Trong ngày Lễ tạ ơn, bạn đã suy nghĩ sâu sắc về ý nghĩa của việc ‘biết ơn’ hay chưa? Biết ơn nghĩa là gì, và chúng ta nên biết ơn điều gì?
Đôi khi, những ngày lễ như Lễ Tạ ơn có thể gây căng thẳng. Ví dụ, một số người trong chúng ta có thể phải tổ chức và nấu ăn cho gia đình của mình. Một số khác có thể không có ai bên cạnh để chia sẻ Lễ Tạ ơn.
Tuy nhiên, Lễ tạ ơn có thể khác nhau, nhắc nhở chúng ta rằng luôn có điều gì đó mà chúng ta có thể hướng tới để bày tỏ sự biết ơn.
‘Người nghèo biết ơn’
Henry Ossawa Tanner, một trong những nghệ sĩ người Mỹ gốc Phi nổi tiếng thế giới đầu tiên của thế kỷ 19, đã vẽ bức “Người nghèo biết ơn”. Bức tranh gợi ý một cách sống trên đời với lòng biết ơn.
Hai nhân vật, ông lão và một cậu bé, ngồi vào bàn bếp chuẩn bị bữa ăn. Cho dù lượng thức ăn ít ỏi trên bàn, cả hai đều cúi đầu cầu nguyện cảm ơn mặc dù tư thế của cậu bé kém trang trọng hơn so với ông lão. Những chiếc đĩa trống của họ chờ đợi thức ăn sau khi kết thúc lời cầu nguyện.
Phía sau ông lão, một cánh cửa sổ duy nhất chiếu ánh sáng vào khung cảnh. Do vị trí ngồi quay lưng của ông ấy, nên khuôn mặt của ông bị che khuất trong bóng tối, nhưng khuôn mặt của cậu bé được chiếu sáng bởi ánh sáng màu vàng.
- Cuộc sống với lòng biết ơn
Bức tranh của họa sĩ Tanner nhắc tôi nhớ tầm quan trọng của việc biết ơn ngay cả khi thiếu thốn với khẩu phần ăn nhạt nhẽo, nhưng ông lão và cậu bé vẫn thể hiện lòng biết ơn thông qua lời cầu nguyện.
Họa sĩ Tanner gọi bức tranh của mình là “Người nghèo biết ơn”, điều này gây chú ý đến thực tế là ngay cả những người trong chúng ta, những người có ít tiền vẫn có thể tìm thấy những điều mà họ biết ơn.
Đôi khi, mọi người nói với tôi rằng họ biết ơn như thế nào về những khó khăn mà họ trải qua. Những khó khăn ấy đã giúp họ trở thành con người như bây giờ. Tất nhiên, biết tu dưỡng lòng biết ơn trong khi trải qua va vấp là rất tốt, nhưng nói thì dễ hơn làm, nhưng dù sao chúng ta cũng rút ra được những bài học quý từ quãng thời gian chông gai đó.
Trong bức tranh, ông lão và cậu bé đang cầu nguyện. Họ đang thể hiện lòng biết ơn của mình với Thượng đế. Dù bữa ăn rất ít ỏi nhưng họ vô cùng biết ơn, điều này cho thấy họ tin rằng Thượng đế biết điều gì là tốt nhất cho họ.
Lời cầu nguyện của họ cũng gợi ý rằng, ngoài thức ăn trên bàn, họ còn nhận được những đặc ân khác từ Thượng đế. Niềm tin cao cả ấy khiến họ trở nên giàu có hơn họ tưởng.
Cuối cùng, tôi không thể không cảm nhận về mối liên hệ giữa ông lão và cậu bé. Có thể ông lão là cha hoặc ông nội của cậu bé. Dù sao đi nữa, sự hiện diện của ông cho thấy rằng ông đang dẫn dắt cậu bé; ông đang dạy cậu bé cách biết ơn Thượng đế cho dù đứa trẻ có nhỏ bé đến đâu, nghĩa là sống biết ơn và biết ơn để được sống. Bất chấp tư thế kém trang trọng của cậu bé, ánh sáng chiếu vào khuôn mặt cho thấy cậu là tâm điểm và việc bày tỏ sự biết ơn là tùy thuộc tấm lòng cậu.
Trong Lễ tạ ơn này, bức tranh “Người nghèo biết ơn” nhắc nhở tôi ‘biết ơn’ những người gần gũi xung quanh, đồng thời cũng nhắc tôi biết ơn những giây phút được sống trên đời. Hơn hết, bức tranh nhắc nhở tôi phải tạ ơn Thượng đế, và sống sao cho những người xung quanh cũng được khích lệ để thắp lên ngọn lửa tạ ơn từ tận đáy lòng.
Uống Trà Thôi
Theo ntdvn