sẽ trơn láng, mịn màng như ngọc.
Luyện đất và ủ đất
Bột quặng tử sa sàng lọc xong sẽ được luyện bằng cách trộn với nước sau đó đập nhuyễn nhiều lần để các phần tử trong đất ép chặt vào nhau, dồn không khí ra ngoài, đến khi dùng dao cắt đất, thấy mặt cắt bằng phẳng và bóng mới đạt..
Quá trình luyện đất chính là khiến bột tử sa trở thành đất. Mỗi nghệ nhân làm ấm đều có công thức pha phối đất riêng.
Đất đã luyện xong sẽ được dùng vải dầu bọc lại và cho vào hũ kín vài tháng. Bước này này gọi là ủ đất. Mục đích của ủ đất là khiến muối cacbonat và hợp chất hữu cơ được phân giải triệt để và để nước ngấm và phân bố đều.
Chế tác ấm
Đất ủ xong sẽ được lấy ra làm ấm. Tuỳ vào từng sở thích và ý tưởng thiết kế của nghệ nhân làm ấm mà ấm sẽ được làm thành các dáng ấm tử sa.
Đầu tiên là làm thân ấm - Đế ấm - Nắp ấm - Đục lỗ và làm vòi ấm - Quai ấm - Trang trí ấm
Quá trình này thể hiện rất rõ trình độ và kinh nghiệm của thợ làm ấm. Tất cả những nét đẹp và sự thu hút của ấm tử sa đều nằm ở các khâu này và no cũng ảnh hưởng nhiều nhất đến giá thành của ấm.
Nung ấm
Tuỳ vào các loại đất dùng để làm ấm mà có các nhiệt độ nung khác nhau. Ví du: Tử Nê thường được nung ở độ 1180 độ c, Đoạn Nê thường ở 1200 độ C, Hồng Nê thường ở 1100 độ C. Phôi đất làm từ khoáng tử sa phải đem nung mới hoàn thành sự thay đổi từ đất thành gốm.
Uống Trà Thôi
Theo An Nhi Trà