/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Chén trà nhân loại

1647 15:33, 16/03/2022
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT

( từ)

Chén trà nhân loại
Chén trà nhân loại

Trà nguyên thủy là một thứ thuốc sau biến dần thành một đồ uống. Ở Trung Hoa, vào thế kỷ thứ tám, uống trà được coi là một thú tiêu khiển thanh lịch trong giới thi nhân. Đến thế kỷ thứ mười lăm, Nhật Bản nâng cao giá trị của Trà lên thành một tôn giáo của chủ nghĩa thẩm mỹ, tức là Trà Đạo. Trà Đạo là một đạo lập ra để tôn sùng cái đẹp trong những công việc tầm thường của cuộc sinh hoạt hàng ngày. Nó là nghi thức của đức tinh khiết và sự hòa hợp; nó làm cho người ta cảm thấy sự huyền bí của lòng hỗ tương nhân ái và ý nghĩ lãng mạn của trật tự xã hội. Bản chất của Trà Đạo là sùng bái sự "Bất Hoàn Toàn", vì trong cái bất khả năng mà chúng ta đều biết là nhân sinh thế sự này có cái gì có thể làm được thì Trà Đạo luôn luôn cố gắng hoàn thành cho bằng được.

Triết lý của Trà không phải chỉ là một chủ nghĩa thẩm mỹ đơn giản theo ý nghĩa thông thường của nó, vì triết lý này, cùng với luận lý và tôn giáo biểu thị tất cả quan niệm của chúng ta về con người và tạo hóa. Nó là khoa vệ sinh, vì nó bắt buộc phải tinh khiết, nó là khoa kinh tế, vì nó chứng tỏ rằng an lạc là do sự giản dị nhiều hơn là do ở sự phức tạp và tổn phí mà ra; nó là một thứ kỷ hà học (*) về tinh thần, vì nó minh định ý niệm về sự cân xứng của ta đối với vũ trụ. Sau chót, Trà Đạo tiêu biểu cho tinh thần dân chủ thực sự của Á Đông, vì nó đã khiến cho tất cả những người tôn sùng Trà Đạo thành những bậc thẩm mỹ quý phái.

Cái thế cô lập từ ngàn xưa của nước Nhật Bản đối với toàn thể thế giới, cái thế đã thúc đẩy người ta đến chỗ nội tỉnh nghĩa là tự xét mình, đã giúp cho Trà Đạo phát triển mạnh vô cùng. Nhà cửa, tập quán của chúng tôi, cách phục sức, cách nấu ăn, đồ sơn, đồ sứ, đồ vẽ - ngay chính nền văn học của chúng tôi - tất cả đã chịu ảnh hưởng của Trà Đạo. Người đã nghiên cứu về Văn hóa Nhật Bản, không ai là không biết đến Trà Đạo. Nó đã thấm nhuần vào vẻ thanh nhã của những khuê phòng cao quý, cũng như nó đã thâm nhập vào những nơi nhà tranh vách đất nghèo nàn. Nó đã dạy cho nông dân nước chúng tôi biết cách trưng bày hoa, nó dã dạy cho công nhân thấp kém nhất nước Nhật biết coi trọng những hòn đá, khe nước. Theo lối nói thông thường, ta vẫn gọi những người hờ hững đối với những tấn kịch nửa trang nghiêm nửa hài hước của chính mình là những kẻ "thiếu hơi trà". Và ta lại chê trách những nhà thẩm mỹ thô lỗ bất chấp những thảm kịch của thế gian, để mặc cho mình chuồi theo nguồn cám xúc không kiềm chế, không chừng mực, là những kẻ "quá dư hơi trà".

