Chè Thái Nguyên là một loại thức uống không chỉ có lịch sử lâu đời mà trong quá trình hình thành đến nay, loại chè này đã trở thành đặc sản nổi tiếng khiến bất kì ai nếu một lần thưởng thức đều sẽ nhớ mãi. Đây cũng chính là lý do chè Thái Nguyên có tên gọi “Đệ nhất danh trà”.
Theo lịch sử ghi lại, Thái Nguyên trước đây là khu vực rừng núi hoang vu, ít người sinh sống. Sau khi nhà nước cho phép người dân khai hoang, xây dựng đồn điền thì nơi đây mới được khai sinh và phát triển. Trước khi mang về cây trà thì nơi đây người dân chỉ trồng khoai, trồng sắn để sinh sống. Thấy hoàn cảnh người dân khó khăn, sống qua ngày với những củ sắn, củ khoai, bấy giờ cụ Nghè Sổ (Người lập nên xã Tân Cương Thái Nguyên) mới bàn với người dân đem cây trà từ tỉnh Phú Thọ để về trồng.
Từ đó cây trà mới dần phát triển và phổ biến hơn tại vùng đất này. Năm 1925, ông Đội Năm dựng xưởng chế biến chè, mở hiệu bán chè ở thị xã Thái Nguyên, rồi đặt địa chỉ giao dịch ở một số tỉnh thuộc 3 kỳ trong nước. Trà của cụ nổi tiếng đến mức năm 1935, mang đi thi tại đấu xảo Hà Nội, đoạt giải nhất.
Tuy không phải nơi đầu tiên trồng cây trà tại Việt Nam nhưng Thái Nguyên lại là nơi cho ra những sản phẩm trà đạt chất lượng tốt nhất cho tới tận ngày nay và nó trở thành sản vật đặc trưng của văn hóa Việt Nam.
Lý do khiến chè Thái Nguyên có tên gọi “Đệ nhất danh trà”
Một hương vị truyền thống của người Việt không thể không nhắc đến trà xanh Thái Nguyên. Bất kỳ một người Việt nào bạn cũng đã từng nghe qua câu “chè Thái gái Tuyên”. Câu này muốn nói khi nhắc đến chè thì không thể bỏ qua vùng đất Thái Nguyên được. Có lẽ cũng từ đó cộng thêm điều kiện tự nhiên thuận lợi mà nơi đây được ví như “đệ nhất danh trà” của nước ta. Hiểu được tinh hoa văn hóa ẩm thực Việt thông qua thức uống trà xanh, vì thế mà trà xanh Thái Nguyên đem lại hương vị cổ xưa, truyền thống cho người thưởng thức.
Đối với người miền Bắc, trà không đơn thuần chỉ là thức uống mà còn là đại diện cho một nét văn hóa đong đầy tình người. Và chè xanh Thái Nguyên chính là vua trong các loại trà ở Việt Nam. Không tự nhiên mà Trà Thái Nguyên được giới thưởng trà săn đón và đánh giá cao.
Hình thức đồn điền lớn hay quy mô sản xuất chè theo công nghiệp gần như không tồn tại. Chính vì vậy mà việc quản lý các khâu trồng và chế biến cũng dễ dàng hơn vì người trồng, chăm sóc, sản xuất hầu hết là những người trong gia đình. Cây chè cũng là loại cây có cách chăm sóc chế biến đặc biệt mà chỉ có chế biến thủ công mới mang lại chất lượng cao nhất và đặc trưng nhất cho sản phẩm.
Vườn chè không chỉ là nguồn thu nhập chính mà còn là của cải để lại cho con cháu nên đa phần người làm chè cố gắng bảo tồn vườn của mình một cách tốt nhất có thể. Để bảo vệ chất đất và nguồn nước, các hình thức thuốc diệt cỏ hay phân bón hóa học kém chất lượng cũng được hạn chế tối đa.
Cây chè tại Thái Nguyên cũng có từ rất lâu, với hình thức cha truyền con nối nên kỹ thuật dần hoàn thiện hơn. Cùng với đó là sự quan tâm của chính quyền địa phương trong việc hỗ trợ người nông dân hoàn thiện kỹ thuật canh tác và chế biến. Nhiều lễ hội hay cuộc thi xoay quanh chè được tổ chức để tôn vinh những người làm chè tốt và cũng là dịp để những người làm chè gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm với nhau.
Điều kiện tự nhiên: Không chỉ sở hữu truyền thống trồng chè được lưu truyền qua mỗi thế hệ, chứa đựng những tinh hoa của nhiều ông cha mà Thái Nguyên còn sở hữu một điều kiện tự nhiên được thiên nhiên ưu ái. Thế nên không có gì ngạc nhiên khi trà Thái Nguyên có chất lượng vượt trội là nhờ vào điều kiện tự nhiên rất tốt ở nơi đây. Chính những điều này đã làm nên một văn hóa trà Việt, một đặc sản tinh túy nức tiếng gần xa.
Thái Nguyên có điều kiện tự nhiên và thổ nhưỡng rất thuận lợi cho sự sinh trưởng và phát triển của cây chè. Hơn nữa khí hậu và đất đai của vùng đất này còn làm cho sản phẩm chè có chất lượng vượt trội hơn so với vùng khác.
