/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Cái tâm đời thường

1409 13:51, 29/11/2021
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM

10 phút đọc (2575 từ)

Cái tâm đời thường
Phan Chí Thành
Team Uống Trà Thôi sưu tầm

Cái Tâm con người gắn với đời sống con người. Đời sống dù là của một vĩ nhân hay của một người thường thì cũng cần phải có cái đế sống, tức là phải ăn, mặc, duy trì nòi giống. Vòng đi trở lại, chả thiếu gì những kẻ cao siêu rút cuộc cũng phải thừa nhận cái đời thường thế mà hoá ra to lắm. Có người còn cho là hơn cả sự to: Sống cho trọn một cái đời thường là khó nhất.

I - Thế mà đã là thường thì có gì to tát đâu. Nhiều khi nó được gói lại trong một lối nói hài rất dân dã: "Cơm ăn ba bữa, quần áo mặc có ngày”. Mà thiếu nó, cuộc sống đã bị "hài hước hoá". Cánh lính thời chống Mỹ chúng tôi có bài "Vè mười yêu” về cái đời thường ấy:

Một yêu anh có "Hăng-gô",
Hai yêu anh có cá khô ăn dần,
Ba yêu rửa mặt bằng khăn,
Bốn yêu khi tắm có… quần thay ngay...

Xưa nay các kẻ sĩ bao giờ cũng bị cái chuyện "cơm áo”, nó "không đùa”. Hóa ra phần lớn hoạt động của nhân loại là hoạt động mưu sinh, là kiếm sống. Người nào không dám sống thực thì rất hay dấu giếm sự thật cái đời thường của mình.

Vâng! Kiếm sống! Chuyện ấy đối với tuyệt đại đa số nhân loại đã sống đang sống và sẽ sống thật là một cuộc chiến gian nan, vật vã, đôi khi còn cả tủi cực. Nhân loại có thật nhiều những cách diễn tả rất đáng đời xung quanh cái chuyện ấy: bới đất lật cỏ, vắt mồ hôi, đổ mổ hôi sôi nước mắt, lao tâm khổ tứ, lặn lội thân cò, bán mặt cho đất bán lưng cho trời, mồ hôi nhỏ xuống như mưa ruộng cày, lăn như bống, thứ nhất là mồ hôi cha, thứ nhì gánh vã thứ ba sơn tràng, đãi vàng chẳng thấy vàng đâu, vàng mắt vàng mũi vàng đầu vàng tai... Rồi thì vắt óc, chùi máu, bán cháo phổi... Thôi thì chẳng thiếu kiểu gì... Thế mà cuộc đời thì cứ oái oăm, chẳng khi nào thiếu cảnh người ăn không hết kẻ lần không ra. Đơn giản hơn, thiên nhiên hơn và ngẫu nhiên hơn thì "người giàu trồng lau ra mía, người nghèo trồng củ tía ra từ lông”. Oái oăm hơn là càng những người trực tiếp làm ra cái ăn cái mặc thì lại càng thiếu chính những cái đó. Người cày thì lại thiếu cơm. Những người làm ngói lấy rơm lợp nhà. Những người dệt lụa dệt là. Ngày đông tháng rét bỏ da ra ngoài. Nhưng dù có thiếu thốn đói kém, một người Việt bình thường cũng khó lòng thích ứng được với lối mặc cả: “Rút cuộc là bao nhiêu đô la" hoặc các bậc thang giá trị kiểu: "ngon nhất là muối, khôn nhất là tiền, đẹp nhất là… của đàn bà” của một nhóm cư dân nào đó.

