Chúng ta sinh ra, lớn lên rồi chết đi trong cuộc đời này với chặng đời khoảng 80 năm (tạm cho là vậy) nhưng có bao nhiêu người sống một cuộc đời thật sự ý nghĩa? Đi tìm ý nghĩa cuộc đời phải chăng là vì bạn đã bị vấp ngã, chán đời? Không hẳn thế, nếu bạn là một bạn trẻ, một lính mới “toanh” vừa gia nhập hội “trưởng thành” thì bài viết này vẫn có ích cho bạn.
1. Tại sao phải tìm ý nghĩa cuộc đời?
Thế giới vừa trải qua cơn đại dịch Covid chưa lâu. Cả bạn và tôi chắc hẳn vẫn còn nhớ rất rõ những ngày tháng cả nước bị lock down. Tất cả buộc phải dừng lại, từ việc học đến việc làm, cả những thú vui, trò tiêu khiển, các hoạt động thể thao, … đều buộc phải diễn ra trong bốn bức tường nhà. Điều đầu tiên, xin cho phép tôi chúc mừng bạn và cả tôi thực sự rất may mắn vì đã “thoát” ải covid trong những ngày tháng khủng khiếp ấy.
Trong niềm vui thoát khỏi “cửa tử” covid, bạn có trăn trở gì về kiếp nhân sinh này chưa? Riêng tôi, trong những ngày tháng lockdown ấy, tôi đã có cơ hội nhìn lại: thực sự sống trên đời này, chúng ta có cần thiết phải quăng mình vào những cuộc mưu sinh vội vã, hối hả đi kiếm tiền, tất bật với hàng tá công việc luôn phải diễn ra đều đặn như những trò chơi được lập trình sẵn.
Sáng, thức dậy đã phải vội vã đến sở làm với núi công việc dang dở từ ngày trước hoặc mớ việc đã được lên kế hoạch phải thực hiện. Chiều, tan sở, lại vội vã phóng xe về nhà với bao trách nhiệm, nghĩa vụ phải làm với gia đình, con cái, cha mẹ, … Hoặc nếu là người độc thân thì bạn cũng hối hả với những buổi cà phê hoặc những chầu nhậu mà như cách chúng ta thường gọi đó là giải tỏa căng thẳng sau giờ làm việc. Và những việc ấy luôn được lặp đi lặp lại hết ngày này qua ngày khác một cách đơn điệu, nhàm chán.
Bây giờ chúng ta cùng tưởng tượng viễn cảnh sau: khi dịch bệnh ập đến, nếu chẳng may nhiễm bệnh, buộc phải nằm trên giường thoi thóp thở để chờ đợi điều mà không ai mong chờ nhưng chắc chắn sẽ đến, bạn có cảm thấy hối tiếc vì mình chưa làm được điều gì có ý nghĩa cho cuộc đời này chưa? Tôi không cần bạn trả lời câu hỏi này mà cùng tôi suy ngẫm xem: chúng ta nên sống thế nào để giờ phút buộc phải ra đi khỏi thế giới này, chúng ta bình an, thanh thản cất bước.
2. Có cần phải tìm ý nghĩa cuộc đời không?
Nhà triết học Đức - Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844 - 1900), người có ảnh hưởng đến triết học hiện sinh đã nói: “Người nào có lý do để sống thì có thể tồn tại trong mọi nghịch cảnh”. Và Viktor E. Frankl (1905 -1997), một bác sĩ thần kinh, nhà tâm lý học người Áo gốc Do Thái đã dựa trên triết thuyết ấy cùng với câu chuyện của cuộc đời ông để kết luận rằng: con người cần đến một ý nghĩa trong đời. Cuộc sống sẽ làm ta đau đớn nếu con người cảm thấy trống rỗng trong sự tồn tại.
“Chúng ta mong đợi điều gì từ cuộc https://langzen.vn/song">sống thì không quan trọng, mà quan trọng là cuộc sống mong đợi điều gì từ chúng ta. Hãy thôi hỏi ý nghĩa của cuộc sống này, mà thay vào đó, từng ngày từng giờ tự hỏi bản thân sống như thế nào để có ý nghĩa”, Victor Frankl
Victor Frankl, người Áo gốc Do Thái xuất thân là một bác sĩ làm việc cho khoa Thần kinh, bệnh viện Rothschild, Áo từ năm 1940 - 1942. Trong thời gian này, để cứu mạng cho những bệnh nhân tâm thần bị Đức quốc xã áp dụng luật an tử, ông đã ra những chẩn đoán giả trong hồ sơ bệnh án của họ.