Bên cạnh đó, nơi đây cây chè được trồng phổ biến và đa dạng với nhiều loại chè để uống và kinh doanh các loại chè khác nhau. Đặc biệt, vùng đất được ưu đãi với 4 mùa trong năm đều cho thu hoạch những lứa chè nên người dân luôn có một nguồn thu nhập ổn định.
Tâm huyết của người làm chè: Để làm ra sản phẩm chè ngon, người làm chè phải thực sự có tâm huyết với nghề. Ông Đinh Văn Bé - người dân trồng chè lâu năm cho biết: Chè là một cây cực kì khó tính và nhạy cảm. Người Thái Nguyên bón chè bằng phân vi sinh, thuốc sâu chế biến từ cây khổ sâm, làm giảm tối đa những tác động hóa học vào cây chè để giữ được hương vị tự nhiên nhất của sản phẩm này.
Dụng cụ đựng phải bằng sọt tre, hái khoảng nửa giờ phải mang vào lán. Chè đựng bằng bao nilong và phơi nắng lâu rất dễ bị ôi chè, phẩm cấp giảm. Hái búp chè cũng phải đúng cách “một tôm hai lá, một cá hai chừa” để lấy được đúng phần ngon nhất của búp chè. Điều này cũng tạo điều kiện cho chè lứa sau phát triển nhanh, nhiều búp hơn.
Thông thường công việc hái chè vẫn được phụ nữ đảm nhận vì cần có sự khéo léo trong quá trình hái bởi chè xanh Thái Nguyên có yêu cầu trong lúc hái cao hơn. Chè hái xong không được để dập nát, ngay cả việc nắm chè trong tay bị gẫy hay gập lá chè cũng làm chè bị ôi khi chế biến.
Sau khi được thu hái, chè búp tươi phải được tải trong bóng râm chừng 3 giờ đồng hồ mới đem chế biến thì sẽ cho hương vị tuyệt hảo. Đây là kinh nghiệm quý được đúc kết qua nhiều đời làm chè.
Các nghệ nhân vùng chè Tân Cương cho biết, búp chè hái về phải được chế biến ngay trong ngày theo đúng quy trình kĩ thuật truyền thống; sao, vò rồi lại sao mà phải làm liên tục gọi là sao suốt. Khi sao chè kị nhất mùi nước hoa, đặc biệt là mùi dầu cù là. Qua bàn tay đảo búp chè cảm nhận độ nóng rồi điều chỉnh lửa thích hợp trong quá trình sao là bí quyết riêng của mỗi nhà sản xuất chè để có được chè ngon; rồi sàng sẩy phân loại chè cám, chè ban, chè búp; lấy hương… rất nhọc nhằn, công phu.
Trước đây sao chè bằng gang và củi, lấy hương bằng chảo đồng cho sản phẩm chè ngon nhất nhưng năng suất chế biến thấp. Người sao giỏi chỉ được 5 kg/ngày, một lò sao lăn được 2kg/giờ. Nay việc sao vò chè đã có máy móc hiện đại rút ngắn thời gian chế biến. Nhưng dù theo cách nào, chè ngon hay dở đều phụ thuộc phần lớn vào việc điều chỉnh lửa.
Khi chế biến chè, người nông dân đã thực sự trở thành nghệ nhân. Sự nhạy cảm của các ngón tay mách bảo họ khi nào cần tăng nhiệt, khi nào phải rút bớt củi. Đun quá lửa chè bị khét, còn không đủ nhiệt chè bị ngái rất khó uống. Nhiều nghệ nhân cho biết chỉ cần nghe tiếng cánh chè chuyển động trong lò sấy đã có thể biết được độ nóng của lò. Dù họ không dấu nghề, tận tình hướng dẫn từng động tác nhưng khách không dám đến sát cửa lò chứ đừng nói chuyện đảo vò chè bằng tay trần khi chè còn nóng bỏng. Người Thái Nguyên có bí quyết cha truyền con nối cảm nhận độ nóng qua bàn tay.
Trên vùng chè, các dòng họ, đời trước truyền lại cho đời sau những kinh nghiệm làm ra chè đặc sản. Cả những tinh hoa được chắt gạn, đọng lại, làm nên một văn hóa ẩm thực độc đáo về chè. Với Người Việt Nam, dù trên dọc dài đất nước, có rất nhiều vùng chè, nhưng trong nghĩ suy mỗi người đều nhắc nhớ về chè Thái Nguyên. Nên nhà có việc đều muốn tìm mua chè Thái Nguyên để sử dụng, phổ biến nhất là trong việc tạo dựng hạnh phúc cho con cháu; làm quà biếu người thân; làm lễ vật dâng lên ban thờ tổ tiên; đãi đằng bạn tri âm, tri kỷ…
Có thể thấy, lịch sử chè Thái Nguyên luôn tồn tại song song cùng với lịch sử phát triển của trà Việt. Chè Thái Nguyên từ lâu đã trở thành thức uống quen thuộc trong cuộc sống của con người, không đơn thuần là thức uống giải khát mà đó còn là thức uống giàu dinh dưỡng tốt cho sức khỏe con người. Sau bao thăng trầm của thời gian đặc sản chè Thái Nguyên luôn giữ cho mình một chỗ đứng vững chắc và bền bỉ, giữ vững vị thế là cây mũi nhọn thúc đẩy nền kinh tế tỉnh Thái Nguyên phát triển.
Uống Trà Thôi
(Theo Tạp Chí Kinh Tế)