/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Uống nước chè trong dân gian
Uống nước chè trong dân gian
10:44, 29/11/2023 Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
So với nhiều thức uống khác, có lẽ trà là một thứ được luận bàn nhiều nhất. Từ cổ chí kim, bất cứ vào thời nào, bất cứ giai tầng nào cũng bàn về việc uống/ thưởng trà. Thậm chí chỉ là cách mời trà cũng được nói tới như một nét văn hóa của một dân tộc.

Từ vua quan, tướng sĩ, văn nhân đến thường dân… đâu đâu cũng có tiếng nói về trà. Đề tài trà luôn xuất hiện trong thơ của các bậc thi bá Trung Hoa. Nhà thơ Nhật Bản Basho là người có rất nhiều bài thơ thể Haiku viết về trà… Các nhà thơ, nhà văn Việt Nam như Nguyễn Trãi (trung đại), Nguyễn Tuân (hiện đại)… đều có tác phẩm viết về trà hoặc thưởng trà để lại nhiều dấu ấn đẹp trên văn đàn.

Thực ra trong cuộc sống có nhiều cách thưởng trà. Trong môi trường thưởng trà của những tầng lớp cao sang đã xuất hiện danh hiệu “trà nương” dành cho những người có kĩ thuật pha trà, mời trà kiểu cách, mang tính nghệ thuật, coi như là những mẫu mực về cách thưởng trà của một đất nước, một dân tộc. Điều này không sai. Vì đó là văn hóa, mà văn hóa lại luôn cần sự bảo tồn và phát triển. Tuy nhiên, hình như từ trước đến nay chúng ta thường thiên về sự luận bàn cách thưởng trà của tầng lớp quý phái mà ít lưu tâm đến cách thưởng trà dân dã trong dân gian.

Ở nhiều miền quê thuộc đồng bằng Bắc Bộ, đặc biệt là ở một số tỉnh miền Trung người ta quen uống chè xanh (có nơi gọi là chè tươi). Có thể gần đây, ngành sản xuất chè phát triển hơn, chè búp đã có mặt khắp các hang cùng, ngõ hẻm nhưng thú uống chè xanh của những người dân Bắc Bộ, Trung Bộ vẫn không vì thế mà biến mất, thậm chí ở nhiều nơi vẫn coi đó là một nét văn hóa truyền thống rất đậm nét, không thể thiếu.

Để làm ra nước chè xanh người dân đồng bằng Bắc Bộ thường dùng phương pháp hãm chè. Bằng cách, ngắt từ vườn về một nắm chè bánh tẻ, rửa sạch, vò, bỏ vào chiếc ấm tích to có bọc ngoài bằng cỏ, bông hoặc trấu để giữ nhiệt (còn gọi là dành tích), rồi đổ nước sôi, ủ thật kĩ. Người trong gia đình dùng để uống cả ngày. Chè xanh cũng dùng để tiếp khách. Thường bên giành tích chè xanh là chiếc điếu bát hoặc điếu cày, vừa uống chè vừa hút thuốc cùng những câu chuyện đồng áng rôm rả. Chè xanh không có hương thơm thanh tao như trà búp, nhưng bù lại là vị đậm chát, thoảng ngọt rất phù hợp với khẩu vị, tâm hồn của người dân quê chân chất.

Chè xanh cũng thường có mặt trong những buổi hội họp đại gia đình, làng xóm hoặc chỉ là gọi nhau đến để trò chuyện vui vẻ trong các dịp lễ Tết… Lúc ấy, người ta nấu chè xanh bằng những cái nồi đồng to, bày bát (uống chè xanh phải bằng bát mới đúng kiểu và ngon hơn uống bằng chén, cốc) ra mâm, thậm chí ra mẹt, ra nong cùng những cơi trầu têm cánh phượng. Nếu có thanh kẹo lạc, những tấm chè lam tự chế biến nữa thì thật hoàn hảo. Người nông dân quanh năm vất vả, có được những giờ phút uống chè như vậy cuộc sống trở nên thơ mộng và đầm ấm hơn rất nhiều. Như vậy, nếu có dùng đến từ “thưởng” trà như tầng lớp quý phái thì cũng tương xứng. Chè xanh còn hơn hẳn trà búp ở điểm, uống trà búp thường ít có chỗ cho trẻ con. Ngồi ngất ngư bên ấm trà, nếu không là tao nhân mặc khách thì cũng phải là những vị đã có tuổi (thiếu niên thường ít có chuyện này). Nhưng chè xanh thì lại hết sức bình đẳng. Từ đứa trẻ lên năm đến ông già tóc bạc trắng đều uống chè xanh một cách thích thú như nhau.

Nếu khi thưởng trà búp, người ta thích trầm ngâm mặc tưởng cùng những triết lí cao xa, những câu chuyện thầm kín…. thì khi uống chè xanh, đặc biệt những lúc uống cùng nhiều người thì những câu thơ dân dã, những bài hát dân gian luôn được dịp cất cánh bay lên. Có lẽ những lời hát, những câu ca dao qua nhiều đời mang đậm tính sáng tác tập thể thường được bổ sung, thêm bớt để trở nên hoàn chỉnh cũng được ra đời từ những đêm uống chè xanh vời vợi trăng sao như thế.

Đơn giản vậy thôi nhưng những lần uống chè xanh ở quê nhà nhiều khi lại trở thành những kí ức vô cùng tươi đẹp đối với những người xa quê. Dân gian có câu “Anh đi anh nhớ quê nhà/ Nhớ canh rau muống nhớ cà dầm tương” cũng lại có không ít những câu thơ nói về chè xanh: “Dù là gái lịch trai thanh/ Cũng không quên bát chè xanh quê nhà” (ca dao), “Anh về tưới lại vườn chanh/ Trồng thêm mấy gốc chè xanh trước nhà” (ca dao), “Nhà lá đơn sơ/ Nhưng tấm lòng rộng mở/ Nồi cơm nấu dở/ Bát nước chè xanh/ Ngồi vui kể chuyện tâm tình bên nhau” (Bộ đội về làng - Hoàng Trung Thông). Chè xanh còn vào cả sách giáo khoa một thời: “Tôi là bát nước chè xanh/ Tỏa hương nhè nhẹ ngon lành thơm tho…/… Nhà nông sau bữa cơm no/ Cũng nhờ bát nước làm cho tỉnh người/ Nước vàng sóng sánh vàng tươi/ Đựng trong chiếc bát da trời xanh xanh.

Trong những cung cách thưởng trà từng xuất hiện trong đời sống, có một cách uống/thưởng trà dân gian vô cùng trân quý như vậy. Có thể nó chưa đủ tầm để trở thành cung cách thưởng trà mang ý nghĩa đạo lí, triết lí nhưng rất sâu sắc và chan chứa tình quê, mang đậm chất văn hóa Việt Nam.

Uống Trà Thôi
Theo thainguyen.gov.vn
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!