/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Tranh lụa những bước thăng trầm

1469 09:02, 16/12/2021
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC

( từ)

Tranh lụa những bước thăng trầmTranh “Gia đình ngư dân” của Lương Xuân Nhị.
Danh họa Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) với những bức tranh lụa nhắm đến những sinh hoạt trong cuộc sống bình dân như: “Chơi ô ăn quan”, “Rửa rau cầu ao”, “Buổi sớm ra đồng”, “Chơi chim”... đã mở màn để lụa trở thành một chất liệu cho hội họa đương đại đầy sức thuyết phục.

Và tiếng tăm bức tranh “Chơi ô ăn quan” dự đấu xảo ở Paris năm 1931 được trao giải và bán được tại hội chợ đã vang lên như phát pháo báo hiệu khiến những người quan tâm đến nghệ thuật tạo hình bắt đầu chú mục vào chất liệu lụa có sức thu hút này.

Với lối vẽ khái quát, dùng những mảng lớn và lưu ý đến những chi tiết cần nhấn mạnh, chỗ cần chỉ gợi khối nhẹ, chưa hẳn là tả thực, chất liệu lụa mềm mại vì thế cho ấn tượng rất hư ảo thu hút sự chú ý của người yêu nghệ thuật. Sự quan tâm ấy là liều thuốc kích thích cho các họa sĩ cùng thời lao vào tìm hiểu và thể nghiệm. Sau Nguyễn Phan Chánh, người ta biết đến những Nguyễn Tường Lân, Hoàng Lập Ngôn, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ, rồi tiếp là Trần Đông Lương, Mai Long, Linh Chi, Bùi Huy Hiếu, Lương Xuân Nhị, Mai Văn Hiến, Nguyễn Bích, Mộng Bích, Kim Bạch, Lê Kim Mĩ, Thanh Ngọc, Thanh Liêm, Phạm Công Thành, Hà Cắm Dì, Giáng Hương và Nguyễn Thụ... là những họa sĩ vẽ lụa có uy tín, dù trong đó không phải ai cũng chuyên lụa.

Trong chặng đường dài phát triển, tranh lụa Việt Nam cũng đã có những chuyển hóa về kĩ thuật và cách nhìn. Nếu như Nguyễn Phan Chánh và các họa sĩ lớp kế cận vẽ tranh sinh hoạt bó gọn bốn góc tranh thành một không gian khép kín kéo dài trong nhiều thập niên thì sau này Nguyễn Thụ đã dần từng bước buông bốn góc, mở không gian tranh ra bốn phía cho người xem tưởng tượng cuộc sống ra ngoài khuôn khổ bức tranh. Tuy chỉ là một đổi thay nho nhỏ thôi nhưng cũng trả giá bằng mấy chục năm miệt mài của người nghệ sĩ. Họa sĩ Mộng Bích là người vẽ không nhiều, nhưng tranh lụa bà vẽ lại đặc biệt nhất trong các họa sĩ vẽ lụa đương thời. Bà vẽ như khắc lên mặt lụa, màu sâu thẳm đắm vào từng thớ lụa. Trực cảm của bà tinh tế, đường nét bình dân, không vội vàng, và đặc biệt không làm màu, không có thủ thuật trên mặt lụa mà sức hút của tranh bà cứ vời vợi đằm thắm, rất dày xúc cảm. Có lẽ bà là người cuối cùng của lối vẽ lụa chắc nịch, khai thác hết tính năng của lụa.

Tranh lụa vào những năm 80 thế kỉ trước trong thời kì mới mở cửa rất được những người sưu tập nghệ thuật nước ngoài ưa chuộng lưu ý và tranh lụa trở nên có giá. Đó là cái may mắn lớn nhưng nó cũng chứa đựng mối rủi ro lớn cho môi trường nghệ thuật còn khá non nớt trong đói kém, khi các họa sĩ chúng ta có người chẳng có kiến thức vẽ lụa lại thiếu thông tỏ về thị trường, thấy lụa đắt khách thì đổ xô vào vẽ lụa ăn theo.

