/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Vũ Cao Đàm – Nghệ thuật từ Đông sang Tây
Vũ Cao Đàm – Nghệ thuật từ Đông sang Tây
17:30, 09/07/2021 Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
Vũ Cao Đàm – Nghệ thuật từ Đông sang Tây
Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Vũ Cao Đàm sinh ngày 8 tháng 1 năm 1908, cha là Vũ Đình Thi và mẹ Phạm Thị Cúc. Ông là con thứ năm trong 14 người con. Quê quán gia đình vốn ở thôn Trình Xuyên (ngày nay là xã Liên Bảo) huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định. Thân phụ Vũ Đình Thi (1864-1930) là con thứ tư (trong năm người con), sinh trong một gia đình theo đạo Công giáo từ thế kỉ 18. Gia cảnh sung túc, ông được học hành rất sớm và từ nhỏ đã thành thạo thư pháp chữ Nho, và cũng học tiếng Latin, Tây-ban-nha và Pháp, nhưng lại tôn sùng Nho giáo và yêu văn thơ chữ Hán.

Vào thời đó, ông Vũ Đình Thi là một trong vài người Việt thông thạo tiếng Pháp, vì vậy được Chính quyền phái sang Paris trong dịp Triển lãm Thế giới năm 1889. Ông đã rất hâm mộ phong cách lịch lãm của người Pháp và giữ những kỉ niệm tuyệt vời trong thời gian ở Paris. Sau này, ông đã cố gắng truyền đạt sự hâm mộ và thị hiếu văn hoá Pháp của ông cho con cái. Ở tuổi 30, ông kết hôn với Phạm Thị Cúc (1877-1930) khi ấy 17 tuổi, cũng là người Công giáo. Người Pháp thường gọi ông là ‘un lettré’ (một văn nhân). Năm 1886, Trường Thông ngôn Hà Nội được thành lập để đào tạo nhân sự làm viên chức và thầy giáo Pháp ngữ cho chính quyền thuộc địa, ông là người điều hành chính của ngôi trường này cho tới cuối đời.

Trong địa vị người đàn ông của gia đình, theo người anh của Vũ Cao Đàm là Vũ Công Thuyết kể lại cho con cái, Vũ Đình Thi là một mẫu người gia trưởng điển hình: “Hết sức nghiêm khắc với con cái, và muốn chúng vâng lời tuyệt đối. Tất cả chúng phải học hành cật lực, phải được hạng nhất, ngay cả học kém một chút là bị phạt đòn đích đáng”. Tuy nhiên, người mẹ lại đầy tính nhân hậu, trong khi con cái sợ sự hiện diện của cha thì chúng yêu mến mẹ và luôn tìm tới sự đồng cảm, hướng dẫn và an ủi của bà.

Vũ Cao Đàm sinh ra trong một ngôi nhà kiến trúc truyền thống ở số 4 Ngõ Gạch do người cha xây vừa gần nhà thờ vừa gần phố Chợ Gạo, vì ông yêu quý người vợ rất sùng đạo để bà tiện đi nhà thờ vừa tiện việc buôn bán gạo. Theo anh trai Vũ Công Thuyết thì bà rất sáng trí, bà có thể làm phép tính nhẩm rất nhanh mặc dù không biết đọc hoặc viết. Bà qua đời tháng 5 năm 1930 (53 tuổi), còn chồng mất tháng 11 cùng năm (66 tuổi).

Năm 1926, Vũ Cao Đàm ghi danh vào học khoá hai tại Trường Cao đẳng Mĩ thuật (École des Beaux-Arts) ở Hà Nội. Kể từ 1925 đến 1945, tuỳ theo từng năm, có khoảng 8 tới 10 thí sinh được nhận vào học trong con số 60 tới 100 người xin xét tuyển. Ở trường, ông học môn hoạ hình, vẽ tranh và điêu khắc. Trong suốt khoá học 5 năm, Victor Tardieu không ngừng khuyến khích chàng sinh viên Vũ Cao Đàm. Các thầy dạy chính: Victor Tardieu môn hội hoạ, Joseph Inguimberty môn trang trí, Batteur môn Kiến trúc, bác sĩ Phénix môn cơ thể học và Goloubew môn thẩm mĩ và lịch sử nghệ thuật. Mỗi năm, một hoạ sĩ được Giải thưởng Đông Dương sẽ là giáo sư tới giảng dạy tại Viện Mĩ thuật.