Người ngoại cuộc chắc thế nào cũng không khỏi ngạc nhiên về cái lối "kiểu cách bày vẽ" ra cho nhiều mà chẳng đi tới đâu ấy. Họ sẽ bảo: "Trong một chén trà sao mà lắm phong ba bão tố đến thế!". Nhưng nếu chúng ta nhận thấy chén vui của nhân gian bé nhỏ như thế nào, mau chóng đầy tràn nước mắt thế nào, và trong cơn khát vọng cái "vô biên vô hạn", chúng ta đã dễ dàng uống cạn chén trà như thế nào, thì chắc chắn chúng ta sẽ không tự trách mình đã bày vẽ lắm chuyện vì chén trà Nhân loại đã tồi tệ hơn. Thờ "Tửu Thần Bacchus", chúng ta đã hy sinh quá trớn, chúng ta lại còn biến đổi cả hình dạng đẫm máu của "chiến Thần Mars" nữa. Tại sao ta không tự hiến thân cho "Camelia nữ vương" và đắm mình tiêu khiển trong dòng suối thân ái ấm áp chảy tự trên ban thờ Nữ vương xuống? Trong chất nước màu hổ phách đựng trong chiếc chén sứ màu trắng ngà, những người đã gia nhập Đạo rồi có thể thưởng thức đức trầm mặc hiền từ của Khổng Tử, tính chua chát của Lão Tử, và hương thơm cao quý của chính Thích Ca Mâu Ni.

Những người không tự cảm thấy được cái bé nhỏ trong những công việc to tát của chính mình, rất có thể sơ suất không nhận thấy được cái to tát trong những công việc bé nhỏ của người khác. Bất cứ một người Tây phương trung lưu nào, sống trong cảnh êm đềm tự túc tự mãn, cũng đều không thấy trong nghi thức dùng Trà có gì khác hơn là một trường hợp của ngàn lẻ một những việc kỳ dị đã tạo thành cái tính kỳ cục và trẻ con của Đông phương. Thấy Nhật Bản chỉ ham chuộng những nghệ thuật tao nhã của hòa bình, họ quen coi Nhật Bản như một nước lạc hậu: nhưng từ khi Nhật Bản bắt tay vào cuộc tàn sát trên chiến trường Mãn Châu, thì họ lại gọi Nhật Bản là một nước văn minh. Sau lại còn không biết bao nhiêu lời bình luận về Quy luật của "Võ sĩ Đạo", cái "Nghệ Thuật Chết" của quân nhân Nhật Bản, vui vẻ tự hi sinh tính mệnh; nhưng người ta ít chú ý đến Trà Đạo, cái đạo tiêu biểu rất nhiều cho "Nghệ Thuật Sống" của chúng tôi. Nhờ vào cái vinh dự đáng ghê sợ của chiến tranh mà được tiếng là văn minh, như vậy thà chúng tôi cam chịu là thô lậu còn hơn, thà chúng tôi đợi đến lúc nghệ thuật và lý tưởng của chúng tôi được người ta hiểu biết đến mà đương nhiên tôn kính còn hơn.

Biết đến bao giờ Tây phương mới chịu hiểu hoặc tìm hiểu Đông phương? Chúng tôi vốn rất sợ cái màng lưới kỳ cục thiên hạ đã thêu dệt ra về chúng tôi bằng những sự kiện và những chuyện bịa đặt hão huyền. Nếu họ không bảo chúng tôi sống cùng chuột với dán, thì họ lại tưởng tượng chúng tôi sống bằng hương sen. Chúng tôi là một giống hoặc cuồng tín, bất lực, hoặc dâm đãng ti tiện. Họ đã cười thuyết duy linh của Ân Độ dốt nát, đức khiêm nhượng của Trung Hoa là ngu xuẩn, lòng ái quốc của Nhật Bản là kết quả của thuyết túc mệnh. Họ còn cho rằng chúng tôi vì thần kinh hệ trì độn nên cảm xúc đau thương.

Tại sao chư vị không đem chúng tôi ra mà làm trò vui? Á Đông chúng tôi xin đáp lễ lại. Nếu chư vị biết chúng tôi đã nghĩ những gì, đã viết; những gì về chư vị, chắc chư vị còn vui cười hơn nữa. Tất cả cái sức quyến rũ của viễn cảnh là ở đó, tất cả lòng cảm phục một cách vô ý thức những cái kỳ ảo, tất cả lòng oán hận một cách thầm lặng những cái mới lạ và vô định là ở đó mà ra. Người ta gán cho chư vị những đức tính quá cao thượng không ai có thể đố kỵ được, và buộc cho chư vị nhiều tội ác quá đẹp không ai có thể trách cứ được. Văn nhân của chúng tôi ngày xưa - những nhà hiền triết, bác học - đã kể cho chúng tôi nghe rằng chư vị có một cái đuôi xù giấu đâu ở trong quần áo, và chư vị thường ăn thịt trẻ sơ sinh! Chúng tôi đối với chư vị còn một điều này tệ hơn nữa là: chúng tôi vẫn thường nghĩ rằng chư vị là giống người kém thực tế nhất trần đời, vì người ta bảo chư vị chỉ thuyết giáo mà không bao giờ thực hành.

