Hình 5-50: Mỏ Bổn Sơn hồng nê
BỔN SƠN HỒNG NÊ, Hoàng Long Sơn còn được gọi là "Bổn Sơn", vì vậy hồng nê khai thác ở Hoàng Long Sơn được gọi là Bổn Sơn hồng nê. Ngoại trừ loại hồng nê đặc biệt như "hồng nê giáng ba" sẽ được giới thiệu sau, hồng nê của núi Hoàng Long về cơ bản là tiểu hồng nê. Đặc trưng của Hoàng Long Sơn là không có khoáng tầng đất sét non (nộn nê) vì vậy núi Hoàng Long hiếm khi tạo ra chu nê. Chỉ có một lượng rất nhỏ chu nê bên dưới lớp đất sét non bám trên bề mặt núi và một lượng nhỏ chu nê ở vùng trũng do núi bị sụt lún, hiện gần như đã biến mất. “Nga hoàng chu nê” và “Kim hoàng chu nê” mà mọi người vẫn gọi thực chất là là "tiểu hồng nê" được hình thành ở núi Hoàng Long. Do cấu tạo địa chất đặc biệt của các nếp đứt gãy Hoàng Long, phần thân núi cục bộ bị lật úp. Nhìn bề ngoài, hồng nê trên Hoàng Long có thể được chia thành bốn loại:
(1) Đất sét non (nộn nê) cục bộ trên bề mặt núi phong hóa thành chu nê, đã gần như biến mất.
(2) Tiểu hồng nê giữa lớp xen giữa hoàng thạch ở phần trên của tầng quặng hoặc phần dưới của lớp hoàng thạch.
(3) Ở giữa trầm tích có một lượng nhỏ chu nê do sự lật ngược của núi giữa các lớp tử nê hoặc đoạn nê.
(4) Bên dưới khoáng tầng tử nê và phía trên tầng đáy có một lớp tiểu hồng nê mỏng, nguyên nhân cũng có thể do núi bị lật.
Chu nê ở núi Hoàng Long hiện được cho là đã tuyệt chủng, và tất cả hồng nê hiện đang tìm thấy ở núi Hoàng Long đều là tiểu hồng nê. Tiểu hồng nê của núi Hoàng Long được phân bố trong các lớp xen kẽ của đá sa thạch thạch anh (tức là Hoàng Thạch) phía trên lớp trầm tích hoặc phía dưới của lớp Hoàng Thạch. Do mức độ phong hóa, một số phần khoáng có màu tinh khiết, vàng kim hoặc "vàng trứng ngỗng" nên bị nhầm lẫn với chu nê. Hầu hết có màu vàng đất lẫn với màu xanh nhạt hoặc trắng, do đó một số người nói rằng hàm lượng sắt trong hồng nê Hoàng Long Sơn thấp, thực chất là do quá trình phong hóa chưa hoàn toàn.
Hiện tại, khu vực khai thác Bảo Sơn ở phía tây của núi Hoàng Long (Hình 5-50) và phần bên kia của núi, phía nam của Đại lộ Tử Sa (Hình 5-51) hiện vẫn khai thác được tiểu hồng nê. Thành phần hóa học chính và hàm lượng phần trăm của hồng nê Hoàng Long Sơn là 56,35% silic điôxít (SiO2), 21,36% ôxít nhôm (Al2O3), 6,41% ôxít sắt (Fe2O3), ôxy hóa Magiê ( MgO) 0,68%, canxi oxit (CaO) 0,67%, kali oxit (K2O) 1,92%, natri oxit (Na2O) 0,14%, tỉ lệ hao hụt khi nung (LOI) 8,76%.
Hoàng Long Sơn tiểu hồng nê là loại đá phiến sét mịn, có bùn mịn hơn và các hạt cân đối, thành phần khoáng chất gần giống với hồng nê thông thường, tỉ trọng nặng hơn các loại tiểu hồng nê khác (Hình 5-52), kết cấu cứng chắc, và nhiệt độ nung cũng cao hơn so với tiểu hồng nê khai thác ở các khu vực khai thác khác, cao hơn nhiều so với hồng nê Triệu Trang. Nhiệt độ nung vào khoảng 1150 ℃ ~ 1170C, gần với nhiệt độ nung thông thường của Tử nê.
Hàm lượng sắt trioxit tương đối thấp nên sau khi nung không có màu đỏ đậm, sau khi nung ở nhiệt độ 1150 ℃ thì có màu vàng đỏ, sau khi nung ở nhiệt độ 1170 ℃ thì có màu đỏ sẫm. Tỷ lệ co rút thể tích của quá trình sấy và nung tương đối nhỏ, khoảng 12%, gần bằng với tử nê. Thích hợp cho khai thác và chế tác thủ công. Đây là lý do tại sao những chiếc ấm hồng nê lớn hơn xuất hiện trong lịch sử.
Trầm tích sét Hoàng Long Sơn là trầm tích sét đa dạng về chủng loại, có nhiều loại khoáng sét do đó màu sắc khoáng phong phú, các trầm tích sét khác khó có thể so sánh với nó, do đó các loại khoáng cộng sinh lại có màu sắc càng đa dạng,
Một phần hồng nê có thể bị ảnh hưởng của khoáng tầng tử nê hoặc khoáng tầng đoạn nê lân cận tạo nên những màu sắc đặc biệt. Ví dụ như, khoáng "tử chu nê" Hoàng Long Sơn thực ra là chu nê bị ảnh hưởng bởi tử nê tạo nên.
SG, 27/08/2021
Lão Tà - An Nhiên Tịnh Quán
(dịch từ "Dương Tiện minh sa thổ" - Lưu Ngọc Lâm)