Mỗi ly trà giá hàng trăm USD
Các loại trà quý hiếm từ lâu đã có giá cao ngất ngưởng ở Trung Quốc. Quốc gia này từng tổ chức rất nhiều buổi đấu giá trà ngon.Năm 2002, 20 gram Da Hong Pao, loại từng chỉ phục vụ hoàng đế, được bán đấu giá 28.000 USD ở Quảng Châu. Năm 2009, 100 gram trà Taiping Houkui (trà xanh từ An Huy) được bán với giá 31.300 USD ở Tế Nam.
Tháng 12/2021, tập đoàn Sotheby's tại Hong Kong mở cuộc đấu giá trà đầu tiên, tập trung vào trà phổ nhĩ cổ điển. Trong đó, một bánh trà 330 gram (lá trà được nén chặt thành bánh) đã được bán với giá 72.150 USD. Nghĩa là, những loại trà hiếm này có giá khoảng 200.000 - 300.000 USD một kg.
Để hiểu vì sao những loại trà Trung Quốc đắt đỏ đến vậy, nhà văn Maggie Hiufu Wong tìm đến nhà hàng Glassbelly Tea Lab, Hong Kong - nơi bán một trong những giống trà đắt nhất hành tinh.
Bữa chiều với ba món thịnh soạn tại nhà hàng bắt đầu. Bào ngư hay thịt bò Wagyu A4 đều không phải ngôi sao trên bàn tiệc. Tâm điểm là tám ly trà - điều thu hút khách quen đến nhà hàng chuyên về trà đá ô long này. Bên trái bày ba ly nhỏ chứa lần lượt: trà phổ nhĩ thô ướp hương mận (puerh), trà đen Vân Nam (Gold Needle Dian Hong) và rougui - một loại trà ô long mọc trên núi đá Vũ Di, Phúc Kiến có mùi than bùn. Bên phải là trà Full Blossom Rougui.
Mặt hàng được đánh giá cao nhất tại Glassebelly là Niu Lan Keng rougui. Đây là loại trà ô long quý hiếm, mọc bên con suối nằm trong thung lũng cùng tên với dãy Vũ Di. Giá bán lẻ cho 25 gram là 4.560 USD, tương đương gần 185.000 USD một kilogram theo tỷ giá hiện tại. Một ấm trà nhỏ chứa 150-200 ml nước, thường được pha với 5 gram lá trà. Một nhúm trà ngon có thể pha tới 10 nước.
Để hiểu giá trị của trà, bạn phải biết thế nào là trà ngon, theo Wing Yeung - người sáng lập Glassbelly. "Hãy nếm thử. Đây là Niu Lan Keng Rougui. Chúng tôi không pha loại trà này thường xuyên đâu", Yeung cười nói. Sau đó, cô rót ấm trà trị giá 3.577 USD vào những chiếc chén nhỏ mời khách.
Hớp đầu tiên sẽ khiến bạn tê đầu lưỡi, sau đó thoang thoảng vị của cam quýt và gỗ đàn hương. Mùi thơm, vị ngọt hậu hiện lên một cách rõ ràng, sống động trên đầu lưỡi. Vị ngọt này đặc biệt ở chỗ đem đến cảm giác tươi mới, kèm một chút đăng đắng.
Khi thưởng thức, mọi thực khách đều tĩnh lặng hơn để tập trung vào dư vị kéo dài của ngụm trà. "Tôi nghĩ rằng trà ngon có hương vị rất riêng. Đó chính là những gì bạn đang tìm kiếm, nó cũng trả lời cho câu hỏi vì sao trà lại có giá cao đến vậy. Nhưng ngần ấy trà vẫn rẻ hơn một chai vang đỏ xa xỉ cơ mà. Vậy nó có thực sự đắt không?", Yeung nói.
Bên cạnh hương vị tuyệt hảo, trà đắt một phần vì nguồn gốc quý hiếm. Ví dụ, Da Hong Pao (Đại Hồng Bào), cũng là một loại trà đá đắt đỏ. Ngày nay, chỉ có khoảng sáu gốc trà cổ thụ trên núi đá Vũ Di, theo BBC. Năm 2005, 20 gram lá trà cuối cùng từ những cây mẹ này được đưa vào Bảo tàng Quốc gia ở Bắc Kinh, đến nay không hái thêm.
Hiện những cây trà Da Hong Pao cao cấp được lấy giống từ sáu cây mẹ này, và hoạt động khai thác hàng năm cũng rất hạn chế. Ngoài ra, trà hơn nhau ở một điểm: chế biến thủ công hay thương mại. Tất nhiên, những lá trà được sao thủ công bao giờ cũng đắt hơn.
Nguồn: VnExpress