/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Một người vẽ trầm lặng
Một người vẽ trầm lặng
14:55, 31/08/2024 Team Uống Trà Thôi Dương Bích Liên
Dương Bích Liên cùng với Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái tạo thành “bộ tứ huyền thoại” của hội họa Việt Nam. Ông giống với những người bạn của mình, đó là sự đam mê hội họa để sáng tạo ra những tác phẩm đỉnh cao, nhưng khác với Nghiêm, Sáng, Phái ở chỗ, ông đã sống một cuộc đời lặng lẽ, sống đơn lẻ, không vợ không con…

Sinh thời, họa sĩ Dương Bích Liên sống một mình trong căn nhà đơn sơ ở số 55 phố Bà Triệu (Hà Nội). Người đương thời vẫn nhớ tới một họa sĩ sống khép kín, ẩn mình. Ông không thích xuất hiện ở những chỗ đông người, nhất là chỗ xa lạ. Những nơi ông thường hay lui tới đó là chỗ ông có thể gặp những người bạn “cùng cạ” với mình.

Sinh thời, họa sĩ Dương Bích Liên chỉ năng đến chơi với họa sĩ Nguyễn Sáng và họa sĩ Bùi Xuân Phái. Ông cũng từng im lặng trước nhiều lời đề nghị tổ chức triển lãm cá nhân cho mình.

Có chuyện mà bây giờ kể lại, nhiều người nghĩ là chuyện đùa, chuyện tếu. Ấy là khi một mình khép kín với những suy nghiệm để vẽ, họa sĩ Dương Bích Liên không muốn tiếp ai. Với những người ông không muốn gặp, ông thò đầu ra khỏi cửa nói: "Tôi đi vắng rồi…".

Ẩn sau lối sống khép kín, có phần dị biệt, là một con người luôn khát khao đi tìm vẻ đẹp của nghệ thuật tạo hình. Ông dành cả cuộc đời mình để dấn sâu vào nghệ thuật giá vẽ. Họa sĩ Dương Bích Liên cũng không phải là người “tiện đâu vẽ đó”.

Ông luôn tự đặt ra những yêu cầu cao đối với cá nhân, và hiếm khi hài lòng với những tác phẩm vẽ xong. Thậm chí, trước khi chết, ông chỉ ao ước được đốt hết những tác phẩm ông đã vẽ để hóa thân cùng ông về với cát bụi.

Lý giải việc lựa chọn một lối sống khép kín, không vợ không con như vậy, có lẽ cần căn cứ vào lời thổ lộ của họa sĩ lúc sinh thời: "Đời không hiểu tôi và tôi cũng không hiểu đời, vì thế nên tôi xin thu mình nhỏ lại".

Bây giờ hậu thế nhìn lại, thấy di sản hội họa mà họa sĩ Dương Bích Liên để lại chỉ có 79 bức tranh, trong đó đáng chú ý là những tác phẩm: "Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc " (sơn mài), "Chiều vàng" (sơn mài), "Mùa gặt" (sơn dầu), "Hào" (sơn dầu), "Hành quân đêm" (sơn dầu)...

Có những bức vẽ ông nghiền ngẫm ý tưởng rất lâu. Chẳng hạn, ông được gặp và được phép ở cạnh Bác Hồ để vẽ tranh từ năm 1954, nhưng phải đến năm 1980 ông mới vẽ bức sơn mài “Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc”. Bức này sau đó đoạt Huy chương vàng Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1980. Đến năm 2017, tác phẩm này được công nhận là Bảo vật quốc gia, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Có một câu chuyện mà sau này giới họa sĩ vẫn nhớ, là vào năm 1980 khi Hội Mỹ thuật Việt Nam có lời mời “bộ tứ” Nghiêm, Liên, Sáng, Phái tổ chức triển lãm cá nhân, chỉ có Dương Bích Liên không tham gia với lý do "chưa hài lòng với những tác phẩm mình có".

Họa sĩ Dương Bích Liên vẽ ít, ông chủ trương thực hành nghệ thuật theo lối “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Song, những sáng tác của ông được giới họa sĩ và phê bình mỹ thuật công nhận là thế giới nghệ thuật sang trọng, nghiêm túc.

Họa sĩ Dương Bích Liên sinh ngày 17/7/1924. Dòng họ Dương của ông ở Khoái Châu, Hưng Yên có truyền thống hiếu học. Ông là học trò cuối cùng của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khóa XVIII (1944-1945), là một trong những họa sĩ đầu tiên được kết nạp Đảng tại vùng kháng chiến.

Giới nghiên cứu mỹ thuật đánh giá, các tác phẩm của họa sĩ Dương Bích Liên mang nhiều cảm xúc tình yêu với cách mạng, với các cuộc kháng chiến giành độc lập của dân tộc và tuổi trẻ Việt Nam. Một số tác phẩm khác thì nhẹ nhàng bởi vẻ đẹp duyên dáng, quyến rũ, thể hiện vẻ đẹp tiềm ẩn của con người, thiên nhiên đất nước với chất lượng nghệ thuật cao.

Ông vẽ tinh tế và chắt lọc, vừa chân thực vừa sống động đồng thời có sự bay bổng và mơ mộng. Ông sáng tác trên nhiều chất liệu khác nhau: trong sáng, lộng lẫy với sơn mài, khỏe khoắn trong sơn dầu, mềm mại trong phấn dầu, thuốc nước.

