Bức vẽ dài hơn 1,1 m. Ảnh: The Value
Tranh hòa thượng Nguyệt Tuyền của Đường Bá Hổ - nhân tài nức danh thời Minh - trị giá 92 triệu nhân dân tệ (13,7 triệu USD).Theo The Value, Đường Bá Hổ (1470-1524) để lại nhiều tác phẩm văn học, hội họa giá trị nghệ thuật cao, hiện phần lớn tranh, thư pháp của ông được trưng bày ở các bảo tàng. Trong 10 năm qua, một số tác phẩm của Đường Bá Hổ xuất hiện trên thị trường đấu giá, thu hút quan tâm lớn của giới sưu tầm. Tác phẩm giá trị nhất là Tranh Nguyệt Tuyền, được hãng Beijing Poly gõ búa năm 2017.
Tranh Nguyệt Tuyền vẽ nhà sư Nguyệt Tuyền, hiệu Tăng Hạo - từng là trụ trì chùa Linh Cốc (nay thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc). Hòa thượng đội mũ, hướng mặt về hồ nước, xung quanh là cảnh núi non, thác nước, nhà tranh, sương mù, cây cầu gỗ... Cao tăng Nguyệt Tuyền có ảnh hưởng lớn tới giới văn nhân, chính khách đương thời.
Bức tranh ra đời khoảng năm 1515, khi đó Đường Bá Hổ 45 tuổi, đã quy y cửa Phật. Tác phẩm miêu tả cuộc sống ẩn dật của hòa thượng đồng thời thể hiện sự lãnh đạm của Đường Bá Hổ với quan trường, danh lợi, sau khi ông trải qua loạt biến cố, nhìn thấu hồng trần.
Tranh Nguyệt Tuyền là tác phẩm quan trọng của Đường Bá Hổ và là tranh thủy mặc hiếm hoi của ông xuất hiện trên thị trường đấu giá. Trang Artron đánh giá nét vẽ tự nhiên như nước chảy, mây trôi, tiêu biểu cho phong cách hội họa của Đường Bá Hổ giai đoạn cuối đời.
Tác phẩm đắt giá còn nhờ phần thư pháp của hai văn nhân nổi tiếng cùng thời - Chúc Doãn Minh và Văn Trưng Minh. Trong nền nghệ thuật cổ đại Trung Quốc, Đường Bá Hổ, Chúc Doãn Minh, Văn Trưng Minh và Từ Trinh Khanh được mệnh danh "Tứ đại tài tử Giang Nam" nhờ tài hoa xuất chúng.
Trong số tứ đại tài tử, những câu chuyện, giai thoại về Đường Bá Hổ được lưu truyền rộng rãi nhất. Chuyện đời họa sĩ từng nhiều lần lên phim, gắn liền với sự phong lưu, đa tình, đặc biệt trong phim Đường Bá Hổ điểm Thu Hương mà Châu Tinh Trì đóng chính. Theo Sohu, đời thực, số phận Đường Bá Hổ lận đận, nhiều khổ đau.
Năm 25 tuổi, cha mẹ, vợ và em gái Đường Bá Hổ lần lượt qua đời. Nhờ được bạn thân Chúc Chi Sơn khích lệ, Bá Hổ dồn tâm huyết dùi mài kinh sử. Nhưng kết thúc kỳ thi, Đường Bá Hổ bị tố cáo gian lận thi cử, bị tống giam. Sau hơn một năm ngồi tù, Bá Hổ được thả nhưng thanh danh hoen ố, con đường khoa cử, làm quan chấm dứt.
Vết nhơ ngồi tù khiến Đường Bá Hổ biến thành con người khác. Ông sa ngã, phóng túng, thường tới lầu xanh, kỹ viện, rượu chè bê tha. Đường Bá Hổ từng cùng một số bạn thân - trong đó có Chúc Chi Sơn - đóng giả ăn mày, tiền thu được đều dùng uống rượu. Họa sĩ qua đời trong cảnh nghèo túng.
Uống Trà Thôi
Theo vnexpress.net