/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trong lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đã từng xuất hiện một anh hùng cái thế khiến tướng giặc phương Bắc phải lo sợ phát ốm mà chết. Vậy vị ấy là ai?
Trong lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đã từng xuất hiện một anh hùng cái thế khiến tướng giặc phương Bắc phải lo sợ phát ốm mà chết. Vậy vị ấy là ai?
13:39, 22/05/2023 Team Uống Trà Thôi DANH TƯỚNG & NHÂN VẬT VN
Trong lịch sử oai hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đã từng xuất hiện một anh hùng cái thế khiến tướng giặc phương Bắc phải lo sợ phát ốm mà chết. Vậy vị ấy là ai?

Phùng Hưng tự Công Phấn, hiệu Đô Quân là lãnh tụ một cuộc nổi dậy chống lại sự đô hộ của nhà Đường thời Bắc thuộc lần thứ ba (602 – 905) trong lịch sử Việt Nam. Phùng Hưng là con cả của Phùng Hạp Khanh, từng tham gia việc khởi nghĩa của Mai Thúc Loan (722). Cả 3 người con trai của Hạp Khanh gồm: Phùng Hưng, Phùng Hải và Phùng Dĩnh đều khôi ngô khác thường, lớn lên ai cũng có sức khỏe, mạnh mẽ hơn người, có thể quật trâu, cưỡi hổ.

Nhưng trong 3 anh em họ thì Phùng Hưng là người có khí chất đặc biệt nhất nên sau này nối nghiệp cha trở thành hào trưởng đất Đường Lâm. Lại là người có sức khỏe phi thường, ông được dân gian ca tụng lưu truyền ngàn đời trong câu chuyện ông dùng mưu cao giết hổ dữ mang lại bình yên cho dân làng.

Mưu cao trị hổ

Thời bấy giờ, ở vùng quê Đường Lâm vẫn là vùng đất gò đồi và rừng cây rậm rạp. Từ rừng bỗng xuất hiện con hỗ dữ chuyên bắt gia súc và người ăn thịt khiến dân làng sợ hãi, cuộc sống bị xáo trộn. Phùng Hưng với khí phách của bậc anh hùng quyết tìm cách trị hổ cứu người.

Ông cho người làm con bù nhìn bằng rơm, cho mặc quần áo giống hệt người rồi đặt đúng chỗ mà hổ thường hay xuất hiện. Con hổ đi qua, nhìn thấy bù nhìn liền tưởng người thật nên lao vào cắn xé nhưng chỉ là một cọc gỗ độn rơm tả tơi. Vài lần như vậy, con hổ thấy chán chẳng con chú ý đến bù nhìn rơm nữa.

Một hôm, trời chập chạng tối, Phùng Hưng nghĩ kế lạ, người cởi trần, thân đóng khố, trát bùn khắp người đứng thế vào chỗ hay đặt bù nhìn rơm. Hơi bùn non át hơi người thoang thoảng, con hổ xuất hiện và lặng lẽ bước đến như mọi lần ghé thăm. Phùng Hưng bất ngờ xông tới nhảy lên mình hổ, ghì chặt con mãnh thú. Sau một hồi người hổ vật nhau, hổ đuối sức, Phùng Hưng giáng một cú thôi sơn đập vỡ sọ nó. Hổ chết, mối họa của dân được trừ bỏ, Phùng Hưng được ca ngợi là “Vua đánh hổ”.

Phát động khởi nghĩa

Thời bấy giờ nước Nam ta đang nội thuộc nhà Đường (Trung Quốc). Tri phủ Cao Chính Bình đóng đô ở Phủ Tống Bình (Hà Nội ngày nay). Từ toà thành này, Cao Chính Bình đề ra chính sách hà khắc của mình, bắt người Việt phải đóng sưu cao thuế nặng, khiến lòng người ngày càng bất mãn. Phùng Hưng quyết định dựng cờ chiêu hiền đãi sĩ, phát động khởi nghĩa chống lại chính quyền đô hộ đương thời.

Cuộc khởi nghĩa do Phùng Hưng phát động nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của nhân dân từ khắp các miền đất Giao Châu. Khởi đầu, anh em họ Phùng nổi dậy làm chủ Đường Lâm rồi nghĩa quân tiến lên đánh chiếm được cả một miền rộng lớn quanh vùng thuộc Phong Châu, xây dựng thành căn cứ chống giặc.