Năm 1942, ông bị Đức quốc xã đưa đến trại tập trung Auschwitz, một trại giam khổng lồ, tàn ác nhất của Đức quốc xã tại Ba Lan thời thế chiến thứ 2. Sau đó, ông được chuyển đến trại Dechau nhưng Frankl may mắn sống sót và được trở về nhờ sự giải phóng của quân đội Mỹ. Ông đã trở thành nhà tâm lý học trị liệu, cha đẻ của thuyết liệu pháp ý nghĩa (logotherapy) với chính những trải nghiệm của ông khi còn ở trong trại. Theo học thuyết của Frankl thì cái con người tìm kiếm trước hết là ý nghĩa trong cuộc đời. Ông muốn giúp những người sống đau đớn, những người khổ sở vì cảm giác trống rỗng trong sự tồn tại.
Các trại tập trung của Đức quốc xã được mệnh danh là địa ngục trần gian, ở trong đó, những người tù không những bị tước đoạt hết những điều kiện sống cơ bản mà họ còn bị tước đoạt cả danh dự và nhân phẩm.
Những tù nhân trong đó phải lao động khổ sai hằng ngày nhưng lại phải sống trong điều kiện đói rét cùng cực. Bản thân họ có thể bị hành hạ bởi nhiều lý do ngẫu nhiên hoặc vô lý. Mục đích chính của những trại tập trung này là hành quyết những người Do Thái.
Vì vậy, với những tù nhân sống trong đó, cái chết là gần như chắc chắn. Hãy thử nghĩ xem nếu trong điều sống tồi tệ, cùng cực như vậy và biết chắc mình sẽ chết thì chúng ta sẽ sống, sẽ hành động như thế nào?
Làm sao những người tù ấy có thể sống được, tại sao họ không tự sát? Có phải vì bản năng của con người là tham sống sợ chết không? Cho dù có tham sống đến đâu chăng nữa mà cứ liên tục bị hành hạ cùng cực như vậy và rồi mình cũng sẽ chết. Vậy liệu bản năng sống có đủ để họ tiếp tục sống những chuỗi ngày đau khổ vậy hay không?
Có lẽ, bản năng sống chỉ là một phần, phần lớn còn lại để giữ những người tù này tiếp tục sống đến ngày được giải thoát chính là họ tìm ra được lý do vì sao họ phải sống. Họ tìm ra được lẽ sống, ý nghĩa để https://langzen.vn/song">sống của họ. Chỉ khi có lẽ sống thì con người sẽ luôn vượt qua mọi điều kiện sống cùng cực để sống với lẽ sống mình đã chọn. Nếu không có lẽ sống, con người dễ rơi vào những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí họ có thể gây ra những hành động có hại cho bản thân - tự sát.
Theo mô tả của Frankl, trong trại giam Đức quốc xã có những nhóm người sau:
Capo: là những tù nhân Do Thái nhưng làm tay sai cho Đức quốc xã để quản lý những tù nhân khác. Capo đôi khi còn ác hơn Đức quốc xã.
Những người gần như đã buông xuôi vì cuộc sống quá cùng cực như vậy nên họ không còn niềm tin, động lực sống. Và họ nghĩ có thể gia đình họ cũng đã bị giết nên họ chấp nhận buông xuôi, phó mặc cho số phận. Ngay khi có thái độ buông xuôi thì lính Đức quốc xã sẽ xử tử họ ngay lập tức. Cho dù không bị xử tử thì những người này cũng chìm dần vô bệnh tật rồi qua đời.
Những người đã tìm ra động lực sống trong những tháng ngày cùng cực như vậy. Nhóm này có xác suất sống sót cao nhất. Frankl thuộc nhóm này. Là một bác sĩ nên trong những ngày tháng đó, Frankl đã xác định rằng ngày nào ông còn sống thì ông sẽ dùng chuyên môn của mình để chữa trị cho những người bạn tù. Và ông xem đó như là sứ mệnh của mình.
