/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Thần Trà Nhật Bản - Thiền không học được, học qua trà
Thần Trà Nhật Bản - Thiền không học được, học qua trà
09:30, 15/05/2024 Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
Bài “7 chén trà ca” của Lư Toàn được truyền từ thời nhà Đường tới nay, đề cao văn hóa trà Trung Quốc, thấm vào tâm thức của người yêu trà. Người yêu trà không thể không biết “Bài ca 7 chén trà” có kết nối với cảnh giới Thần Tiên. Điển cố “7 chén trà” của Lư Toàn không chỉ lưu truyền trong văn hóa Trung Quốc, mà còn trở thành gốc tích tiên cảnh trong văn hóa trà Nhật Bản, trong đó nhân vật bắc cầu là “Ông bán trà” người Nhật.

- Thủy tổ Sencha Nhật Bản - Ông bán trà

Đối với Trà Đạo Nhật Bản, người Hoa thường chỉ biết đến “Thánh Trà” Thiên Lợi Hưu (Sen No Rikyū, 1522~1591), trên thực tế, thì “Sá trà” (Wabicha) đã nổi danh ở Nhật Bản từ thế kỷ 16 thời Mạc Phủ Hideyoshi, cùng thượng tầng xã hội, thiền viện Thiên Lợi Hưu. Ông tổ của “Sencha” (Trà nấu) tức “Ông bán trà” (Shibayama Motoaki, 1675~1763) đã đem cách dùng trà phổ cập đến nhân sĩ cùng thứ dân đại chúng, nên ông được người Nhật gọi là “Thần trà”. Trà của ông như một làn gió mát lành, làm thức tỉnh nhân sinh, nên cũng gọi là “Thanh phong trà”.

- Đạo trà chính thống của “Ông bán trà”: Lư Toàn

"Ông bán trà" là ông tổ của văn hóa trà Nhật Bản, tên thật là Motoaki Shibayama (Sài Sơn Nguyên Chiêu), tên khi bé là Kikuizumi (Cúc Tuyền), sinh ra ở Kyushu, Saga, Nhật Bản (nay là thành phố Saga Hasuike-machi, vào thời điểm đó, nó thuộc lãnh thổ của Hizen Kuni), và cha của ông là một bác sĩ thời phong kiến ​​của lãnh chúa địa phương Saga Nabeshima Hasenike.

Ông xuất gia năm 11 tuổi, tu Thiền ở chùa Ryushinji (Long Tân) với Pháp danh Tsukiumi (Nguyệt Hải); khi ông 57 tuổi thì sư phụ viên tịch, ông là người được truyền thừa y bát, đảm nhận trụ trì, nhưng ông đã nhường cho sư đệ, rồi ly khai Thiền viện, kiên nghị thản nhiên bước vào con đường cát bụi nơi thế tục, lấy bán trà làm kế sinh nhai. Ông tự mình làm một gánh trà, trà, dụng cụ pha trà, đến nơi kinh đô Đông Sơn, một dải sơn thủy hữu tình và bán trà trong suốt 30 năm, trải qua bao mùa đi rồi đến, mùa Xuân anh đào hoa nở, mùa Hạ gió sông nhẹ đưa, mùa Thu lá phong vàng rụng, nắng chiếu, sương rơi, mưa đổ, vẫn một gánh Sencha, một kiếp người.

"Ông bán trà" - sinh ra vào đầu thời kỳ Edo của Nhật Bản, lúc này các Thiền tăng đều thông thạo Hán văn, làm thơ bằng chữ Hán là biểu trưng cho phẩm cách cao của hàm dưỡng văn hóa. "Ông bán trà" lấy hình thức thơ chữ Hán mà lưu lại bài kệ “Ông bán trà”, lời thơ bộc trực, miêu tả quãng đời trôi nổi bán trà trong cõi tạm nhân sinh. “Thanh phong trà” của ông truyền cho thế nhân thông điệp vô thường của sinh mệnh, cùng sự đề cao thấu ngộ của bản thân.

Một ấm trà trong Trời Đất, đưa hồi ức về thời Đại Đường - Lư Toàn với “Bài ca 7 chén trà” cùng gió mát cảnh Tiên. Ông tự đặt bảng hiệu “Chính thống Lư Toàn”, tại kinh đô Đông Sơn kiến lập đình trà đầu tiên của Nhật Bản gọi là “Thông Tiên đình”. Bài kệ của ông chỗ nào cũng phảng phất cảnh Tiên trong “Bài ca 7 chén trà” của Lư Toàn, đem trà đạo dung nhập nhân sinh mà tâm cảnh lại siêu việt thế tục.