1929-30. Vũ Cao Đàm (phải) cùng với George Khánh và Lê Tiến Phúc (người đổ khuôn cho Vũ Cao Đàm) trước phác thảo bức phù điêu hoành tráng cho cuộc Triển lãm Thuộc địa năm 1931 tại Paris.
Hiệu trưởng Victor Tardieu tận tuỵ hết mình với ngôi Trường mà ông yêu quý. Ông không chỉ dạy hội hoạ và những phương tiện (chất liệu) để thành công trong lĩnh vực đó, ông còn muốn đảm bảo cho học trò những điều kiện vật chất khả dĩ tốt nhất để họ có thể hoàn tất tác phẩm của họ trong sự thoải mái nhất. Như Vũ Cao Đàm viết về người thầy của ông: ‘Ngày nay thật khó tìm ra được một người thầy tận tâm hết mình, công minh và tận tuỵ như thế. Và sự tận tâm này đi cùng với một đòi hỏi cao và phải có một kỉ luật mẫu mực. Các sinh viên sẽ phải làm việc nhiều giờ một ngày và tạo ra tác phẩm có phẩm chất lượng. Ngay từ 6 giờ sáng, lớp học bắt đầu bằng lớp hội hoạ hàn lâm. Buổi chiều: môn trang trí; một lần một tuần một giờ học môn cơ thể học và một giờ môn luật phối cảnh. Cũng còn có lớp tạo hình – tạo dựng mô hình các ngôi đình, chùa, đền và các tượng đài lịch sử (đây là môn mà theo Jean Tardieu, Vũ Cao Đàm rất xuất sắc)’.

Do sự dạy dỗ nghiêm khắc của gia đình, đối với Vũ Cao Đàm, thời khoá biểu nghiêm ngặt của “Écoles des beau-Arts” thật khó để mà chính xác. Trước sáu giờ sáng, Vũ Cao Đàm chạy bộ vài cây số hoặc đánh quần vợt với một người bạn cũng dậy sớm và sau đó phải đối mặt với lớp học bắt buộc kéo dài suốt chín giờ. Tuy tính cách độc đoán của cha, tuổi thơ Vũ Cao Đàm rất hạnh phúc, và cũng do là con trai út cho nên không phải chịu áp lực và trách nhiệm như của anh chị lớn tuổi. Ông được bao bọc với tình cảm thương mến của anh chị và mẹ. Theo một trong những người chị của Vũ Cao Đàm, khi còn nhỏ ông là cậu bé khá nghịch ngợm và có năng khiếu, thông minh, thể chất mạnh khoẻ và giàu óc tưởng tượng, ham mê thể thao, đặc biệt bóng đá. Cậu tập mọi loại thể thao gồm cả võ thuật. Theo kể lại, hồi còn rất nhỏ, cậu bé đánh cắp chuỗi tràng hạt bằng ngọc bích của mẹ để làm các viên bi, cậu đắc chí thắng đem về nhà sau khi đã đánh cá cược thắng được gấp đôi. Năm lên 10 tuổi, cậu bé thường xuyên đạp xe tới sân vận động chăm chỉ tập quần vợt và sớm rất xuất sắc.