Trong khi họa sĩ chuyên lụa đếm trên đầu ngón tay thì những người vẽ “ăn theo” nhiều gấp 3-4 lần. Họ bị lút dần đi sau những người làm ăn chộp giật. Khi dòng người mua tranh lụa đang ở đỉnh điểm, những người vẽ lụa ăn theo dùng màu bột vẽ không thèm rửa, thậm chí lấy cả tempera cứng quèo trát lên mặt lụa mềm mại và tự coi như một sự sáng tạo (!) Rồi chấp nhận bất cứ giá cả nào miễn là người ta trả tiền mua... Sự xô bồ ấy lộ mặt ngay thứ hàng chợ cẩu thả. Chỉ vài năm cuối thập niên 90, tranh lụa trở nên ế ẩm vì người ta phát hiện ra sự thoái hóa của chất liệu này như gạo trộn sạn khó phân loại. Và khi thị trường tranh lụa dần mất chỗ đứng, những họa sĩ ăn theo cũng lặng lẽ lủi mất, tìm cách kiếm ăn khác để lại sự trống vắng đáng tiếc cho chất liệu này trong các gallery. Kiếm củi ba năm thiêu một giờ, là do cách làm ăn thiếu tính chuyên nghiệp của những người vẽ không đủ tâm lực, chỉ quen hớt váng tai hại như vậy đấy.

Sáng tác là việc làm nghiêm cẩn và sang trọng, không thể dung nạp sự dễ dãi ăn xổi, nên thị trường nâng giấc tác phẩm, nhưng cũng vùi dập không thương tiếc thứ nghệ thuật bát nháo trên chất liệu. Bài học nổi chìm của lụa đánh động nhiều suy ngẫm cho cả các chất liệu khác nữa. Rất nhiều người tưởng tìm tòi sáng tạo lại đưa chất liệu vào chỗ tối. Nhưng tôi nhấn mạnh ở lụa vì lụa bị trả giá đau nhất. Lụa là chất liệu không dễ vẽ, có một năng lực biểu cảm riêng, phải ứng xử điềm đạm với thái độ kiên trì bền bỉ mực thước mới có thể đem lại kết quả. Lụa không chấp nhận ăn may, không chơi với ai có thói quen chộp giật, ăn xổi ở thì. Chất liệu khác thì còn may ra chứ lụa thì không.

Năm 2008, Cục Mĩ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm có tổ chức một triển lãm nhằm khảo sát và kiểm kê lại về số người sáng tác tranh lụa toàn quốc để xem nội lực đến đâu, thì cho con số có vẻ khả quan: hàng trăm họa sĩ trên cả nước gửi tác phẩm về tham gia. Tuy vậy trong triển lãm ấy, để tìm ra người thật sự có kĩ năng vẽ lụa chiều sâu thì cũng không thấy. Nhiều tác giả vẽ là để hưởng ứng cuộc vận động triển lãm hơn là người chuyên về chất liệu này, nên tranh có mùi vị phong trào cũng nhiều. Nếu những người vẽ lụa thời khai sáng như Nguyễn Phan Chánh, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Tường Lân và thế hệ tiếp nối như Mộng Bích, Kim Bạch... từng đạt đến độ chuẩn xác cổ điển thì chất lượng lụa của triển lãm này cả kĩ năng và cảm xúc còn khá mỏng như người thiếu hồn vía. Vẫn là thói quen đại trà mà thiếu hẳn sự tinh tế cần thiết của chất liệu. Rõ ràng tranh lụa Việt Nam đã sa cơ mà chưa thể tìm lại ngay lại chỗ đứng của mình trên thị trường nghệ thuật.

Những triển lãm cá nhân khắp trong Nam ngoài Bắc hàng năm có đến vài trăm cuộc trưng bày nhưng quá hiếm hoi triển lãm cá nhân chuyên chất liệu lụa! Hi hữu có lần của họa sĩ Phạm Công Thành và vài ba tác giả khác. Mối quan tâm của họa sĩ chuyển gần như hoàn toàn sang sơn dầu, acrylic hoặc sơn mài. Điều đó như báo hiệu một cuộc ra đi chưa hẹn ngày trở về của tranh lụa Việt Nam!

Chờ đợi mãi, vào tháng 10/2011 tại Viet Arts center (42 Yết Kiêu, Hà Nội) tôi bất ngờ gặp một triển lãm chuyên lụa của nhóm 5 họa sĩ thuộc thế hệ sau 1975. Thực ra những họa sĩ này cũng sáng tác trên nhiều chất liệu chứ không hẳn chuyên lụa, nhưng họ đã cùng gặp nhau ở ý tưởng đưa tranh lụa trở lại với cuộc sống sáng tác, đó là các họa sĩ trẻ Trần Xuân Bình, Phạm Thanh Vân, Vũ Đình Tuấn, Trần Lưu Tuấn và Nguyễn Đức Toàn.