Phùng Hưng xưng là Đô Quân, Phùng Hải xưng là Đô Bảo và Phùng Dĩnh xưng là Đô Tổng, chia quân đi trấn giữ những nơi hiểm yếu. Cao Chính Bình đem quân đi đàn áp nhưng chưa phân thắng bại. Tình hình diễn ra như vậy hơn 20 năm, khoảng niên hiệu Đại Lịch (766 – 779). Tới tháng 4 năm Tân Mùi (791), Phùng Hưng từ chỗ cầm cự đã cùng các tướng lĩnh đem quân vây đánh thành Tống Bình.

Cuộc chiến đấu sau đó diễn ra quyết liệt, quân Đường chết nhiều, Cao Chính Bình phải vào cố thủ trong thành, lo sợ cuối cùng bị ốm rồi chết. Phùng Hưng chiếm lĩnh thành trì và vào phủ Đô hộ, coi chính sự đất nước. Chính sử chép rằng ông cầm quyền cai trị không lâu và sau đó đã qua đời ngay trong năm 791. Các sử gia hiện nay xác định ông mất khoảng tháng 5 năm 791. Sau khi mất, Phùng Hưng được nhân dân suy tôn là Bố Cái Đại Vương.

Về danh hiệu này, vì hiểu nghĩa “Bố Cái” là “Cha Mẹ”, sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã có câu viết để giải thích là: “Con (Phùng Hưng, sau khi cha mẹ mất) tôn xưng (cha) là Bố Cái Đại Vương. Tục gọi cha là Bố, mẹ là Cái cho nên lấy làm hiệu”. Tuy nhiên, trong công trình “Việt giám thông khảo tổng luận”, sử thần Lê Tung lại gọi Phùng Hưng nguyên văn là “Phùng Bố Cái”. Cấu trúc của cụm từ này cho thấy ở đây, nghĩa của “Bố” chính là: vua (Bua – Bố), và “Cái” là: Lớn. “Bố Cái”, vậy, tiếng Nôm là “Vua Lớn”, hoàn toàn tương đồng với “Đại Vương” trong tiếng Hán Việt.

Trong “Khâm định Việt sử thông giám cương mục”, giải thích là: “Dân chúng tôn (Phùng) Hưng làm Bố Cái Đại Vương” (chứ không phải là: con Phùng Hưng tôn xưng cha). Và việc Phùng Hưng được dân chúng suy tôn là “Vua Lớn”, còn thấy rõ trong câu sử bút sau đây: “Vương thường hiển linh, dân cho là thần, mới làm đền thờ ở phía tây phủ đô hộ, tuế thời cúng tế”. Sử cũ còn ghi chép rõ, ngôi đền thờ ấy, trên đất Hà Nội thời tiền Thăng Long, đến thời Lê, thuộc đất “phường Thịnh Quang”.

Bố Cái Đại Vương hiển linh

Sau khi mất, Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng rất linh thiêng, những câu chuyện lạ kỳ như vậy được lưu truyền trong dân gian và thư tịch cổ, như trong sách “Việt điện u linh” viết rằng: “Khi ấy, dân các làng thường nghe có tiếng ngựa xe đi lại ầm ầm trên nóc nhà hoặc trên ngọn cây cao, ngẩng trông thì thấy ẩn hiện trong những đám mây là cờ ngũ sắc và kiệu vàng rực rỡ, lại có cả tiếng nhạc văng vẳng nữa. Cũng lạ thay, nếu có việc lành hay dữ sắp xảy ra thì thế nào đêm đến cũng sẽ có dị nhân báo cho các vị hào trưởng biết để thông tin cho cả làng hay, cho nên, ai cũng lấy làm lạ, bèn cùng nhau lập đền thờ Vương ở phía Tây của phủ đô hộ”.

Đền thờ Phùng Hưng tại quê hương Cam Lâm, Đường Lâm (ảnh: Wikipedia).
Trong bản thần tích làng Thịnh Hào cũng có đoạn ghi chép tương tự như sau:

“Sau khi Vương chết, rất linh ứng, dân chúng cho là Thần, lập tức dựng đền ở phía tây đô phủ để thờ cúng. Phàm có những việc trộm cắp bất minh, đến đền minh thệ, lập tức sẽ thấy lành dữ. Vì vậy, ở đây hương hỏa không ngớt. Đến khi Ngô tiên chúa (Ngô Quyền) sáng nghiệp khai quốc, quân Nam Hán sang xâm lược. Tiên chúa rất lo lắng, đêm mơ thấy Vương mặc áo giáp sáng, đốc lĩnh trăm vạn hùng binh, tướng soái ngàn người, đều cầm đao thương qua kích, cờ biển ngựa voi đông vô kể. Khi gặp tiên chúa, tự xưng họ tên rồi nói rằng:

– Bọn thảo khấu ngu xuẩn ấy đâu đáng nhắc tới. Ta sẽ giúp hiền khanh một tay.

