/Uống trà thôi
Tải ứng dụng
Trang chủ / Chia sẻ

Bí mật văn hóa trà đạo Nhật Bản

1708 09:21, 02/04/2022
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT

( từ)

Bí mật văn hóa trà đạo Nhật BảnLễ thức dùng trà của người Nhật - Nguồn ảnh: Internet
Với lịch sử hơn 400 năm tuổi, trà đạo Nhật Bản luôn mang nét đặc biệt cùng những giai thoại hiếm có. Văn hóa Trà đạo Nhật tuy nhẹ nhàng nhưng không kém phần tinh tế và tỉ mỉ từng chi tiết. Ngoài những nghi thức độc đáo về cách pha trà và thưởng trà, bộ trà và phòng trà cũng được bày trí thật cẩn thận.

Ở Nhật Bản, không ít trường đại học, cao đẳng thành lập hẳn một “khoa trà đạo”. Phần lớn sinh viên ở các khoa trà đạo là nữ, đặc biệt là những người phụ nữ sống tại Kyoto cũng theo học. Hằng năm, vào tháng 10, các lớp học văn hóa trà được tổ chức và các lớp này được chia thành các cấp độ từ 1 đến 4. Kết thúc mỗi khóa học sẽ là những cuộc thi.

TS Sen Soshitsu XV, hậu duệ đời 15 của đại trà sư Sen Rikyiu (1522-1591, người đặt nền móng cho trà đạo ở Nhật Bản vào thế kỷ XVI), nhận xét: “Trà đạo, dưới con mắt của nhiều người nước ngoài thường xuyên bị bao phủ trong một tấm màn huyền bí.

Người ta lý giải cách vận hành của trà đạo Nhật Bản khá đơn giản, nó tuân thủ theo nguyên lý: Một nhóm bạn tụ họp gặp nhau trong vài giờ, cùng nhau hàn huyên, dùng chút thức ăn nhẹ, thưởng thức vài chén trà (dĩ nhiên tuân theo cung cách nhất định) và buông mình vào khoảnh khắc hoàn toàn thư giãn giữa cuộc sống luôn luôn sôi động, đầy rẫy những chuyện trớ trêu.

Một giai thoại về đại trà sư Sen Rikyiu mà mọi người thường rỉ tai nhau trong mỗi lần thưởng trà: Một lần đại trà sư Rikyiu tự tay pha chế trà mời vài người bạn thân thưởng ngoạn. Ai nấy đều cảm thấy vô cùng thoải mái, như thể vừa xuất thần. Một người hỏi đâu là bí quyết, Rikyiu đáp: “Bí quyết ở chỗ các vị chuẩn bị tâm thế khiêm cung khi thưởng thức trà”. “Thì ai chẳng biết chuyện ấy” - người bạn nói.

Rikyiu cười: “Vậy thì xin bạn hãy bắt tay chuẩn bị trà hầu quý khách như tôi vừa làm. Tôi sẽ là khách mời của bạn và có thể sẽ trở thành một môn đồ của bạn cũng nên”.

Tuy vậy, trà đạo có những phép tắc riêng của nó. Theo đại trà sư Sen Rikyiu, những phép tắc ấy gói gọn trong bốn từ gốc Hán: wa -kei - sei - jaku (hòa, kính, tịnh, mịch). Chúng yêu cầu những người cùng dự lễ thức trà (chanoyu - trà thang) chấp nhận một số quy tắc ứng xử, nhiều khi cũng khiến ai chưa quen cảm thấy gò bó.

Tuy nhiên, theo môn đồ trà đạo, chanoyu chẳng qua là thực hiện những việc vẫn diễn ra thường xuyên trong cuộc sống hằng ngày: Vài người bạn ngồi xuống chiếc chiếu, dùng chung một bữa cơm, thưởng thức chén trà.

Bốn từ wa - kei - sei - jaku không hàm chứa những gì quá ư cao siêu, huyền bí, ngoài khuôn khổ cuộc sống thường nhật. Đại trà sư Sen Rikyiu có lần giải thích: “Chanoyu đơn giản là việc nhặt gom than củi, đun sôi siêu nước và pha trà uống với nhau - chỉ có thế mà thôi”.

