Tượng Phật Tổ
Chất liệu: Nu Trắc nguyên khối
Nghệ nhân dân gian
Chiều cao 2,2m
Ý nghĩa Tượng Phật “Niêm hoa vi tiếu”
Niêm hoa vi tiếu (nghĩa tiếng Việt): cầm hoa mỉm cười đây là một giai thoại thiền, ghi lại sự kiện Đức Phật Thích-ca Mâu-ni đưa cành hoa lên khai thị, tôn giả Ca Diếp phá nhan mỉm cười.
Hôm nọ, trên núi Linh Thứu trước mặt đông đảo đại chúng, Đức Thế Tôn không tuyên thuyết pháp thoại như mọi ngày, mà lặng lẽ đưa lên một cành hoa. Đại chúng ngơ ngác chẳng ai hiểu gì, duy chỉ có đại trưởng lão Ma-ha Ca-diếp (Mahākāśyapa) mỉm cười. Đức Phật liền tuyên bố với các thầy tì kheo: “Ta có chính pháp vô thượng trao cho Ma-ha Ca-diếp. Ca-diếp là chỗ nương tựa lớn cho các thầy tì kheo, cũng như Như Lai là chỗ nương tựa cho tất cả chúng sinh”[1]. Từ câu nói này, chư vị Thiền sư tiền bối đã diễn đạt thành: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết-bàn diệu tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự, truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca-diếp”[2]. Điều này có ý nghĩa gì?
Đức Phật đã mở bày nhiều pháp hội, diễn thuyết vô lượng pháp môn, khiến cho trời người đều được lợi lạc. Dù vậy, giải thoát Niết-bàn là trạng thái tự chứng tự nội, tự thực hành thể nghiệm hay tự chứng cảnh giới và hằng sống với cảnh giới ấy bằng nhận thức trực tiếp về chân lý mà không thể chia sẻ cho người khác bằng lí luận. Trạng thái giác ngộ vượt ra ngoài nhận thức phân biệt của con người. Điều đó làm sao diễn tả bằng lời?
Sự thật thì trong giáo lí giác ngộ giải thoát của Đức Thế Tôn cũng có một sự hiểu biết có thể với tới được bằng cách tư duy, học hỏi giáo lý, diễn đạt bằng ngôn ngữ; nhưng cũng có một sự hiểu biết vượt trên lý luận, tư duy và không thể diễn đạt bằng ngôn ngữ.
Thế nhưng, nếu không diễn đạt bằng ngôn ngữ, không nói gì cả, thì làm sao để hiểu được? Phải mượn hình ảnh để ví dụ, để diễn đạt những điều không thể diễn đạt bằng lời. ‘Niêm hoa’ là cách khai mở kho tàng tuệ giác vượt lên trên lý luận, tư duy, phân biệt bằng lời đó. Mọi tư duy phân biệt một khi đã bị cắt đứt thì tuệ giác vắng lặng uyên nguyên bình đẳng trong tâm thức của mỗi chúng sinh vốn vượt ngoài giới hạn của mọi hình thức tư duy khái niệm sẽ được khai mở.
Do đó, khi Đức Phật đưa cành hoa lên (niêm hoa) và ngài Ca-diếp mỉm cười (vi tiếu) là biểu thị cho pháp môn lấy tâm truyền tâm, một pháp môn siêu ngôn ngữ, siêu văn tự. Trong pháp môn này chỉ có sự giao cảm, sự rung động giữa hai tâm thức Thầy và Trò, và hai tâm thức này đã đồng nhất. Đó là cái tâm vi diệu Niết bàn.
Theo thiền sử, ngài Ma-ha Ca-diếp sau khi được Phật Thích-ca phó chúc trở thành Sơ tổ Thiền tông Ấn Độ, truyền đến vị Tổ thứ 28 là Bồ-đề-đạt-ma đồng thời là Sơ tổ Thiền tông Trung Hoa.
Từ đời Tống trở về sau, câu chuyện “Niêm hoa vi tiếu” trở thành công án nổi tiếng trong Thiền lâm của Phật giáo Trung Hoa.
Các thiền viện hay chùa tu theo pháp môn Thiền hiện nay thường thờ tượng Phật “Niêm hoa vi tiếu”, ngoài ý nghĩa khẳng định nguồn mạch Thiền tông được chân truyền từ Phật tổ Thích-ca, theo thế thứ truyền thừa của những vị Tổ sư, thiền sư đến tận ngày nay, những thiền giả còn hướng đến sự chứng đạt giác ngộ như ngài Ma-ha Ca-diếp và chư vị Tổ sư tiền bối.
Thuận lành với mọi người!