Sứ mệnh ấy đến với ông khi ông sống trong trại Dechau. Khi ấy, một bác sĩ trưởng nơi trại của ông đề nghị ông tình nguyện đến một trại khác để chăm sóc sức khỏe cho rất nhiều tù nhân nơi đó đang bị sốt. Rất nhiều bạn tù khuyên ông không nên đi vì dù lao động khổ sai, cực nhọc vẫn không nguy hiểm bằng tiếp xúc với rất nhiều bệnh nhân đang bị bệnh truyền nhiễm.
Vì trong điều kiện sống tồi tệ, cộng với điều kiện chăm sóc y tế thiếu thốn cùng cực thì những bác sĩ như Frankl sẽ dễ bị lây nhiễm và dĩ nhiên cái chết sẽ đến nhanh hơn. Nhưng ông vẫn quyết định xung phong vì ông cho rằng việc giúp đỡ những người tù khác với chuyên môn bác sĩ của ông sẽ có ý nghĩa hơn là sống một cuộc đời tẻ nhạt và phí hoài nó trong vai trò một tên tù khổ sai. Qua hành động này, chúng ta có thể thấy việc xác định được ý nghĩa hành động của mình đã thôi thúc Frankl quyết định dù biết rất rõ việc làm của mình sẽ gặp rất nhiều nguy hiểm có thể dẫn đến cái chết. Ông thà chọn cái chết ý nghĩa hơn là sống mòn trong điều kiện “an toàn” hơn.
Sứ mệnh đó lớn đến mức ông đã từ chối cơ hội trốn thoát chỉ vì ông không chấp nhận suy nghĩ rằng ông bỏ rơi những bệnh nhân của mình. Như vậy, một khi đã có sứ mệnh thì ông sẵn sàng chết vì sứ mệnh mà ông đã chọn. Do đó, hiển nhiên các điều kiện sống khắc nghiệt lúc đó không còn có thể quật ngã ông. Điều này minh chứng cho chúng ta thấy rằng một khi ta đã chọn được lẽ sống thì không có bất kỳ điều gì có thể quật ngã ta.
Để các bạn có câu trả lời rõ hơn cho tiêu đề: Có nên đi tìm ý nghĩa cuộc đời không? Tôi sẽđề cập thêm tháp nhu cầu Maslow của nhà tâm lý học https://vi.wikipedia.org/wiki/Abraham_Maslow">Abraham Maslow.
Hệ thống nhu cầu của Maslow thường được mô tả theo hình dạng của một kim tự tháp với những nhu cầu cơ bản nhất, lớn nhất ở phía dưới và nhu cầu cao nhất: hiện thực hóa bản thân ở phía trên cùng. Nói cách khác, lý thuyết là các nhu cầu cơ bản nhất của cá nhân phải được đáp ứng trước khi họ có động lực để đạt được nhu cầu cấp cao hơn.
Ba tầng tháp dưới cùng được xem là ba tầng tháp cơ bản nhất mà bất cứ cá nhân nào cũng phải được đáp ứng một cách tối thiểu để duy trì sự sống cơ bản của mình. Với những người mà chúng ta từ ngoài nhìn vào thấy họ đã rất đủ đầy trong ba tầng này như: công việc ổn định, thu nhập rất tốt đủ cho họ sống giàu sang, sung sướng, được ăn những bữa ăn ngon, chất lượng, được ở trong những căn nhà rộng rãi, có một mái ấm gia đình, …
Nhưng chúng ta vẫn thấy họ suốt ngày mải miết với những dự án, những công việc chỉ để kiếm thêm cho thật nhiều tiền phục vụ cho chính bản thân họ, ví dụ như: có một cái nhà đủ để ở thì muốn kiếm thêm tiền để mua biệt thự rộng hơn, mua thêm đất để dành; có một chiếc ô tô 4 chỗ tầm giá trung bình nhưng vẫn cố kiếm thêm tiền để đổi lấy chiếc xe hạng sang hơn, có một chiếc điện thoại đủ chức năng nhắn tin, gọi, lướt web, chụp hình, xem phim với thương hiệu tầm trung nhưng vẫn cố kiếm thêm tiền để đổi lấy Iphone mới nhất; có vài bộ quần áo tươm tất đủ dùng cho các dịp như công việc, đi chơi, lễ hội nhưng vẫn lao đi kiếm tiền để cố mua cho được chiếc túi hạng sang, cái váy hiệu nổi tiếng, …
Những người như thế, theo tâm lý học của Maslow là họ vẫn chưa cảm thấy an toàn với những nhu cầu cơ bản mà họ đã có đủ hoặc thậm chí dư thừa so với rất nhiều người xung quanh. Và lẽ dĩ nhiên là họ rất khó hoặc gần như cả cuộc đời không thể chạm đến tầng cao nhất: hiện thực hóa bản thân (thực hiện được bản thân).