II- Trong đời thường, dù bàn luận cao siêu đến mấy cũng phải quay về chuyện ăn. Trước hết là cái ăn. Cái ăn to hạng nhất. Ăn cái đã. Cho nên trong tiếng Việt tiếng "ăn" được ghép vào nhiều từ kép: Ăn nói, ăn mặc, ăn ở, ăn chơi, ăn tiêu, ăn vạ, và... ăn nằm. Lại còn đường ăn lối ở, ăn không nên đọt... và …Dân coi cái ăn là Trời (dân dĩ thực vi thiên). Người làm cái việc đứng đầu thiên hạ tất không phải lo cái ăn cho mình, nhưng trước hết phải lo cho dân đủ cái ăn. Cụ Hồ cũng dạy “ăn là rất cần thiết: Người ta phải ăn để sống, để xây dựng XHCN". Cụ cảm thấy có lỗi, chưa được thanh thản trong lòng khi người dân còn không có cái ăn, và dặn cán bộ rằng chiến sĩ chưa no thì cán bộ không được kêu đói. Chỉ qua ứng xử với cái ăn người ta đã phần nào nhận ra con người. Có hai cung cách nhìn người qua cách ăn. Dáng ăn và cách họ nhìn nhận miếng ăn. Cũng có hai cấp độ ăn: ăn như công việc thoả mãn (đáp ứng) cái thân xác, ăn cho hết đói, cố ăn để sống và ăn như thưởng thức, coi cái ăn như cái thú sống ở đời.

Đáng ăn có lúc bộc lộ tính khí tâm lý. Các cụ bảo: "Nữ thực như miu”. Quả là phần lớn nhà mèo ăn rất thanh cảnh, nhàn nhã, cứ như là chúng biết nhâm nhi miếng ăn vậy. Đa số phái đẹp cũng có cái dáng ăn nhỏ nhẹ như thế. Một lần tôi đi xa vẽ. Đến phố Bà Triệu nhảy ngay vào hàng phở, roẹt một lèo hai bát phở chín, bấy giờ mới "hà..." khoan khoái, cố níu lại cái dư vị phở mà mình vừa "thực bất tri kì vị". Ngẩng lên (vâng, bấy giờ mới ngẩng lên), bàn bên kia là mót thiếu phụ rất đẹp, một "hây hây thục nữ" đang ăn. 'Tôi ngồi im, phục kích. Nàng khẽ lấy đũa lùa nâng một ít bánh phở và một miếng thịt vào một chiếc thìa, nhúng lại chiếc thìa ấy xuống nước phở, rồi lại chăm chú, chầm chậm nhấc lên. Đôi môi hồng chỉ như hé mở, chậm chậm và nhàn nhã, nàng ăn ngon lành. Tôi thầm ước: Giá mà bà xã nhà mình có được cái dáng ăn đẹp đẽ ấy thì... phải biết. Nhưng cũng có người có cái dáng ăn mà người ta không muốn nhìn lâu. Trong cái chuyện này các cụ kiêng kiểu ăn chóp chép (nên khi nhai phải ngậm môi) vừa ăn vừa đảo mắt nhanh, ăn như "trút căm thù lên đầu... đũa". Tất nhiên với nam giới thì khác, có cách ăn như rồng cuốn của những người ăn khoẻ, ăn ngon, ăn mà người ngoài nhìn thấy phát thèm, trông rất thích mắt. Cũng chẳng gọi thế là hùng hục mà ăn, mà là ăn như hổ, ăn ngon lành, ăn như là... ăn. Cho nên câu ca dao “Chín bát cơm lùm lùm bát cháy bát cày cạy bát cua rang... Cha bố cả làng, đứa nào bảo tao ăn mười hai bát” không phải là một câu kể xấu. Nhìn nhận về miếng ăn là một góc người phát lộ. Anh coi miếng ăn là gì, là to hay là nhỏ, quan trọng hay không, đó là anh đã bày cái tâm của anh ra cho người đời. Tất nhiên miếng ăn này là miếng ăn của anh. Người Việt gọi là miếng ăn. Cái tiếng ấy không xinh xẻo, không hứa hẹn một giá trị duy mĩ nào. Nó giống như từ "le manger" của người Pháp. Nó hàm cái nghĩa điều kiện để cho một sinh mệnh tồn tại.