Wa (hòa) có nguồn gốc từ Khổng giáo, là đức của con người và cuộc đời. Hòa, thuận hòa, hài hòa, hòa bình, hòa hợp, hòa đồng... chúng ta ai cũng đều rõ nội dung song quan niệm về hòa của trà đạo nhấn mạnh một số nét riêng.

Hòa đòi hỏi mọi người trong trà thất tự chuẩn bị cho mình một tâm thế hài hòa với khung cảnh, kiềm chế lòng vị kỷ và sự nóng giận, làm sao cho tư duy và hành xử của mình hòa hợp với mọi người.

Chữ hòa của trà đạo đề cao tính trang trọng và nét thanh bần vốn là tinh chất của cuộc đời bình dị, nhờ vậy tạo nên được khoảnh khắc tách biệt hẳn cuộc sống xô bồ hiện hữu bên ngoài.

Hòa đòi hỏi mọi người đồng thuận thực hành một số quy định như cúi người đến mức nào khi chào nhau, chuyện trò trong trà thất nên hướng vào những chủ đề gì, khách dự cần giữ im lặng đến lúc nào mới nên cất lời phá bầu không khí tĩnh mịch…

Ý nghĩa sâu xa của chữ hòa ở đây là sự bình đẳng xã hội của mọi người trong trà thất. Đã vào đây thì ai cũng như ai, không cần biết thân thế của mỗi người cao sang hay hèn kém.

Sự bình đẳng này giúp cho mọi người ít nhất trong chốc lát cảm thấy mình hoàn toàn tự do, không chịu bất cứ sức ép nào và từ đâu đến. Bình đẳng không có nghĩa là hỗn độn mà đã thỏa thuận giữa các khách mời với nhau trước khi bước vào trà thất: Ai sẽ là người ngồi vào chỗ danh dự, mỗi người sẽ có phần việc gì...

Để tạo nên khung cảnh và tâm thế ấy, trà thất - cho dù làm riêng biệt hoặc thu xếp một nơi ngay trong nhà ở - đều phải tạo cho được vẻ giản dị, thanh bần. Do đó, có quy ước trà thất chỉ rộng bằng 4, 5 chiếc chiếu, trong một túp lều tranh là tốt nhất. Khách đến dự nếu là võ sĩ phải tự mình tháo kiếm gác ngoài hiên; những người quyền lực, giàu sang được khuyến cáo nên ăn mặc giản dị...

Kei (kính) thể hiện hòa trên bình diện ứng xử cá nhân. Nó cũng đòi hỏi trước hết trang trọng và khiêm cung. Tại chương Thưởng ngoạn nghệ thuật của cuốn Trà thư (Phan Quang dịch và giới thiệu, NXB Văn hóa - Hà Nội 2009) tác giả Kakuzo Okakura (1862 - 1913) minh họa rất khéo chữ kính của trà đạo bằng một biểu tượng rút từ tích xưa Cây đàn đợi chủ.

Tư duy nghệ thuật của Đạo cho rằng cái đẹp tồn tại ở cái nhìn của người thưởng ngoạn nghệ thuật. Kính thể hiện ở chỗ người và người thật lòng tôn kính lẫn nhau; mọi người phải tôn kính thiên nhiên như tự nó tồn tại, chớ nên can thiệp thô bạo vào. Giai thoại về Sen Sotan, một đại trà sư trứ danh khác thời xưa, minh họa điểm này:

Một hôm, nhà sư trụ trì chùa Daito sai một chú tiểu mang tặng ông bạn trà một cành hoa trà rất đẹp. Dọc đường, chú tiểu sơ ý làm rụng mất đóa hoa lớn nhất.

Cân nhắc hồi lâu, chú quyết định mang cành cùng với đóa hoa rụng đến dâng trà sư với lời tạ lỗi. Cách ứng xử của chú tiểu chứng tỏ chú biết tôn kính một vật tầm thường là bông hoa rụng.

Trà sư Sen Sotan đón nhận cành hoa, cho vào cái lọ đẹp nhất và treo nơi trang trọng trong trà thất rồi đặt bông hoa rụng xuống dưới sàn. Nhờ chữ kính của cả hai thầy trò, cành trà hoa vẫn tự nhiên, tựa không có chuyện gì xảy ra.

