Hoạ sĩ Lê Lam qua đời ở tuổi 91. (Ảnh: Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm)
Ngày 28/3, theo thông tin từ gia đình, họa sĩ Lê Lam vừa qua đời. Ông hưởng thọ 91 tuổi. Sự ra đi của ông là mất mát lớn đối với nền mỹ thuật nước nhà. Họa sĩ Lê Lam tên thật là Vũ Quốc Ái, sinh năm 1931 tại Đông Anh, Hà Nội. Thuộc thế hệ họa sĩ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ông đã dành hết thời gian và tâm lực của mình cho sáng tác về đề tài cách mạng, lực lượng vũ trang; là tác giả nổi tiếng có nhiều tác phẩm xuất sắc, góp phần quan trọng vào sự phát triển của nền Mỹ thuật hiện đại.
Họa sĩ Lê Lam tham gia Cách mạng từ năm 1945, làm Đội trưởng đội Thiếu niên Tiền phong hoạt động trong An toàn khu của Trung ương Đảng ở Đông Anh, Hà Nội. Toàn quốc kháng chiến bùng nổ, ông lên Việt Bắc. Năm 1950, ông học khóa đầu của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam khi đó thành lập tại chiến khu Việt Bắc, trực tiếp được họa sĩ Tô Ngọc Vân truyền dạy. Năm 1953, ông về công tác tại Báo Ảnh Việt Nam và năm 1954 ông chuyển sang làm họa sĩ của Báo Quân đội Nhân dân...
Trong thời kỳ này, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm sơn dầu, thuốc nước, khắc kẽm, mực nho tham gia các Triển lãm Mỹ thuật. Tại Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1955, tác phẩm “Từ giờ từng phút hướng về miền Bắc” của ông được tặng giải Nhì, cùng 04 tác phẩm khác được chọn trưng bày.
Năm 1958, ông được cử sang Liên Xô học và tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Quốc gia Kiev. Về nước năm 1964, ông được phân công công tác làm giảng viên, chủ nhiệm Khoa Đồ họa trường Mỹ thuật Công nghiệp. Ngày 1/9/1965, họa sĩ Lê Lam đã tổ chức triển lãm cá nhân đầu tiên với bộ tranh Đồ họa khổ lớn có tên “Từ tuyến đầu Tổ quốc” (20 bức), chất liệu than và phấn màu; bộ tranh minh họa “Kiều” (12 bức), chất liệu thuốc nước và vinh dự được đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến xem triển lãm.
Triển lãm lần ấy cũng là cơ duyên đưa ông ra chiến trường để tận mắt ghi chép các tư liệu thật về con người trong chiến đấu, bởi ông cho rằng phải đi, phải nghiên cứu thì mới có cảm hứng sáng tác và tác phẩm mới có hồn và đi vào lòng người. Cuối năm 1965, họa sĩ Lê Lam lên đường đi B và được phân công công tác ở Phòng Mỹ thuật Giải phóng miền Nam Việt Nam - trực thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam.
Lê Lam chủ yếu vẽ tranh hiện thực, hầu hết từ phác thảo người thật, việc thật. Theo nhà phê bình Bùi Như Hương, ông không chỉ tả thực đơn sơ mà đưa vào đó tính cách, bản sắc con người, dân tộc Việt Nam. Những bức phác thảo của Lê Lam đều ghi rõ địa điểm, thời gian thực hiện, giúp người xem không chỉ thấy hình ảnh mà cả thông tin, câu chuyện xung quanh nhân vật, sự kiện ông muốn ghi lại.
Trong gần 10 năm ở chiến trường miền Nam, họa sĩ Lê Lam đã đi hầu hết các tỉnh, thành từ Đông Nam Bộ đến Đồng bằng sông Cửu Long để sáng tác, mở lớp dạy vẽ, bồi dưỡng cán bộ mỹ thuật cho đơn vị quân đội, cơ quan thuộc các tỉnh thành B2 và tham gia mọi công việc khác liên quan đến mỹ thuật ở Vùng Giải phóng.
Ông đã dành nhiều thời gian cho sáng tác dù điều kiện chiến tranh ác liệt và gian khổ. Bộ sưu tập tranh của ông có gần 3000 bức ký họa và phác thảo. Có thể kể tới một số tác phẩm ký họa màu nước, bút sắt, nay đã được Bảo tàng Mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh sưu tập như “Anh Hai Điểm” (30/9/1967); “Dừa nước” (1967); “Ăn liên hoan” (20/7/1969); “Làm củi” (13/1/1969); “Nữ pháo binh Sài Gòn” 29/3/1969; “Vác DKB, Nguyệt và Tuyến” (1970); “Thồ đế cối 120 ly” (1970); “Trong khu căn cứ”; “Thanh niên Xung phong giải phóng miền Nam, Trơn và Trợt”; “Thanh niên Xung phong nghỉ”...
Và cũng trong thời gian này, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm sơn dầu, nổi tiếng nhất là bức tranh “Dừng lại” (1967) thể hiện khí phách anh hùng của người Phụ nữ Nam bộ trong Kháng chiến chống Mỹ. Ông còn vẽ nhiều tranh khắc gỗ, tranh cổ động, tiêu biểu là tranh “Bảo vệ chính quyền nhân dân” được in với số lượng 18.000 bản, trưng bày tại Đại hội Đại biểu Quốc dân (ngày 8/6/1969) và phát hành rộng rãi.
Năm 1973, ông trở lại Hà Nội, làm họa sĩ tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật Việt Nam, Ủy viên Đảng đoàn Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đến năm 1978 ông được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, sau là Giám đốc Xưởng Mỹ thuật Quốc gia (trực thuộc Bộ Văn hóa) cho đến năm 1981, năm 1990 ông nghỉ hưu.
Họa sĩ tiếp tục sáng tác nhiều tác phẩm về đề tài kháng chiến chống Mỹ cứu nước bằng chất liệu sơn dầu, sơn mài, lụa, nhiều tranh đồ họa với phong cách trau chuốt và tinh tế, tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước và đạt nhiều giải thưởng.
Uống Trà Thôi
Theo VOV.VN