Có trường hợp coi miếng ăn là rất to nhưng cái tâm không hề xấu, đó 1à hành động giấu từng mẩu bánh mì dưới thường của nhân vật chính trong "Tình yêu cuộc sống" của Giắc Lơn dơn. Sau cuộc chiến đấu sinh tử với cái đói ở nơi hoang dã, anh ta không thể chịu đựng được những mẩu bánh thừa vô lý và cũng không dám tin là ngày mai mình sẽ không bị đói nữa. Đó không phải là một tín điều, mà là một phản xạ xã hội bị tự nhiên hoá. Còn lại, thường thì người ta nghi ngại cái nhục có nguy cơ tham dự vào miếng ăn "miếng ăn là miếng nhục”, cho nên giữ gìn thận trọng lắm. Ý thức, cảnh giác này được "'hoá thạch” trong ứng xử, trở thành một phản xạ. Có lẽ vì thế chăng mà người ta hay kín đáo khi ăn, nhất là những cô gái trẻ ý tứ. Dường như cái việc ấy tầm thường quá, người ta phải làm vì nó là cái sự không thể đừng mà thôi, dù "miếng ăn quá khẩu thành tàn". Nó rất riêng tư. Do đó, trong các tình huống phải bày tỏ ra thiên hạ thì phải “ăn trông nồi, ngồi trông hướng", "ăn trước trông sau”, và dù ghét ai đó đến mấy mà người đó đến chơi lúc mình đang ăn cơm thì cũng phải mời một câu cho phải phép, là cái phép tôi đây coi cái miếng ăn rất thường, chưa tham dự vào quan hệ xã hội nào. Hay như anh chàng đút bữa sang nhà hàng xóm chơi cứ là phải một cái tăm nơi miệng cho ra vẻ... ăn rồi. Vậy, sà vào nồi cơm nguội nhà này, ào nhà khác có thể mâm cao cỗ đầy mà mời "gãy đũa gãy bát" cũng không ăn. Bởi vì:

"Thương nhau bốc bãi dần sàng.
Ghét nhau đũa ngọc mâm vàng cũng không."

Người ta chê bai cái chuyện húc đầu vào mà ăn, ăn lấp cả mũi, cả miệng "tú hụ là bát cơm đầy, tao đố mẹ mày thấy mũi tao đâu”, đóng cỗ bốn, đĩa tôm to có bốn con, mình đã gắp ba, lại còn thỉnh thoảng đá đũa thăm đò dư luận, chỉ chực gắp nốt “cho nó có đàn"... Coi trọng miếng ăn của mình quả là xoàng xĩnh, là thấp. Chỗ này tính cách Việt gặp tính cách Nga. Trong cuốn "Nhà trên quảng trường” tác giả Ka-da-kê-vích, trưởng ban quân quản Liên Xô ở một thành phố Đức sau chiến thắng phát xít, cực kì khó chịu trong tình huống khi một khía cạnh tính cách Đức bộc lộ. Mọi người trong đó có một người Đức đi hướng đạo, đang ngồi trên xe trong cơn đói. Thế mà anh người Đức cứ rút phần bánh anh ta mang theo điềm nhiên nhóp nhép ăn mà chẳng thèm nói với ai câu nào.Với người Đức đó là chuyện hợp thức, không có gì đáng phàn nàn.

Thời sinh viên của chúng tôi cứ là đói dài dài. Một hôm được bữa ăn tươi thịt bò xào giá và trứng vịt luộc. Nhà bếp bóc vỏ nhưng không cắt trứng thành lát, cứ để nguyên quả. Mâm sáu, sáu quả trứng. Năm người thuộc cánh "tuyệt đại đa số háu ăn" chúng tôi ai nấy chén ngay quả trứng của mình. Còn một anh bạn cứ điềm nhiên "tăng tốc" cái đĩa giá xào thịt bò. Đến khi chúng tôi ăn xong quả trứng của mình thì đĩa xào chỉ còn lơ thơ. Quả trứng của anh chàng vẫn còn nguyên trên đĩa, không ai "cầm tinh cái thớt" để xọc đũa vào đấy được: Sáu người sáu quả, và không có một lời chỉ dẫn nào trong chuyện đó, rồi tôi cứ tủm tỉm cười mãi cho tới tận... bây giờ.

