/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
'Du xuân' - tranh sơn thủy cổ xưa nhất Trung Quốc
'Du xuân' - tranh sơn thủy cổ xưa nhất Trung Quốc
09:24, 03/07/2023 Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
"Du xuân", tuổi đời 1.400 năm, là bức sơn thủy lâu đời nhất của Trung Quốc còn tồn tại.

Theo CCTV, tác phẩm thể loại tranh cuộn, được vẽ trên lụa, dài 80,5 cm, cao 43 cm. Họa sĩ Triển Tử Kiền vẽ cảnh thiên nhiên, điểm xuyết con người nhỏ bé trong không gian hùng vĩ. Tranh hiện được lưu giữ ở Bảo tàng Cố cung Bắc Kinh. Phần lớn học giả công nhận tác phẩm nguồn gốc thời nhà Tùy là bức sơn thủy lâu đời nhất còn tồn tại, mang ý nghĩa quan trọng với lịch sử hội họa Trung Quốc.

Tuổi đời hơn 1.400 năm, tác phẩm hầu như nguyên vẹn, giữ được màu sắc và nét vẽ cơ bản. Trong khung cảnh ngày xuân, con người cưỡi ngựa, ngồi thuyền, leo núi ngắm hoa. Tranh khắc họa không gian rộng lớn, cây cối um tùm, con người nhỏ bé giữa núi non.

Trên Shaoxing Online, họa sĩ Ngô Quốc Tường - thành viên Hiệp hội Mỹ thuật Trung Quốc - cho biết Du xuân là tác phẩm tiêu biểu của nghệ thuật sơn thủy thời kỳ đầu, đánh dấu son cho sự phát triển của dòng tranh này. Nhà văn đương đại Thẩm Tòng Văn nhận định: "Bức tranh này mang ý nghĩa lớn lao với nghệ thuật tranh sơn thủy. Không có tác phẩm, lịch sử thiếu đi một cột mốc quan trọng".

Ban đầu, tranh vốn không có tên. Hoàng đế Tống Huy Tông (1082-1135) từng lưu giữ tác phẩm trong cung, đề lên dòng chữ "Triển Tử Kiền Du xuân đồ". Tới thời Minh, Thanh, bức họa được gọi là Du xuân.

Triển Tử Kiền (năm sinh, năm mất khoảng 550-604), ngoài thông thạo tranh sơn thủy, ông giỏi vẽ đình đài, người và ngựa. Lối vẽ nhân vật của Triển Tử Kiền tập trung vào chi tiết, tạo sự sinh động. Nghệ sĩ có vị trí cao trong lịch sử hội họa Trung Quốc. Sư Ngạn Tông, đệ tử của Đường Tam Tạng, từng viết về tranh sơn thủy của họa sĩ: "Nhìn cảnh vật thấy tình cảm dạt dào, vô cùng tuyệt diệu, tả cảnh gần mà như nhìn thấy tận chân trời".

Trong hơn một thiên niên kỷ, bức tranh nằm trong hoàng cung các triều đại, cũng từng lưu lạc nhân gian. Thập niên 1940, tác phẩm bị đưa khỏi Tử Cấm Thành, nhà buôn đồ cổ Mã Tế Xuyên mua được cổ vật, định bán cho người nước ngoài với giá 800 lượng vàng.

Nhà sưu tầm Trương Bá Câu biết Mã Tế Xuyên mua bức tranh với giá thấp hơn rất nhiều, cho rằng con số 800 lượng vàng không thể chấp nhận được. Một mặt, ông tìm cách lan truyền thông tin, nhấn mạnh Du xuân là quốc bảo, không thể để tác phẩm xuất cảnh, nhằm tạo áo lực cho Mã Tế Xuyên. Mặt khác, Trương Bá Câu huy động vàng để mua lại.

Trước áp lực dư luận, Mã Tế Xuyên buộc phải nhượng bộ Trương Bá Câu, đồng ý bán tranh với giá 200 lượng vàng. Vợ chồng Trương Bá Câu bán trang sức cùng tứ hợp viện rộng 10.000 m2 gần Tử Cấm Thành, dồn vàng để mua Du xuân. Dù mất phần lớn tài sản cho cổ vật, Trương Bá Câu hạnh phúc, đắm chìm trong niềm vui. Năm 1952, ông quyên tặng bảo vật cho Bảo tàng Cố cung.

Tác phẩm hiếm khi được triển lãm. Năm 2017, Bảo tàng trưng bày Du xuân cùng một số tác phẩm cổ đại khác, trở thành sự kiện xã hội nổi bật Trung Quốc bấy giờ. Theo Sina, cuộc triển lãm gây hiện tượng khi người người đổ đến bảo tàng chiêm ngưỡng cổ vật. Khán giả phải xếp hàng ba, bốn tiếng mới được thấy các bức tranh.

Uống Trà Thôi
Theo vnexpress
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!