Vũ Cao Đàm trước bức phù điêu hoành tráng thực hiện cùng với George Khánh, miêu tả cảnh lao động và nghề nghiệp của người Việt, khoảng 1930-31
Và nhờ vậy, cậu đã gặp Đông cung thái tử Vĩnh Thuỵ (tức sau này là vua Bảo Đại), và thường đánh quần vợt với Vĩnh Thụy trên các sân công và tư. Nhiều năm sau, khi vua Bảo Đại tới Paris, ngài biết Vũ Cao Đàm đang ở đó nên đã yêu cầu ông tới để tiếp tục những ván quần vợt tại thủ đô nước Pháp. Cũng chính vào thời điểm này (1931) Vũ Cao Đàm đã thực hiện pho tượng chân dung vua Bảo Đại, hiện tác phẩm này là một phần trong bộ sưu tập của Bảo tàng/Musée du Quai Branly. Trong thời gian học, ông đã thực hiện pho tượng chân dung người cha, tượng những thiếu nữ trong đó có Thiếu nữ cài lược hiện trưng bày trong Bảo tàng Mĩ thuật Việt Nam (thực tế là cô gái tên Huệ vốn là một nhân viên trong bệnh viện) đã từ lâu pho tượng này trở thành mẫu mực cho các sinh viên Việt Nam học tập về môn nghệ thuật tạo hình. Sau đó ông làm bức tượng chân dung Victor Tardieu. Khi phát hiện ra một tài năng sớm phát triển và hiếm thấy trong điêu khắc, vị hiệu trưởng đã khuyên Vũ Cao Đàm nên chọn bộ môn này ngay từ năm đầu tiên. Và Vũ Cao Đàm đã thấy hoàn toàn thoải mái và dễ dàng với phương tiện biểu hiện này, đặc biệt chuyên về chân dung.

Trong những năm thiết lập trường Cao đẳng Mĩ thuật ở Hà Nội, các hoạ sĩ mà ông khám phá và ngưỡng mộ nhất là của thời tiền Phục hưng, Gauguin, Van Gogh, trường phái Ấn tượng Pháp nói chung, và đặc biệt là Renoir, Bonnard, trường phái Dã thú và cả Matisse và Modigliani. Về điêu khắc, nghệ thuật của Vũ Cao Đàm có mối liên kết tự nhiên với truyền thống Khmer (Angkor) và chịu ảnh hưởng của điêu khắc cổ Trung Quốc.

Điêu khắc giai đoạn 1940-50 của Vũ Cao Đàm gồm các tượng đất nung đồng xanh. Phong cách điêu khắc và hội họa của thời kỳ này và hình thù người của Vũ Cao Đàm có sự thay đổi lớn, có lẽ gần với phong cách tranh tượng tôn giáo thời tiền Phục Hưng. Gần đây những bức tượng đất nung đề tài phụ nữ Việt này xuất hiện thường trong các phiên đấu giá.

Để giúp các học trò của mình về mặt kinh tế, vào cuối mỗi năm, Victor Tardieu thường tổ chức những cuộc triển lãm, cho phép họ làm việc mà không phải bận tâm về tài chính và đồng thời có được một số lợi ích vật chất. Năm 1928, Victor Tardieu tổ chức một triển lãm tập thể với các tác phẩm của Lê Phổ, Vũ Cao Đàm, và Mai Trung Thứ. Trong số những tác phẩm điêu khắc của Vũ Cao Đàm trong thời kì 1926-1931, ta có thể nhắc tới: “Chân dung cô gái Việt” (Tête d’Indochinoise) tức “Cô gái cài lược” khoảng 1927-1928; “Cô gái quê”, tượng đồng, 1927; “Đầu chàng trai”, đá, 1927; “Gà trống”, đồng, 1927; “Gà mái”, 1928; tượng đồng bán thân của Victor Tardieu, 1928; “Cô gái Việt”, đồng, 1928; “Cô gái khoả thân”, thạch cao, khoảng 1930; “Người đàn ông đội mũ tế”, 1930 (hiện ở BTMT Việt Nam); và bức phù điêu hoành tráng thực hiện cùng với George Khánh vào những năm 1929-1930.

