LÊ ĐẠI CHÚC – Chân dung Nguyễn Gia Trí. 2008. Sơn dầu
Bố tôi – thi sĩ Lê Đại Thanh là bạn học ngồi cùng bàn với bác Nguyễn Gia Trí hồi còn học tiểu học và trung học thời Pháp thuộc. Bố tôi kể: “Ngay hồi đó, tới giờ vẽ bố chỉ vẽ được một con mèo, trong khi đó ông ấy đã vẽ minh họa được truyện ‘Con yêu râu xanh’. Tranh được treo ở trường. Một thời gian sau có một phái đoàn Nhật Bản tham quan trường, thấy họ thích quá, nhà trường tặng họ mang về Nhật Bản”.Một lần thi sĩ Xuân Diệu nói với bố tôi: “Trong khi Tô Ngọc Vân còn đang cưỡi xe đạp trên đường thì Nguyễn Gia Trí đã cưỡi máy bay trên trời rồi !”
Một nhà thơ, đạo diễn kịch (tôi không còn nhớ rõ tên) có lần nói với tôi: “Bác lúc đầu cũng định làm họa sĩ đấy chứ, nhưng chỉ nhìn thấy một minh họa trên báo của Nguyễn Gia Trí bác liền nhận ra ngay cả đời bác cũng không thể vẽ được như thế, thế là bác bỏ mộng làm họa sĩ, chuyển sang làm thơ, làm kịch !”
Nói thế để thấy ngay lúc còn trẻ bác Trí đã được những người “có mắt xanh” tâm phục khẩu phục. Hữu xạ tự nhiên hương !
Khoảng 1953 – 1954 bác Trí vào Nam. Tuy sống ở Sài Gòn nhưng bác coi thường chính quyền lúc đó. Vì vậy khi chính quyền của Ngô Đình Diệm mời bác, không nhớ rõ là mời làm thầy giáo dạy sơn mài hay làm hiệu trưởng Trường Mỹ thuật – bác đã từ chối. Họ bèn đề nghị cho họ cử sinh viên đã học xong khoa sơn mài tới xưởng của bác học và làm tiếp, đến khi nào bác thấy được họ mới cấp bằng tốt nghiệp, bác cũng từ chối. Bác nói với tôi: “Làm sao đám trẻ nó hiểu được mình mà dạy!”
Tôi nói với bác: “Nhưng mà như thế thì quá thiệt thòi cho tranh sơn mài của nước nhà. Tinh hoa sơn mài Việt Nam mất đi những gì cao quý, tế nhị nhất !” Bác Trí nói: “Bác cũng đã nghĩ tới chuyện đó rồi !”
Chuyện đó là như thế này. Thời đó (không nhớ năm nào) chính quyền Sài Gòn quyết định xây dựng Thư viện Quốc gia, để trang trí thư viện, họ đặt bác Trí 3 bức tranh sơn mài khổ lớn. Bác Trí đã đem hết tâm huyết, tình cảm và tay nghề bậc thầy gửi gắm vào 3 tuyệt phẩm này. Có lần tôi nói với bác: “Cháu đã xem rất kỹ 3 bức tranh này, cháu thấy 3 bức hoàn toàn khác nhau, từ đề tài, phong cách lẫn kỹ thuật mà bức nào cũng tuyệt diệu, đặc biệt là bức trừu tượng, cháu còn mê hơn cả tranh của Pollock. Nhưng cháu thấy họ treo cao quá, xem cứ phải ngẩng đầu lên”.
Bác nói: “Cháu nói phải đấy, bác không dạy học trò trực tiếp nhưng bác vẽ 3 bức tranh này coi như là 3 quyển tự vị về sơn mài, ai muốn học sơn mài thì tới đấy mà học. Vì vậy đáng lẽ họ phải để 3 bức tranh trong 3 tủ kính để người học dễ coi !”
Để đề phòng, khi ký hợp đồng vẽ tranh bác Trí yêu cầu có khoản, đại ý: Ba bức tranh này được vẽ chỉ để trang trí cho Thư viện Quốc gia, không dùng cho bất kỳ mục đích nào khác. Quả đúng như bác phòng xa, sau đó có một triển lãm quốc tế tổ chức tại Tokyo – Nhật Bản, chính quyền Sài Gòn dự định mang 3 bức tranh này đi tham dự, bác phải nhờ luật sư đưa ra hợp đồng đã ký để không cho mang đi.
Bác nói với tôi: “Nó mang đi triển lãm được giá cao là chúng nó bán ngay, còn lạ gì chúng nó !”
Có lần tôi hỏi bác Bùi Xuân Phái: “Trong 3 bức đó bác thích bức nào ?”
