Một tách trà cũng đủ gói trọn tinh hoa văn hóa Á Đông. Thưởng trà là một nghệ thuật, tổng hòa được sự tinh tế, tao nhã trong từng thao tác. Chính vì vậy, người Á Đông thường quan niệm rằng thưởng trà chính là đào sâu văn hóa để tìm đến sự tĩnh tại và bình yên trong tâm hồn.
Nhắc đến trà đạo, người ta thường nhắc đến không khí yên tĩnh, lắng đọng, tinh thần thư thái thoải mái, kỹ thuật pha chế đẹp mắt, tỉ mỉ.
Thông qua tách trà, văn hóa quốc gia sẽ được bày ra trước mắt. Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam là 3 đất nước nổi tiếng về trà được nhiều người trên thế giới biết đến.
Trà đã trở thành thức uống nuôi dưỡng tinh thần của người dân bản địa. Du khách đến đây, nếu không dừng chân thưởng thức những tách trà thơm nồng, chứa đựng trong đó tâm huyết của người nghệ nhân thì đều cảm thấy chưa trọn vẹn.
Nghệ thuật trà đạo Nhật Bản
Người Nhật rất kỳ công trong việc thưởng trà. Khi uống trà, người ta không chỉ quan trọng vị thơm của trà mà còn đặc biệt chú trọng đến khâu pha chế. Với nhiều quy định nghiêm ngặt, thưởng trà Nhật Bản được nâng cao lên, trở thành một trong những môn nghệ thuật, vừa rèn luyện được sự nhẫn nại, kiên trì, tỉ mỉ, lại vừa thể hiện được sự tinh tế, tao nhã trong văn hóa.
Người Nhật khá chú trọng khi chọn dụng cụ pha trà. Tách trà nhỏ nhắn, đơn giản nhưng lại được điểm xuyết bởi những đường nét tinh tế. Trà đạo, đặc biệt là trà đạo Nhật Bản rất kén chọn không gian. Sự tĩnh lặng phải là yếu tố ưu tiên hàng đầu. Tách trà không đơn thuần là một thứ thức uống, nó chứa đựng và truyền tải sự thư giãn, thể hiện sự hòa hợp với cây cỏ thiên nhiên và con người xứ sở anh đào.
Với những cử chỉ tỉ mỉ, cẩn thận, nhanh nhẹn và khéo léo, bạn sẽ thấy được cả một bầu trời văn hóa khi đến thăm nhà một người bạn Nhật và chứng kiến những kỹ thuật pha trà đỉnh cao.
Nghệ thuật thưởng trà Trung Hoa
Trung Quốc là một vùng đất thiên thời địa lợi, phù hợp với sự phát triển của cây chè. Chính vì vậy, quốc gia này cũng chính là cái nôi hình thành nên văn hóa thưởng trà. Dù cuộc sống có thay đổi đến chóng mặt, những ngôi nhà cổ cũ kỹ được thay thế bởi những tòa nhà chọc trời thì Trung Quốc vẫn lưu giữ được nét văn hóa truyền thống về trà.
Người Trung Quốc không giữ những quy tắc chuẩn mực và khắt khe như Nhật Bản. Tuy nhiên, trong trà đạo, nghệ thuật và sự tinh tế, đẹp mắt vẫn là điều không thể thiếu. Được chứng kiến đôi bàn tay hoa ngọc của những cô gái Trung Hoa tỉ mỉ xúc ấm, chọn chè, tráng chén... du khách mới cảm thấu được vẻ đẹp đích thực đến từ văn hóa trà của quốc gia này. Nếu có dịp đến Trung Quốc, đặc biệt là Bắc Kinh, bạn đừng quên ghé chân một chút vào những quán trà nổi tiếng để thưởng thức hương vị trà và chứng kiến văn hóa trà độc đáo tại đây.
Nghệ thuật thưởng trà Việt Nam
Không cầu kỳ như trà đạo Nhật - Chanoyu hay Gongfucha - trà đạo Trung Hoa, trà đạo Việt Nam có phần đơn giản hơn trong cách pha chế. Tuy nhiên, người Việt đặc biệt là những người có kiến thức uyên thâm về trà, đặc biệt yêu cầu khắt khe về hương vị.
Từ rất lâu đời, uống trà đã trở thành một nét văn hóa truyền thống của người Việt. Pha trà như thế nào cho đúng cách là cả một nghệ thuật mà các bạn trẻ đang muốn lấy lòng bố mẹ chồng hoặc chuẩn bị ra mắt gia đình bạn gái cần lưu tâm. Tách trà trong văn hóa người Việt ngoài tác dụng dưỡng tâm, tĩnh trí còn là một trong những phép thử để các bậc cha mẹ đánh giá về tính cách, con người của chàng rể, nàng dâu tương lai.
Nếu như trước đây, trà chỉ được những gia đình quyền quý Việt sử dụng, thì nay văn hóa trà đã trở nên phổ biến và được nhân rộng khắp dân gian. Cùng với đó, cách pha trà cũng có nhiều biến tấu, tuy nhiên, tinh thần của tách trà thì không hề thay đổi. Trà vẫn là thức uống thanh tao giúp cho người thưởng thức thư giãn tinh thần, thể hiện sự hiếu khách của gia chủ mỗi khi bạn đến chơi nhà.
(Theo Tạp Chí Kinh Tế)