Năm 1931, Vũ Cao Đàm kết thúc chương trình học và được học bổng sang Pháp tu nghiệp. Khi ấy song thân đã qua đời, ông cảm thấy thời điểm đã tới để theo đuổi mục tiêu của mình ở bên Pháp. Tháng 11 năm 1931, Vũ Cao Đàm rời Việt Nam, đây là bước ngoặt trong đời ở tuổi 23, và khi bước chân lên con tàu D’Artagnan có lẽ ông không ngờ rằng từ đây cho tới khi qua đời, ông không quay về lại cố hương nữa. Trong thập niên sau đó, ba hoạ sĩ tài năng khác của Trường Cao đẳng Mĩ thuật Đông Dương cũng lần lượt sang Pháp: Mai Trung Thứ và Lê Phổ sang năm 1937, và cuối cùng là Lê Thị Lựu vào năm 1940, họ tạo thành nhóm tứ kiệt của hội hoạ Việt Nam vươn ra ngoài thế giới và đã đóng góp vào sự giao thoa văn hoá nghệ thuật Đông-Tây. Và ở ngay trung tâm nghệ thuật thế giới này họ cũng phải nỗ lực vượt qua “trường phái Đông Dương” vốn là môi trường đào tạo thuộc địa của Pháp, từ đó mỗi người hình thành mỗi phong cách đặc thù trong sự tự do toàn diện để sáng tạo không ngừng cho tới cuối đời, mà không bị những áp lực của lịch sử và chính trị chi phối như những hoạ sĩ còn lại ở quê hương.

Vua Bảo Đại, đá, Paris 1931-32, Bảo tàng Musée du Quai Branly (Bà Pasquier hiến tặng năm 1937)
Vũ Cao Đàm lên đường cùng chuyến với Colette Reynaud, con gái của bộ trưởng thuộc địa Pháp Paul Reynaud, và trên hải trình dài đó, ông đã nặn bức tượng chân dung Colette. Trong một lá thư ngắn từ Colombo gửi cho người chị, ông có nhắc đến tác phẩm điêu khắc này. Khi ở Paris, đầu tiên ông lưu trú tại Cư xá Đại học (Cité Universitaire), và tại đây hiện vẫn còn lưu giữ một trong những tác phẩm điêu khắc của ông là chân dung tượng Phật có kích thước lớn, mà ông cảm hứng từ nền điêu khắc Khmer. Ông học tại École du Louvre I trong phân khoa Viễn-Đông (Extrême-Orient). Sau này vào năm 1936-37 ông đã chia sẻ căn hộ ở Avenue de Saxe cùng với Mai Thứ.

Vũ Cao Đàm đã tham dự cuộc Triển lãm Thuộc địa năm 1931 mà Uỷ viên là Thống chế Lyautey dưới sự bảo trợ của Paul Reunaud, ông đã trưng bày tại Nhà Đông Dương (Maison de l’Indochine, sau này là Nhà Đông Nam Á). Đóng góp tích cực của ông cho cuộc Triển lãm 1931 cùng các bạn đồng học như Lê Phổ, George Khánh và những người khác đã mang lại cho Vũ Cao Đàm một số tiếng tăm trong giới nghệ thuật ở thủ đô Paris. Chẳng bao lâu sau khi tới Paris, ông đã thực hiện những tượng chân dung của Thủ tướng Paul Reynaud. Và uỷ nhiệm làm tượng bán thân của Albert Sarraut khi ấy làm Bộ trưởng Thuộc địa (và là cựu Toàn quyền Đông Dương) và nhờ sự bảo trợ của Sarraut ông đã triển lãm tác phẩm tại Maison de l’Indochine. Thời gian này, ông biết tới những tác phẩm của Rodin, Despiau, và sau đó là Giacometti. Danh tiếng về điêu khắc của Vũ Cao Đàm đã lập tức đem tới cho ông nhiều uỷ thác: Jacques Stern (chính trị gia, bộ trưởng Thuộc địa), Maurice Lehman (Giám đốc Nhà hát Châtelet), Hoàng đế Bảo Đại như đã đề cập ở trên, Đại tá de la Brosse, Roger Bourdin – ca sĩ giọng tenor ở Paris Opera, và nhiều người khác.

