/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Để thương hiệu chè Việt Nam có chỗ đứng!
Để thương hiệu chè Việt Nam có chỗ đứng!
08:53, 19/06/2021 Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
Chè Việt đang dần khẳng định mình với thị trường thế giới khi đứng thứ 5 về xuất khẩu chè và đứng thứ 7 về sản xuất chè toàn cầu. Tuy nhiên để thương hiệu chè nước nhà có sức ảnh hưởng và chỗ đứng trên thị trường thì chè Việt Nam cần một chiến lược dài hơi.

Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 34 tỉnh, thành phố trong cả nước đã dành diện tích đất canh tác để trồng chè; với tổng diện tích gần 130 nghìn ha, chuyên cung cấp nguyên liệu để chế biến thành chè khô cho trên 600 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và hàng ngàn cơ sở chế biến thủ công.

Hiện, Việt Nam chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau nhưng xuất khẩu phần lớn vẫn là chè đen chiếm tới 60%, còn lại là chè xanh và một số ít các loại khác. Tuy nhiên, thị trường chè xuất khẩu của Việt Nam chưa thật sự ổn định và chè Việt chưa thật sự có chỗ đứng ở thị trường thế giới. Nguyên nhân chủ yếu là do chất lượng chè không cao và được bán dưới dạng nguyên liệu là chính. Tình trạng cạnh tranh nguyên liệu ngày càng quyết liệt, chè xấu cũng có người mua, đang là nguy cơ làm cho chè Việt Nam ngày càng mất sức cạnh tranh và giảm uy tín trên thị trường thế giới.

Mặt khác, hầu hết các sản phẩm chè của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường các nước, đơn cử như thị trường Nhật Bản, được tiêu thụ chủ yếu dưới hình thức các bản quyền nhãn hiệu sản phẩm của nước nhập khẩu hoặc các nhãn hiệu khác có uy tín. Sản phẩm chè đen của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản chủ yếu dưới dạng chè thô, rời, chưa chế biến và được gia công, đóng gói nhãn mác tại Nhật Bản và bán dưới nhãn chè Nhật Bản hoặc công ty Nhật Bản nhập khẩu chè đã chế biến nhưng đóng gói và bán lẻ tại Nhật Bản.

Đây là thực tế khiến chè Việt Nam vẫn chưa có vị trí xứng đáng trên thương trường. Giá chè Việt Nam xuất khẩu bình quân chưa đến 1.000 USD/tấn, chỉ bằng 50 - 70% so với giá chè xuất khẩu của các nước khác.

Thời gian tới ngành chè tiếp tục đẩy nhanh khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là về cơ cấu giống mới, thu hái, sơ chế bảo đảm chất lượng. Ngoài chế biến, sản xuất, ngành chè đang tiếp tục đầu tư để sản xuất ra những loại chè đạt tiêu chuẩn “an toàn thực phẩm” đồng thời biến đổi vùng trồng chè thành “khu du lịch sinh thái”... nâng cao năng suất, chất lượng để chè Việt có sức cạnh tranh trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh việc cải tiến quy trình sản xuất đạt chất lượng cao, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, chè Việt Nam cần một chiến lược quốc tế nhằm quảng bá thương hiệu của mình trên thị trường thế giới.

(Theo Đời Sống Tiêu Dùng)
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!