Bác Phái bảo: “Cả 3 bức đều tuyệt, nhưng tôi thích nhất bức Trừu tượng !”
Còn anh Nguyễn Sáng thì lại nói: “Anh thấy bức có cô gái vỗ trống được !” Với anh Nguyễn Sáng thì với bất kể tuyệt phẩm nào anh cũng chỉ coi là được thôi. Còn họa sĩ Lưu Công Nhân thì nói lại với tôi: “Tôi nhờ họa sĩ Thái Tuấn đưa đến thăm cụ Trí, tôi hỏi cụ: Thưa cụ, vẽ sơn mài mà làm sao cụ lại vẽ được nét đen nhỏ như nét bút máy thế ạ ? Cái anh Việt cộng này chỉ hay tò mò. Ông ấy trả lời như thế đấy.”
Thời ấy, vẽ sơn mài bác Trí phải dùng sơn Campuchia (sơn Nam Vang), vàng bạc của Nhật Bản, hàng về cảng Sài Gòn có khi giao chậm trễ, có khi thất lạc, bác Trí phàn nàn chuyện này với mấy người bạn, các ông này lại quen với mấy ông làm dưới trướng Ngô Đình Diệm, thế là mấy ông này thưa chuyện với ông Diệm. Ông Diệm cho tùy tùng gửi một công văn cho giám đốc cảng Sài Gòn yêu cầu hàng của hoạ sĩ Nguyễn Gia Trí phải được giao sớm nhất, đầy đủ nhất.
Có một lần, bác Trí tổ chức triển lãm tranh ngay tại nhà bác ở, vì sàn nhà xấu nên bác mượn một số chiếu cói và thảm cũ của bạn bè để trải sàn.
Về sau tôi hỏi bác: “Sao bác không triển lãm ở nhà triển lãm mà lại ở nhà ?”
Bác bảo: “Nếu triển lãm tại bảo tàng hay nhà triển lãm thì thế nào thằng Bộ trưởng Bộ Văn hóa cũng đòi cắt băng khai mạc, mà nó thì hiểu biết gì về hội họa mà đòi cắt băng !”
Biết bác Trí là thiên tài sơn mài và biết bác mở triển lãm tại nhà, đệ nhất phu nhân Trần Lệ Xuân gọi điện thoại tới báo ngày giờ Lệ Xuân và Ngô Đình Nhu tới xem. Tới hẹn vợ chồng Lệ Xuân tới. Thấy vài người đang xem tranh, Lệ Xuân nói: “Sao lại vẫn có người xem là thế nào, tôi đã báo trước là không để một ai ở đây cơ mà ?”
“Họ là bạn tôi, vả lại ông Đại sứ Mỹ cũng vừa ở đây về xong!” – bác Trí trả lời.
Lệ Xuân lại nói: “Sao không để vài chiếc ghế ở đây mà ngồi?”
Bác trả lời: “Xem tranh không ai ngồi cả!”
Thế là Lệ Xuân im tới lúc về.
Họa sĩ Tạ Tỵ cũng đến xem, ông tính xem lâu nên nói với bác Trí gái: “Chị cho em ăn cơm trưa với, em xem cả ngày !”
Những người ngoại quốc yêu hội họa khi tới Sài Gòn thường nói với nhau: “Đến Sài Gòn mà chưa gặp và xem tranh Nguyễn Gia Trí là chưa tới Sài Gòn !”
Thời đó các phái đoàn ngoại giao của Ngô Đình Diệm rồi Nguyễn Văn Thiệu mỗi lần đi công du nước ngoài đều phải có tranh của bác Trí để làm quà cho các nguyên thủ quốc gia.
Bác Trí gái kể: “Có lần họ tới mua tranh nhưng lại muốn mua chịu, trả tiền sau. Tôi nói với họ: Tôi nghe nói Bộ Ngoại giao các anh có cả quỹ đen cơ mà. Về lấy quỹ đen ra mà mua, không bán chịu !” Thế là mấy ngày sau họ cũng mang đủ tiền đến mua.
Bác Nguyễn Gia Trí có anh ruột là bác Nguyễn Gia Tường, thầy giáo tại trường Bưởi và em là Nguyễn Gia Đức, kiến trúc sư. Bác Tường dạy cả bác Trí và bố tôi. Bố tôi sinh năm 1907, năm 1979 lúc đó bố tôi đã 72 tuổi. Tôi và bố tôi tới thăm bác Trí, gặp bác Tường, bố tôi gọi bác Tường là thầy, xưng con. Còn trong thư bác Trí gửi bố tôi thì bác Trí viết: “Thế thì có lẽ huynh hơn tôi một, hai tuổi gì đó !” (bác Trí sinh 1908). Thời xưa các cụ lễ phép, lịch sự và tử tế như vậy đấy. Có một thời bác Nguyễn Gia Tường tới ở với bác Nguyễn Gia Trí, con của bác Tường hỏi bác: “Sao bố không ở với chúng con mà lại ở với chú Trí?” Bác Tường trả lời: “Ở với chú Trí bố còn có chuyện để nói, ở với các con bố biết nói chuyện gì ?”