Rất may là những điều hiểu lầm như vậy ở chúng tôi đã tiêu tan nhanh chóng. Việc thương mại đã bắt buộc phải dùng những thứ tiếng Âu châu trên các hải cảng Á châu. Thanh niên Á châu đổ xô đến các trường đại học Tây phương để hấp thụ nền giáo dục cận đại. Tuy chúng tôi chưa thấu hiểu sâu xa nền văn hóa của chư vị, nhưng ít ra chúng tôi cũng có thiện chí muốn học hỏi. Biết bao nhiêu đồng bào của chúng tôi đã theo đòi quá nhiều những tập quán và quá nhiều những lễ nghi của chư vị, họ nhầm tưởng rằng đeo cổ áo cứng và đội mũ lụa cao nòng là thâu hiểu ngay được nền văn hóa của chư vị. Thực đáng thương mà cũng đáng trách cho những kiểu cách ấy, nhưng dẫu sao thì nó cũng chứng tỏ rằng chúng tôi đã hạ mình xuống tiếp cận với nền văn minh của chư vị. Không may thái độ của Tây phương lại thờ ơ đối với sự lý giải của Đông phương. Hội truyền giáo Cơ Đốc sang nước chúng tôi để cấp phát chứ không phải để lãnh thụ. Sự hiểu biết của chư vị, nếu không căn cứ vào những giai thoại không đáng tin của những khách lữ hành, thì chỉ căn cứ vào dăm ba bài dịch thuật nghèo nàn của cả một nền văn hiến bao la rộng rãi của chúng tôi. Ít khi mà ngòi bút hào hiệp vô tư của một Latcadio Heam hay của một nhà văn như tác giả cuốn Vận Mệnh Ấn Độ (The Web of Indian Lite) soi sáng vào khoảng âm u của Á Đông bằng ngọn đuốc cảm tình của chính chúng tôi.

Nhưng nói thẳng ra như vậy, rất có thể tôi lại phô cái dốt của mình ra về Trà Đạo. Chính cái tinh thần văn nhã của Trà Đạo bắt buộc chỉ được nói ra những điều người-ta trông chờ muốn nghe ở mình mà thôi, chứ không được nói gì hơn. Song tôi lại không phải là một tay Trà Đạo văn nhã. Sự hiểu lầm lẫn nhau giữa hai thế giới Tân và Cựu đã gây ra biết bao nhiêu sự tổn thương, thiết tưởng khi người ta làm được một việc gì - dẫu cỏn con đến đâu đi nữa - mà giúp ích thêm được cho sự thông cảm của đôi bên thì người ta cũng chẳng cần phải biện giải làm gì. Nếu nước Nga chịu hạ cố tìm hiểu nước Nhật hơn thì có lẽ đã tránh dược cảnh chiến tranh đẫm máu kinh khủng ở đầu thế kỷ hai mươi. Sự khinh thường không thèm hiểu biết đến những vấn đề Á Đông có những kết quả tai hại cho nhân loại không thể nói được! Đế quốc chủ nghĩa Âu châu lo sợ hồ đồ la lên mấy tiếng "Họa Da Vàng", đã quên không nghĩ rằng Á châu cũng có thể thấu hiểu được ý nghĩa thâm hiểm của cái "Họa Da Trắng". Chư vị có thể cười chúng tôi “dư quá nhiều hơi trừ", vậy sao chúng tôi lại không thể ngờ rằng trong thể chất của chư vị Tây phương "thiếu hơi trà"?

Chúng ta hãy ngăn các lục địa đừng châm chích nhau nữa, và chúng ta nên vì sự hỗ tương lợi ích của hai bán cầu mà xử sự khôn ngoan hơn, nếu không thì thực đáng buồn. Chúng ta đã phát triển theo những chiều hướng khác nhau, nhưng không vì lý do gì cái nọ lại không bổ túc cho cái kia. Chư vị đã bành trướng thắng lợi nhờ có sự thiếu ổn cố; còn chúng tôi thì tạo ra một sự điều hòa nhưng không đủ sức chống lại xâm lăng. Chư vị có tin không? - Đông phương có một vài điểm hơn hẳn Tây phương!