Trong quan hệ xã hội, kính đòi hỏi con người trân trọng người khác, không nuôi ác ý, tà tâm đối với đồng loại, cố gắng vượt qua mọi toan tính ganh đua. Mỗi lần tiếp khách là mỗi lần chủ nhân phải tự coi như đây là cơ hội duy nhất trong đời có được vinh dự này. Còn khách, khi đón nhận chén trà từ tay cung kính của chủ nhân, hãy xoay chiếc chén đúng một vòng trong đôi bàn tay khum lại của mình.

Cử chỉ này không chỉ tỏ lòng kính trọng chủ nhân mà là tôn kính cả chiếc chén đang cầm, trong khi lòng dặn lòng hôm nay ta có được niềm vui uống ngụm chè này, trong chiếc chén này, tại trà thất này, cùng với những người bạn này, đây là cơ hội duy nhất của đời ta; niềm vui này, vinh dự này, khung cảnh này sẽ không lặp lại lần thứ hai.

Sư phụ của đại trà sư Rikyiu đã dạy ông điều đó, qua mấy câu thơ mà cụ vẫn thích ngâm nga, tạm dịch ý: Từ lúc đặt chân lên lối đi trong vườn (roji) để tới trà thất / Cho đến khi giã từ / Bạn hãy hết sức kính nhường chủ nhân / Không một phút được quên / Cuộc gặp gỡ hôm nay / Là cơ hội duy nhất của đời mình. Trong cuộc sống hằng ngày, giá mọi giao tiếp giữa người và người đều được đặt trên nền tảng ấy thì cuộc đời tốt đẹp xiết bao.

Sei (tinh) không chỉ là đặc điểm quán xuyến lễ thức trà mà là một nét đẹp rất đặc trưng trong lối sống của người Nhật, bắt nguồn từ ảnh hưởng của Thần đạo.Trà thất trông thô sơ, thanh bần vậy mà cực kỳ sạch sẽ. Khi tiến hành lễ thức trà, tuyệt nhiên không thể tìm thấy ở đâu trong trà thất hay mọi vật dụng một hạt bụi. Hơn thế, còn phải đốt trầm thơm xông gian phòng cho tinh khiết trước khi rước khách vào.

Con đường (roji) cũng hết sức sạch sẽ - sạch sẽ mà vẫn tự nhiên như Kakuzo Okakura đã mô tả trong Trà thư và cụ thể hóa qua giai thoại vị đại trà sư với người con trai được giao nhiệm vụ quét con đường.

Bởi con đường ấy còn tượng trưng cái nẻo mà người đời ai cũng sẽ phải trải qua để đi vào một thế giới khác. Và, muốn vào được chốn tinh khiết vĩnh hằng, lẽ đương nhiên con người phải gột sạch bụi trần.

Jaku (mịch) không chỉ là cảnh tịch mịch tạo nên nơi trà thất. Phòng trà phải làm sao tạo được sự tĩnh mịch. Khách cũng phải cùng tạo nên môi trường ấy. Không ai nói to trong trà thất. Không ai ngỏ lời khi một bạn đang thưởng thức chén trà. Mọi cử chỉ đều có sự cân nhắc.

Mịch của trà đạo không chỉ là sự thể hiện trong khoảnh khắc ngắn ngủi tại một nơi gặp gỡ tạm thời mà là ước vọng tạo nên một cuộc sống luôn yên tĩnh, thanh bình. Nó thể hiện quan niệm Phật giáo về Niết bàn.

Đại trà sư Rikyiu nói rõ điểm này: “Lễ thức trà trước hết phải tiến hành cho đúng lời Phật dạy. Vui thích vì được sống trong dinh thự cao sang hay thường xuyên thưởng thức của ngon vật lạ, những chuyện ấy đều thuộc về cuộc sống trần tục.

