Bên cạnh một số vùng sản xuất trà nổi tiếng nhất ở Nhật Bản như Kyoto, Shizuoka, Kagoshima…, Matsue - thủ phủ của tỉnh Shimane - cũng được chú ý không kém với văn hóa trà, tập trung vào matcha (trà xanh dạng bột) và wagashi (bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản).
Văn hóa trà của Matsue đã trở nên nổi tiếng hơn 200 năm trước khi Matsudaira Harusato - được biết đến nhiều hơn với tên gọi Fumai, bậc thầy về trà - cai quản khu vực này. Fumai đã tích cực thúc đẩy sản xuất trà và wagashi, đồng thời phát triển phong cách trà đạo matcha của riêng mình mang tên Fumai-ryu.
Nhờ ảnh hưởng của Fumai, Matsue hiện là 1 trong 3 thành phố wagashi hàng đầu Nhật Bản và là trung tâm của văn hóa trà với tỉ lệ tiêu thụ matcha cao hơn mức trung bình toàn quốc. Fumai-ryu và các phong cách trà đạo khác được thực hành rộng rãi ở Matsue.
Ngày 24 hằng tháng được chọn là Chanoyu no Hi (Ngày trà đạo) ở Matsue. Ngày này tưởng nhớ cuộc đời của Fumai và là cơ hội thích hợp để du khách ghé thăm các nhà sản xuất wagashi và cửa hàng trà địa phương.
Furyudo và Saiundo là 2 nhà sản xuất wagashi địa phương có tuổi đời hơn 100 năm. Các loại wagashi mà Fumai ưa thích như wakakusa, yamakawa và natane no sato vẫn được sản xuất cho đến ngày nay. Ăn 3 loại đồ ngọt này trước khi uống trà sẽ tạo nên sự cân bằng hài hòa với vị đắng của matcha.
Nằm gần Furyudo và Saiundo là quán trà Nakamura và Tomita. Cả 2 địa điểm đều có chỗ ngồi để thưởng thức những tách trà tươi hoặc các món ngọt như kem mềm đặc trưng của Tomita. Nakamura cũng nổi tiếng với những trải nghiệm thực tế như tham quan nhà máy trà, tham gia buổi trình diễn pha chế matcha…
Lớp học làm wagashi là hoạt động tham quan thực tế phổ biến dành cho học sinh ở Matsue và các vùng lân cận. Những trải nghiệm này không chỉ giới hạn ở trẻ em. Các điểm tham quan như Karakoro Art Studio và các công ty du lịch địa phương luôn chào đón bất kỳ ai muốn tìm hiểu cách làm những món đồ ngọt truyền thống.
Đối với những du khách lo lắng về rào cản ngôn ngữ, công ty ThoughInaka cung cấp các tour du lịch bằng tiếng Anh giúp du khách tìm hiểu lịch sử về trà Matsue, gặp gỡ những người trồng trà… Các thành viên của Hiệp hội Hướng dẫn viên phiên dịch Shimane cũng có thể đồng hành cùng du khách suốt chuyến đi và giới thiệu về Matsue theo góc nhìn của người dân địa phương.
Đền Gessho-ji, quán trà Meimei-an và đền Fumon-in là 3 điểm đến thu hút du khách vì những lý do khác nhau. Cả ba đều có mối liên hệ với Fumai.
Đền Gesshoji còn gọi là “Đền Ánh Trăng”, là ngôi đền của gia tộc Matsudaira, các lãnh chúa phong kiến trong vùng Matsue vào thời kỳ Edo. Bên trong khuôn viên đền, được chỉ định là di tích lịch sử quốc gia, có nhiều di tích và hiện vật như Karamon (cổng kiểu Trung Quốc) - một tác phẩm điêu khắc rùa lớn được giới thiệu trong các tác phẩm của Lafcadio Hearn và một phòng trà Fumai từng sử dụng.
Nằm trên một ngọn đồi thấp với tầm nhìn tuyệt đẹp ra lâu đài Matsue, quán trà Meimei-an được chính Fumai xây dựng vào thế kỷ XVIII. Ngày nay, du khách có thể khám phá khu vườn ở Meimei-An và ngắm nhìn tòa nhà nơi lãnh chúa Fumai từng thực hành trà đạo.
Khuôn viên bên trong của đền Fumon-in là nơi có quán trà Kangetsu-an. Sinh thời, Fumai rất thích ghé thăm Kangetsu-an. Dù ngày nay du khách không thể vào quán trà nhưng vẫn được tự do khám phá khu vườn ao ở Kangetsu-an trước khi thưởng thức matcha trong một căn phòng nhìn ra khu vườn.
Uống Trà Thôi
Theo phunuonline