Chàng trai Việt, đồng thau, 1928, hiện ở Bảo tàng La Piscine de Roubaix
Để giúp về mặt tài chính, cùng với các sinh viên Việt Nam khác như Nguyễn Mạnh Đôn, ông cũng đóng những vai phụ trong những sản phẩm của Châtelet. Đồng thời ông vẽ tranh trên lụa và triển lãm với tư cách là thành viên của Salons des Artistes Indépendants, Artistes Français, Salon d’Automne, và Salon de Tuileries. Ông là thành viên của ban giám khảo Cuộc thi ‘Meilleur Ouvrier de France’. Nhiều tác phẩm của ông được chính phủ Pháp mua và một số tượng được Musée de la France d’Outre-mer mua, hiện nay trưng bày ở Quai Museum Branly. Năm 1934, một pho tượng bán thân thiếu nữ Việt do nhà Sản xuất Sèrves đúc thành nhiều phiên bản.

Năm 1936 ông gặp nữ nghệ sĩ dương cầm trẻ Renée Appriou (học trường Scola Cantorum), họ kết hôn năm 1938 và có hai người con: Michel (sinh năm 1941) và Yannick (1942). Năm 1938, họ chuyển đến số 32 đường Alphonse Bertillon thuộc quận 15, và ở đây cho tới tháng 5 năm 1940. Chiến tranh đã làm gián đoạn sự nghiệp điêu khắc của ông do không thể đúc tượng bằng đồng: quân Đức chiếm đóng đã nghiêm cấm vì họ đã trưng dụng kim loại này để đúc vũ khí. Vì vậy từ đây ông đã dành trọn tâm huyết cho hội hoạ, chỉ thỉnh thoảng mới nặn một số tượng bằng đất sét rồi nung và quét lên lớp ten đồng đặc biệt. Ông đã làm một vài tượng chân dung, trong đó có nhà thơ Pháp Jean Tardieu (người mà ông từng gặp ở Hà Nội, là con trai của Victor Tardieu đang thực hiện quân dịch ở Đông Dương) cùng tượng vợ ông là Marie-Laure vào năm 1937. Một tình bạn hết sức bền chặt giữa hai người kéo dài cho tới những ngày cuối đời. Vũ Cao Đàm thường giao du với giới văn nghệ sĩ Pháp tập trung quanh tạp chí Les Lettres Françaises. Năm 1942, gia đình ông chuyển đến số 6 đường Favorites, Paris quận 15.

Trong chiến tranh, để tránh bị pháo kích, ông đã chuyển vợ con ra vùng nông thôn ở một ngôi làng có tên là Marcilly gần Romilly, ở đó cũng có cặp vợ chồng người bạn bác sĩ Đoàn. Thời gian này, Vũ Cao Đàm sống giữa Paris và Marcilly, và để tránh không bị địch phát hiện, vào ban đêm ông đạp xe suốt 120 cây số trong bóng tối. Hoạ sĩ Lê Phổ bạn ông là cha đỡ đầu của Yannick, còn bác sĩ Nguyễn Huy Tước là cha đỡ đầu của Michel.

Trong “atelier” (xưởng nghệ thuật) của Vũ Cao Đàm, từ trái sang phải: Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, X, Michel Vũ, Yannick Vũ, Vũ Cao Đàm, Paris, 1946
Năm 1944, ông chuyển đến một xưởng vẽ lớn và căn hộ ở tầng 6 và 7, trên đại lộ Parc Faslbret ở Vannes gần Paris. Còn bạn ông, hoạ sĩ Mai Trung Thứ ở tầng 5 trong cùng toà nhà. Ông cũng thường xuyên gặp người bạn là bác sĩ Nguyễn Mạnh Đôn mà cả hai đều tập quần vợt với nhau mỗi ngày. Mạnh Đôn là bác sĩ đầu tiên giữ chiếc ghế khoa châm cứu ở Paris, và ông là bác sĩ của danh hoạ Matisse, trong văn phòng ông có treo bức tranh của Matisse với lời đề tặng: ‘Gửi Bác sĩ Mạnh Đôn, vị cứu tinh của tôi’ mà ông rất đỗi tự hào.

