Người dân thu hoạch chè Shan tuyết Suối Giàng - Yên Bái
Giá trị của cây chè Shan tuyết nằm ở chất dinh dưỡng, quy trình chế biến và độ hiếm (đặc biệt với cây chè Shan tuyết cổ thụ). Tuy nhiên, ở mỗi vùng miền, cây chè Shan tuyết lại có một giá trị khác nhau.Chè Shan Tuyết là loại cây mọc tự nhiên trên vùng núi cao, được nuôi dưỡng bằng sinh khí của đất, trời nên búp và lá chè rất to, có màu xanh đậm, trên mặt lá phủ một lớp lông tơ mỏng trắng như tuyết. Vì vậy mà chè có tên Shan tuyết (chè được ngậm tuyết trên núi cao).
Loại cây này được trồng lâu đời qua các thế hệ của người dân tộc Tày, Dao, Mông, những vườn chè Shan tuyết có tuổi thọ vài trăm năm. Chè Shan tuyết cổ thụ có nhiều ở các tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái.
Sản phẩm trà được chế biến từ cây chè Shan tuyết phổ biến nhất là: Trà xanh, Hồng trà, Bạch trà, và đặc biệt đã có nhiều cơ sở sản xuất ra loại trà bánh, hay lên men theo cách làm trà phổ nhĩ. Do đó, hiện nay nhiều nước trên thế giới rất coi trọng và luôn muốn nhập nguyên liệu từ cây chè Shan tuyết ở Việt Nam về để chế biến ra các dòng sản phẩm chè cao cấp của họ.
Hương sắc chè Shan tuyết cổ thụ Suối Giàng - Yên Bái
Chè Shan Tuyết Suối Giàng xưa nay được xếp hàng “đầu bảng” các loại chè. Theo truyền lại, đây là loại chè “năm cực”. “Cực khổ” - lúc trồng và thu hái; “cực sạch” - vì có điều kiện khí hậu, môi trường và cả công nuôi dưỡng, chăm giữ của người trồng; “cực hiếm” - vì sản lượng của chè rất ít; “cực ngon” - với đủ các chất đỉnh cao mà mỗi chén trà phải có như hương thơm dịu, vị đậm đà, nước xanh trong. Và cũng vì cả bốn “cực” trên nên đương nhiên, có thêm “cực đắt”. Vì “cực hiếm” và “cực đắt” nên người ta còn nghĩ ra thêm “hai không” cho chè Shan Tuyết: Người mua thường “không uống” mà chỉ để biếu và người uống thường chỉ dùng khi có bằng hữu hay khách quý đến thăm.
Cây chè Shan tuyết cổ thụ càng già, thân càng trắng mốc, tạo hình uốn lượn xù xì, lá lại càng xanh ngắt một vẻ đẹp tự nhiên là điều thích thú cho tất cả những ai yêu thích tự nhiên. Khi nhìn bao quát cả đồi chè, ta mới thấy những thân chè trắng mốc dị bản đã làm nên một sự hấp dẫn của vùng chè Shan tuyết Suối Giàng. Lá cây có hình dáng đẹp và búp chè rất khỏe mạnh, khi pha trà, cây chè thường cho màu nước sánh vàng như màu mật ong, uống vào cảm nhận được cái dư vị ngọt thanh mát.
Để pha được một ấm chè Shan tuyết Suối Giàng có màu nước vàng óng, thơm hương, đậm vị, người dân ở đây thường dùng loại ấm đất nung già và lấy nước trên núi chảy về đun sôi đủ độ. Sau khâu tráng chè sẽ là chế nước sôi vào đầy ấm để bọt trào ra ngoài, đậy nắp ấm lại chờ chừng 10 phút. Chè được rót ra làm hai lượt để các chén có vị và màu như nhau. Trong làn khói tỏa hương nghi ngút, nhấp từng ngụm chè Shan tuyết Suối Giàng, chúng ta sẽ cảm nhận được vị ngọt thanh tao sau hàng giờ vẫn còn vấn vương nơi đầu lưỡi.
Chè Shan tuyết - tinh tuý của cao sơn Hà Giang
Chè Shan tuyết từ nhiều năm qua được ví như “vàng xanh” của núi rừng Tây Bắc, được người yêu trà trong và ngoài nước yêu thích. Thế nhưng, xét về độ ngon và quý thì phải kể đến chè Shan tuyết Hà Giang.
Không giống với những cây chè khác nhỏ, thấp bé, cây chè Shan tuyết Hà Giang nói chung và ở xã Quảng Nguyên, huyện Xín Mần nói riêng thuộc loại cây cổ thụ, tuổi đời hàng trăm năm tuổi, trên mỗi thân và cành đều phủ một lớp địa y trắng mốc, cành cây dài, vững chãi. Những cây chè cổ thụ ở đây mọc ở đỉnh núi, cao hơn 1.500m so với mực nước biển, khí hậu lạnh giá, rễ cắm sâu trong lòng đất, mỗi búp chè chính là sự kết tinh những gì tinh tuý nhất của đất trời Tây Bắc.
Chè Shan tuyết được người dân địa phương thu hoạch từ 3 - 4 lần trong năm, vụ chè mùa xuân và mùa thu sẽ cho chất lượng tốt nhất. Chè Shan tuyết Hà Giang khi pha sẽ có màu óng vàng như mật ong, nhâm nhi một chén trà ta sẽ cảm nhận được hương thơm dịu, vị hơi chan chát nơi đầu lưỡi nhưng sau đó là vị ngọt thanh sẽ lan toả khắp khoang miệng khiến bất kỳ ai thưởng trà cũng khó có thể mà quên.
Trà Shan tuyết Tà Xùa trên non cao
Trà Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa mang những hương vị mà bất cứ ai thử qua cũng phải nhớ về chốn trời mây này. Chè Tà Xùa có vị đặc trưng khác hoàn toàn với hương vị chè Shan tuyết ở nơi khác, nhấp một ngụm là thấy vị sáng, ngậy, thơm mùi khói bếp, phảng phất hương gỗ, của hoa thơm. Chè Tà Xùa có vị chát hơn chè shan tuyết Suối Giàng, màu nước vàng trong đẹp mắt. Hậu vị ngọt sâu đọng lại khiến những ai đã thử qua đều sẽ bị hương Tà Xùa làm cho lưu luyến mãi.
Điều tạo nên hương vị đặc biệt cho Trà Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa đó là điều kiện thiên nhiên hùng vĩ, được thu hái bởi đôi bàn tay những người con Tây Bắc, cụ thể là những người H’Mông sống thật thà, chân chất, chăm chỉ. Từ giai đoạn hái trà, chụm củi, lên lửa, sao trà và đi đóng gói đều được thực hiện hết sức nghiêm ngặt và hoàn toàn theo phương pháp thủ công. Chỉ bằng những công cụ thô sơ nhưng lại có thể tạo nên được thức trà tuyệt tác mang tên trà Shan tuyết cổ thụ Tà Xùa.
Uống Trà Thôi
Theo tạp chí kinh tế