Một số bức ảnh trong dự án mỹ thuật của Lê Sa Long
Sài Gòn thời Covid-19 với biết bao nỗi niềm dễ khiến người ta rơm rớm, cả điều bi thương lẫn câu chuyện tình người… Dường như muốn níu giữ những câu chuyện đẹp lẫn ký ức buồn của một thời giãn cách, bằng nét vẽ tài ba của mình, thời gian qua, nhiều họa sĩ đã khắc họa vô vàn những tác phẩm đẹp, để lưu dấu một thời Sài Gòn hoạn nạn, khó khăn trong đại dịch.Bộ tranh Sài Gòn trong thời giãn cách qua nét vẽ của họa sĩ Lê Sa Long đã chạm đến trái tim của người xem và được giới mỹ thuật đánh giá cao. Tác giả đã khắc họa những góc phố, con đường, câu chuyện sinh hoạt đời thường nhưng chứa đựng sự tử tế, lòng nhân ái của người Sài Gòn, đó là chân dung những nhân vật đang hết mình vì sự bình yên của thành phố thân thương. Họa sĩ Lê Sa Long cho biết anh bắt đầu vẽ từ giữa tháng 5.2021, khi hướng dẫn sinh viên mỹ thuật ký họa thực tế đời sống sinh hoạt Sài Gòn. Vào 0h ngày 31.5, khi TP.HCM chính thức giãn cách theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ, anh bắt đầu hoàn thiện các bức tranh phong cảnh và sinh hoạt đời thường, vẽ thêm chân dung những nhân vật hết mình vì cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đó là câu chuyện của ca sĩ Hà Anh Tuấn – có thể xem là một đại sứ trong các hoạt động thiện nguyện với nhiều dự án hoạt động xã hội, trong đó gần nhất là nam ca sĩ đã quyên góp quà từ thiện với mong muốn lan tỏa thông điệp “Sài Gòn cùng nhau nấu cơm” nhằm sẻ chia với những người lâm vào cảnh khó khăn do Covid. Đó là câu chuyện của bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy (30 tuổi, quê ở tỉnh Lâm Đồng) làm việc tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện Trưng Vương TP.HCM với việc sẻ chia dòng sữa ngọt cho bệnh nhi Covid khiến bao người cảm động và ngưỡng mộ… Hay bức tranh đáng yêu Thiên thần bé nhỏ đi cách ly phác họa bệnh nhi mới 5 tuổi trong bộ đồ bảo hộ vô cùng dũng cảm bước lên xe để vào khu điều trị làm se thắt lòng người… Anh gọi những bức tranh như cuốn sổ ghi chép sự kiện đại dịch kinh hoàng, khó quên trong cuộc đời.
Trao đổi với chúng tôi, họa sĩ Lê Sa Long cho biết, anh dự định hoàn chỉnh dự án mỹ thuật “Sài Gòn trong thời giãn cách” với hơn 50 tranh và đến nay vẫn đang tiếp tục theo dòng thời sự. “Bộ tranh của tôi có các phần: Chân dung đường phố Sài Gòn trầm lắng, Tình người Sài Gòn trong khó khăn, Những người hy sinh thầm lặng trên tuyến đầu và Những nhân vật truyền cảm hứng cho việc vượt qua đại dịch. Trước tháng 7 thì việc gặp nhân vật (thực tế như em bé 5 tuổi vào khu cách ly, bác sĩ Thanh Thúy trong Dòng sữa ngọt ngào, Mẹ Quýt 95 tuổi may khẩu trang hay bác sĩ trẻ Hiếu cắt tóc đi chống dịch… ) để ký họa hay vẽ, không khó. Nhưng sau 10.7, nhất là giữa tháng 8 do siết chặt giãn cách nên để vẽ thêm “những người truyền cảm hứng”, tôi chỉ có nguồn trên các phương tiện truyền thông và qua chia sẻ của bạn bè”, Lê Sa Long chia sẻ.
