/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Gốm cổ việt nam : truyền thống và lịch sử
Gốm cổ việt nam : truyền thống và lịch sử
07:46, 04/09/2024 Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
Lịch sử đồ gốm Việt Nam đã bắt đầu từ những món đồ bằng đất sét trộn bột vỏ sò không tráng men, dùng khuôn bằng giỏ đan, màu nâu đậm hay nâu nhạt …qua những vật tích tìm được ở Hoà Bình, ở Bắc Sơn, ở Quảng Yên, ở Thanh Hoá. Trong phạm vi đồ gốm – nét văn minh sơ khởi nhất của con người, bởi vì không có đồ gốm để nấu nướng, cất giữ, ăn uống thì nền văn minh không hình thành – ông cha ta tiếp tục phát huy, học hỏi và ứng dụng kinh nghiệm vào việc chế tạo đồ gốm, tạo nên các nền văn hoá Phùng Nguyên, văn hoá Ðông Sơn . Dù di tích còn rất ít, nhưng đồ gốm Việt Nam trong thời này đã cho thấy sắc thái của một nền văn hóa cá biệt. Trong những thế kỷ sau đó, đồ gốm Việt Nam đạt được mức phát triển rất cao, đã xuất cảng sang Ả Rập, Nam Dương…

Sang thế kỷ thứ 10, đồ gốm mang một sắc thái khác với nước men trong, dày, khá đều, với hoa văn chim hạc, cọp, voi, hoa sen, hoa cúc… đã xuất hiện nhiều. Người thợ Việt Nam đã biết cách làm các đường rạn thưa hay dày theo ý muốn. Rồi từ đời Lý (đầu thế kỷ 11) đồ gốm Việt Nam phát triển một cách huy hoàng. Nhiều loại men (các loại Lý Nâu, Lý Ðen, Lý Trắng, Lý Lục, men ngọc), nhiều hoa văn, nhiều thể loại tràn lan khắp nơi, từ chốn triều đình, chùa, miếu đến thôn dã trong suốt từ thế kỷ 11 đến hết thế kỷ 16 (đời Hậu Lê). Hình dáng gốm Việt Nam gồm có dĩa, đĩa, tô, chén, lọ, chai và bình. Cả những kiểu đặc biệt tạo ra bởi nghệ nhân đời Minh như hũ và chén có bệ của thời kỳ 1403-1424 cũng có tương đương trong các loại đồ gốm Việt Nam. Đồ gốm đất Việt Nam được cấu tạo dày và chắc hơn đồ gốm đất Trung Hoa. Thân hình cấu tạo bên ngoài màu nâu và ít có bị lẫn chất bụi hoặc sạn. Dưới chân đồ gốm đất hoặc là để nguyên hoặc được tráng một lớp trơn không màu hoặc một lớp tráng oxide sắt màu nâu.

Có đủ loại các lớp trán trên đồ gốm Việt Nam. Loại đồ gốm tráng một màu là những loại thông dụng được xuất khẩu trong thời kỳ đầu. Trắng, xanh cây, đen và nâu là những loại thông dụng và được biết nhiều. Sự tiến triển của kỷ thuật đồ gốm trong giai đoạn đầu là sự trình bày bằng lớp oxide sắt đen và nâu dưới lớp tráng. Sắc thái trình bày rất thanh thoát và giản dị so với lối trình bày trên đồ gốm Trung Hoa. Sự chuyển tiếp từ lối trình bày bằng oxide sắt đến cách dùng cobalt xanh trời là một sự cải tiến quan trọng trong nghệ thuật đồ gốm Việt Nam và chứng kiến một mức độ sản xuất về xuất khẩu chưa từng có trong lịch sử đồ gốm Việt.

Những kiểu trình bày Việt Nam có đặc tính thanh thoát, sáng tạo độc lập khác hẳn với sự xếp đặt phong cảnh, sinh thú của lối trình bày Trung Hoa. Chim, cá, ngựa và nai là những sinh thú thường được trình bày cũng như các con vật huyền thoại như lân và phượng. Rồng tuy vậy lại rất hiếm trong các lối trình bày. Con cá trong đồ gốm Việt Nam, không giống cá kiểng đỏ của đồ gốm Trung Hoa, mà là con cá bông của sông ngòi Việt Nam. Đến giữa thế kỷ 15, đồ gốm xanh trời và trắng chiếm vị trí hàng đầu trong những hàng xuất khẩu. Cũng trong khoảng thời gian nay, một loại đồ gốm mới xuất hiện với cách dùng men trắng, chủ yếu màu đỏ và xanh trời, và thường phối hợp với lớp trình bày xanh trời ở lớp dưới.

Nói đến tuyệt đỉnh của Gốm cổ Việt Nam ta không thể không nhắc đến tên “ Gốm Chu Đậu”. Đồ gốm Chu Đậu chìm sâu trong lòng đất, dưới đáy biển suốt mấy trăm năm. Những món còn được lưu giữ ở các viện bảo tàng bên Châu Âu thì đã từng bị xếp lộn vào đồ gốm Trung Hoa.

Đồ gốm Chu Đậu được phát hiện nhiều trong các ngôi mộ cổ, đình chùa, từ đường và nhiều nhất là dưới các tầu buôn chìm ngoài khơi Hội An, Đà Nẵng… Đồ gốm Chu Đậu hình dáng thanh tao, nước men trong mà mỏng, hoa văn đầy hình ảnh đời sống thôn làng Việt Nam. Đồ gốm Chu Đậu bắt đầu được sản xuất từ cuối thế kỷ 14, rực rỡ nhất vào thế kỷ 15, 16 rồi tàn lụi vào đầu thế kỷ 17, trong khi các lò gốm khác ở Hải Dương còn sản xuất những món đồ không men (nồi đất, chum, vạị..) cho đến thế kỷ 18, hay cho mãi đến bâygiờ như làng Cậy, làng Lâm Xuyên (chuyên làm nồi đất không men).

Đồ gốm Chu Đậu cũng có nhiều thứ như men ngọc (celadon), men nâu, men trắng, men lục. Tuy nhiên tiêu biểu nhất là men trắng trong với hoa văn mầu xanh (men trắng chàm) và men trắng trong với hoa văn ba mầu vàng, đỏ nâu và xanh lục (men tam thái)

Men ngọc, men trắng, men nâu và men nâu đen thường bị lẫn với đồ gốm đời Lý Trần, tuy nhiên, hoa văn trên men Lý nhiều ảnh hưởng Phật Giáo, hoa văn Chu Đậu phản ảnh đời sống nông thôn Việt Nam, hoa văn trên men Lý thường được vẽ bằng cách khắc chìm hay khắc nổi, hoa văn Chu Đậu được vẽ bằng men mầu, men ngọc thời Chu Đậu cầm thấy nặng tay, chất đất thô hơn và tiếng gõ không thanh như men ngọc của người Tầụ Bình ấm thời Lý thường có vòi hình đầu rồng, hình vòi voi, hình đầu chim… Ngày nay, gốm trong tâm thức người Việt là Gốm của làng Bát Tràng, làng gốm Phù Lãng…tuy gốm hiện đại cũng có một số nét thay đổi nhưng về cơ bản vẫn giữ được truyền thống và linh hồn của gốm xưa. Có thể coi Gốm là dấu ấn của một nền văn minh lúa nước, của một nền văn hóa thuần Việt.

Uống Trà Thôi
Theo nghệ thuật xưa
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!