Tác phẩm của cố nhạc sĩ "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" đa dạng chất liệu, khắc họa vẻ đẹp thiếu nữ, làng quê...
Triển lãm tranh của cố nhạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn - "Những giai điệu vẽ bằng màu sắc" - diễn ra tại Hà Nội từ ngày 19 đến 28/7/2019. Sự kiện do Hội Mỹ thuật Việt Nam tổ chức nhân 90 năm ngày sinh tác giả.
Bức "Cô gái Hà Nội", chất liệu lụa, sáng tác năm 1988. Nguyễn Đức Toàn thường vẽ theo các chủ đề quen thuộc như thiếu nữ, hoa - lá - cây, con đường làng, những gốc đa, ruộng đồng, ổ rơm, mái chùa cổ...
Bức "Thương nhớ mùa thu", chất liệu lụa, sáng tác năm 1988. Theo nhà phê bình mỹ thuật Quang Việt, tranh Nguyễn Đức Toàn thường có bố cục trừu tượng hoặc bán trừu tượng, với những mảng màu, đường nét sinh động. Ông thường thực hiện các tác phẩm sơn dầu, bột màu, lụa...
Bức "Làng", chất liệu bột màu, sáng tác năm 1990. Nguyễn Đức Toàn sinh thời chỉ thích vẽ bối cảnh quen thuộc như cây đa, giếng nước, chùa làng. "Nhiều lần tôi thử vẽ đề tài chiến đấu và sản xuất, xây dựng đều không ổn, lại quay về vẽ tranh hoa lá cành", ông từng chia sẻ.
Nguyễn Đức Toàn sinh năm 1929 ở Hà Nội. Từ năm 1946, ông có nhiều sáng tác nổi tiếng ở dòng nhạc cách mạng như "Tăng gia sản xuất", "Quê em", "Chiều hậu phương", "Biết ơn chị Võ Thị Sáu"... Từ năm 1980, ông trở thành hội viên Hội nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (tiền thân của Hội Mỹ thuật Việt Nam), bắt đầu chuyên tâm vào hội họa. Những năm cuối thập niên 1990, ông tổ chức 10 triển lãm cá nhân ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Năm 2000, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật. Năm 2016, ông qua đời tại Hà Nội.
Uống Trà Thôi
(Sưu Tầm, nguồn: vnexpress)