Mọi nơi ở đều tốt, chỉ cần có được một tấm mái che nắng mưa, không bị gió thổi bay; mọi thức ăn đều là đủ nếu nó giúp con người không phải chết đói. Môn đồ trà đạo gom mấy khúc củi và đun sôi nước. Rồi dâng cúng Phật, sau đó mời bạn bè và mình là người thưởng thức sau cùng. Trước đó, hãy bày mấy cành hoa và đốt lên mấy mảnh trầm...”.

Theo tinh thần Đạo và Thiền, người ta chỉ có thể nhìn thấy cái đẹp đích thực nơi cái không hoàn hảo, cái dở dang. Bởi sinh lực của đời và của cái đẹp là ở khả năng tiếp tục phát triển của nó, ở chỗ nó luôn vươn tới sự hoàn thiện.

Uống Trà Thôi
Theo tạp chí kinh tế
Bí mật văn hóa trà đạo Nhật Bản
Bí mật văn hóa trà đạo Nhật BảnTrà đạo là một văn hóa tại Nhật Bản - Nguồn ảnh: Internet
0 0 10,618 0.0
Đánh giá của bạn
1+
2+
3+
4+
5+
6+
7+
8+
9+
10+

Bình Luận

Đăng nhập để bình luận cho bài viết

Có thể bạn quan tâm

Quy trình chế biến trà Shan tuyết
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
2987 13:51, 09/11/2023
1 0 3,349 0.0
Tắm nắng, ngậm sương qua từng năm tháng, trà Shan tuyết đã âm thầm chắt lọc tinh túy từ mẹ thiên nhiên để cho ra tách trà có hương thơm nhẹ nhàng thoang thoảng như hoa rừng mới nở, cùng với vị trà ngọt thanh lẫn với cái chát dìu dịu, nước trà vàng sánh như mật ong.

Trong vài năm trở lại đây, trà Shan tuyết ...
Tản mạn đường trà – Đạo trong trà của người Việt
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
2974 09:06, 06/11/2023
1 0 3,531 0.0
Khi đến Nhật Bản, trà được nâng lên một tầm rất cao, được gọi là Trà đạo với những quy tắc ứng xử, từ tư thế pha trà với các trà cụ tạo ra một chén trà không phải ngẫu nhiên mà đều có lý do riêng của nó. Khi trà ở Trung Hoa, tính chất biểu diễn lại được đặt làm yếu tố hàng đầu, mang màu sắc ...
Trà đinh – Loại trà đặc biệt của Việt Nam
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
2966 08:40, 03/11/2023
1 0 3,365 0.0
Trà đinh được ví như “ngọc” quý của trà Thái Nguyên, một trong những sản phẩm vang danh và là niềm tự hào của nghệ nhân trà.

Trà Đinh (hay còn gọi là chè đinh) là phẩm trà cao cấp nhất khi thu hái tất cả mọi loại trà. Đinh ở đây chính là phần búp non nhất của lá trà. Phần búp này chính là cánh trà đang ...
Ký sự: Nửa bình nước Nam Linh
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
2965 16:00, 02/11/2023
2 0 3,563 0.0
Vào mùa xuân năm Nguyên Hòa thứ chín thời Đường (năm 814), Trương Hựu Tân vừa đỗ Trạng nguyên, trở thành Tam nguyên vì đỗ đầu cả ba kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Ông đã hẹn gặp những người thi đậu cùng kỳ tại chùa Tiến Phúc. Trương Hựu Tân và Lý Đức Dụ đến trước, họ nghỉ ngơi trong phòng của nhà ...
Hương vị trà thu
Team Uống Trà Thôi BÀI VIẾT
2957 09:07, 30/10/2023
2 0 4,137 0.0
Chén trà không chỉ có hương vị khác nhau bởi chủng loại, vùng sản xuất mà nó còn ảnh hưởng không nhỏ bởi mùa vụ thu hoạch. Đối với nhiều loại trà, mùa thu chính là thời điểm trà có hương vị có thể nói là tốt nhất chỉ sau mùa xuân, thậm chí trà thu còn có hậu vị còn mạnh mẽ và kéo dài hơn trà xuân.
Mùa ...
GIỚI THIỆU CÁC TRÀ QUÁN
Giúp Uống Trà Thôi tốt hơn mỗi ngày
×
Uống Trà Thôi
Chỉ 30s tải app cực nhẹ và trải nghiệm!