THANH KHÔI NÊ
Có nhiều quan điểm khác nhau về THANH KHÔI NÊ, có người cho rằng "Thanh khôi nê" thuộc về nhóm "Đoạn nê", có người cho rằng "thanh khôi nê" thuộc về nhóm "Tử nê", một số ít lại cho rằng "thanh khôi nê" không phải là một loại quặng Tử sa nguyên bản. Vậy có quặng "thanh khôi nê" nguyên bản không? Là "thanh khôi nê" hay "tử nê"?
Quặng Tử sa có rất nhiều màu sắc phong phú, đồ gốm sau khi nung lại càng có nhiều màu sắc hơn, vậy thì làm sao không có màu thanh khôi (màu xanh tro - xám tro) được? Trên thực tế, bất kể là quặng thô (Hình 4-34) hay đồ gốm sau nung (Hình 4-35) thì xám xanh (thanh khôi) rất phổ biến. Tuy nhiên, quặng thô có màu xám xanh chưa chắc sẽ cho đồ gốm màu xám xanh và ngược lại, đồ gốm màu xám xanh chưa chắc quặng thô có màu xám xanh. Sau khi tìm hiểu thực tế, theo Lưu Ngọc Lâm cho rằng "Thanh khôi nê" thuộc về nhóm Tử nê.
Trước hết, xét từ góc độ phân bố các lớp quặng, "thanh khôi nê" là giáp nê, phân bố chủ yếu giữa khoáng tầng Đoạn nê và khoáng tầng Tử nê (Hình 4-36). Thanh khôi nê cũng có thể được coi là một loại quặng cộng sinh của Đoạn nê và Tử nê, nhưng thành phần của Đoạn nê ít hơn, và thành phần của Tử nê là chủ yếu. Bề ngoài của "thanh khôi nê" có màu xanh lam pha xám đến tím. Cho nên "thanh khôi nê" nên được xếp vào nhóm "tử nê".
Thứ hai, hầu hết các loại "thanh khôi nê" mà mọi người thường gọi đều dùng để chỉ cho các tác phẩm có màu "xám xanh" sau khi được nung thành đồ gốm. Có rất nhiều tác phẩm "thanh khôi nê" trên thị trường được điều chế bằng Tử nê. Khi điều chế "thanh khôi nê" nhân tạo bằng cách dùng Đoạn nê làm nguyên liệu nền thì kết quả thu được kém hơn hẳn so với việc dùng Tử nê làm nguyên liệu nền.
Vì vậy, "thanh khôi nê" nên được phân loại vào nhóm Tử nê.
Thứ ba, những người có kinh nghiệm đều biết rằng, hầu hết các loại ấm trà nung “bồi tro” (ủ tro) trước đây đều có màu xám xanh, màu sắc bên trong và bên ngoài đều giống nhau, chất liệu nền tốt nhất để làm ấm “bồi tro” là Tử nê. "Đảo diễm diêu" (lò nung lửa ngược) hiện đại có thể tạo "hoàn nguyên khí phân" (môi trường không khí khử) nhất định, cũng có thể làm cho một số loại khoáng có màu xám xanh sau khi nung. Mặc dù đoạn nê sau khi nung ở nhiệt độ cao có màu xám xanh, nhưng màu xám xanh này thường ngả màu trắng nhiều hơn và thường được gọi là "thanh đoạn nê" chứ không phải là "thanh khôi nê". Thanh khôi nê tạo nên bằng cách nung "hoàn nguyên khí phân" và "Thanh khôi đoạn nê" có màu sắc khác biệt rõ ràng so với "Thanh khôi nê".
Có nhiều loại "thanh khôi nê", có thể được chia đại khái thành Thanh khôi phổ thông, Ngũ sắc thanh khôi và Tử thanh khôi... Thanh khôi phổ thông thường được sinh ra khoáng tầng đoạn nê và khoáng tầng tử nê ngoại sơn và là loại khoáng cộng sinh giữa đoạn nê và tử nê. Kết quả của sự tương tác cộng sinh này làm cho Thanh khôi nê dường như là khoáng đoạn nê bị ảnh hưởng của khoáng tử nê nhưng sự thực là Tử nê bị ảnh hưởng của đoạn nê. Bề ngoài của khoáng thô có màu xanh xám, xanh lam, tím sẫm sau khi hút ẩm (như hình 4-34, 4-37), đặc, vón cục và không rắn chắc.
Thành phần khoáng chất của "thanh khôi nê" phổ thông là hydromica, cao lanh, mảnh vụn thạch anh, sắt và mica. Thành phần và tỷ lệ phần trăm hóa học chính là: silic đioxit (SiO2) 63,24%, nhôm oxit (Al2O3) 20,54%, sắt oxit (Fe2O3) 8,73%, canxi oxit (CaO) 0,57%, magie oxit (MgO) 0,59%, kali oxit (K2O) 1,49, natri oxit (Na2O) 0,12%, hiệu suất nung (LOI) 5,65%. Phân tích khoa học cho thấy, thành phần khoáng vật, thành phần hóa học và tỷ lệ các thành phần trong "thanh khôi đoạn" về cơ bản gần giống với hầu hết các loại Tử nê nên có đặc điểm dẻo tốt, nhiệt độ thiêu kết cao, phạm vi thiêu kết rộng, độ co ngót nhỏ. Thanh khôi tử nê thể hiện đầy đủ các đặc điểm của thanh khôi (Hình 4-35) ở p nhiệt độ nung là khoảng 1230°C.
Thông thường, các tác phẩm "thanh khôi nê" có màu xanh xám, chủ yếu có màu nâu xám tím. Khi nhiệt độ nung của "thanh khôi nê" thấp hơn 1200 ℃ có màu tím nhạt,xám tro đỏ; Xám tro đỏ là đặc điểm rõ ràng nhất của giai đoạn thanh khôi nê chưa đạt nhiệt độ nung tối ưu. Nếu không có kinh nghiệm sẽ dễ bị nhầm "thanh khôi nê" là "tử gia nê" nung chưa tới nhiệt độ; Khi nhiệt độ nung cao hơn 1200 ℃, dần dần sẽ cho thấy đặc điểm rõ ràng của "thanh khôi nê".
"Ngũ sắc thanh khôi" là một loại khoáng đặc biệt của "thanh khôi nê". Quặng ban đầu được hình thành trong trầm tích tử nê của núi Hoàng Long. "Ngũ sắc thanh khôi" là một loại khoáng cộng sinh, bề ngoài có màu tím và hơi xanh ngả đỏ (Hình 4-39). "Ngũ sắc thanh khôi" có những đặc điểm nổi bật của Tử nê, khi nhiệt độ nung thấp hơn 1200 ℃ sẽ cho các hạt cát sặc sỡ màu nâu (như hình 4-40, 4-41) nên được gọi là "ngũ sắc thanh khôi". Khi nhiệt độ nung cao hơn 1200 ℃ sẽ dần dần hiện ra các đặc điểm của màu lục lam.
"Tử thanh khôi" là loại đất sét tổng hợp, thường được phối trộn nhân tạo bằng Tử nê Hoàng Long Sơn và Tử nê ngoại sơn, sau khi nung tác phẩm có màu tím đen ánh đỏ, màu tím đen hơi xanh, đây là loại đất phổ biến hay gặp trên thị trường.
SG, 05/08/2021
Lão Tà - An Nhiên Tịnh Quán
(Dịch từ "Dương Tiện minh sa thổ" của Lưu Ngọc Lâm)