"Ông bán trà" - yêu mến trà từ trong tâm mình, pha trà cho mình, cho khách, hy vọng thế nhân thông qua trà mà thể ngộ được đạo lý : “Thiền không học được”.

Kệ của ông viết :

Xử thế bất tri thế, học Thiền bất hội Thiền, đãn tương nhất đảm cụ trà danh đáo xứ tiên.
Đáo xứ tiên hề vô nhân mãi, không ủng đề lam tọa khê biên, di hà vật hiếu sự man miêu xuất, nhất nhậm thiên hạ nhân xán nhiên. (Cao du ngoại tự đề).

Tạm dịch:

Ta sống nơi thế gian mà chẳng hiểu thế gian, ta học Thiền mà chẳng biết Thiền, đành lấy một gánh trà rong ruổi, khắp nơi chẳng người mua, gánh không đặt xuống ngồi bên suối, ôi dào sự vật khó nói ra, bật cười nhìn người trong thiên hạ. (“Cao du ngoại” thơ đề).

- Thiền tăng trở thành ông bán trà - Ấm trà chứa cả đất trời bên trong.

“Cao du ngoại” là tên của ông bán trà tự đặt cho mình sau khi hoàn tục. Năm 22 tuổi, ông mắc bệnh lị, thân thể suy nhược, do vậy ông sinh buồn phiền, nên đi du ngoạn từ Kyushu đến Mutsu (vùng Tohoku ngày nay), tham bái nhiều bậc chân sư cao đức chính đạo. Khi 33 tuổi (công nguyên 1717), tại Nagasaki ông học được nghề trà Sencha truyền từ nhà Minh Trung Quốc. Sau khi hoàn tục, ông kiên định thản nhiên - một gánh Sencha “Thanh phong trà” mà bước vào thế tục, từ góc nhìn của nhân gian, thì ông đã “quy y” nghề trà.

Năm ông 60 tuổi (năm 1975), bên bờ sông Kamo ở kinh đô Tokyo, ông xây cất lên “Thông tiên đình”, lấy bán trà làm sinh kế. Vừa nấu trà bán, vừa cùng khách nói chuyện nhân sinh. Ai đến cũng được, trả tiền hay không, ông đều không để ý. Ông an nhiên trong bần khó, vui với Đạo của Trà, siêu việt thế gian được mất, buồn vui.

Bài kệ “Ngẫu thành” của ông, miêu tả tự thân an bần lạc đạo, tu khứ những chấp trước hậu thiên, sắc, vị…

Tính tích phong điên thế thượng vi, mại trà sinh kế kháp kỳ cơ; tâm hưu lãnh đạm thắng cam chỉ, ý túc phá sam tề cẩm y.

Tạm dịch:

Cái ham thích của ta là khác hẳn với người đời, lấy bán trà làm sinh kế lại vừa vặn hợp với ta; Tâm đạm bạc còn hơn mỹ vị, Ý tròn đầy áo rách như cẩm y.

Ông cũng thấu tỏ lý tùy duyên của nhân sinh:

“Hành tàng tự cổ thả tùy duyên, hoặc túc cô phong hoặc xế điên, đạo thị tiên trà tiếp lai vãng, tiếu ngô mại lộng khất văn tiền”.

Tạm dịch:

“Đi lại trên đời xưa nay đều tùy duyên, lúc ở trên cao khi xuống thấp, giữ Đạo nấu trà đón khách vãng lai, họ trêu đùa ta khoe mẽ kiếm xu tiền”.

Từ hành vi và tính cách của ông, có thể thấy sự tương đồng trong cốt cách thanh cao, tùy duyên nhẹ bước trong bao la Trời Đất như các bậc “Thánh trà” Lục Vũ, “Tiên trà” Lư Toàn thuở trước.