Năm 1946, Vũ Cao Đàm có một cuộc triển lãm cá nhân tại Galerie Van Riek, Paris. Cùng năm đó, vào tháng 7, Hồ Chí Minh khi ấy vừa trở thành chủ tịch nước, tới Paris để dự Hội nghị Fontainebleau và đầu tiên ông ở một khách sạn và là khách của ông bà Aubrac tại Soisy-sous-Montmorency. Vào thời gian này, Vũ Cao Đàm đã tiếp xúc, xin chụp hình để làm pho chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh bằng đất nung (nay đã mất) sau này được đúc lại bằng đồng trước khi gửi tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội vào năm 1998, và ông cũng đúc lại huy chương kỉ niệm với chân dung của Hồ Chí Minh tại xưởng đúc ‘Hôtel de la Monnaie’ ở Paris. Ngoài ra, Vũ Cao Đàm đã tặng một bức tranh lụa “Tình mẫu tử’ mà Hồ Chí Minh sau đó đã tặng lại cho ông bà Aubrac khi họ sinh đứa con thứ ba và nhận làm cha đỡ đầu. Ông bà Aubrac đã giữ bức tranh này suốt đời.

Vũ Cao Đàm tiếp tục sáng tác tranh lụa, và cùng năm này ông đã triển lãm loạt tranh lụa, mà Jeanine Auboyer (sử gia và giám tuyển Bảo tàng Guimet) đã viết một bài báo ca ngợi trên tạp chí France Illustration.

Suốt nhiều năm Vũ Cao Đàm chịu đựng chứng bệnh suyễn, và có một thời gian thấy sức khoẻ suy giảm, ông đã quyết định rời Paris vào năm 1949 nơi mà khí hậu vốn không thuận lợi cho tình trạng của ông. Một người họ hàng của ông là Đỗ Đình Cẩn và vợ là Anna Nguyễn Thị Kim (cháu của Vũ Cao Đàm) – hai người con gái nhỏ của họ là Marguerite và Angèle, đã cùng với họ chạy sang Pháp thoát khỏi tình trạng chiến sự ở Việt Nam. Họ cùng nhau sinh sống ở Béziers [thị trấn ở vùng Occitanie miền nam nước Pháp, cách bờ Địa Trung Hải khoảng 10 cây số] vào cuối năm 1949.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, 1946, đồng, cao 45cm; và bức ảnh chụp ông đang nặn pho tượng bằng đất sét ở Paris năm 1946. Phiên bản đồng của pho tượng này được đúc thạch cao vào năm 1996 và năm 1998 gia đình Vũ Cao Đàm hiến tặng cho Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội; có thể xem đây là bức tượng miêu tả thần thái chân thực nhất về Hồ Chí Minh do một nghệ sĩ lớn của Việt Nam ở hải ngoại.

Vài tháng sau khi chuyển đến Béziers, con trai của ông là Michel bị bệnh nặng và vợ ông Renée phải quay lại Paris và ở đó đứa bé trải qua hai lần phẫu thuật. Xa khỏi Paris, tranh của ông có bước ngoặt mang tính tự nhiên hơn, có lẽ là để đáp ứng nhu cầu của một thị trường vốn không phức tạp như thị trường Paris. Vũ Cao Đàm đã vẽ một số bức phong cảnh vùng này và tranh của ông chắc chắn chịu ảnh hưởng do ánh sáng miền Nam và hội hoạ Pháp thời Phục hưng (khi đó ông đã vẽ nhiều bức tranh bằng màu tempera), nhưng chủ yếu ông tiếp tục vẽ những cảnh tưởng nhớ về Việt Nam và cô cháu gái Anna xinh đẹp, chắc chắn đã truyền cảm hứng cho ông trong nhiều bố cục về chân dung phụ nữ và tình mẫu tử. Ông tới Toulouse và triển lãm tranh ở đó.