Nếu họa sĩ Bùi Xuân Phái nổi tiếng với những bức tranh vẽ phố cổ Hà Nội thì họa sĩ Dương Bích Liên được nhiều người yêu mến với những bức tranh ông vẽ phụ nữ Việt Nam.

Trong giới hội họa Việt Nam đến nay vẫn lưu truyền câu "Phố Phái, gái Liên" là bởi vậy. Xem lại những bức tranh ở mảng đề tài này, thấy chân dung phụ nữ của Dương Bích Liên rất đa dạng, đẹp một cách dung dị, đặc biệt chinh phục người xem bởi cái "duyên thầm". Đó là những bức chân dung "Sang mà không lòe loẹt. Đẹp mà không lẳng lơ", "cho ta cả cái Đẹp lẫn cái Thiện" - như nhận xét của họa sĩ Trần Khánh Chương.

Theo nhà phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng, "phẩm chất mơ mộng chiếm toàn bộ nghệ thuật của Dương Bích Liên, dù đôi lúc sự mơ mộng ấy được trình bày dưới vẻ khắc nghiệt.

Họa sĩ không bám vào một cảnh trí như Bùi Xuân Phái, không trầm kha vào các ý tưởng và số phận như Nguyễn Sáng, mà tinh tế đứng bên ngoài cái mình vẽ và nhìn nó vừa như là một sự kiện hiện hữu có thực, vừa như một chuyện bịa, một cảnh nằm mơ. Với tranh Dương Bích Liên (qua những tác phẩm: “Cô gái và hoa cúc”, “Mùa gặt”...), có thể thấy họa sĩ luôn sống trong nỗi buồn nhân thế, trong những ám ảnh cô đơn".

Còn họa sĩ Đặng Thị Khuê - người từng có 11 năm được gần gũi tiếp xúc với họa sĩ Dương Bích Liên, do làm việc ở Hội Mỹ thuật Việt Nam thì cho rằng, nghệ thuật của Dương Bích Liên đóng góp một cái nhìn mới vào đời sống mỹ thuật.

Ông dùng bút pháp Tả thực - Lãng mạn của trường phái hội họa “Tân cổ điển và Ấn tượng” để diễn đạt tâm tư con người trước hiện thực mới. Một sự gặp gỡ không ngẫu nhiên của cái nhìn trực giác phương Tây với cái nhìn nội tâm mẫn cảm của nguồn cội Việt, góp phần mang lại một nét diện mạo mới cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Ở đó, có sự tiếp biến và điều hòa văn hóa, như một tất yếu của thời đại quốc tế hóa, xảy ra ở đầu thế kỷ 20.

Cũng theo bà Khuê, phong cách của họa sĩ Dương Bích Liên kiên định với cái nhìn duy mỹ, hoài cảm với ký ức chắt lọc hòa lẫn đậm đà trước xúc cảm trước hiện thực. Nhà bình luận mỹ thuật nổi tiếng Thái Bá Vân có viết một bài bình về tranh và người sau khi họa sĩ mất, có một câu gói trọn cả học vấn và nhân cách của Dương Bích Liên: “…(Anh) sống và chết như một thiên nhiên cô độc. Nhưng nghệ thuật của Anh là một thế giới sang trọng, miên man trí thức, và như vậy, nó là một tồn tại trang nghiêm. Ở đấy, chúng ta nhận ra một nhân cách thẩm mỹ có uy quyền, tự trọng, mà sự yêu thương con người là cuồng nhiệt. Ở đấy, tranh chấp và thù hận được từ bỏ…”.

“Trong “bộ tứ huyền thoại”, thì họa sĩ Dương Bích Liên vẫn là một người đầy bí ẩn. Thế giới nghệ thuật của Dương Bích Liên là cả một sự tương phản, vừa như lánh đời, vừa cuồng nhiệt; vừa uyên thâm, lại vừa bình dị, cao thượng và bâng quơ.

Điều đó, phải chăng đến từ sự xúc cảm thuần khiết, chỉ có được ở những tâm hồn lớn, nhạy cảm bẩm sinh và lao động miệt mài. Sự lựa chọn của ông là rất rõ ràng, ông như là một ánh sao, một tia chớp thầm lặng đi qua bầu trời nghệ thuật của thời kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ rồi Đổi mới, và để lại những ánh hào quang lung linh…”, họa sĩ Đặng Thị Khuê nhấn mạnh.

***

Họa sĩ Dương Bích Liên qua đời sau khi người bạn vẽ thân thiết Bùi Xuân Phái mất chỉ khoảng 6 tháng. Ông chọn cách ra đi cũng không giống ai. Đó là một buổi sáng ngày 12/12/1988. Mấy ngày trước đó, ông đã quyết định... tịch cốc (không ăn, chỉ uống rượu).

Họa sĩ từng bày tỏ nguyện vọng: "Sau này, trong cái ngày tôi sang bên kia thế giới, tôi muốn đến đưa tiễn tôi là hai đứa trẻ nhỏ, một trai, một gái, chúng ăn mặc thật correct. Chỉ có hai đứa trẻ ấy, đi lững thững theo chiếc xe ngựa chở cái xác không hồn của tôi ra nghĩa trang và đừng có người lớn nào đi theo cả".

Với những đóng góp của mình cho hội họa Việt Nam, năm 2000, họa sĩ Dương Bích Liên đã được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật.

Uống Trà Thôi
Theo daidoanket
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!