/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
TRÀ LUẬN Phần 1: Tiểu sử Okakura Kakuzo
TRÀ LUẬN Phần 1: Tiểu sử Okakura Kakuzo
11:33, 01/05/2024 Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
Khi vừa ngoài đôi mươi tôi đã được một vị thầy tặng cho cuốn mang tựa đề “Trà Đạo” của Okakura Kakuzo do Bảo Sơn dịch. Thú thật lúc đó tôi chẳng đánh giá cao tác phẩm này, thậm chí còn cho là lạc đề. Quả vậy, trong tác phẩm này Okakura Kakuzo chẳng nói mấy về trà, cũng chẳng biểu lộ một cảm xúc nào thưởng thức một chén trà, cũng chẳng nêu ra được sự khác biệt về các loại trà cùng cảm giác cho vào miệng một ngụm trà như thế nào. Nói cho chân chất, lúc đó khi đọc tôi chẳng hề thấy hương vị trà trong câu văn mà chỉ thấy man mác lời trần tình của một con người thay dân tộc mình nói về tâm thức Nhật Bản với giọng văn trầm uất lạ kỳ. Lúc thì sùng bái cổ nhân, lúc thì khuyên chớ sao chép cổ vật nhiều quá : một tâm trạng u hoài của kẻ bất phùng thời, một tâm hồn quá thiên về dân tộc tính.

Khởi đầu “Trà Đạo” tôi chỉ thấy lời than vãn của người trách kẻ khác không hiểu mình; rồi sau đó tản mạn nói về ông Lão, ông Thích và thi thoảng điểm xuyết ông Khổng hay một triết gia nào đó. Phơn phớt vài chương nói loáng thoáng về trà, chưa đủ để gọi là Trà đạo. Bàn về trà thất lại xoay quanh biện biệt nền kiến trúc Nhật và Phương Tây, với hàm ý tôn vinh văn hóa dân tộc mình. Rồi bất chợt lại chuyển qua tư tưởng «thưởng giám» nghệ thuật mang hơi hướm nặng nề của thiền tông. Trà chẳng thấy đâu! Để rồi cuối cùng kết thúc bằng câu chuyện bi hùng của một trà sư Lợi Hưu, nhưng câu chuyện đó lại dựng trên một cái nền phù phiếm trần tục chứ không trên nền tảng chén trà.

Sự bồng bột của tuổi trẻ không làm tôi nén được nỗi bất bình. Tôi xoay qua hỏi thầy, và nhận được một nụ cười khó hiểu. Thầy nói: «Sau này con sẽ hiểu». Gần ba mươi năm trôi qua, người thầy tôi thương mến cũng đã đi về cõi hư vô. Tôi thi thoảng cũng quay về với những tư tưởng Thiền, Lão và Khổng Mạnh. Mọi việc cứ trôi đi và tôi cũng quên dần cuốn “Trà Đạo”. Một tình cờ khác tôi tìm được nguyên bản tiếng Anh của tác phẩm này. Cho là cơ duyên, tôi bắt đầu mò mẫm dịch lại tác phẩm này như một nhu cầu học tiếng Anh thôi thúc.

Lần vào câu chữ và nghiền ngẫm nghĩa lý từng chương, tôi chợt ngộ ra nụ cười của ông thầy năm cũ. Khi dịch đến chương «Thưởng giám nghệ thuật» tôi mới giật mình nhận ra cái tinh túy mà tác giả muốn trao gởi. Nếu nói rõ ra trà thơm thế nào, vị đăng đắng ra sao, màu nước thế nào mới đẹp thì nó chẳng còn là đạo nữa rồi. Lúc ấy trà chỉ là một kỹ thuật thuần túy hay cao hơn cũng chỉ đạt đến mức nghệ thuật pha chế mà thôi. Cú giật mình đó làm tôi tạm dừng dịch. Tôi pha một ấm trà ngon, ngồi yên tỉnh một mình trên gác thượng và uống từng ngụm nhỏ. Trong đầu ôn lại những gì đã trải qua gần một đời người, đem những điều đó quán tưởng với những tư tưởng thiền học. Tâm hồn tôi lâng lâng, hương vị trà không còn là hương vị quen thuộc của ngày thường. Chén trà trở thành một con người, vừa là thầy vừa là bạn, đối ẩm với tôi. Trong thoáng chốc đó tôi chợt nhận ra gần một cuộc đời của mình chỉ là những cuộc chơi ngu dại và nỗi vui kỳ lạ đan lẫn trong khói điếu thuốc lá khi hiểu ra, dù chỉ một phần, sự minh triết của thiền. Okakura Kakuzo có lý khi thả trôi ngòi bút theo dòng suy tư miên man.

À ra là thế! Chén trà vốn không là đạo, chính tư duy của các triết nhân suy tưởng bên chén trà biến trà thành đạo. Cũng như cây đa vốn chẳng linh thiêng, nhưng vị thần được thờ ngự trên nó khiến nó linh thiêng. Và hiểu ra đạo là cơ duyên của từng người, cơ duyên của bạn khác tôi thì không thể theo cùng con đường đạo của tôi. Nụ cười của thầy tôi đây rồi! Gần ba mươi năm tìm kiếm không phải là cái giá quá đắt.

còn tiếp..

Uống Trà Thôi
Theo Đức Chính
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!