- Cao Du vũ trụ trong chiếc ấm – Theo bước Lư Toàn tới cõi Tiên

Vào đầu thời Edo ở Nhật Bản, trà được xem là một loại dược liệu quý, được giới thượng lưu và chúng dân trân trọng. Văn hóa uống trà của các Thiền tăng lấy “Tịch Trà” (Thưởng trà trong tịch lặng) làm chủ đạo, lưu truyền rộng rãi trong tầng lớp quyền quý. Ông bán trà lấy việc đun trà, uống trà phổ cập đến quảng đại chúng dân cùng giới văn nhân trong xã hội, do vậy mà ông được suy tôn làm “Trà Thần” của Nhật Bản.

Năm ông 57 tuổi, ông rời chùa Ryushinji nơi ông xuất gia thủa nhỏ, tới kinh đô Kyoto, mười năm sau ông tuân theo quy định lúc ấy: Thập niên nhất phản - cứ 10 năm phải quay về chốn cũ một lần, trở lại cố hương Hizen. Lần này ông thỉnh cầu “Hoàn tục” và được chấp thuận. Trước khi rời thế gian ở tuổi 88, ông đã qua 30 năm bán trà, lãng du trong thế giới bao la của trà, tự tại chứa cả vũ trụ trong chiếc ấm, tu luyện trong cảnh giới an bần lạc đạo.

"Ông bán trà" dựng một Trà đình bên bến nước Higashiyama, tại kinh đô Kyoto, đây là trà đình đầu tiên của Nhật Bản, tên gọi “Thông Tiên đình”, hiện rõ cảnh Tiên trong bài “7 bát trà” của Lư Toàn thời Đại Đường.

Ông viết một bài kệ về “Thông Tiên đình”, chân thành nhắn nhủ khách nhân, trà giá chỉ nửa tiền, uống trà để tẩy tịnh thân tâm, kết nối với cảnh Tiên an lạc:

Thạch lư tiên minh chúc lai vãng, quá khách tu tri giá bán tiền. Nhất xuyết vi quân tẩy tâm phủ, thông tiên đình thượng lạc du nhiên.

Tạm dịch:

Lò đá ninh trà đón khách vãng lai, khách đến cần biết giá chỉ nửa tiền, một ngụm trà tẩy tịnh thân tâm, ngồi nơi đình này mà an lạc du nhiên thông với Tiên giới.
(Thông Tiên Trà kệ)

Trong “Thông Tiên đình” còn có câu đối, đón mời các bậc quân tử, sĩ phu đến đàm luận, cũng nhắn thế nhân rằng uống trà có thể làm sạch thân tâm, khứ trừ buồn ngủ:

Đình khai ban hải nội quân tử, trà thục khu nhân gian thụy ma. (Đình mở đón quân tử tứ hải, trà chín đuổi ma ngủ nhân gian)

Lư Toàn là thần tượng của "Ông bán trà". Khi Lư Toàn được Mạnh Gián Nghị tặng trà mới thu hoạch, uống xong dư âm dư vị còn lắng đọng, liền viết “7 bát trà ca” (Lưu bút cảm tạ Mạnh Gián Nghị tặng trà mới), trong đó thể hiện tầng tầng cảnh giới, cũng thấu hiểu nỗi khổ của Trà: “Đọa tại điên nhai thụ tân khổ - đứng tại nơi vách đá cheo leo đỉnh núi mà chịu khổ” và những nhọc nhằn của nghề trà, muốn làm con dân của Thần núi Bồng Lai, để bớt đi nỗi khó nhọc của nghề Trà.

Tác phẩm “Thí việt khê tân trà” (Nếm trà Việt Khê mới) của ông, từ ý tứ cho đến chủ đề, có kế thừa “7 bát trà ca” của Lư Toàn, nhưng cũng có chỗ khác biệt và huyền diệu riêng. Trà mới “Việt Khê” của ông được tặng vinh hiệu: Thiên hạ đệ nhất trà, ông thưởng thức trà này mà viết bài thơ, mượn tình mượn cảnh mà vịnh “Trà Đức”, lấy trà đức so sánh với nhân đức của bậc quân tử, gửi gắm tâm nguyện “lấy nhân đức bảo hộ chúng dân”, kế thừa tâm ý của Lư Toàn, ông viết :

Tửu thiên dưỡng khí công như dũng, trà chỉ thanh tâm đức tựa nhân. Túng sử công dũng thi tứ hải, tranh như nhân đức bảo lê dân.