Lạ một điều là nhân loại mãi vẫn chưa gặp nhau ở chén trà! Đó là cái nghi thức Á Đông duy nhất làm cho toàn thế giới kính mến. Người da trắng đã nhạo báng tôn giáo và luân lý của chúng tôi, nhưng họ đã không rụt rè chấp nhận cái món đồ uống sắc nâu vàng lúa chúng tôi. Tiệc trà buổi xế trưa, ngày nay đã thành một nghi thức quan trọng trong đời sống xã hội Tây phương. Trong những tiếng khay chén khe khẽ va chạm nhau, trong những tiếng áo quần sột soạt dịu dàng của các bà các cô khoản đãi khách, trong những lời thăm hỏi ứng đáp thông thường về kem, về đường, chúng tôi biết lòng "Sùng Bái Trà" của người ta đã được chứng minh qua rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa. Đức tính cam chịu một cách rất triết lý của khách về cái số phận đương chờ dợi mình ở trong chất nước trà chẳng biết mùi vị ra sao, nói lên cho người ta thấy rõ rằng tinh thần Đông phương đã nghiễm nhiên ngự trị trong lúc đó.

Nghe nói người ta tìm thấy tại Âu châu bản văn đầu tiên viết về trà. Chuyện của một du khách người Ả Rập kể lại rằng sau năm 879 mấy nguồn lợi chính của Quảng Đông là thuế đánh vào muối và trà. Marco Polo có ghi chép chuyện một vị Hộ bộ đại thần Trung Hoa năm 1285 bị cách chức vì đã chuyên quyền tự ý tăng thuế trà lên. Chính ở vào thời đại đại phát hiện, Âu Tây bắt đầu hiểu biết thêm về Á Đông. Vào cuối thế kỷ thứ mười sáu, người Hòa Lan truyền đi cái tin ở Đông phương có loại thức uống làm bằng một thứ lá cây rất ngon. Các nhà du lịch Giovanni Batista Ramusio (1559), L.Almeida (1576), Maffeno (1528), Tareira (1610), cũng nói đến trà. Trong năm cuối cùng kể trên, thương thuyền của Hòa Lan Đông Ấn Độ Công ty đem những lá trà đầu tiên về Âu châu. Trà được nước Pháp biết đến năm 1636, và lọt vào nước Nga năm 1638. Năm 1650, nước Anh hoan nghênh trà và khi nói đến trà thì ca ngợi coi là "một món đồ uống ngon tuyệt, tất cả các y sĩ đều tán thành món đồ uống Trung Hoa, mà người Trung Hoa gọi là trà, các nước khác thì gọi là tê (thé) hay ti (tea)".

Cũng như tất cả những cái gì tốt đẹp ở trên đời, việc cổ xúy trà không tránh khỏi gặp sự phản đối. Những vị giáo đồ như Henry Saville (1678) tố cáo việc uống trà là một tập quán thô tục. Jonas Hanway (trong cuốn Trà Luận, 1756) cho rằng thói uống trà làm cho đàn ông thì mất hết tài cán và phong độ, còn đàn bà thì mất hết sắc đẹp. Buổi đầu, giá trà rất đắt (khoảng mười lăm, mười sáu siu-linh một poong) khiến cho trà không thể thành một món thông dụng mà chỉ là "một món cao sang thượng đẳng dùng để khoản đãi trong những bữa tiệc long trọng, tặng phẩm dành riêng cho hoàng gia quý phái". Tuy gặp những cản trở như vậy, tập quán uống trà phát triển mau lẹ không thể tưởng tượng dược, trong nửa đầu thế kỷ thứ mười tám, những quán cà phê ở London, trên thực tế, đã biến thành những phòng trà, nơi hẹn hò của những bậc anh tài như Addison và Steele, tiêu khiển bên những "món trà”. Chẳng bao lâu, trà trở thành một món cần thiết cho đời sống sinh hoạt - một món có thể đánh thuế được. Nhân đây, chúng tôi cũng xin nhắc qua về vụ Trà đã tham dự một phần hết sức quan trọng trong lịch sử hiện đại. Thuộc địa Mỹ cam chịu áp chế cho đến khi sức nhẫn nhục của con người phải nổi dậy trước những khoản thuế quá nặng đánh vào Trà. Nền độc lập của Mỹ bắt đầu từ ngày người ta quẳng những thùng trà xuống hải cảng Boston.

