/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Giữa mê hồn trận tranh giả - tranh chép
Giữa mê hồn trận tranh giả - tranh chép
09:19, 21/09/2023 Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
Dù đã gần 80 tuổi, họa sĩ người Anh John Myatt vẫn vẽ tranh theo ý tưởng sáng tạo của bản thân hoặc mượn ý tưởng hay sao chép lại tranh của người khác và “thổi” vào đó “hồn” của mình. Nhưng trên hết, ông luôn công khai phân định rạch ròi với người mua tranh - điều mà có lúc ông không làm được và rơi vào tâm điểm của “vụ lừa đảo tranh lớn nhất thế kỷ XX”.

- Chàng họa sĩ trẻ và “nhà vật lý hạt nhân”

Năm 1995, có một nữ đại gia Israel tới gặp Cảnh sát London (vương quốc Anh) tố cáo bạn trai cũ là John Drewe tổ chức vẽ và bán tranh giả cho các nhà đấu giá. Giờ đây, sau cuộc chia tay cay đắng, người phụ nữ trên tìm được tài liệu có liên quan đến sự dối trá về nhân thân và những việc làm phi pháp của người tình cũ. Từ những thông tin trên, cảnh sát đã bí mật điều tra và tìm ra John Myatt.

Sinh năm 1945, lớn lên ở vùng nông thôn, nhưng ngay từ khi còn đi học, Myatt đã bộc lộ khả năng nhái lại tranh của các họa sĩ khác để giải trí và mua vui với bạn bè. Hồi còn học vẽ, Myatt từng hy vọng tạo ra phong cách nghệ thuật riêng, nhưng nhìn lại những bức vẽ phong cảnh hoặc chân dung của mình, anh tự thấy chúng quá “hàn lâm” hoặc “buồn tẻ”! Cuối cùng, sau bao cố gắng, Myatt cũng trở thành giáo viên trung học và đi dạy thêm ở các lớp vẽ ban đêm, thỉnh thoảng chép tranh hoặc vẽ tranh nhái theo đơn đặt hàng của bạn bè, đồng nghiệp để lấy tiền lo cho gia đình.

Năm 1983, Myatt đăng quảng cáo vẽ tranh giả “chính hiệu” của thế kỷ XIX - XX, với mức giá từ 150 bảng. Qua 4 lần đăng, Myatt nhận được cuộc gọi từ John Drewe. Sau này, Myatt nhớ lại lần đầu gặp vị khách hàng này: “Ông ta khoác áo choàng lông dê Angora sang chảnh, đi giày đắt tiền và lái xe hiệu Bristol, tự giới thiệu là nhà vật lý hạt nhân và bóng gió xa xôi rằng mình có mối liên hệ với Tình báo Anh. Theo lời Drewe, ông ta muốn có các bản sao nghệ thuật để trang trí cho ngôi nhà của mình.

Ban đầu Drewe đặt Myatt chép cho mình một bức họa của Henri Matisse (1869-1954), sau đó là vài tranh chân dung của chính Drewe theo phong cách của các đại danh họa Hà Lan. Tiếp theo, Drewe mời Myatt tới nhà và hai bên dần trở nên thân thiết hơn. Cho đến khi Drewe giao cho Myatt đơn hàng thứ chín, nghe Drewe than chưa nghĩ ra được ý tưởng mới, Myatt bèn đề nghị phóng tác trên cơ sở một bức tranh của họa sĩ Pháp Albert Gleizes (1881-1953) theo trường phái lập thể mà anh thấy trong sách. “Tôi đặt tên cho nó là Chân dung một bác sĩ quân y. Ban đầu, John treo nó trên tường cầu thang, giống những bức tranh khác của tôi. Chỉ sau này, theo tôi nghĩ, ông ta mới có ý định đem nó tới Nhà đấu giá Christie’s”.

- Sa chân và đứng dậy

Đó cũng là lúc Myatt nhận được điện thoại của Drewe nói rằng nhà đấu giá đã chấp nhận mua bức tranh của anh với 25.000 bảng và hỏi Myatt có đồng ý không. Với họa sĩ này, đó là khoản lương dạy học của anh trong 1 năm. Myatt chẳng còn đường nào khác là tiếp tục “múa cọ” trong cái bẫy của Drewew vì cũng năm 1985, hai vợ chồng ly thân và Myatt phải nuôi hai đứa con nhỏ.

Mặc dù vậy, Myatt làm việc không chỉ vì tiền, bởi anh rất khao khát có thể thỏa mãn nhu cầu nội tại là được vẽ. Khi nhận lời chép lại một bức tranh của danh họa Thụy Sĩ Alberto Giacomettis (1901-1961), Myatt đã chạy xe từ Staffordshire - nơi anh sống tới TP.Liverpool để kịp xem một triển lãm tranh của họa sĩ theo trường phái siêu thực này trước giờ đóng cửa, vì với anh, chỉ xem tranh qua các bức ảnh chụp thì chưa đủ.

Cho đến nay, có một câu hỏi vẫn khiến dư luận tò mò là làm thế nào mà những bức họa vẽ bằng màu nhũ tương (thay vì màu dầu) pha với gel bôi trơn bao cao su (để tạo độ bóng) của một họa sĩ quèn dạy vẽ ở trường trung học có thể qua mặt chuyên gia thẩm định của các nhà đấu giá danh tiếng nhất thế giới?

Trong 8 năm, Myatt đã vẽ cho Drewe khoảng 200 bức tranh, giữa lúc với “thâm niên” lừa đảo của mình, Drewe đã tìm cách lọt vào các nơi như Viện Nghệ thuật đương đại ở London, Phòng trưng bày Tate, Bảo tàng Victoria và Albert - các thánh đường mỹ thuật của nước Anh - để tìm mọi cách tạo ra cho các bức họa của Myatt những giấy tờ giả về xuất xứ. Đối tượng này cũng lừa đảo bạn bè, các dòng tu, lợi dụng những người đang phá sản cần tiền hay tự lập công ty riêng… Tất cả chỉ nhằm kiếm được giấy xác nhận giả rằng họ từng là chủ của những bức tranh do Myatt vẽ.

Trong khi Drewe bán tranh cho các nhà đấu giá, thu về khoảng 1,8 triệu bảng, thì Myatt chỉ được nhận 275 ngàn bảng, còn giới chuyên môn đánh giá rằng có thể chủ nhân của khoảng 200 bức tranh giả kia đã phải chi ra không dưới... 25 triệu bảng! Cơ quan điều tra mới chỉ tìm ra 60 trong số 200 bức tranh mà Myatt cung cấp cho Drewe, số còn lại vẫn nằm đâu đó cho đến tận hôm nay.

Về phần John Myatt, nhờ hợp tác với cảnh sát và cơ quan công tố nên chỉ bị tuyên án 12 tháng tù, nhưng sau 6 tháng đã được trả tự do, trở về đời thường với biệt danh “Picasso” do chuyên vẽ chân dung tặng các bạn tù và giám ngục. Sau khi ra tù, Myatt vẫn tiếp tục vẽ, chép tranh một cách trung thực, đúng pháp luật và ngày càng nổi tiếng trong giới hội họa

(Còn tiếp...)

Uống Trà Thôi
Theo congan.com.vn
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!