Về mặt lý thuyết thì con người sẽ phải được thỏa mãn tầng thấp rồi mới tiến lên tầng cao hơn. Tuy nhiên, lịch sử nhân loại cho chúng ta thấy có những cá nhân dù không đảm bảo nhu cầu cơ bản ở các tầng thấp nhưng họ lại chạm được đến tầng cao nhất: hiện thực hóa bản thân.
Điển hình là Đức Phật và Chúa Giê su. Các Ngài ấy lựa chọn đời sống ẩn cư, thiếu thốn cái ăn, cái mặc, kể cả nhu cầu nhà ở an toàn cũng không. Nhưng các ngài lại chọn lý tưởng sống là đi thuyết pháp, giảng pháp, kêu gọi chúng sinh thực hành lối sống yêu thương, nâng đỡ nhau. Trên hành trình sống ấy, rất nhiều lần các Ngài bị ngoại đạo phỉ báng, mắng chửi (nhu cầu tôn trọng không có) nhưng các Ngài vẫn quyết tâm thực hiện lẽ sống đã chọn trong sự thản nhiên.
Vậy hiện thực hóa bản thân là gì? Nói nôm na thì bản chất bên trong chúng ta tồn tại một lý tưởng, một chân lý và chúng ta luôn sống đúng với lý tưởng/ chân lý mà chúng ta chọn dù trong bất kỳ điều kiện sống nào.
Ví dụ: vị tướng Trần Hưng Đạo đời Trần. Trần Hưng Đạo đã rất xuất sắc lãnh đạo quân đội nhà Trần đánh thắng quân Nguyên Mông ba lần vào các năm 1258, 1285 và 1288. Vì sao ông có thể lãnh đạo quân đội đánh bại một đạo quân được xem là hùng mạnh nhất thời bấy giờ? Có lẽ vì ông đã chọn cách sống không khuất phục, không cam chịu sống kiếp nô lệ, không chấp nhận đất nước bị giày xéo bởi giặc ngoại xâm. Dù thế giặc rất mạnh và vua Trần đã nhiều lần muốn hàng nhưng Trần Hưng Đạo đã rất khẳng khái “Xin chém đầu thần rồi hãy hàng”.
Khi đã chọn cách sống hiên ngang, không chịu khuất phục kẻ ngang tàng, bạo ngược thì Trần Hưng Đạo đã rất quyết liệt thực hiện lẽ sống đó. Và trên hành trình hiện thực hóa lối sống mà bản thân ông chọn thì ông vô tình bộc lộ cho mọi người thấy được tài thao lược quân sự của ông: khi thì rút lui để bảo toàn lực lượng, khi thì khiêu chiến, khi thì phối hợp nhiều cánh quân để đánh úp giặc …
Vậy, cả Đức Phật, chúa Giê sư, Trần Hưng Đạo và Victor Frankl, … (và còn nhiều tấm gương khác nữa nhưng trong giới hạn bài viết này tôi chưa thể kể hết) khi đã chọn được lý tưởng sống thì họ đều kiên quyết thực hiện dù điều kiện sống không hề thuận lợi.
