Câu chuyện Phật giáo "Tỳ kheo bị oan vì con ngỗng" và bài học về sự chịu đựng
Đỗ Thu Nga
Xưa kia có một vị Tỳ kheo đi khất thực ở một gia đình giàu có, chủ nhà cung kính mang theo vật thực để vào cái bát cho ông nhưng vì chiếc nhẫn của bà chủ quá lỏng nên bà vô tình để rơi xuống đất mà không hay biết.
Vị Tỳ kheo vốn là người ít nói, thêm nữa khi đi khất thực nên giữ lễ nghĩa, vì thế ông cố đợi hoàn cảnh thích hợp mới nói. Nhưng trong lúc ông đang đợi thì một con ngỗng lại gần và nuốt mất chiếc nhẫn vào bụng vì tưởng là đồ ăn.
Chủ nhà lúc này đi vào trong nhưng vẫn thấy vị Tỳ kheo đứng đó, cùng lúc bà phát hiện mất chiếc nhẫn. Vừa ngạc nhiên, vừa lo lắng, bà hỏi: "Thưa thầy, Thầy có thấy chiếc nhẫn của con ở đâu không?".
Vị Tỳ kheo im lặng, ông không dám nói ra vì sợ con ngỗng sẽ vì lời của ông mà bị giết và ông im lặng cũng vì không muốn nói dối. Bà chủ nhà thấy vậy tiếp tục gặng hỏi: "Thầy có thấy nhẫn của con không, ban nãy lấy đồ ăn cho thầy con vẫn thấy".
Cũng đúng lúc này, bà chủ nhà nảy sinh ý nghĩ vị Tỳ Kheo nổi lòng tham nên lấy nhẫn. Bà liền túm áo ông và nói: "Chắc ông lấy chứ nãy giờ có ai ngoài ông và tôi đâu".
Sau đó, bà còn đánh vị Tỳ kheo bầm tím cả mặt mày. Cùng lúc, con ngỗng tự nhiên vật vã rồi lăn ra chết, có thể nghiệp của nó đến đó là hết
Đúng thời điểm này, vị Tỳ kheo mới chầm chậm nói: "Tôi thấy con ngỗng nuốt cái nhẫn".
Bà chủ nghe vậy ái ngại phân trần: "Trời ơi, sao thầy không nói cho con nghe, con lỡ đánh thầy rồi".
Vị Tỳ kheo đáp: "Tôi sợ bà giết con ngỗng".
Dù bị vu oan, dù bị đánh đập đau đớn về thể xác nhưng vị Tỳ kheo vẫn không nói thật vì nói thật sẽ làm hại một sinh linh khác. Nhưng ông cũng không muốn mất hạnh chân thật nên đành im lặng.
Bài học sâu sắc về sự chịu đựng
Sự chịu đựng của vị Tỳ kheo rất đáng học hỏi. Nếu áp dụng được vào đời sống thì sẽ rất có lợi. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ khả năng để nhẫn nhịn, chịu đựng như vị Tỳ kheo này. Nhưng từ câu chuyện trên, chúng ta cũng rút ra được nhiều bài học quý báu:
Lời nói cần phải NHẪN
Bài học về sự chịu đựng của vị Tỳ kheo ở trên cho thấy, im lặng là vàng, nhẫn là bạc. Mỗi người đều có một túi phúc của riêng mình, bạn cho gì vào trong thì sẽ thu được điều tương tự. Bạn sẽ cảm thấy khi nhẫn nhịn kiềm chế cơn giận giữ trong người là không phải dễ dàng.
Nhưng bạn nên nhớ rằng nhẫn nhịn là phương thức chìa khóa của người chiến thắng. Thành công thường chỉ xuất hiện trong đời sau khi bạn đã nhẫn lại, kìm nén những nỗi thống khổ mà người thường không thể chịu đựng được.
Nhẫn nhịn là một phép tắc nên học theo của con người. Nhờ vào nhẫn nhịn, con người có thể hoàn thiện các đức tính khác của bản thân, cải thiện bản thân, nâng cao năng suất và chất lượng công việc.
Có nhiều cơn nóng giận phải NHẪN
Phật dạy, càng khôn ngoan thì càng giỏi Nhẫn nhịn. Do đó, hãy học cách bỏ qua những điều vụn vặt, nhỏ nhặt nhất. Đừng tích tụ những bực bội nhỏ nhặt trong lòng. Chỉ vì những chuyện nhỏ mà nổi nóng, hành động mất kiểm soát.
Bạn cũng không nên tùy tiện tức giận hay để người khác dễ dàng chọc giận mình. Đắm mình trong sự tĩnh lặng là chìa khóa vàng giúp bạn mở ra cánh cửa đi tới thành công. Giữ bình tĩnh được chính là sự tu dưỡng lớn nhất ở đời.
Nhưng chớ hiểu nhầm nhẫn nhịn là chịu dựng luồn cúi, chịu đựng thấp hèn.
Có nhiều ham muốn phải NHẪN
Cuộc sống này, ai chẳng muốn ăn ngon mặc đẹp, ở nhà to, đi xế hộp. Nhưng chớ ham muốn đó làm tha hóa lương tâm bạn. Đặc biệt, trong chuyện tình ái khó nói, chẳng thể đoán trước được. Tình cảm chỉ là thứ thoảng qua, bạn thực sự có quá nhiều điều phải làm trên đời thay vì đắm chìm vào ái dục và những ham muốn cảm xúc ấy.
Nếu không nhẫn nhịn được dục vọng tức thời thì cuộc hôn nhân của bạn sẽ chẳng thể có êm ấm. Có thể bạn sẽ làm người bạn đời tổn thương, hoặc đặt cả mái ấm của mình và tương lai của những đứa trẻ trên bờ vực nguy hiểm.
Sống ở đời, phải biết thế nào là đủ, là vừa vặn, như thế cuộc sống mới an yên.
Team Uống Trà Thôi sưu tầm