Ngược lại, cần phải coi trọng miếng ăn của người khác thậm chí phải coi sự ăn, miếng ăn của người khác là thiêng liêng nữa. Nhất là khi đãi khách, đãi ăn là một phương thức bày tỏ lòng hiếu khách của chủ nhà. Làm khách bao giờ cũng sướng hơn làm chủ. Cho nên "trời đánh còn tránh lúc ăn". Mắng chửi ai, kể cả mắng con vào lúc đang ăn là việc nhẫn tâm... Có lẽ sự thật hiển nhiên là người ta phải ăn mới sống đã được thừa nhận rộng rãi. Nên tôn trọng miếng ăn của người khác là coi trọng cái quyền tự do căn bản nhất của con người, quyền được sống. Vì thế hầu như tất cả các quốc gia đều cho từ từ được ăn một bữa "đặc táo" trước khi ra pháp trường chịu tội. Người ta rất khinh khi những kẻ "ăn cướp cơm chim" (cơm nắm bằng lòng bàn tay để dành cho trẻ con), coi chúng là cái hạng người bịt mũi ăn dơ.

Ngạn ngữ có câu "con ăn ngon mẹ" thật là đẹp. Đơn vị tôi ngày xưa có một anh nuôi, nuôi quân rất khéo. Lúc lính ở thao trường về, cậu nào cậu ấy mắt cứ ánh lên bữa cơm trưa, rửa ráy như chạy qua bà hàng nước rồi sà vào mâm. Việc anh nuôi lúc ấy đã ngơi, chỉ đợi thu mâm rửa bát. Anh ấy hay đứng tựa cửa, nhâm nhi một miếng cháy trên tay, nhìn đồng đội ăn bằng con mắt vui thích khó tả. Tôi bắt gặp cảnh ấy lặp lại nhiều lần liên hỏi. Anh trả lời rất hồn nhiên: "Mẹ kiếp ! Nhìn các cậu "măm" rào rào, thế nào cũng ngon, mình khoái… đếch chịu được!". Lúc ấy, anh đang có một cái tâm thật đẹp. Anh tên là Lâm, anh nuôi của C13- D1- E1- Sư đoàn 304B của thượng tá Hoàng Điệp, hồi 1966 đóng ở Phú Bình - Thái Nguyên.

Ăn cũng phải có hai cấp độ, gọi theo cụ Mác là cái ăn tất yếu và cái ăn đích thực của con người, cái ăn của tự do, trong đó hàm cái giá trị thẩm mỹ, tức cái ăn của thú sống. Cái ăn tất yếu không ăn không được , vì “mẻ không ăn cũng chết" cấp độ này người ăn chẳng khác gì mẻ ăn, nổi cho ra vẻ triết học là ăn chưa mang tính người. Nên khi nói về cái ăn và đạo hiếu, cụ Khổng Tử cho rằng: con cái hay nói đến chuyện cho bố ăn mà cho là tròn đạo hiếu. Họ không biết rằng nuôi chó, lợn cũng phải cho nó ăn, nuôi bố mẹ cũng phải cho bố mẹ ăn. Vậy trong cái sự cho bố mẹ ăn kia nếu không có lòng tôn kính thì nào khác gì nuôi chó nuôi lợn.

Cái ăn mà đích thực là ăn tự do không chỉ là chuyện khẩu vị mà còn cả ý nghĩa văn hoá. Tất nhiên ăn hợp khẩu vị là ăn cho mình, khoái khẩu thì ăn, không thì đừng. Mà chuyện khẩu vị hết sức phức tạp, gần như mỗi người một vẻ, chẳng ai giống ai, như sự phong phú của tính cách. Do đó, nhớ được khẩu vị người khác là đã hiểu được người đó lắm, nhớ người đó lắm. Một kẻ thân tín của Tưởng Giới Thạch còn nhớ về vị thủ lĩnh của mình bằng câu "Túng hữu trân hào cung mãn nhãn. Mỗi san bất hứa khuyết toan hàm" (Dẫu có trân hào dâng trước mặt. Bữa ăn không thể thiếu mặn chua). Người Việt trước đây rất cảnh giác với những tên thực dân nào thọc mách, đạt trình độ "nằm võng, ngâm Kiều, ăn mắm tôm".