Hương vị Trà có sức quyến rũ làm cho người ta say mê không thể chống đối lại và đặc biệt là có thể lý tưởng hóa được. Vì thế cho nên những nhà văn u mặc hoạt kê Tây phương đã không chậm trễ đem pha trộn ngay cái hương khí tư tưởng của họ với hương vị của trà.

Trà không có cái tính chất tự tôn xằng như của rượu, tự ý thức như của cà phê, hay ngây thơ khờ khạo như của ca cao. Ngay năm 1711, tờ Bàng Quan Nhật Báo (The Spectator) đã nói: "... Vì vậy cho nên tôi muốn đặc biệt trình bày và tiến dẫn những điều suy luận này của tôi với tất cả những gia đình mà công việc nội trợ khéo điều hòa, biết dành ra, một buổi sáng, một tiếng đồng hồ để dùng trà, bánh và bơ; và tha thiết khuyên họ hãy vì sự lợi ích của bản thân, đòi hỏi cho bằng được tờ nhật báo này gửi đến thật đúng giờ và coi nó như một bộ phận của bộ đồ trà". Samuel Johnson tự tả chân dung mình là "một tay uống trà ngoan cố và vô sỉ, trong hai mươi năm trời chỉ chan thức ăn với nước của thứ lá mê ly tuyệt vời ấy; một tay lấy trà để tiêu khiển chiều hôm, lấy trà để giải muộn đêm khuya, và lấy trà để đón mừng buổi sáng".

Charles Lamb, một tín đồ công nhiên của Trà Đạo, đã định đúng nghĩa hai chữ Trà Đạo khi viết rằng cái cảm khoái nhất đời ông là lén làm một điều thiện rồi ngẫu nhiên bị lộ. Vì Trà Đạo là nghệ thuật che giấu cái đẹp mà người ta có thể khám phá ra được, và gợi ra những điều mà tự mình không dám tiết lộ. Nó là cái pháp ảo diệu cao quý tự cười mình, tuy bình tĩnh nhưng rất đáo để, và cũng vì thế mà nó chính là "u mặc" - cái cười của triết học. Tất cả những u mặc giachân chính theo ý nghĩa đó có thể gọi là "trà triết gia" - chẳng hạn như Thackeray, và đương nhiên, Shakespeare. Những thi sĩ của Thời kỳ Đồi Phế (The Decadence) - lúc nào mà thế giới này chẳng đồi phế? - trong những kháng nghị chống vật chất chủ nghĩa, cũng đã mở đường khai lối cho Trà Đạo đến một trình độ nào. Rất có thể ngày nay, nhờ có suy nghĩ chín chắn về sự Bất Hoàn Toàn (The imperfect) mà Đông và Tây có thể gặp nhau trong một niềm an ủi lẫn nhau.

Các tín đồ Đạo Giáo thuật lại rằng ngay từ lúc sơ kỳ của "Vô Thủy" (No-Beginning), Tâm và Vật (Spirit and Matter) đã gặp nhau trong một trận tử chiến. Mãi sau Hoàng đế, Thiên Thượng Thái Dương, mới chiến thắng được Chúc Dung, thổ địa và hắc ám tà thần. Tà thần, trong lúc hấp hối, đập đầu vào Thiên Khung Lung làm cho vòm ngọc bích tan ra từng mảnh. Các vì sao thì mất ổ, trăng thì lang thang vô định trong những hang sâu vực thẳm hoang lương của đêm tối. Tuyệt vọng, Hoàng đế cho đi khắp bốn phương tìm người tu sửa Thiên Cung. Ngài không đến nỗi mất công vô ích, ở ngoài Đông Hải nổi lên một vị Nữ hoàng, tức là thần Nữ Oa, đầu sừng, đuôi rồng, mình mang hỏa giáp chói lọi. Bà đem hàn năm sắc của cầu vồng trong chiếc nồi thần của bà và kiến tạo lại vòm trời Trung Hoa. Nhưng người ta cũng kể lại rằng Nữ Oa đã bỏ quên không bịt hai kẽ nứt nhỏ của vòm trời xanh: Do đó phát minh ra nhị nguyên tính của tình ái - một đôi linh hồn cứ lăn tròn trong không gian không lúc nào ngừng mãi cho đến khi cả đôi hợp lại với nhau để hoàn thành Vũ trụ. Mỗi người đều phải tái thiết lại bầu trời hy vọng và hòa bình của mình.

