Bức tranh tổ Đạt Ma do họa sĩ Lý Tùng Niên vẽ năm 2013.
Ảnh: Lam Điền
Hôm nay mới biết có một loại trà tên là Trần Niên Lão Trà. Cứ như lâu nay giang hồ dùng trà Tân Cương loại tốt 600k 1 ký, thì MaoPhong 300k 1 lạng. Và Trần niên lão trà thì 2000k 1 lạng. He he
Chủ tiệm họ Tất, nghe nói có người vào Đề Ngạn thăm Lý lão sư, bèn gởi lời thăm. Và kể rằng thân phụ họ Tất năm xưa may mắn sở hữu được một bức tranh Lý lão sư vẽ con vượn. Theo lời Tất chủ tiệm thì bức tranh hay lắm, con vượn mắt rất sáng, nhìn rất thật “y như ảnh chụp vậy”, nói vậy thôi chứ Tất chủ tiệm đâu có đưa bức tranh ra cho mình xem, hehe. Điều quan trọng là Tất chủ tiệm cho biết cách đây vài năm Lý lão sư có ý muốn mua lại bức tranh này. Có lẽ lão sư tiếc bức tranh đẹp, hoặc là bút pháp họa pháp của bức tranh ấy ghi dấu một giai đoạn sáng tác quan trọng với lão sư thế nào đó chăng.
Vào thăm Lý lão sư, thấy nhà cửa đang quét dọn, Lý sư mẫu đang lau từng bức tranh thủy mặc. Trên tường có bức tranh vẻ tổ Đạt Ma ngồi thiền khổ lớn rất đẹp, đặc biệt tranh có đoạn chữ ghi chú câu chuyện Đạt Ma đông độ, bút pháp Lý lão sư rắn rỏi hiếm thấy.
Nghe nhắc chuyện bức tranh vẽ vượn ở nhà họ Tất, Lý lão sư nhớ ra, bật cười. Theo lời lão sư thì trước lúc vẽ bức tranh này ông đã dành một tuần liền ngày nào cũng vào thảo cầm viên xem vượn, từ cách nhảy chuyền cành đến mỗi sinh hoạt trong ngày của nó… Và rồi ông chọn vẽ lúc con vượn này vạch tóc trên đầu con kia. “Người ta nói đó là con vượn bắt chí, nhưng thiệt ra là không phải đâu nghen”, thầy Lý nói. “Chính tôi hỏi người phụ trách chuồng vượn, ông ta nói con vượn không có chí đâu, và động tác nó cứ vạch tóc trên đầu con kia, rồi bắt lấy cái gì đó cho vào miệng, thật ra là thế này: loài vượn không tắm rửa, nên trong khi hoạt động mồ hôi đầu đổ ra, đọng lại khô thành những hạt muối nhỏ, con này “bắt chí” cho con kia thực ra là vạch lượm mấy hạt muối mặn mặn ấy cho vào miệng”. Ái dà, cái này thì đúng là mới nghe luôn. Lý lão sư nói thêm: Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư, người trông coi chuồng vượn cũng là thầy mình được đó. Mình chỉ biết im lặng trước một quan điểm của Nho gia mà thầy Lý nhắc lại.
Rồi cũng nói đến chuyện thư pháp, mới biết thầy còn dạy lớp tại nhà. Thầy cho biết hiện có mấy em trẻ tuổi nhưng siêng năng luyện tập, hy vọng sẽ thành trong nghề thư họa. “Thành ra tôi không được nghỉ hưu đâu”, thầy cười. Mình nhớ câu “Giáo nhân bất quyện” cũng của Nho gia, thật đúng với trường hợp của thầy. Và khi thầy nói: Nên chọn một môn nghệ thuật để tập luyện, và để chơi, kết giao với mọi người, cũng hay mà. Quả là rất hay ấy chứ!
25 tháng chạp Quý Tỵ, 2014.
Team Uống Trà Thôi sưu tầm