/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Sự bền bỉ của Michelangelo: Bài học để đạt đến sự vĩ đại
Sự bền bỉ của Michelangelo: Bài học để đạt đến sự vĩ đại
12:45, 23/03/2024 Team Uống Trà Thôi HOẠ SĨ
Michelangelo cho rằng tài năng của ông không phải kiểu thiên tài chỉ dựa vào bẩm sinh mà ông cho rằng “thiên tài” của mình là “sự kiên nhẫn không ngừng nghỉ”.

Michelangelo Buonarroti hiển nhiên là một trong các nghệ sĩ đại tài trong lịch sử. Ông ấy sinh năm 1475 và ra đi ở tuổi 88. Ông ấy xem mình là điêu khắc gia chuyên nghiệp nhưng thực tế thì ông lại là tác giả của một số kiệt tác thế giới gồm cả bích họa, kiến trúc và thơ ca trong nền Phục hưng Ý.

Điều gì đã tạo nên một Michelangelo vĩ đại? Bí mật nào của ông ấy để tạo nên các tác phẩm để đời? Tôi chắc rằng rất khó để có câu trả lời hoàn hảo, nhưng chúng ta hãy cùng nhau nhìn lại quãng đời của ông ấy, có thể sẽ có sự phản hồi nào đó chăng.

- Đạo đức nghề nghiệp của Michelangelo

“Nếu con người biết được tôi đã phải làm việc chăm chỉ như thế nào để đạt được sự điêu luyện, dường như sẽ không còn tuyệt vời chút nào… Nếu bạn biết có bao nhiêu công việc đã thực hiện, bạn sẽ không gọi đó là thiên tài.” Trích dẫn mô tả về đạo đức của Michelangelo trong công việc.

Michelangelo cho rằng tài năng của ông không phải kiểu thiên tài chỉ dựa vào bẩm sinh mà ông coi “thiên tài” của mình là “sự kiên nhẫn không ngừng nghỉ”. Thiên tài là khả năng luyện tập sự kiên nhẫn trong những hoàn cảnh khó khăn không thể tránh được, những điều phát sinh trong quá trình làm việc. Nói cách khác, khái niệm về thiên tài cũng đồng nghĩa với năng lực chịu đựng gian khổ vì tình yêu nghệ thuật.

Giorgio Vasari, một nghệ sĩ Phục hưng Ý và cũng là tác giả của tác phẩm “Cuộc đời các nghệ sĩ” là người đầu tiên viết tiểu sử của Michelangelo, điều đặc biệt là lúc đó Michelangelo vẫn còn sống. Thực sự, Michelangelo được xem là nghệ sĩ đầu tiên được viết tiểu sử trong khi vẫn còn sống.

Vasari đã viết ra một số cơ cực mà Michelangelo sẽ phải trải qua để đạt được mục đích công việc:

“Michelangelo đã nói với tôi rằng lúc trẻ ông ấy thường xuyên đi ngủ mà không buồn thay quần áo, bởi vì ông biết hôm sau cũng sẽ mặc lại quần áo, ông ấy kiệt sức cho công việc đến mức như thế… Và khi đã già hơn, ông thường xuyên mang loại ủng được làm từ da chó mà không có tất hàng tháng liền, cho tới lúc mà ông ấy muốn cởi nó ra thì cũng muốn bong luôn da của ông ấy”.

Câu chuyện của Vasari về Michelangelo có vẻ cực đoan, thậm chí là đáng ngờ. Tuy thế, câu chuyện cũng nói lên rằng chúng ta cần phải sẵn lòng hy sinh sự thoải mái của bản thân để chịu đựng gian khổ nếu chúng ta muốn gặt hái thành công vĩ đại.

- Vượt qua những khó khăn khi hoàn thành bức vẽ trần Nhà nguyện Sistine

Một trong những tác phẩm tái khẳng định sự vĩ đại của Michelangelo chính là kiệt tác trần của Nhà nguyện Sistine.

Khi Michelangelo đang điêu khắc cho ngôi mộ tương lai của Giáo hoàng Julius II thì Giáo hoàng đã thay đổi ý định, muốn Michelangelo vẽ trần nhà thay vì làm mộ. Vasari cho rằng nghệ sĩ - kiến trúc sư Donato Bramante, một trong những người bạn của hoạ sĩ trẻ Raphael, đã thuyết phục Giáo hoàng để Michelangelo vẽ trần thay vì điêu khắc.

Bramante đã làm dao động Giáo hoàng với hy vọng ngăn cản Michelangelo tạo ra nhiều tác phẩm điêu khắc tuyệt vời hơn. Và ông ta cũng hy vọng rằng Michelangelo sẽ thất bại trong việc vẽ tranh để khẳng định rằng Raphael luôn xuất sắc hơn.

Michelangelo đã quả quyết lại rằng ông ấy là một điêu khắc gia không phải hoạ sĩ, nhưng Bramante đã hoàn toàn thuyết phục được Giáo hoàng. Và thực sự thì Michelangelo đã thể hiện sự không thoải mái với bức hoạ, khi dự án hoàn thành, ông đã ký bên dưới bằng một bài thơ thể hiện rõ sự không hài lòng của ông: “Tôi không ở nơi tốt đẹp và tôi cũng không phải là hoạ sĩ”.

