Họa sĩ: Nguyễn Hoài Hương
ẢNH: SANG NGUYỄN
Nguyễn Hoài Hương và họa sĩ Việt nói gì về ‘nữ hoàng’ của mỹ thuật?Lê Công Sơn
Trong khuôn khổ triển lãm của họa sĩ Nguyễn Hoài Hương (diễn ra đến 28.3) là tọa đàm thú vị về sơn mài - biểu tượng "nữ hoàng" của các chất liệu mỹ thuật Việt Nam, với sự tham gia của nhiều tên tuổi nổi tiếng.
Từ cuối thập niên 1980 đến nay, có một bộ tứ tạo ấn tượng mạnh trong giới mỹ thuật, đó là: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoài Hương và Đỗ Hoàng Tường. Dù mỗi họa sĩ vẫn miệt mài trên con đường sáng tạo mỹ thuật của riêng mình - thỉnh thoảng mới bày chung nhau một "cuộc chơi" - nhưng trên hết vẫn là tình bạn đẹp và đam mê cống hiến hết mình cho nghệ thuật.
Bí mật làm nên thành công cho sơn mài Việt Nam ở... Phú Thọ ?
Với Nguyễn Hoài Hương, triển lãm cá nhân Giấc mơ vừa khai mạc sáng 20.3 tại TP.HCM không chỉ bề thế về quy mô, đa dạng về vật liệu, chất liệu, mà còn tạo nên dấu ấn mới cho tranh sơn mài của họa sĩ tài hoa này. Trong các vật liệu, chất liệu đã dùng để sáng tác, sơn mài mới đến với Nguyễn Hoài Hương gần 4 năm nay, nhưng có lẽ là chất liệu hợp hơn cả.
Nhận xét về các tác phẩm của họa sĩ Hoài Hương, nhạc sĩ Dương Thụ cho rằng: “Tranh sơn mài của Hoài Hương lộng lẫy, rực rỡ nhưng không phải cái lộng lẫy vàng son cổ điển, mà nó tươi mới với một bảng màu không thường thấy trong sơn mài truyền thống: màu tím Huế, màu xanh dương, màu xanh lá cây, màu nâu đất nhạt và màu vàng chanh, tất cả có độ trong mà không quá bóng bẩy. Còn về hình thì hình thiếu nữ khỏa thân, hoa sen, lá sen, lá chuối…. mang nặng tính trang trí, nhưng rất riêng biệt của Hoài Hương, chúng được sắp đặt trong một không gian phi thực, nhưng không có ý vị siêu thực. Một số bức sơn mài trừu tượng là tiếp tục cuộc chơi về màu sắc, về chất thể để thỏa mãn khoái cảm thị giác, nó mạnh mẽ và duyên dáng”.
Xem triển lãm của Nguyễn Hoài Hương, phát biểu tại buổi tọa đàm Giấc mơ diễn ra ngay sau đó, tiến sĩ Mã Thanh Cao, nguyên Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, lên tiếng kêu gọi những người có trách nhiệm, trong đó có các họa sĩ, hãy chung tay để bảo tồn và phát huy thế mạnh của tranh sơn mài, đặc trưng Việt Nam. Còn học trò thân thiết của danh họa Nguyễn Gia Trí là họa sĩ Nguyễn Xuân Việt nhấn mạnh: “Sơn mài là chất liệu có chiều sâu, có giá trị nhất trong các thể loại. Sơn mài Việt Nam tiếp thu toàn bộ giá trị của sơn dầu phương Tây. Nhưng đau lòng là nhiều bức tranh sơn mài của các thế hệ gạo cội của chúng ta đã bị làm giả, bày bán giá cao trên trường quốc tế. Trong khi đó, các họa sĩ lựa chọn theo đuổi sơn mài trong nước rất vất vả”.
https://thanhnien.vn/nguyen-hoai-huong-va-hoa-si-viet-noi-gi-ve-nu-hoang-cua-my-thuat-post1049606.html
https://vietnamnet.vn/nguyen-hoai-huong-voi-giac-mo-hoi-hoa-721159.html
https://www.phunuonline.com.vn/giac-mo-chat-luong-cua-hoa-si-hoai-huong-a1429997.html