Tiếc là ngày nay dù điều kiện sống của chúng ta tốt hơn, đủ đầy hơn nhưng dường như chúng ta không chọn được lẽ sống cho mình. Khi không có lẽ sống, theo như tháp Maslow bên trên, chúng ta sẽ chỉ mải miết, quẩn quanh với 3 tầng tháp cơ bản bên dưới.Chúng ta chỉ biết hối hả, cật lực làm việc kiếm tiền để rồi mang tiền đi mua sắm hết món này đến món nọ hoặc vung tiền vào các cuộc nhậu, cà phê để đổi lấy cảm giác thoải mái, giả tạm phút chốc được che đậy dưới mỹ từ thư giãn, giải trí, nâng cao chất lượng sống, …
Người ta dùng tiền như là cách tìm niềm vui ngắn hạn nào đó. Điều này không khác gì lắm với việc chúng ta đi làm bốc vác để có tiền mua ma túy. Nhìn rộng ra thì điều đó cũng không khác với những chú gà miệt mài đào bới góc vườn và vui mừng khi quắp được một con giun. Và gà cũng chỉ đào bới tìm giun hết kiếp gà. Còn chúng ta cũng chỉ làm, làm, làm để kiếm tiền đi mua những niềm vui ngắn hạn cho hết kiếp người.
Nếu cứ tiếp tục như vậy, liệu có một ngày bạn giật mình tự hỏi: “Tại sao mọi thứ lại phải như vậy? Tại sao chúng ta được sinh ra và bị cuốn vào vòng xoay như thế? Rồikhi thời gian hết hạn, chúng ta ra đi. Sẽ có lúc chúng ta sẽ hỏi: Không lẽ cuộc đời chỉ có vậy thôi sao?” Nguyên nhân của tình trạng này là do ta đã không tìm được lý do để tồn tại trên đời.
Khác với chúng ta ngày nay, thế hệ cha ông ta sinh ra trong chiến tranh, điều kiện sống thiếu thốn hơn bây giờ rất nhiều nhưng họ đã xác định được lý do họ đến và sống trên cuộc đời này. Ý nghĩa cuộc sống của những thanh niên thời đó là đứng lên bảo vệ tổ quốc, những điều mà họ tin là đúng. Và đó là động lực giúp họ vượt qua vô số điều kiện sống khó khăn lúc đó, thậm chí lớn đến mức họ sẵn sàng đánh đổi cả mạng sống của mình, sẵn sàng tham gia làm giao liên khi tuổi đời còn rất nhỏ như Kim Đồng, Võ Văn Tám.
Ngày nay, thế hệ trẻ chúng ta lớn lên trong điều kiện sống đủ đầy hơn thế hệ trước rất nhiều nên chúng ta đa phần khó hoặc không xác định được lý do để sống trên đời. Với những ai đi tìm và may mắn tìm ra, cộng với sự phát triển kinh tế của xã hội thì các bạn đó có nhiều động lực để phát triển và sẽ rất thành công. Nhưng số đó rất ít. Số đông cònlại thì ko tìm ra được nên cứ lầm lũi tiến bước trên đường đời.
Và những câu hỏi cứ lơ lửng trong đầu các bạn: “Tại sao mình phải làm việc này? Mình làm điều này vì cái gì? Tại sao cuộc sống lại là những chuỗi lặp đi lặp lại như vậy?” Nếu các bạn cứ bị mắc kẹt trong những câu hỏi như vậy và không tìm ra lý do để sống thì dần dần cuộc sống của các bạn sẽ trở nên vô nghĩa.
Và cuộc sống sẽ cuốn bạn vào những lối mòn: dùng giá trị vật chất như loại thuốc an thần tạm thời để giúp các bạn có những niềm vui ngắn hạn và bỏ mặc cho sự trống rỗng kia càng ngày càng phát triển. Và nếu sự trống rỗng càng phát triển thì dần dần nó sẽ đưa bạn đến những câu hỏi độc hại hơn như: “Tại sao phải cố gắng sống một cuộc sống như vậy? Tại sao phải tiếp tục?”
Lấy một ví dụ như sau: trong một căn phòng tối, làm sao lấy hết bóng tối ra? Chính là ta cần thắp lên ngọn nến. Khi có ánh sáng thì bóng tối sẽ được đẩy lui.