Bức họa này thực sự khó khăn. Michelangelo đã không biết phải vẽ như thế nào. Do đó ông ấy đã mời một số nghệ sĩ khác đến giúp đỡ. Nấm mốc đã phát triển trên một trong số những khu vực của bích họa, và Michelangelo đã phải vẽ lại chỗ đó.

Để phá hoại dự án này lần nữa, Bramante đã đề nghị Michelangelo nên treo các giàn giáo từ trần nhà. Michelangelo đã phản đối rằng điều đó sẽ tạo ra các lỗ hổng và sau này sẽ phải che chúng lại, thay vào đó ông đã phát minh ra một loại giàn giáo mới.

Theo Vasari, hành động vẽ trần nhà thật sự là trải nghiệm đau đớn, ít nhất phải nói rằng: “Những bức họa này được hoàn thành với những khó chịu nhất, vì ông ấy phải đứng đó làm việc với tư thế đầu ngả ra sau, và thị lực của ông ấy cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức ông ấy không thể đọc hay nhìn được bản vẽ nếu không ngả đầu ra sau; tình trạng này kéo dài nhiều tháng sau đó.”

Không chỉ đối mặt với muôn vàn khó khăn của việc vẽ tranh và bị các đối thủ làm mọi cách để bôi nhọ thanh danh, Michelangelo còn phải triền miên trải qua những hoàn cảnh éo le của gia đình. Theo Wallace thì anh trai của Michelangelo qua đời, vợ của ông ta kiện tụng để đòi lại phần của hồi môn, không những thế một trong số những người anh em còn lại tỏ ra không tôn trọng Michelangelo, các thành viên trong gia đình thì người mắc bệnh này kẻ mắc bệnh kia và dĩ nhiên là ông ấy cũng rất khó khăn về mặt tài chính.

Wallace cũng nói rằng Giáo hoàng không thanh toán tiền công cho Michelangelo một cách đều đặn, và bản thân Michelangelo cũng không giữ tiền riêng cho mình mà phần lớn gửi về cho gia đình. Ông ấy tự miêu tả bản thân mình như là “kẻ trần trụi, không một xu dính túi”.

Michelangelo đã mô tả rất dài về toàn bộ sự kiện nhưng Wallace chỉ tóm tắt trích dẫn như sau:

“Tôi tồn tại ở đây với tâm trạng vô cùng lo âu và thể chất thực sự mệt mỏi: tôi không có bạn. Tôi không đủ thời gian để ăn uống. Vì vậy, đừng ai làm phiền tôi vì bất kỳ điều gì bởi vì tôi không thể chịu đựng thêm điều gì nữa… Tôi đã sống mấy mươi năm nhưng lại không có nổi một giờ cảm nhận được hạnh phúc dành cho mình”.

- Chịu đựng những gì không thể chịu đựng

Bạn có thể tưởng tượng được cảnh sống như vậy không? Bạn có tưởng tượng được khi bạn sắp bắt tay vào dự án đã định trước đó thì chỉ vì đồng nghiệp tác động khiến người chủ chuyển đổi bạn sang một dự án khác mà thoạt nhìn là bạn đã thấy khả năng thất bại? Bạn có tưởng tượng được, dẫu bạn có phản kháng rằng bạn không có kinh nghiệm nhưng bạn vẫn phải nhận dự án đấy, và đồng nghiệp lúc nào cũng dòm ngó, thọc gậy bánh xe, thậm chí đề xuất những điều sẽ ảnh hưởng đến thành công của bạn?

Đấy chưa phải tất cả. Bạn phải làm việc nhiều đến mức thân thể đau đớn, về nhà thì vợ hoặc chồng cằn nhằn chuyện tiền bạc, cha mẹ đau ốm cần bạn giúp đỡ, và con cái ở trường không được thầy cô, bạn bè tôn trọng. Bạn còn phải làm việc rất trễ đến mức chẳng còn thời gian để thay quần áo.

Cái khổ trong những cái khổ như vậy thực sự là quá sức tưởng tượng đối với một con người. Nhưng Michelangelo đã làm được, ông đã sống với chúng một cách rất kiên nhẫn. Và đây là lý do vì sao, ít nhất là một phần, ông ấy lại tuyệt vời như vậy! Bởi vì sự kiên nhẫn, ông đã tạo ra một kiệt tác vĩ đại nhất cho thế giới. Michelangelo đã có cơ hội từ bỏ nhưng ông không làm như vậy. Khi hoàn thành “trần Nhà nguyện Sistine”, ông ấy chỉ mới 37 tuổi, và tiếp tục quãng đời của mình thêm 51 năm nữa.

Đôi khi, sự cố gắng quá mức cũng không khiến cuộc sống của chúng ta ý nghĩa hơn, khổ nạn quá sức tưởng tượng làm chúng ta muốn tìm cái hố để chôn vùi nỗi đau vào đó. Nhưng, nếu chúng ta có thể học hỏi từ câu chuyện của Michelangelo, phải chăng “sự vĩ đại” của chúng ta phụ thuộc vào sự trường kỳ nhẫn nại đối diện với gian khổ mà cuộc đời đã an bài sẵn.

Có lẽ, mỗi sự gian khó cũng là cơ hội để ta tìm về lại với chính mình!

Uống Trà Thôi
Theo ntdvn
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!