Tạm dịch:

Rượu làm người ta hăng hái dũng mãnh, trà chỉ làm sạch tâm, ví như người có đức vậy, kẻ dũng tung hoành bốn biển, chỉ khuyên dùng nhân đức mà bảo vệ dân đen.

- Thanh phong trà - vị ngọt của trà khác vị của thế nhân.

Trong văn hóa trà Nhật Bản, thanh phong trà “Sencha” và sá trà “Matcha” là hai dòng trà chính, dòng Sencha của ông bán trà lưu dấu xa xôi của các hiền sĩ ẩn dật, du nhàn hứng thú, khác với Matcha thường dùng trong Thiền tự cô tịch.

Trong bài kệ “Đưa bạn đi du ngoạn”, có thể thấy việc uống trà đàm đạo, thanh thoát vượt xa cõi tục:

Thừa thu nhị khách bạn thông tiên, lai chử Lạc Dương đệ nhất tuyền; cam vị y nhiên phi thế vị, thanh đàm trà thục đáo u huyền.

Tạm dịch:

Mùa thu ta cùng bạn uống trà, dùng nước suối trong nhất Lạc Dương nấu trà, vị ngọt trà đây đâu phải vị nơi thế tục, nhàn đàm những sự sâu xa, trà đã chín.

Trà mang cho người ta vị ngọt, nhưng trong cuộc sống tự do tự tại của "Ông bán trà" cũng chứa nhiều khốn khó, cảnh quẫn bách túi không qua ngày, thường hay gặp. Dù như vậy, nhưng bần khó đối với ông không phải là tuyệt lộ, mà là cơ hội đề cao tâm cảnh. Lư Toàn đóng cửa từ quan, gửi tâm tình nơi nước trong trà ngọc, "Ông bán trà" an lạc trong bần khó, lấy khổ tu tâm:

Tùng hạ điểm trà quá khách tân, nhất tiền mại dữ nhất âu xuân; chư quân mạc tiếu sinh nhai phạp, bần bất khổ nhân nhân khổ bần. (“Mở tiệm trà trước điện Sát-Na”)

Tạm dịch:

Dưới gốc tùng ta rót trà cho khách, một tiền bán được, một bát xuân đi, các vị chớ cười ta bần khổ, bần không làm khổ được ta, mà chính là ta làm khổ bần.

Rồi:

Bần vinh vạn thặng do vô túc, thoái bộ nhất phiêu hoàn hữu dư. (Trích: “Tự cảnh kệ”)

Tạm dịch: Kẻ nghèo thì có bao nhiêu vinh hoa, xe cộ cũng thấy không đủ, lùi bước nhẹ tênh thấy dư rồi.

- Tiêu dao ngoài cõi tục - tuyệt dứt những thị phi

Trong con mắt của "Ông bán trà", ý Trà chân thực, vị Xuân mãi còn, vũ trụ bao la Trà một ấm, thật hết sức khoáng đạt! Khi một người mà trong tâm không còn bị những ràng buộc của thế nhân khổ lạc, thì tinh thần sẽ hòa cùng niềm vui của Trời Đất. Ông bán trà muốn thông qua thế giới trà, mà triển hiện cho thế nhân con đường kết nối với cõi Tiên.

Vào thế kỷ 18, các nhà văn, họa sĩ, nhà thư pháp và nhà văn ở Kyoto và Osaka, Nhật Bản, đều bị thu hút bởi "Ông bán trà" và được khai sáng về tinh thần và cuộc sống. Ông là chỗ dựa tinh thần của giới văn nhân lúc đó, trở thành ông tổ của “Văn nhân trà” Nhật Bản :

Ký tích mại trà xí thế trần, ngộ truyền thành ngoại nhất nhàn nhân; Xao môn thần tứ hồ đông minh, hồi ức ngọc xuyên vạn cổ xuân

Tạm dịch:

Bán một gánh trà cạnh cõi trần, tin đồn ra ngoài ta là kẻ nhàn hạ, sáng sớm gõ cửa đưa trà, hồi ức về Ngọc Xuyên còn mãi

Một dòng suối trong cuộn chảy trăm ngàn năm, dòng suối ngọt Ngọc Xuyên chảy tới tận hôm nay, và còn chảy mãi! Ông bán trà và Lư Toàn sẽ mãi sống trong thế giới Thần Tiên của Đạo Trà.

Uống Trà Thôi
Theo ntdvn
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!