Tương tự vậy, khi chúng ta mất động lực sống thì trong đầu chúng ta sẽ chứa toàn suy nghĩ tiêu cực. Và nặng nhất của những suy nghĩ này là trầm cảm rồi tìm đến cái chết. Do đó, nếu không tìm ra được ý nghĩa cuộc sống đã là nguy hiểm nhưng sẽ càng nguy hiểm hơn nếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt hoàn cảnh khó khăn cùng cực như: thất nghiệp, làm ăn thua lỗ, không có đủ điều kiện sống tối thiểu,…
Trong khi đó, mỗi ngày thức dậy, ta phải đối mặt với rất nhiều áp lực cuộc sống đặc biệt áp lực sẽ càng lớn hơn nếu trong giai đoạn dịch bệnh, suy thoái kinh tế … Những khó khăn như vậy sẽ làm thổi bùng ngọn lửa đã âm ỉ từ lâu trong ta. Nếu nhẹ thì ta có thể rơi vô trầm cảm, nặng hơn thì nó đẩy các bạn tới hành động tiêu cực. Trong trường hợp như vậy thì cách tốt nhất là ta phải tìm cho mình mục tiêu để theo đuổi và dần tìm cho mình ý nghĩa cuộc sống như trường hợp bác sĩ Frankl đã chọn sứ mệnh chăm sóc và chữa bệnh cho những người bạn tù khác.
Đó là cách tốt nhất để tìm lại niềm vui và động lực cho cuộc sống của chúng ta. Nói thì có vẻ dễ vì đại đa số chúng ta có thể chưa ai đối mặt với những giới hạn cùng cực như vậy. Vì nếu chịu đựng đến ngưỡng tới hạn thì tinh thần có vững vàng đến mấy, niềm tin, động lực có mạnh mẽ đến mấy thì chắc ai cũng phải buông xuôi. Và câu chuyện của bác sĩ Frankl là câu trả lời hết sức thuyết phục. Đó là một khi đã tìm được lý do để sống thì chúng ta sẽ vượt qua bất kỳ hoàn cảnh nào dù hoàn cảnh có khó khăn tới mấy đi nữa.
Theo bác sĩ Frankl thì trong trại lúc đó có những người hàng đêm vẫn đi an ủi những người xung quanh, họ nhường cho những người xung quanh những mẩu bánh mì sau cùng của họ. Và những người đó là bằng chứng rõ ràng cho ta thấy: chúng ta có thể lấy đi bất kỳ thứ gì trên đời từ tài sản đến tự do, thậm chí đến cả danh dự và nhân phẩm con người nhưng sẽ luôn có một điều không ai có thể lấy đi khỏi chúng ta, đó là quyền lựa chọn của chúng ta.
Đọc đến đây chắc sẽ có nhiều bạn cho rằng: ý nghĩa cuộc sống chỉ tìm được khi ta buộc phải sống trong những điều kiện sống khắc nghiệt, khó khăn, thiếu thốn như Frankl hoặc xa hơn là Trần Hưng Đạo. Nhưng lẽ nào trong điều kiện sống tốt hơn thì không thể tìm ra ý nghĩa cuộc sống?
Không hẳn vậy bạn à. Chẳng hạn sư Giác Nguyên (Toại Khanh) có đề cập trong bài giảng của sư: Nếu sống trên đời mà không có đóng góp nào đáng kể thì cũng đừng nên làm điều gì có hại vì như vậy cũng đã là đóng góp rồi. Nhưng làm sao để sống mà không làm hại ai? Đơn giản là bạn sống tử tế, yêu thương chính mình và người xung quanh trong từng phút giây, luôn quan sát thân, tâm để chuyển hóa, gọt giũa tham, sân, si của chính mình.
Khi tham, sân, si trong tâm được chuyển hóa thì lối sống, hành vi của chúng ta thể hiện ra bên ngoài cũng nhẹ nhàng, tôn trọng với người khác hơn. Điều đó có nghĩa là bản thân ta thay đổi thành một người hòa ái, tử tế thì chắc chắn ta sẽ mang đến tình yêu thương với người xung quanh. Sống yêu thương người thì chắc chắn ta cũng sẽ được người khác yêu thương ta. Sống trong bầu khí yêu thương thì có lẽ chẳng ai nghĩ đến tiêu cực mà người đó chắc chắn sẽ thấy mình vẫn có ích cho người xung quanh.
