Nói đến trí tuệ đời người, không thể không bàn tới hai phạm trù thông minh và khôn ngoan, thực ra, thông minh và khôn ngoan là hai chuyện hoàn toàn khác nhau.
Thế gian này không có nhiều người thông minh, có lẽ 10 người may ra mới được 1 người; nhưng kẻ trí thì lại càng hiếm hơn, tỷ lệ 1/100. Ngay cả triết gia lỗi lạc của Hy Lạp cổ đại, Sokrates cũng từng nói rằng, nếu chiếu theo yêu cầu của trí tuệ, thì bản thân ông vẫn chỉ là một người vô tri.
Trong thực tế cuộc sống, người không chịu thiệt, là người thông minh; nhưng người dám chịu thiệt mới là kẻ khôn ngoan.
Người thông minh luôn bảo vệ lợi ích của bản thân khi làm việc với người khác. Chẳng hạn như khi làm ăn kinh doanh, mỗi một đơn hàng, họ đều sẽ có thể kiếm đủ lợi nhuận mà mình nên có; trong khi kẻ trí không theo đuổi lợi ích lớn nhất của một cuộc làm ăn, có những cuộc làm ăn, dù có phải bồi thương lại tiền, họ vẫn sẽ làm. Vì sao? Vì cái họ theo đuổi ở đây là "đôi bên cùng thắng", tôi được anh cũng sẽ có, cái họ hướng đến là một tương lai xa, là chữ tín, là "đắc nhân tâm" chứ không phải những lợi ích nhất thời.
Người thông minh biết mình có thể làm gì, trong khi kẻ khôn ngoan hiểu rõ hơn ai hết rằng mình không được làm gì.
Người thông minh biết nắm bắt cơ hội, biết lúc nào nên ra tay; kẻ khôn ngoan lại biết lúc nào nên buông tay. Vì vậy, cầm lên được là thông minh, nhưng có bỏ xuống được thì mới là kẻ trí.
Người thông minh luôn thể hiện khía cạnh sáng chói của họ ra bên ngoài, họ biết cách tỏa sáng; trong khi kẻ trí lại biết cách giúp người khác thể hiện lợi thế nổi trội hơn người của mình ra bên ngoài. Chẳng hạn, trong một bữa tiệc, người thông minh sẽ luôn rất bận "mồm", họ nói không ngừng, vì vậy họ là ấm trà; trong khi kẻ trí lại bận "tai", họ chú tâm lắng nghe người khác, vì vậy họ là tách trà. Nước trà trong ấm rồi cũng sẽ rót vào tách. Người thông minh chỉ biết để ý tới tiểu tiết, trong khi kẻ trí lại chú trọng tới tổng thể.
Người thông minh lắm phiền não, mất ngủ là chuyện rất phổ biến. Bởi lẽ người thông minh thường nhạy cảm hơn người khác; trong khi kẻ trí lại luôn tránh xa những phiền não, thị phi, họ đạt tới cảnh giới "không vui vì vật, cũng chẳng vì mình mà ưu", vì vậy mà kẻ trí sống thanh thản, ăn ngon ngủ tốt. Và cũng vì vậy, kẻ trí luôn sống lâu sống thọ hơn.
Người thông minh khát khao thay đổi người khác, khiến người khác phải sống như ý mình; trong khi người khôn ngoan lại thuận theo tự nhiên. Vì vậy mà quan hệ xã giao của người thông minh rất dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, trong khi với người trí tuệ, quan hệ xã hội thường hòa hợp hơn.
Thông minh phần lớn là bẩm sinh, do di truyền; nhưng trí tuệ là cần tới sự rèn dũa, tu dưỡng nhiều hơn.
Thông minh có thể hấp thu nhiều tri thức, trong khi khôn ngoan khiến con người ta có văn hóa hơn.
Người thông minh nhìn đời bằng tai bằng mắt, trong khi kẻ trí nhìn đời bằng tâm hồn, bằng trái tim, đó cũng là cái gọi là "trí do tâm sinh".
Khoa học khiến con người trở nên thông minh; triết học dạy con người trí tuệ.
Thông minh có thể đem lại tiền bạc và quyền lực, trí tuệ đem lại sự vui vẻ, hạnh phúc. Bởi lẽ thông minh thường sẽ có nhiều kĩ năng hơn, mà trong thực tế, những kĩ năng này, chỉ cần gặp được thời cơ tốt là sẽ có thể chuyển hóa thành tài phú và quyền lực. Nhưng tài phú và quyền lực nhiều khi không thể so sánh được với sự lạc quan vui vẻ, và niềm vui, niềm hạnh phúc thì lại tới từ trái tim. Vì vậy, cầu tài, là kẻ thông minh; nhưng cầu tránh xa mọi phiền não, chính là kẻ trí.
Theo: Doanh nghiệp và Tiếp thị
Team Uống Trà Thôi sưu tầm