Cũng không thể bàn gì nhiều về sáng tác trở về với lụa của các họa sĩ vào lứa tuổi trung niên này vì mỗi người chỉ dăm bảy bức. Nhưng tuyên ngôn của họ là đang tìm đường trở về với chất liệu truyền thống này và quan trọng bước đầu là trong số này, các họa sĩ đã tìm hiểu và thử thay đổi khi xử lí chất liệu và cách thể hiện tìm tiếng nói thêm cho tranh lụa. Điển hình là Vũ Đình Tuấn là người trăn trở nhất. Trước đây vẽ lụa thường người vẽ hay mua loại lụa có sẵn trên thị trường, có sao vẽ vậy, thì bây giờ Vũ Đình Tuấn đã tìm đến nơi sản xuất đặt lụa sợi to bé, đố ngang dọc theo ý muốn để tạo thêm hiệu quả thị giác. Nếu ngày xưa vẽ lụa khâu đặt màu, cọ rửa cho màu bắt sâu vào thớ lụa tạo lớp màu chìm bí ẩn sâu thẳm thì bây giờ họa sĩ chỉ rửa chỗ cần thiết, còn có chỗ để nguyên màu sấy khô vì thích gợi khối và nhấn sâu vào chi tiết màu tươi, khách thích là được! Tranh lụa thế hệ đầu, họa sĩ đi vào chân dung nghiêng về trang trí với việc gợi khối nhẹ nhàng hoặc đưa hình ảnh vào trung cảnh với cách nhìn mờ ảo sương khói trữ tình thì bây giờ mạnh mẽ khai thác trang trí với màu sắc va đập mạnh (Vũ Đình Tuấn), hoặc khước từ mơ ảo (Trần Xuân Bình) bằng cách đưa một gương mặt nhân vật gần choán hết mặt tranh. Hoặc đi sâu vào cái ảo hơn so với các bậc tiền bối ở gam màu mạnh đến chói chang như Phạm Thanh Vân...

Mấy năm gần đây, ngoài sự nổi trội của Vũ Đình Tuấn (Hà Nội) trong sáng tác và cải cách mạnh mẽ cách làm tranh lụa, vẽ nhanh nhiều, triển lãm dày. Trên thị tường có thêm Bùi Tiến Tuấn (TPHCM) cũng có dấu ấn riêng biệt và Phương Hoa một nữ tác giả trẻ với cách vẽ thực hơi thiên về biểu hiện cũng làm cho chất liệu lụa thêm trang trọng quý phái. Đang cũng là một lối tìm có cửa ra. Lụa đang có chiều hướng dần trở lại. Vui mừng vì người yêu chất liệu vẫn còn.

Cách xử lí sau vẽ bây giờ cũng khác. Nếu trước đây bồi biểu lụa như là cách duy nhất cho bức tranh hoàn hảo thì nay họ căng lụa lên mặt toan, hoặc dùng cả hai mặt sát si để căng lụa, vẽ luôn cả hai mặt chồng mờ để tạo độ ảo cao hơn. Đó là những cải tiến, thay đổi hình thức cũng là những tiến bộ về kĩ thuật đáng khích lệ giúp cho lụa có tiếng nói mới. Cách làm này, tranh không cần bồi biểu, tránh cho mặt tranh bị lì đi, hoặc bị ẩm mốc và hỏng dần theo thời gian vì lí do thời tiết, bảo vệ cho bức tranh lâu bền và mặt tranh sinh động. Nói chung về cách nhìn và kĩ thuật cũng có vài chút xê dịch và đang ở giai đoạn tìm hiểu thể nghiệm để khẳng định. Chưa thể nói đó là cái mới thực sự. Chỉ có thể đây là những sáng tác đang tìm cách hướng tới thị trường tiêu thụ, cần tốc độ, do vậy mà sự tâm huyết cho từng bức tranh còn có những hạn chế. Nghĩa là đầu tư ngắn, nhanh hiệu quả về ngân sách. Nhưng dầu sao thì sự tâm huyết quay trở về của một một nhóm họa sĩ với chất liệu truyền thống này là rất đáng trân trọng và khích lệ. Rồi thị trường sẽ điều tiết nó trên những bước kế tiếp.