Vậy, chúng ta không cần phải tìm ý nghĩa sống lớn lao để tồn tại trong cuộc đời này mà chỉ cần chúng ta chuyển hóa thân tâm tốt đẹp hơn là ta đã đóng góp rất nhiều tử tế, yêu thương cho đời rồi. “Sống trên đời cần gì hơn thế, người với người sống để thương nhau”.
Mẹ Teresa, một vị nữ tu công giáo trong suốt cuộc đời đã lập hàng trăm trại tế bần để cứu giúp những người lính hoặc những trẻ em, phụ nữ trong các nước có chiến tranh cũng đã nói: “Không phải tất cả chúng ta đều có thể làm việc vĩ đại. Nhưng chúng ta có thể làm những việc nhỏ nhặt với tình yêu vĩ đại”.
3. Làm thế nào để tìm ra ý nghĩa cuộc đời?
Như vậy, chúng ta không cần phải làm điều gì đó thật lớn lao, vĩ đại để được coi là sống một cuộc đời ý nghĩa. Đơn giản là ta chỉ cần sống tử tế, yêu thương trong mỗi hành vi nhỏ nhất hàng ngày để lan tỏa yêu thương đến mọi người xung quanh. Để làm được được điều đó ta cần thực hiện nếp sống tỉnh thức, sống trọn vẹn từng phút giây. Trước khi hành động, ta nên dừng lại vài giây suy nghĩ: việc này ta làm có mang lại an vui trong tâm cho người, cho mình không? Nếu câu trả lời là không thì kiên quyết không làm dù việc làm đó có thể mang lại rất nhiều tiện nghi vật chất, tiền bạc cho ta.
Trong mỗi việc ta làm, hãy chú tâm làm hết trách nhiệm của mình. Đó là cách giúp giúp chúng ta sống trưởng thành hơn để có thể nâng đỡ người khác.
Dù được sống trong hoàn cảnh thuận lợi, ta nên chọn cách sống biết đủ, tối giản để rèn tâm mình biết chịu đựng, vững vàng, chấp nhận mọi hoàn cảnh sống để nếu chẳng may điều kiện sống thay đổi tiêu cực, ví dụ như dịch bệnh, chiến tranh, kinh tế suy thoái thì ta vẫn vượt qua được nhẹ nhàng.
Sống bình an, nhẹ nhàng, thực hành lòng biết ơn với những gì ta đang có, không cố so sánh với bất kỳ ai. Ví dụ: nếu bạn chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường và thường nhìn người bạn giám đốc doanh nghiệp của mình đầy ngưỡng mộ và khao khát được như người bạn đó thì ý nghĩ đó sẽ làm bạn sống trong sự khổ đau, dằn vặt.
Thay vì vậy, bạn hãy cám ơn cuộc đời đã cho bạn có một thân thể lành lặn, một đôi mắt sáng, một đôi chân, đôi tay khỏe, một gia đình hạnh phúc, … để thấy mình vẫn còn may mắn vạn lần so với những người khuyết tật phải vật lộn mưu sinh. Người bạn của bạn có thể có địa vị cao, quyền lực nhiều, tiền tài, danh vọng không thiếu nhưng có thể người đó không có thời gian dành cho gia đình, thèm được ngủ nướng, thèm sự vô lo trước áp lực trả lương nhân viên hay trả nợ ngân hàng, …
Chỉ khi bằng lòng với hiện tại, bạn mới thấy rõ được mình có thể làm gì để cuộc đời này ý nghĩa hơn với những điều kiện hiện tại của bạn. Thay vì so sánh mình với người khác, liệu bạn có nghĩ rằng là một nhân viên văn phòng bình thường nhưng mỗi ngày đi làm, bạn luôn làm việc với tâm thái trọn vẹn, trách nhiệm tận cùng với công việc, hỗ trợ đồng nghiệp trong công việc … là bạn đã cống hiến và sống đầy ý nghĩa không?
Nội dung: Nhã Ý
https://langzen.vn/song/2799-di-tim-y-nghia-cuoc-doi-li-do-vi-sao-minh-phai-song