Anh cho biết dự án mỹ thuật Sài Gòn trong thời giãn cách sẽ được triển lãm sau dịch Covid-19, theo đề nghị của Sở VHTT TP.HCM. Được biết, vừa qua, Sở VHTT TP.HCM và Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cũng có mượn 20 file tranh từ dự án mỹ thuật này của họa sĩ Lê Sa Long để in thành cụm chủ đề tuyên truyền, trưng bày trước bảo tàng trên đường Võ Thị Sáu (Quận 3) và khu vực Quận 1. “Dự kiến, sau dịch tôi sẽ thực hiện triển lãm tranh và ra mắt bộ sách ảnh đánh dấu kỷ niệm TP.HCM vượt qua đại dịch. Tôi cũng sẽ trích tiền bán tranh để đóng góp quỹ giúp người khó khăn”, anh nói.
Trước đó, tháng 10.2020, họa sĩ Lê Sa Long đã ra mắt bộ tranh Khẩu trang và người nổi tiếng, đồng thời ra mắt tập sách ảnh cùng tên tại Đường Sách TP.HCM. Sau đợt triển lãm này, anh bán được 12 bức tranh. Anh đã trích ra 80 triệu đồng đóng góp cho quỹ người nghèo, quỹ phòng chống Covid-19.
Album Những người hùng thầm lặng của họa sĩ Trần Trung Lĩnh sau khi anh ra mắt trên trang cá nhân đã khiến nhiều người xúc động. Qua nét ký họa tài ba của mình, những câu chuyện đời thường được Trần Trung Lĩnh thổi vào tranh đầy sức sống, cho người xem cảm giác ấm áp bởi xung quanh ta đâu đâu cũng đầy câu chuyện tử tế, nghĩa tình. Trong bức tranh Đêm Sài Gòn ấm, được anh kể lại: “22h, ở ngã tư Châu Văn Liêm – Trần Hưng Đạo (Quận 5), người đàn ông trung niên nằm ngủ cạnh chiếc xe đạp cũ. Diệu Hiền bước đến, thật khẽ, tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ của ông. Cô đặt chiếc bánh mì và một ít sữa vào giỏ xe đạp, rồi chầm chậm rời đi. Sáng mai, hoặc chút nữa thôi, khi bị đánh thức, người đàn ông sẽ an lòng vì có thêm một bữa no giữa tháng ngày ᴄhông ᴄhênh. Hơn 2 tháng nay, kể từ lúc dịch cúm tái bùng phát tại Thành phố, nhóm thiện nguyện Đêm Sài Gòn với hàng chục tình nguyện viên vẫn miệt mài hỗ trợ những suất ăn đêm cho người vô gia cư ở thành phố… Mãi về sau, có khi hết dịch dã, mình vẫn hy vọng anh em chân cứng đá mềm tiếp tục hành trình thương nhau, thương những mảnh đời cơ nhỡ... Còn ở tranh Anh chỉ còn một chân nhưng tim anh tình thương vững chắc, Trần Trung Lĩnh kể câu chuyện anh võ sư Tạ Anh Dũng, mất một chân nhưng mỗi ngày chạy xe hơn 60km phát cơm, tặng quà cho những người khó khăn… Cùng với đó, Trần Trung Lĩnh còn vẽ những câu chuyện khác, trong các album về sự tử tế và lòng bao dung của người Sài Gòn như “Trong khốn khó có điều ngọt ngào”, “Sài Gòn tử tế”… khiến người xem lay động.
“Ở sài Gòn bạn sẽ không khó bắt gặp hình ảnh thể hiện tính bộc trực, hào sảng. Đó là những thùng trà đá miễn phí, thùng bánh mỳ “ai cần cứ lấy”, những hiệp sĩ bắt cướp, quán cơm 2.000, những chuyến xe nhân ái, những giao dịch “đưa nhiêu đưa”, những ATM gạo, Siêu thị 0 đồng, những bữa ăn cho bà con nghèo ấm lòng từ tủ lạnh cộng đồng... Tất cả đang hoạt động hết mình trong những ngày thành phố giãn cách vì Covid-19. Sài Gòn của tôi đang trọng bịnh, hơi thở có phần xìu xìu. Nhưng không sao đâu, tôi tin Sài Gòn thân thương sẽ vượt qua cơn “cúm” này thôi. Vì sao ư? Vì Sài Gòn… là Sài Gòn mà. Thế thôi!”, họa sĩ Lê Sa Long bày tỏ.
Uống Trà Thôi
(Theo báo văn hóa)