Tiên chúa lấy làm lạ, tỉnh giấc. Đến khi dẹp xong giặc, tiên chúa xuống chiếu cho xây dựng đền thờ đường bệ, nghiêm trang, trồng hoa cỏ, treo cờ lớn, cử nhạc, nổi trống, cúng lễ thái lao. Các triều sau đều theo lễ này”.

Thời Trần, vào năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), nhà vua sắc phong Bố Cái Đại Vương là Phù Hựu Đại Vương. Năm Trùng Hưng thứ tư lại gia phong thêm hai chữ Chương Tín. Năm Hưng Long thứ 20, Vua (Trần Anh Tông) gia phong thêm hai chữ Sùng Nghĩa nữa. Đến nay, sự linh thiêng vẫn được sùng phụng như xưa.

Soạn giả Lý Tế Xuyên có nhận xét trong sách “Việt điện u linh” như sau:

“Phùng Đô Quân là một người phi thường, tất nhiên có sự gặp gỡ phi thường, sự gặp gỡ phi thường chính là để đãi người có tài phi thường. Xem việc sức bắt được hổ, khi muốn nuốt sao Ngâu, khiến cho người trong châu đều úy phục, nếu không có tài lược hơn người thời đâu được như thế. Chính Bình chết rồi, Vương thung dung vào đô thành cắm bảy mươi ngọn cờ, hùng oai muôn dặm độc quyền một phương, họa phúc do tay, nghiễm nhiên như một họ Triệu, họ Lý, há phải như Mai Hắc Đế chỉ chiếm một châu mà ví được đâu? Tuy vận nội thuộc, chẳng bao lâu bị mất vào tay Triệu Xương, nhưng kẻ đại trượng phu xuất sắc không chịu để cho bọn hồ lại giàn buộc. Ngọ Phong là tay cự phách trong hạng Thổ hào, vận tuy bĩ cực, nhưng gặp gỡ đều hanh thông, rõ thực bậc anh hùng hảo hán, phương chi cốn Đại nội hiển linh, sông Bạch Đằng giúp trận, Phù Hựu Chương Nghĩa chói lọi ở Loan thư, sống được vinh danh, chết lưu hiền hiệu, người như Phùng Bố Cái chưa dễ có nhiều được”.

Lời bàn:
Ngô Quyền cũng như bao vị dũng tướng ngày xưa trước ra trận, vẫn luôn tin rằng Thần linh sông núi luôn luôn sát cánh với mình. Tuy trong chính sử không ai dám quả quyết rằng trận Bạch Đằng thắng lợi là nhờ oai linh của Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng nhưng con người xưa kia luôn nung nấu một niềm tin vào Thần Phật. Chính vì lẽ đó mà khi con người đầy ắp lòng thành kính, tâm hướng thiện, luôn tin tưởng vào sự che chở giúp sức của Thần linh, niềm tin ấy đã tạo nên một sức mạnh vô hình đi cùng với lịch sử bảo vệ dân tộc trước hiểm họa mất nước.

Người Việt chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào vì đã sản sinh ra nhiều anh hùng, tướng lĩnh tài năng xuất chúng, không kém gì những bậc anh hùng, dũng tướng phương Bắc. Tiếc rằng sử liệu và nền nghệ thuật của ta không đồ sộ như họ để truyền tải cho thế hệ sau biết nhiều hơn chính sử của dân tộc mình.

Qua năm tháng dài đằng đẵng của lịch sử, tên tuổi của những bậc anh hùng ấy dường như bị lãng quên, chỉ còn lưu lại một ít sử liệu. Tuy có một số chi tiết nửa hư nửa thực nhưng họ là đại biểu cho văn hóa Thần truyền của đất Việt, đã tạo mạch ngầm văn hóa 4.000 năm của Việt Nam. Những anh hùng như Bố Cái Đại Vương sẽ mãi lưu truyền trong hậu thế.

Nguồn: Chân Tâm
Team Uống Trà Thôi sưu tầm
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!