Ăn uống quả là một thú sống, và mỗi dân tộc đều có nghệ thuật ẩm thực của riêng mình. Khi được khách lạ tỏ ra khoái khẩu với những món ăn truyền thống của mình, ai chẳng thích. Ngày nay nhân loại đua nhau đi du lịch, và ăn uống là một trong những sản phẩm du lịch rất quan trọng. Rõ là cái ăn đang ngày càng được nhận ra tính cách là một nét văn hoá đặc thù.

Uống Trà Thôi sưu tầm
1 0 13,277 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

“Luật trời không phân thân sơ, chỉ người đạo đức mới hiểu”
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3264 13:34, 16/04/2024
3 0 5,576 0.0
Vào thời nhà Minh, có một học nhân tên là Trần Huệ. Trần Huệ có một người con gái, không được đặt tên, nên trên sử sách ghi chép lại là con gái của Trần Huệ. Cha mẹ cô mất sớm, để lại cô con gái và hai người em trai, một lên năm tuổi và người kia lên sáu tuổi. Cô đã đến tuổi lập gia đình, tất ...
TRIỀU NHÀ CHU VÌ SAO TRỊ QUỐC ĐƯỢC 800 NĂM?
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3259 13:00, 13/04/2024
2 0 5,316 0.0
TRIỀU NHÀ CHU VÌ SAO TRỊ QUỐC ĐƯỢC 800 NĂM?Chúng ta học lịch sử, thì có thể lấy lịch sử làm minh chứng. Đời nhà Chu kéo dài liên tục trong 856 năm, nguyên nhân do đâu vậy? Là Hiếu và Đễ. Vào thời Chu, khái niệm về Hiếu Đễ đã có nền tảng khá vững chắc. Cha của Chu Vũ Vương là Chu Văn Vương, cha của Chu ...
 BÁ DU THƯƠNG MẸ
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3258 13:00, 12/04/2024
4 0 5,513 0.0
Thời xưa có một người con hiếu thảo, tên là Hàn Bá Du. Mỗi khi cậu mắc lỗi, mẹ của cậu đều dạy bảo một cách nghiêm khắc, đôi lúc còn đánh đòn cậu nữa. Đến khi cậu khôn lớn, rồi trưởng thành, khi cậu mắc lỗi, cách dạy dỗ của người mẹ vẫn như xưa. Có lần, khi mẹ đánh đòn, cậu bỗng nhiên ...
TÌM CÁ TRONG BĂNG TUYẾT
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3257 12:27, 11/04/2024
2 0 5,345 0.0
Vào thời nhà Tấn, có một người con hiếu thảo tên là Vương Tường, mẹ mất sớm, cha lại lấy mẹ kế, mẹ kế xem cậu bé như cái gai trong mắt. Sau này, mẹ kế cũng sinh được một người con trai, đó chính là cậu em trai Vương Lãm. Kể từ đó, người mẹ kế luôn nghĩ ra nhiều cách để làm khó Vương Tường. Đối ...
Tấm Vé Hạng Nhất
Team Uống Trà Thôi TRUYỆN TÍCH CỰC & SUY NGẪM
3253 09:19, 09/04/2024
1 0 5,636 0.0
Có một đôi vợ chồng già nọ sinh sống tằn tiện, tiết kiệm để nuôi 4 người con khôn lớn. Thời gian như thoi đưa, thoắt cái họ đã ở bên nhau 50 năm. Những người con thành đạt của họ bí mật bàn bạc để tặng cho bố mẹ một món quà thật ý nghĩa nhân dịp đám cưới vàng.Vì biết hai cụ thích nắm tay nhau ngắm ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!