Sau một chuyến đi ngắn tới Côte d’Azur vào tháng 5-6 năm 1952, ông gặp [nhà sưu tập nổi tiếng và chủ gallery] Alphonse Chave và nhờ ông này, Vũ Cao Đàm đã làm việc ở Vence vào tháng 7 năm 1952, đầu tiên tại Villa ‘Les Cadrans So-laires’ trên đường Saint-Paul de-Vence, ở đó láng giềng của ông là Morris Kestelman (1905-1998) dạy học ở Cao đẳng Nghệ thuật Hoàng gia đã trở thành bạn tốt của ông. Tháng 11, ông chuyển tới biệt thự “Les Heures Claires” trên đường Saint-Jeannet, gần Giáo đường Matisse (Chapelle du Rosaire de Vence) và không xa biệt thự ‘Le Rêve’ mà Matisse thường tới sống ở đó mà Vũ Cao Đàm tình cờ có dịp quen biết, và cách chỗ của ông một cây số là biệt thự ‘les Collines’ cũng là nơi mà Chagall đang cư ngụ và ông đã trở thành bạn của Marc Chagall và chịu ảnh hưởng danh hoạ này, cũng như ảnh hưởng cả Bonnard mà ông quen biết qua Matisse. Thời kì ở miền Nam này đánh dấu sự chuyển hoá phong cách hội hoạ của Vũ Cao Đàm, đề tài chủ yếu là phụ nữ, mẹ con, đề tài cảm hứng từ thơ văn như Truyện Kiều, Chinh Phụ Ngâm… Bút pháp rất đặc trưng của ông pha trộn kĩ thuật Đông-Tây, màu sắc rực rỡ khai thác nhiều sắc thái khác nhau của màu xanh biếc, hồng, tím hoa cà, vàng, và những sắc độ của màu trắng. Ông chủ yếu dùng màu đen cho đôi mắt và tóc.

Từ ngôi nhà của Vũ Cao Đàm nhìn ra có tầm nhìn tuyệt đẹp về thị trấn cổ Vence và những gì còn lại mà ông đã vẽ một số lần, cho đến khi Jean Dubuffet xây xưởng vẽ của mình làm hỏng một chút tầm nhìn. Tác phẩm của Vũ Cao Đàm ngoài chịu ảnh hưởng Chagall và các hoạ sĩ của Trường phái Paris (École de Paris), và ông cũng phát hiện ra “Art Brut” với Dubuffet và Malaval, người đã trưng bày tại phòng triển lãm Chave. Vũ Cao Đàm kết bạn với Malaval đầy tài năng và sự độc đáo mà ông rất trân quý. Vũ Cao Đàm đã triển lãm ở Nimes Galerie Marcel Gueidan vào tháng 12 năm 1952.

Vào tháng 8 năm 1954, ông triển lãm tác phẩm ở Aix-en-Provence, tại galerie ‘Les Amis des Arts’. Ông đã gặp Paul Hervieu, là chủ một phòng tranh ở Nice, đường Pastorelli. Và Hervieu thường xuyên triển lãm cho Vũ Cao Đàm ở Nice cũng như ở ngoại quốc, chủ yếu ở Thuỵ Điển. Paul Hervieu đại diện cho các hoạ sĩ như Buffet, Clavé, César, Atlan, Herbin, Coignard, vv… Tháng 11.1954, ông triển lãm ở Mazamet. Ông cũng gặp Sapone là thợ may của giới hoạ sĩ, trong đó có khách hàng nổi tiếng nhất là Pablo Picasso. Ông đã trao đổi tranh cho quần áo đặt may, nếu như trong nhiều trường hợp là một thoả thuận công bằng thì trong trường hợp Picasso, nhất định là anh chàng thợ may gặp số đỏ. Từ thời điểm này về sau, Vũ Cao Đàm bắt đầu vẽ tranh sơn dầu, bút pháp mà ông sẽ áp dụng nhất định vào sau này. Ông triển lãm tại Salons of Grasse ở Cannes; ông tham dự cuộc Triển lảm Lưỡng niên Menton và trưng bày thường xuyên tại Galerie Paul Hervieu ở Nice và Malmö. Có một thời gian ngắn ông thuê xưởng vẽ của hoạ sĩ biếm hoạ Paul Gavarni (1801-1866) trên đường Saint-Paul-de-Vence. Đây là những năm dồi dào và rất thú vị. Sức khoẻ của con trai ông dần dần cải thiện, còn môi trường nghệ thuật ở Côte d’Azur thì đầy sự kích thích. Năm 1957, ông trưng bày tại La Chaux de Fonds và Langenthal, Thuỵ Sĩ.