Xin nói thêm, dù cách gì thì kĩ thuật cũng chỉ giúp cho hấp dẫn lên. Để có được tác phẩm tốt, điểm mấu chốt là người vẽ có giữ được cảm xúc trên mặt tranh không, có truyền cảm xúc đến được người xem không. Vẽ là cái đầu chứ không phải chỉ bàn tay! Nếu quá ỷ lại vào kĩ thuật đến giới hạn nào đó tranh sẽ bị trơ, khô, nông và nhạt. Còn khéo quá lại trượt sang mĩ nghệ thì cũng là điều cần lường trước. Kĩ thuật không bao giờ gánh trọn được giá trị của tác phẩm, mà nó chỉ làm cho khả năng biểu cảm của tác giả đạt mức cao nhất với đề tài mình lựa chọn. Cái đầu mới là quyết định.

Uống Trà Thôi
Theo daidoanket.vn
Tranh lụa những bước thăng trầmTranh “Chơi ô ăn quan” của Nguyễn Phan Chánh
Tranh lụa những bước thăng trầmTranh lụa của họa sĩ Vũ Đình Tuấn.
Tranh lụa những bước thăng trầmTranh lụa của Nguyễn Phan Chánh.
Tranh lụa những bước thăng trầm“Vỡ mộng” của Tô Ngọc Vân.
0 0 5,959 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Họa sĩ bị trộm nhiều tranh nhất thế giới
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2831 09:13, 29/08/2023
0 0 2,813 0.0
Tổng số tranh của Picasso bị đánh cắp hơn 1.000 bức, nhiều tác phẩm vẫn chưa được tìm thấy.

Pablo Picasso nổi tiếng với câu nói "Những nghệ sĩ giỏi vay mượn, những nghệ sĩ vĩ đại ăn cắp" ẩn ý về sự trùng hợp giữa các tác phẩm nghệ thuật. Ngoài đời thực, theo Art Loss Register, ông là họa sĩ bị trộm tranh ...
6 kiệt tác để đời của họa sĩ Tây Ban Nha lừng danh Francisco Goya
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2826 09:49, 25/08/2023
0 0 3,209 0.0
Ngày nay, Francisco Goya được biết đến là một trong những cây cọ có tầm ảnh hưởng lớn nhất của hội họa thế giới. Tên tuổi của ông gắn liền với chủ nghĩa Lãng mạn, một trào lưu nghệ thuật xuất hiện khoảng cuối thế kỷ 18. Goya được mệnh danh là một “Old Master” (thuật ngữ dùng để chỉ những họa ...
Chuyện một bức tranh treo ngược
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2822 09:31, 22/08/2023
0 0 3,228 0.0
Một bức tranh từng được trưng bày tại nhiều viện bảo tàng hóa ra đã bị treo ngược suốt 75 năm nay không ai phát hiện.

Bức tranh của họa sĩ trừu tượng người Hà Lan Piet Mondrian thực hiện năm 1941 được trưng bày lần đầu năm 1945 tại New York, sau đó hiện diện thường trực tại bộ sưu tập mỹ thuật của bang ...
Hình ảnh loài Dê trong hội họa
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2817 09:29, 18/08/2023
0 0 3,450 0.0
Loài dê đã xuất hiện trong rất nhiều các tác phẩm hội họa của phương Đông và phương Tây với nhiều sắc thái khác nhau, phản ánh những quan niệm văn hóa khác nhau.

Bức “Các nữ thần và thần Pan” của họa sĩ người Pháp William-Adolphe Bouguereau, được vẽ năm 1873. Bức vẽ khắc họa các nữ thần đang tắm bên ...
Không yêu hội họa, cũng phải biết bí mật của 10 bức tranh nổi tiếng này
Team Uống Trà Thôi KIẾN THỨC
2813 13:25, 15/08/2023
0 0 3,236 0.0
Trên thế giới, chỉ có rất ít tác phẩm hội họa đạt được danh tiếng lớn ở tầm quốc tế, khiến công chúng dù không am hiểu hay đam mê hội họa vẫn phải biết tới.

Dưới đây là những tác phẩm đã đạt tới mức độ nổi tiếng như thế, dựa trên mức độ tìm kiếm thông tin của người dùng Internet trên các ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!