Bác Trí có một thời gian ngắn vẽ sơn dầu, không hiểu sao bác lại phải sang tận Hong Kong vẽ phong cảnh. Bác thuê một người bản xứ xách đồ, vẽ vài bức thấy chưa hay, bác cho người xách đồ với cả mấy bức tranh rồi trở về Việt Nam.
Có lần tôi hỏi bác: “Sao bác không vẽ sơn dầu mà ngay từ đầu bác chỉ vẽ sơn mài ?”
“Vẽ sơn dầu tôi học ai ? Sơn mài còn có truyền thống mà học chứ ! Sơn dầu lại có quá nhiều màu. Mở một hộp sơn dầu ra hoa cả mắt, không biết bắt đầu bằng màu nào, thêm nữa khí hậu ngoài Bắc ẩm thấp, sơn dầu dễ bị mốc”- bác Trí trả lời.
Bác Trí là người nghiêm túc, đạo đức trong cuộc sống. Đôi lúc nghiêm túc đến mức cực đoan. Có một ông lần đầu đặt bác vẽ một bức tranh có chủ đề về Chúa Jesuss. Một thời gian sau, ông ấy lại tới đặt bác vẽ một bức tranh có chủ đề vể Đức Phật.
Bác Trí bảo: “Ô cái ông này lạ nhỉ ! Thờ ai thì thờ một người thôi chứ, lần trước ông đặt vẽ tranh Chúa Jesus tôi tưởng ông là người Thiên chúa giáo nên mới vẽ, bây giờ ông lại đặt vẽ Đức Phật, ông là cái loại đạo gì vậy, tôi không nhận vẽ đâu !”
Trước khi bác Trí mất vài tháng, bác bị bệnh khó thở, mỗi lần tới thăm tôi thấy bác nằm nhắm mắt và thở dốc. Tôi là người tuyệt đối tin vào định mệnh, tin vào linh hồn bất tử, tin vào tái sinh luân hồi, thần giao cách cảm và các điều huyền bí mà khoa học không bao giờ hiểu được. Hồi đó tôi đang tập thể hình với lực sĩ Lý Đức, người rất khỏe, năng lượng dồi dào, tay luôn ấm nóng, tôi nắm tay bác Trí và khấn thầm: “Mong Trời Phật chuyển sức sống của con sang bác và bác chuyển tài năng cho con !”
Chắc là lời cầu xin của tôi được chấp nhận nên sau khi bác Trí mất, tôi vẽ 6 bức chân dung bác thì tất cả đều được các nhà sưu tập trong và ngoài nước lưu giữ cả, trong đó có cả 1 bức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 1 bức tại Bảo tàng Đức Minh, 1 bức thuộc một lâu đài trên Đà Lạt, 1 bức thuộc bộ sưu tập tư nhân Mỹ, 1 bức thuộc sưu tập tư nhân Hà Nội và 1 bức được Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam in trong sách Mỹ thuật và Âm nhạc dạy các cháu học sinh trung học vẽ chân dung như thế nào. Bức tranh này vinh dự được in cạnh bức danh hoạ “Em Thúy” của Trần Văn Cẩn.
Một buổi sáng, anh Nguyễn Gia Tuệ con trai bác Trí tới nhà tôi báo tin: “Bố em mới mất sáng nay, mẹ em bảo chỉ báo cho anh Chúc và anh Bùi Quang Ngọc. Bố mẹ em quý hai anh nhất !”
Tôi theo Tuệ đến nhà bác Trí ngay. Một lúc sau họa sĩ Bùi Quang Ngọc cũng tới, anh Ngọc bảo tôi: “Ông che cho tôi để tôi ghi lại hình ảnh cụ lần cuối!” Anh dùng bút bi ký họa (tôi không nhớ là trên giấy hay bao thuốc lá). Tôi cùng người nhà đòn quấn bác vào vải liệm rồi đặt bác vào áo quan, trong hòm đã trải một lớp trà khô.
Có một lần nói chuyện với bác Trí, ngoài việc ca ngợi tranh của bác, tôi cũng ca ngợi sự nhìn xa trông rộng của bác trong nhiều lĩnh vực khác.
“Tôi là Nhà tiên tri!” – bác Trí trả lời.
Uống Trà Thôi
Theo tạp chí mỹ thuật - Lê Đại Chúc