Năm 1959, Vũ Cao Đàm đã làm việc và ở hẳn luôn ở Saint-Paul-de-Vence, là nơi ông cư trú cho tới khi qua đời năm 2000. Chagall cũng chuyển tới ở hẳn Saint-Paul-de-Vence, và ngôi làng này là địa điểm độc đáo cho các hoạ sĩ gặp gỡ và cũng kích thích sáng tạo. Năm 1960, ông triển lãm ở London tại Frost & Reed, sau đó tại Brussels năm 1963. Cuối năm đó, ông kí hợp đồng với Wally Findlay Gallery, và sau đó ông triển lãm thường xuyên tại New York, Chicago, Palm Beach và Los Angeles. Nhưng ông chưa bao giờ sang Hoa Kì để tham dự bất kì cuộc khai mạc nào.

Chỉ đến năm 1985, ông mới trở lại với điêu khắc trong những lần ở Majorca là nơi mà ông tới vào mỗi mùa hè, đầu tiên ở Puerto Pollensa vào những năm 1970 và sau đó ở Alcudia trong những năm 1980, tại đây ông làm tượng bán thân của con gái Yannick, con rể là Ben Jakober và hai cháu là Maima và Reza.

Vào những năm cuối đời ông bị chứng hạ đường huyết làm suy nhược, nhưng ông vẫn vẽ cho tới khi ở tuổi tác rất cao và còn nặn tượng đất sét vào độ tuổi bát tuần. Năm 1977, Vũ Cao Đàm viết: ‘Ngày nay khi một người hướng tới một sự biểu hiện đa văn hoá và đa chủng tộc, tôi cho rằng tôi thuộc trong số những người đầu tiên đã cố gắng hoà giải những gốc gác phương Đông của mình mà không phá vỡ truyền thống bằng nhận thức của tôi về những bài học rút ra từ việc nghiên cứu những bậc thầy lớn của văn hoá phương Tây.’ Năm 1997, ông nhận huân chương cao quý l’Ordre du Merite để tuyên dương công trạng đóng góp về văn hoá và nghệ thuật của ông. Ông qua đời năm 2000 ở Saint Paul de Vence, hưởng thọ 92 tuổi. Vợ ông, Renée, qua đời năm 2011.

Con trai ông, Michel Vũ là hoạ sĩ và nhà điêu khắc, hiện sống ở Vence, và con gái ông, Yannick Vũ, cũng là hoạ sĩ và nhà điêu khắc, kết hôn với nghệ sĩ Domenico Gnoli (1933-1970) và bà sống ở Majorca và Rome. Năm 1972 bà lấy Ben Jakober, cũng là nghệ sĩ, và họ cùng nhau thành lập Quỹ Fundación Yannick và Ben Jakober với một trung tâm nghệ thuật là Bảo tàng Sa Bassa Blanca bao quanh là một công viên tại Alcudia, Majorca (Tây Ban Nha). Trong khuôn viên Bảo tàng, họ dành một số không gian riêng cho tác phẩm của người cha, Vũ Cao Đàm. Còn không gian dưới tầng hầm thì dành triển lãm một bộ sưu tập độc đáo gồm các chân dung trẻ em từ thế kỉ 16 tới 19. Trong một không gian khác là nghệ thuật đương đại được trưng bày luân phiên, và một vườn điêu khắc với những tác phẩm của Yannick Vu và Ben Jakober với chủ đề về thú vật để chào đón khách tham quan.

http://tapchimythuat.vn/my-thuat-hien-dai-viet-nam/vu-cao-dam-nghe-thuat-tu-dong-sang-tay/

Team Uống Trà Thôi sưu tầm
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
GIỚI THIỆU SÁCH HAY
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!