Bầu trời của nhân loại ngày nay thực ra đã bị tan tác trong trận đại tranh đấu giành lấy tài phú và quyền lực. Thế giới đương lần mò đi trong bóng tối của tư lợi và ô trọc. Người ta dùng ác tâm để mua tri thức, người ta làm điều thiện chỉ cốt để trục lợi riêng. Đông phương và Tây phương chẳng khác gì hai con rồng lồng lộn trong một biển cuồng loạn, tranh đấu một cách vô hiệu để giành giật nhau viên bảo ngọc của nhân sinh. Chúng ta cần một người như Nữ Oa để chỉnh lý lại sự tàn phá, chúng ta mong Đại Thiên Thần hạ giới. Trong khi ấy, chúng ta hãy cùng nhau nhắp một chén trà. Ánh sáng xế trưa đương chiếu vào bụi trúc, dòng suối đương róc rách vui tai, và tiếng ngàn thông đương rì rào trong ấm trà của chúng ta. Hãy thả hồn mơ vào chỗ vô thường và lưu liên, tha thẩn trong cái vẻ cuồng dại mỹ miều của sự vật.

Team Uống Trà Thôi sưu tầm
Chén trà nhân loại
1 0 7,381 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Có một rừng trà ngàn năm ở Trung Quốc
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3530 13:04, 24/10/2024
0 0 1,164 0.0
Tọa lạc tại TP Phổ Nhĩ, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cảnh quan văn hóa của rừng trà cổ trên núi Cảnh Mại được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đây là di sản thế giới đầu tiên dành riêng cho văn hóa trà

Khu vực này có diện tích 72km2, bao gồm 9 ngôi làng truyền thống, 5 đồn điền trà cổ do dân làng vận hành, ...
Thành phố hơn 200 năm văn hóa trà
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3517 20:55, 19/10/2024
0 0 1,114 0.0
Bên cạnh một số vùng sản xuất trà nổi tiếng nhất ở Nhật Bản như Kyoto, Shizuoka, Kagoshima…, Matsue - thủ phủ của tỉnh Shimane - cũng được chú ý không kém với văn hóa trà, tập trung vào matcha (trà xanh dạng bột) và wagashi (bánh kẹo truyền thống của Nhật Bản).

Văn hóa trà của Matsue đã trở nên nổi tiếng hơn ...
Khám phá bí mật của enzyme và hương thơm trong trà
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3512 07:05, 17/10/2024
0 0 997 0.0
Enzyme trong trà đóng vai trò quan trọng trong quá trình tạo ra hương thơm và hương vị độc đáo. Hiểu về enzyme giúp khám phá những bí mật của trà, từ màu sắc, hương vị đến lợi ích sức khỏe, mang lại trải nghiệm thưởng thức tinh tế hơn.

Trà không chỉ là một thức uống quen thuộc trên khắp thế giới mà còn ...
Teapresso - Cuộc cách mạng trong văn hóa thưởng trà hiện đại
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3503 10:34, 11/10/2024
0 0 1,403 0.0
Trong thế giới đồ uống sôi động, Teapresso nổi lên như một làn gió mới, thổi hồn vào văn hóa thưởng trà truyền thống. Với công nghệ pha chế hiện đại, Teapresso không chỉ đơn thuần là một phương thức pha trà mới mà còn là sự kết hợp tinh tế giữa truyền thống và hiện đại, mang đến những trải nghiệm ...
Lá trà và hồn Việt: Hành trình văn hóa ngàn năm
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
3499 08:20, 07/10/2024
0 0 2,578 0.0
Trong dòng chảy lịch sử và văn hóa Việt Nam, thưởng trà không chỉ đơn thuần là một thức uống mà đã trở thành biểu tượng tinh thần, phản ánh phong tục và tính cách của người Việt. Trải qua hàng ngàn năm, trà đã gắn bó mật thiết với đời sống dân tộc, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần sâu sắc ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!